Aa

Kỳ 5: Ngày thường của “đại gia” Lê Thanh Thản

Thứ Sáu, 02/02/2018 - 06:01

Hẳn là nhiều người tò mò muốn được biết những người giàu có, hay những “đại gia” như ông Thản, đời tư và những sinh hoạt đời thường có điều gì đặc biệt, vợ con ông thế nào?

Xem loạt bài Doanh nhân Lê Thanh Thản - một người Nghệ đặc biệt

Người nhiều tiền như ông, là chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn kinh tế của gia đình mình, con gái là Tổng giám đốc Tập đoàn, các em ruột nắm những vị trí chủ chốt, không cổ phần, không chung với ai…, đã qua rồi cái thuở hàn vi, hẳn là sinh hoạt đời thường sung sướng đẳng cấp như bậc “đế vương”(?). Có phải như vậy không?

Nếp nhà quen thuở hàn vi

Cũng nhờ những cuộc “ăn theo” một số bạn thân của ông Thản nên một vài lần, tôi được ngồi ăn cơm với ông tại khách sạn Mường Thanh Hà Nội, có lúc đến nhà ông ở hồ Linh Đàm, có lúc được ngồi nhâm nhi chén rượu quê ở nhà cũ đất Diễn Lâm ba bề thế núi, hình đồng.

Té ra nhà ông Thản từ mấy đời nay không ai làm nghề kinh doanh, ba bốn đời cũng chưa từng có tích ruộng để thành địa chủ. Ông nội ông Thản thời trẻ từng cùng với đồng chí Phùng Chí Kiên xã Diễn Yên kế bên vượt biên sang Trung Quốc tìm về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng, sau trở về nước bị thực dân Pháp bắt xử tử hình. Bố ông chỉ làm đến chức chủ nhiệm hợp tác xã thời xưa, nghe nói có lần làm thịt lợn ra chợ Tảo bán cũng bị kỷ luật vì lợn lúc ấy muốn sát sinh phải báo cáo minh bạch với trên.

Như vậy, có thể nói, trong người lính Lê Thanh Thản hoàn toàn không mang gen trội về “tư bản”, “về máu” doanh nhân. Đời ông không ai chỉ dẫn, không ai cho lưng vốn, chỉ mày mò mà thành. Chính vì biết điều ấy nên sau này ông cho con cái đi Tây, đi Tàu học hành bài bản. Chắc ông nghĩ, thời hội nhập người dại thì ít, người khôn thì nhiều, “người khôn của khó” nên muốn thành người thì bắt buộc phải học lên, học cả phe ta, học cả phe tư bản may ra mới kế tục phát triển công ty gia đình Mường Thanh này.

Chân dung ông Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản

Bên phía vợ ông cũng vậy, nguồn gốc nông dân ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nhưng mẹ vợ ông không buôn bán thuốc lào, không cày ruộng mà làm thợ may. Bà sinh ra con gái Nguyễn Thị Huệ, cho học thành cô giáo rồi được tăng cường lên Lai Châu dạy học sinh miền núi.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi vẫn cảm phục vô cùng những cô giáo trẻ ngày xưa và cả nay nữa, đã cống hiến tuổi xuân của mình cho giáo dục vùng cao. Cứ mỗi lần bài hát “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” cất lên ở đâu, tôi vẫn nán lại im lặng nghe cho bằng hết, lòng nao nao xúc động. Các thầy cô ấy như chị Huệ trẻ trung xưa có điều gì đấy rất chung với hình ảnh thầy giáo Đuy Sen trong truyện ngắn “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Xô-viết tài năng Ai-ma- tốp.

Trong những cuộc vui, ông Thản thường hay kể về mối tình của ông với bà Huệ, bao giờ cũng có câu "ngày xưa bà ấy đẹp lắm” rồi cười tít mắt. Ông kể rằng, hồi ấy cô giáo Huệ xinh đẹp được nhiều chàng trai để ý. Có người đến “tán” kèm theo quà tặng là là chăn con công, chiếc đèn pin, người thì lạng mì chính, chí ít là mật ong, măng rừng, còn ông thì trên răng…, dưới quần cộc! Ông “đi vòng” từ việc giúp các cô giáo có nước ngọt để sinh hoạt, thực ra thì thương các cô mà tạo điều kiện thôi chứ không dùng “chiến thuật” gì. Nhưng ông có làm thơ để nói hộ lòng mình, gia cảnh mình cái thời nghèo túng buổi đầu. Đó là một chiều thứ 7, sương mù bao phủ đỉnh núi, tâm trạng buồn buồn, ông tức cảnh sinh tình đã làm bài thơ có tên là “Phố núi” gửi tặng bà Huệ, có những câu da diết thế này:

Bình minh núi hạt sương xe nỗi nhớ

Bỗng vọng về câu hát người ơi… người ở

Anh không biết hát câu mạn thuyền gối tựa

Để mà hẹn em đừng đứng, đừng ngồi

Em đốt lòng anh bằng nửa vời câu hát

Anh xin làm sợi tơ vàng mượt

Nối cõi lòng chia sẻ ở hai nơi

Em sẽ hiểu tận cùng câu hát người ở người ơi…

Ông giải thích, bài này dài lắm, như một trường ca, nhưng bây giờ lâu rồi, chỉ nhớ được từng ấy. Tôi nghĩ là ông nói đùa thôi, vì thơ “tán gái” như thế này là vừa đủ rồi, chứ trường ca thì bà Huệ khó mà “tiêu hóa” được, có khi chẳng lấy được nhau chả biết chừng. Những câu thơ đọc lên thấy thương hơn là cảm, những rất tinh tế như ý trình bày hoàn cảnh và quan trọng nhất là thật thà.

Thôi thì “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, thế rồi chắc cảm động về chàng trai thô ráp, nói tiếng Nghệ đặc sệt, không màu mè hoa mỹ mà cô giáo Huệ đã yêu ông. Người nông dân Diễn Châu, Nghệ An kết hôn với với người nông dân Vĩnh Bảo, Hải Phòng cùng nhau cày cuốc mà thành “đại gia”.

Vì nguốn gốc nông dân, sống chân quê, không làm dáng, làm duyên, nên dường như nếp nhà ông sống thật đơn giản, gọn nhẹ. Ông Thản thì bữa ăn nào cũng phải có món cá kho, cá rô, cá diếc đồng hoặc cá trích biển, mà kho phải đượm muối, ăn mới vừa miệng. Mâm cơm phải có món rau luộc, không rau muống thì phải xu hào, bắp cải, rau khoai lang quê. Một bát canh rau tập tàng. Thế là đủ. Mà cả nhà đều ăn như thế, vợ con cứ quây quần rôm rả.

Khách đến nhà, quan chức hay nhà quê, ông cũng dọn một mâm cơm như vậy đãi bạn. Có điều rất lạ là chưa bao giờ tôi bắt gặp “đại gia” Lê Thanh Thản uống rượu Tây. Đối với ông, một là rượu táo mèo, hai là rượu ngâm một chút cao, có lúc cao “ tạp phế lù” tổng hợp giữa ngựa bạch và khỉ, uống vào rất bốc. Bữa ăn nhà ông đơn giản lắm, ăn nhanh không lê thê. Bà Huệ bao giờ cũng ngồi cạnh nồi cơm nóng xới cho cả nhà. Hầu như ăn là ăn thôi, không bàn chuyện chính trị hay kinh tế. Mà trong công việc, hình như bà không bao giở can thiệp vào công việc của chồng, thậm chí cũng không góp ý này, ý nọ. Điều này thì chính ông Thản đã trả lời báo chí như vậy.

Trong các cuộc khánh thành khách sạn Mường Thanh ở một số tỉnh xa, bà Huệ cùng cả nhà đến dự, thường có mời thêm ông bà sui gia. Bà ăn mặc bình thường, không áo dài, comlet, loanh quanh với ông bà sui gia và các cháu ngoại, không quát tháo, lườm nguýt nhân viên như các phu nhân đại gia khác. Có cảm giác bà Huệ như cô giáo Tày cầm đàn xuống núi đi dạo chơi phố phường vậy.

Tôi thường nghe nói, các tỷ phú trên thế giới này thường ăn tiêu rất tiết kiệm. Càng giàu có càng “ki bo”. Nhưng ông Thản không phải thế. Nhìn số tiền hàng trăm tỷ đồng mà ông làm từ thiện và tặng cho người nghèo thì quả thật đó là người thảo ăn. Nếp nhà vẫn sống quen nếp thuở hàn vi, giản tiện vì có lẽ không cần thiết phải cầu kỳ trong thời buổi này. Đơn giản là không còn thời gian để học làm sang, không còn thời gian để thay đổi một cách sống đã quá thân thuộc. Thích thì hút thuốc lào, không phải không đủ tiền mua xì-gà. Tịện thì đi dép tông cho nhanh, không phải thiếu giày cao cấp. Ăn món ăn đã quen tuổi ấu thơ vì thấy ngon hơn là sắm sơn hào hải vị... Tất cả đều giản tiện thấy thích thú, phải chăng đó mới là cách sống hiện đại. Bỏ đi mọi rườm rà để tập trung trí tuệ và thời gian cho một niềm vui khác là sáng tạo và dâng hiến.

Cắt nghĩa về nếp nhà ông Thản như thế liệu có quá lời không nhỉ? Nhưng tôi tin suy nghĩ của mình, vì đâu chỉ mình ông như vậy, một số đại gia mà tôi từng gặp cũng thường như thế. Trong lúc một số người trong thế giới thực - ảo đan xen này, thường lao vào “chém gió” hoặc “đánh bóng” tên tuổi, thì ngược lại những nhà kinh tế tư nhân phấn đấu “đơn giản, gọn nhẹ” để trằn mình, đầu tư chất xám nhằm đưa công ty gia đình mình phát triển bền vững. Triết lý cuộc sống của họ dường như khác số đông thì phải!

Các khách sạn Mường Thanh trên toàn quốc đều có con chim đại bàng làm biểu tượng

Các khách sạn Mường Thanh trên toàn quốc đều có hình con chim đại bàng làm biểu tượng

Như cánh chim đại bàng bay về… bốn chấm không (4.0)

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo quê Diễn Châu thân với ông Thản, mỗi lần uống rượu thường hay khen “Lão Thản thích mời cánh văn nghệ sỹ đồng hương đi “Mát-xe-ghe” ". Nhắc bao nhiều lần phải nói là Mát-sa, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, ông Thản phát biểu chính thức trên diễn đàn vẫn là Mát-xe-ghe! Tất nhiên ai cũng hiểu là dịch vụ tắm hơi có mát-sa ở các khách sạn Mường Thanh. Có lần, ông Thản trong một cuộc vui “thách” Nguyễn Trọng Tạo sáng tác một bài hát về Mường Thanh tương đương “Khúc hát sông quê”. Nguyễn Trọng Tạo gật gù như nhận lời, và có thể nói ông uống của Mường Thanh có thể đến hàng chục lít rượu “táo mèo”, mua nhà chung cư hai lần trả chậm mà bài hát 6 năm chưa ra được.

Tôi gần Nguyễn Trọng Tạo, biết rõ nhà thơ không phải có ý “co kéo” gì, có lần anh tâm sự, viết về Thản khó ra phết, nhiều người đã viết, mình lại viết nhiều bài thành công, giờ viết không ra gì, không xứng với lão ấy thì uống rượu mất ngon, lại còn mang tiếng là “đánh đu” với đại gia. Vì thế mà nhiều lần viết rồi lại xóa. Phải đến năm thứ 7, lại uống thêm rượu và hình như là trả hết tiền nhà thì Nguyễn Trọng Tạo mới hoàn thành bài hát “Hoa Mường Thanh”, có một đoạn nhắc về tên Thanh Thản và cánh chim đại bàng:

Trai Mường Thanh đi khắp bốn phương trời

Trai Mường Thanh xây bao công trình mới

Gái Mường Thanh tươi nụ cười duyên dáng

Gái Mường Thanh ca câu hát tự hào

Một khoảng trời xanh biếc xanh

Một tấm lòng thanh thản

Đôi cánh chim Đại bàng bay mãi trên tầng cao

Dâng sắc hoa cho đời, tươi mãi hoa Mường Thanh…

Thì ra các khách sạn Mường Thanh trên toàn quốc đều có con chim đại bàng làm biểu tượng, đêm về thấy đèn nhấp nháy, đi xa muốn tìm cũng dễ thấy. Trong các quầy lễ tân đều có các cô gái mặc váy xòe dân tộc Thái giao tiếp với khách bằng tiếng Anh. Đó là hai đặc trưng của chuỗi khách sạn Mường Thanh từ xưa đến nay.

“Như cánh chim đại bàng bay mãi trên trời cao”, câu này thật ý nghĩa nếu dự báo Mường Thanh bay cao, bay xa trong thời kỳ thế giới tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hay nói bóng gió một tý là cuộc cách mạng 4.0. Thế nhưng gần đây, Mường Thanh bị vài cuộc thanh tra trong xây dựng, nghe nói là có sai, bị phạt tiền lớn lắm. Doanh nghiệp thời buổi này, cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc dạng “anh cả đỏ” còn sai bét nhè, huống gì là các doanh nghiệp tư nhân như Mường Thanh. Doanh nghiệp Nhà nước có nhiều ông tham nhũng, tiêu cực, còn doanh nghiệp tư nhân chí ít là không tham nhũng, nhưng xây dựng sai phép là có. Sai thì phải sửa, phải bị xử phạt, đó là lẽ công bằng. Anh là Nhà nước hay anh là tư nhân, sai là sai, đừng có đổ cho cơ chế này nọ.

Nghe nói, tập đoàn Mường Thanh chỗ này, chỗ kia xây dựng sai phép, thậm chí xây vượt mấy tầng, phòng cháy chữa cháy theo luật cũ là đúng, theo luật mới thì có những điểm sai… Vì thế mà nộp phạt kha khá, không mạnh lực có thể “đột quỵ” chứ chẳng chơi… Ông Lê Thanh Thản lẳng lặng nộp phạt, buồn, nhưng nét buồn không để lộ trên khuôn mặt rám nắng.

Lê Thanh Thản buồn là phải. Xấp xỉ 70 rồi, thuộc tuổi “xưa này hiếm” rồi còn gì. Bây giờ ông phải tính chuyện trao quyền cho con, dù ông vẫn “tả xung hữu đột”. Ở Mỹ, tổng thống Donald Trump là một ông chủ của công ty gia đình, ông chủ Mường Thanh Lê Thanh Thản ứng cử Hội đồng nhân dân hẳn dân sẽ bầu thôi. Nhưng đến tuổi thấy buồn, thấy thiếu niềm tin thì chuẩn bị trao quyền cho con cũng là lẽ thường tình.

Chân dung con gái ông Lê Thanh Thản

Chân dung con gái ông Lê Thanh Thản

Ông có 3 người con. Một gái hai trai, cậu con trai thứ 3, ông nói đùa là “về hưu mới đẻ” đang học lớp 10. Cô con gái đầu chắc mọi người đều đã nghe tên, đó là Lê Thị Hoàng Yến, đi du học 7 năm chuyên ngành tài chính ở Anh về và hiện đang làm tổng giám đốc Tập đoàn, quản lý hệ thống khách sạn Mường Thanh. (Nghe nói thời ở Anh quốc, cùng học tiếng Anh với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển -người đồng hương Diễn Châu, xứ Nghệ). Con thứ 2 học chuyên ngành về du lịch, hiện cũng đang làm việc tại Tập đoàn. Tổng giám đốc Hoàng Yến có nét xinh thùy mỵ của mẹ, có bản lĩnh chất thép như người cha, làm việc lúc nào cũng có sổ sách và máy tính bảng với một dàn tham mưu dày dặn kinh nghiệm. Khác hẳn bố cô không có nổi cuốn sổ tay, bút không cài túi, chỉ “lập trình” trong cái đầu húi cua. Thời của hội nhập và 4.0, ông tin con gái ông, con trai ông sẽ nối dõi phát triển Tập đoàn gia đình Mường Thanh cất cánh lên trời cao.

Mới đây, con gái ông sau sang Lào, nay đã bay sang Mỹ tìm cơ hội đầu tư. Cũng nghe nói một kiều bào ta ở Oa-sinh-tơn đã tìm về trụ sở Thanh Hà - Senko 5 gặp ông Thản để bàn chuyện tương lai. Biết đâu trong một ngày không xa nữa, ông chủ Nhà trắng, ông chủ khách sạn, ông chủ truyền thông Donald Trump mà tiếp người lính - doanh nhân Lê Thanh Thản tại Hoa Kỳ thì thật lý thú, phải không bạn đọc?

Tôi vẫn hy vọng, có một ngày, những công ty, tập đoàn gia đình như Thaco, như Mường Thanh, như Tập đoàn Bảo Sơn… được Nhà nước hoặc Hội doanh nhân Việt Nam tổ chức một buổi hội thảo về cái được và chưa được của mô hình này để nhân nhiều hơn nữa những tập đoàn gia đình ở Việt Nam. Hãy tổ chức, hướng dẫn họ, ban hành chính sách mới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn hơn là chờ họ sai thì cử thanh tra đến phạt. Hẳn lúc ấy, ông Lê Thanh Thản, gia đình ông cùng Tập đoàn Mường Thanh sẽ rất vui, thêm niềm tin để giao lưu và tận hiến.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top