Aa

Kỳ 3: Người hành nghề “phiên dịch xuyên... chính thể”

Thứ Hai, 12/03/2018 - 06:00

“Hai cộng đồng ấy mở cửa nhìn nhau và đều khó khăn trong việc diễn đạt các nguyện vọng của mình. Thứ họ cần là phải có một kẻ phiên dịch. Và tôi lập công ty này với ý đồ trở thành kẻ phiên dịch sớm nhất cho sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, hai hệ thống chính trị và hai mức độ phát triển”.

Xem loạt bài "Ký hoạ Nguyễn Trần Bạt"

Kỳ 1: “Một con sói trong nghề khai thác chất xám!”

Kỳ 2: Từ lý tưởng đến khởi nghiệp

Xin bạn đọc đừng vội thắc mắc về hai chữ phiên dịch, bởi cách phiên dịch của Nguyễn Trần Bạt, nhất định không thể là thứ phiên dịch ngôn ngữ thông thường.

Giờ đây, khi bạn ra đường, thứ làm bạn hoa mắt là vô vàn loại hàng hóa. Đôi khi nó khiến bạn choáng ngợp, đến mức nhiều khi thấy chính mình lạc lõng. Đó là cảm giác hoàn toàn chân thực. Nhưng nếu bạn sinh ra và sống cách đây khoảng 40 năm, bạn sẽ thấy tất cả những thứ đó, ngay cả trong giấc mơ khiêm tốn nhất về phép lạ, cũng đừng mong nó xuất hiện. Và rồi bạn sẽ tự hỏi: Điều gì đã khiến có một sự thay đổi kỳ diệu như vậy? Bạn có thể hỏi tiếp: Những thứ đó được sản xuất, phân phối như thế nào, để nó trở thành thứ không có quốc tịch cụ thể? Bạn chắc chắn tự hỏi thêm một số câu nữa. Nhưng câu hỏi sau đây: “Ai đưa chúng vượt qua các rào cản?”, rất có thể lại không phải là điều bạn quan tâm. Bạn không hề đáng trách, bởi chuyện đó giờ thành quá cũ rồi.

Nhưng nửa thế kỷ trước thì nó là câu chuyện viễn tưởng.

Vậy mà từ khi đó, vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Trần Bạt đã chuẩn bị để góp sức biến câu chuyện viễn tưởng thành thứ quá bình thường đến mức chả ai quan tâm, khi ông âm thầm nghiên cứu về diễn biến tình hình phát triển thế giới. Cuối những năm 70 đó, khi người Trung Quốc bắt đầu mở cửa, đầu những năm 80, khi Mikhail Gorbachov bắt đầu tiến hành cuộc đổi mới ở Nga, thì Nguyễn Trần Bạt âm thầm đi đến một khẳng định dứt khoát rằng, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sẽ sụp đổ. Rất nhiều người sau này cho rằng Nguyễn Trần Bạt nói phét, nhưng khi nhìn vào những việc ông làm và ông chuẩn bị thì người ta rút ngay cái ý kiến ấy lại.

Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì hiệp ước khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN) cũng mất hiệu lực và Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Đó cũng là điều ông thấy trước. Những năm 1984 - 1985, khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam bắt đầu trở thành thảm họa, và đỉnh cao của nó là sự kiện “giá-lương-tiền”.

Vào thời điểm ấy, Nguyễn Trần Bạt quyết định nghiên cứu diễn biến chính trị thế giới mà không nghiên cứu Việt Nam. Bởi vì ông xem Việt Nam là hệ quả tất yếu của diễn biến chính trị toàn cầu. Khi Việt Nam mất đi bầu sữa của khối SEV thì dứt khoát Việt Nam bị khủng hoảng. Không có cách gì thoát được trong tình hình ấy. Nhiều người tưởng rằng nền kinh tế của Việt Nam lúc bấy giờ có thể qua khỏi khủng hoảng bằng “giá-lương-tiền”.

Riêng ông Bạt thì không tin. Ông âm thầm nghiên cứu kinh tế học, loại không nằm trong hệ thống kinh tế học Marxist nên chưa được dạy chính thức ở bất cứ đâu ở nước ta. Ông tìm đến cuốn Kinh tế học của giáo sư Samuelson vào đầu những năm 80, do một anh bạn dạy ở trường Đại học Thủy Lợi, không biết lấy được ở đâu và tặng cho ông. Ông dành thời gian đọc bộ sách ấy một cách rất cẩn thận. Sau này, vào những năm 1987 - 1988 khi tiếp đại sứ Thụy Điển, khi nghe ông nói thông thạo về các quy luật của một nền kinh tế thị trường, thì bà Đại sứ rất lấy làm ngạc nhiên và thích thú hỏi Nguyễn Trần Bạt:

- Tôi rất tò mò muốn hỏi ông, tại sao ở một nước như nước của ông, mà lại có người hiểu thấu đáo các quy luật của một nền kinh tế tự do như vậy?

Ông trả lời:

- Thưa bà Đại sứ, vì tôi là kẻ không thuộc bài cũ nên dễ học bài mới.

Ngày nay, những tư tưởng kinh tế mà ông Bạt lĩnh hội được in trong những quyển sách dày cộp bán đầy ở ngoài đường. Nhưng thời cách đây gần 40 năm, thì nó là thứ của quý hiếm, thậm chí bị cấm kỵ.

Vốn có khả năng dự báo tốt dựa trên nền tảng học vấn, ông Bạt biết Việt Nam chắc chắn sẽ phải có đổi mới. Không có con đường nào khác! Quả nhiên, năm 1986, điều ông Bạt tiên đoán bắt đầu xảy ra, với dấu mốc là Đại hội VI của Đảng. Nhưng đỉnh điểm của Đổi mới thì phải đến năm 1989 mới lộ ra, đó là Mở cửa.

Ông âm thầm đưa ra nhận định: “Trước đây chúng ta đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp vì chúng ta thiếu gạo, chúng ta bỏ ngăn sông cấm chợ và chúng ta thực hiện chính sách Khoán Mười. Chính sách Khoán Mười như là một chỉ giới về tầm nhìn của sự phát triển kinh tế Việt Nam trong nông nghiệp. Nhưng đến năm 1989, cùng với một số thể nghiệm tương đối táo bạo của Thành ủy TP.HCM mà chúng ta có những kinh nghiệm để đưa chính sách Đổi mới thành Mở cửa. Đó là cả một quá trình vật vã để thai nghén những quyết sách mới”.

ông Nguyễn Trần Bạt, ngoài tư cách một doanh nhân thành đạt, còn là tác giả của 9 cuốn sách (có cuốn phải gọi là bộ) luôn gây bất ngờ cho bạn đọc, một diễn giả luôn đắt khách của mọi diễn đàn quan trọng

Ông Nguyễn Trần Bạt, ngoài tư cách một doanh nhân thành đạt, còn là tác giả của 9 cuốn sách (có cuốn phải gọi là bộ) luôn gây bất ngờ cho bạn đọc, một diễn giả luôn đắt khách của mọi diễn đàn quan trọng

Trong một lần trò chuyện, khi đã trở thành thân thiết của nhau, tôi hỏi ông Nguyễn Trần Bạt:

- Liệu có phải ông là người đã may mắn chộp được cơ hội?

- May mắn chỉ là yếu tố đến sau. Tôi biết từ trước rằng, khi đất nước mở cửa, điều tất yếu phải xảy ra là sẽ có hai cộng đồng người gặp nhau. Người phương Tây không hiểu gì về Chủ nghĩa Cộng sản, về những người Cộng sản Việt Nam trong khi những người Cộng sản Việt Nam cũng chả hiểu gì về chủ nghĩa tư bản phương Tây. Hai cộng đồng ấy mở cửa nhìn nhau và đều khó khăn trong việc diễn đạt các nguyện vọng của mình. Thứ họ cần là phải có một kẻ phiên dịch. Và tôi lập công ty này với ý đồ trở thành kẻ phiên dịch sớm nhất cho sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, hai hệ thống chính trị và hai mức độ phát triển. Thành thực thì lúc đầu tôi tưởng thế, tôi cũng lãng mạn nghĩ thế nhưng tôi không thể ngờ rằng tôi đúng đến thế.

Sau đây là danh sách những công ty nước ngoài vào đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thông qua Công ty của ông Nguyễn Trần Bạt:

-  Ngân hàng: JP Morgan, Morgan Stanley, Credit Lyonnaise, Standard Chartered, HSBC….

-  Các công ty luật: Baker McKenzie, Coudert Brothers, Clifford Chance, Deacons, Millbank …

- Các công ty kế toán kiểm toán: KPMG, PricewaterhouseCoopers, Arthur Andersen, Ernst & Young…

- Các công ty bảo hiểm: Manulife, AIG…

- Các tập đoàn công nghiệp: GE, GM, Boeing, Lockheed Martin, 3M, Coca cola, IBM, Siemens, Crown, Mitsubishi, Sumitomo, Marubeni …

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top