Aa

Kỳ 3: Làm xanh quá khó nên mới “chém gió”?

Chủ Nhật, 25/11/2018 - 23:30

Hiện tượng các công trình tự gắn mác “xanh” nhằm mục đích quảng cáo ngày càng nhiều nhưng lại không có những đóng góp thực chất cho môi trường vã xã hội khiến cho khái niệm nhà ở xanh ngày càng trở nên “đáng sợ” trong con mắt khách hàng, thậm chí còn ảnh hưởng đến những dự án xanh thực sự. Phải chăng vì phải tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe về thiết kế, xây dựng, môi trường, vật liệu xây dựng… đã khiến chủ đầu tư gặp khó nên phải “làm giả”?

Nhiều chứng chỉ làm khó doanh nghiệp?

Các tổ chức nghiên cứu và chứng nhận công trình xanh ở mọi quốc gia đều cố gắng đưa ra định nghĩa về công trình xanh chính xác và phù hợp nhất với nhu cầu và hoàn cảnh riêng. Theo đó, đa số các hệ thống đánh giá đều cố gắng lượng hóa mức độ “xanh” của các công trình thành con số cụ thể. Ví dụ như phần trăm giảm sử dụng năng lượng hoặc nước của công trình, hay số lượng loại sinh vật tồn tại trong khu đất, hay khoảng cách giao thông từ công trình tới các tiện ích…

Với mọi khía cạnh xanh được cụ thể hóa và đo đếm được, các hệ thống có thể áp đặt hệ tính điểm để so sánh mức độ xanh của công trình này với công trình khác. Đặc biệt, sự xuất hiện của hệ đánh giá khoa học sẽ giúp chấm dứt tình trạng “tẩy xanh” (green wash) với các sản phẩm tự gán mác “xanh” nhằm mục đích quảng cáo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Hiện Việt Nam đang sử dụng 5 loại chứng chỉ xanh khác nhau gồm CTX 2013 của Bộ Xây dựng; EDGE 2015 của IFC, Green Mark 2010 của Website BCA- Green Mark; Lead 2007 của Website Hội đồng Công trình Xanh Mỹ và Lotus 2009 của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam để cấp chứng nhận cho các dự án. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các tiêu chí chuẩn xanh khắt khe này cũng vô tình khiến nhiều nhà đầu tư “e ngại” trong quá trình làm dự án xanh.

Hiện tượng các công trình tự gắn mác “xanh” nhằm mục đích quảng cáo ngày càng nhiều

Hiện tượng các công trình tự gắn mác “xanh” nhằm mục đích quảng cáo ngày càng nhiều

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội môi trường xây dựng Việt Nam, xu hướng xây dựng và phát triển công trình xanh là tất yếu, được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu, mang lại hiệu quả cao cho cả người sử dụng và chủ đầu tư. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ta chưa có tiêu chuẩn xanh quốc gia nên hầu hết các dự án xanh đều do chủ đầu tư lựa chọn tiêu chuẩn của các đơn vị tư vấn nước ngoài. Trên thực tế, các tiêu chuẩn trên đều giống nhau ở 6 yếu tố cơ bản mà quốc gia nào cũng phải theo, gồm: Địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vật liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường; chất lượng môi trường trong nhà tốt; thiết kế sáng tạo, mới mẻ. Nếu đánh giá một cách khách quan thì các tiêu chí khi áp dụng về Việt Nam cũng cần những thay đổi linh hoạt phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu Việt Nam.  

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho hay: “Hiện có quá nhiều tiêu chí xanh vô tình khiến các chủ đầu tư lan man, không biết nên chọn xây dựng theo tiêu chí nào là thích hợp. Ví như tiêu chí xanh Lotus của VGBC (Việt Nam) chú trọng đánh giá các tác động tiêu cực tới môi trường; sử dụng tài nguyên hiệu quả; mức độ tiện nghi của người sử dụng trong các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành...

Trong khi, tiêu chí Edge của Mỹ chỉ cần công trình tiết kiệm từ 20% năng lượng, nước và vật liệu. Thực trạng mỗi công trình xanh một tiêu chuẩn, hoặc không theo tiêu chuẩn nào cũng bởi cơ quan quản lý nhà nước chưa có định hướng chiến lược và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công trình xanh. Do đó, Việt Nam cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí quốc gia về công trình xanh”.

Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu về công trình xanh, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị Xanh phân tích: Thông qua khảo sát có thể thấy, những công trình tự gắn mác “xanh” mới chỉ dừng ở bề nổi bên ngoài, lạm dụng trồng cây xanh lên mặt tiền, mái công trình mà thiếu các phương án chăm sóc bảo dưỡng vận hành hợp lý. Một số công trình cũng chưa thực sự quan tâm đến sự hợp lý về tổ chức vi khí hậu, tổ chức công năng cho phép tối ưu hóa thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Sử dụng các hình khối thiếu nghiên cứu không phù hợp với các điều kiện văn hóa, xã hội, tự nhiên, môi trường của Việt Nam, thiếu các hiểu biết về bức xạ nhiệt nên các hướng có nhiều cửa sổ quay trực tiếp về hướng nắng chủ đạo gây tốn kém cho công trình.

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh: “Không ít công trình tự gắn mác “xanh” đã lạm dụng sử dụng các loại vật liệu, thiết bị đắt tiền nhập khẩu từ nước ngoài có chi phí đầu tư, bảo dưỡng, vận hành lớn hay sử dụng hệ thống vách kính cho mặt tiền công trình có chi phí lớn và gây tốn kém cho điều hòa, thông gió mà thiếu đi giải pháp mang tính tổng thể nhằm giải bài toán kiến trúc đa nghiệm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Theo đó, việc xây dựng những bộ công cụ đánh giá về công trình xanh cần lựa chọn tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và chọn lọc khi về Việt Nam sẽ giúp chấm dứt tình trạng này”.

Tại dự án Capital Garden, những yếu tố “xanh” mà nhà đầu tư đưa ra mới nằm “trên giấy”

Tại dự án Capital Garden, những yếu tố “xanh” mà nhà đầu tư đưa ra mới nằm “trên giấy”

Hiểu thế nào cho đúng?

Nắm bắt được nhu cầu của người mua nhà khi hướng đến không gian sống xanh, nhiều dự án bất động sản chào bán đều được giới thiệu là dự án xanh hay căn hộ xanh. Nhưng thực tế, số lượng công trình xanh thực chất tại Việt Nam vẫn khá khiêm tốn và để đáp ứng cầu trong khi cung thiếu thì nảy sinh gắn mác xanh dường như là điều tất yếu.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban nghiên cứu và phát triển Capital House cho hay, công trình xanh không còn là khái niệm mới trên thế giới nữa khi mà đã từ lâu, rất nhiều nước đã có hệ thống đánh giá công trình xanh riêng và phù hợp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức. Những giá trị to lớn mà công trình xanh mang lại cho người sử dụng, chủ đầu tư đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia nói riêng và sự tồn tại bền vững của toàn cầu nói chung vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và đúng đắn tại Việt Nam.

Ông Bách cho rằng, đại đa số chủ đầu tư, người mua nhà, các sàn giao dịch bất động sản cũng hiểu khá sai lệch khái niệm công trình xanh. Thứ nhất là hiểu công trình xanh chỉ đơn giản là nhiều cây xanh. Nhiều cây xanh không phải là sai, nhưng nó chỉ là một trong những yếu tố góp phần xanh hóa công trình. Cây xanh đem lại bóng mát và bầu không khí trong lành, vô cùng có tác dụng trong việc điều hòa không khí trong không gian công trình. Tuy nhiên, "xanh" không chỉ đơn giản là vậy.

Cách hiểu thứ hai là công trình xanh vô cùng đắt đỏ và chỉ có những tòa nhà hạng sang mới có khả năng đoạt chuẩn xanh. Rất nhiều người cho rằng công trình xanh có mức chi phí cao hơn 10 -30% công trình thường. Điều này đúng nếu tòa nhà đó chỉ chú trọng áp dụng những giải pháp công nghệ và kỹ thuật hiện đại và đắt tiền mà không chú ý đến các tiêu chí khác như thiết kế thông minh hay vật liệu thân thiện. Đây là một rào cản không nhỏ cho việc xanh hóa công trình tại Việt Nam.

Ông Bách nhấn mạnh: "Rào cản lớn nhất ở đây chính là vấn đề nhận thức. Hiểu được những kiến thức cơ bản về công trình xanh, các chủ đầu tư sẽ vượt qua rào cản về mặt kỹ thuật để hiện thực hóa các công trình xanh, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng. Bên cạnh đó, nếu hiểu đúng thì người mua nhà cũng sẽ lựa chọn được cho mình những công trình, căn hộ, dự án xanh thực sự".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top