Aa

Kỳ 3: Nhà thông minh có đẩy con người xa nhau?

Thứ Tư, 03/10/2018 - 23:30

Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, sẽ thấy ngay nhà thông minh đem lại sự tiện nghi và tự động hóa cao. Nhưng đằng sau sự văn minh cũng khiến con người lo lắng một vấn đề khác, đó là sự thông minh có thể khiến sự giao tiếp trực tiếp ngày càng ít đi.

Tờ ABC News (Mỹ) từng đăng tải ý tưởng về một ngôi nhà thông minh mà nghe qua, giống như một thứ gì đó chỉ có trong các bộ phim viễn tưởng Hollywood. Năm 1999, bộ phim có tựa đề "Smart House" kể về một cậu bé 13 tuổi giành được giải thưởng trong một cuộc thi máy tính là một "ngôi nhà của tương lai" với cô giúp việc ảo PAT (viết tắt của Công nghệ ứng dụng cá nhân).

PAT rất tài tổ chức các bữa tiệc và đảm bảo cho ngôi nhà quy củ, trật tự. Nhưng khi cha cậu bé bắt đầu hẹn hò với người đã làm ra ngôi nhà, cậu bé lập trình lại PAT để nó hoạt động gần giống như có sự chăm sóc của mẹ hơn. Do đó, cha cậu sẽ không nghĩ rằng họ cần một người mẹ khác nữa. Từ đó, mọi thứ trong ngôi nhà thông minh đảo lộn, gây ra những tình huống dở khóc dở cười và kết cục là cậu bé có 2 "người mẹ", một là mẹ kế và một là ngôi nhà thông minh.

Thực sự thì mỗi ngôi nhà bình thường sẽ trông như thế nào sau 10, 20 hay 50 nữa? Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng dù hình thái, đồ đạc, công nghệ trong ngôi nhà có thông minh đến cỡ nào, chúng ta cũng không thể phủ nhận một yếu tố bất biến - con người. 

Ngôi nhà là để ở và cần sự vun vén tình cảm mới trở nên ấm cúng. (Ảnh minh họa)

Ngôi nhà là để ở và cần sự vun vén tình cảm của con người mới có thể trở nên ấm cúng. (Ảnh minh họa)

Khi hỏi rằng, chúng ta có nhất thiết phải đánh đổi một ngôi nhà kiểu cũ nhưng đầm ấm lấy một ngôi nhà tiện lợi nhưng “vô cảm” hay không? Câu trả lời của đa số chuyên gia, người sử dụng là không. Chắc hẳn, không ai muốn trả lời "có", vì suy cho cùng, con người cảm thấy vui vẻ, đáng sống là khi nhận được tình cảm từ người khác chứ không phải là nhận được sự hỗ trợ từ máy móc, công nghệ. Nhiều chuyên gia đã nhận định nhà thông minh nhìn theo góc độ công nghệ là một cỗ máy và nếu đã là cỗ máy thì không có cảm xúc. Trong khi đó, những ngôi nhà để ở lại cần tình cảm vun vén chứ không phải sự tiện lợi mà thiếu đầm ấm. 

Nhà thông minh với đầy đủ công nghệ tân tiến, giúp con người có thể sử dụng ứng dụng hiện đại để điều khiển phần lớn trang thiết bị, khiến giao tiếp, giao dịch trực tiếp giữa người với người được giảm bớt. Vậy là có khi các thành viên cùng ở trong nhà nhưng chỉ cần điện thoại thông minh là họ có thể không cần phải đi từ phòng nọ ra phòng kia để làm một việc gì đó. Nguy cơ cha mẹ, con cái trong nhà nói chuyện với nhau ít hơn, ngại chia sẻ cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ... rất có thể sẽ xảy ra. Nhìn rộng hơn trong các mối quan hệ khác như giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau, giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân... cũng có thể rơi vào tình trạng giao tiếp thường xuyên nhưng không gặp gỡ.

Tờ The Guardian (Anh) từng nhận định, ngôi nhà thông minh khiến mọi người ngày càng xa nhau hơn. Nhưng những người nghèo, người già, người tật nguyền, trẻ mồ côi rất có thể phải đứng ngoài lề của sự thông minh. Đơn giản là họ không có đủ tiền để mua sắm các thiết bị công nghệ hoặc không biết sử dụng công nghệ mới trong ngôi nhà. Thậm chí, nếu không lắp đặt đồng bộ thì họ không có cách nào tham gia được vào mạng lưới thông minh của thành phố.

Là một người đang sống trong căn hộ thông minh trên đường Tố Hữu (Hà Nội), anh Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Đúng là khi lắp các thiết bị thông minh, những vụn vặt giao tiếp giữa thành viên trong gia đình sẽ bớt đi. Ví dụ như bình thường trước khi ra khỏi nhà, vợ chồng sẽ hỏi nhau là tắt điện, tắt quạt chưa. Nhưng khi có thiết bị thông minh, chúng tôi lại tin chắc rằng ai cũng sẽ nhớ tắt điện, tắt điều hòa, quạt khi đi ra khỏi nhà qua nút bấm theo dõi ở điện thoại”.

Anh Tuấn cũng cho hay, trước đây, khi nào đi ngủ, vợ chồng anh sẽ phải đi một vòng quanh nhà để kiểm tra xem cửa đã được đóng cẩn thận chưa, bình nóng lạnh có còn hoạt động không, có thiết bị nào không cần sử dụng mà vẫn đang hoạt động… để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện năng cho ngôi nhà của mình. Nhưng bây giờ, cậy có thiết bị thông minh, chồng có thể mải xem bóng đá, vợ chơi với con, chẳng ai quan tâm đến những hành động như xưa nữa.

Theo phân tích của TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội - một ngôi nhà thông minh, trước hết nó phải là một công trình kiến trúc thông minh, là nơi kiến trúc sư gửi gắm tình cảm trong thiết kế đó. Hiểu đơn giản rằng, nếu thiết kế của ngôi nhà có nhiều nhược điểm thì rất khó để áp dụng công nghệ thông minh hoặc kết nối thông minh. Và hơn thế nữa chính là cần một người chủ thông minh và kiến trúc sư có nghề để kiến tạo, chứ ngôi nhà thông minh, hiện đại không làm nên giá trị hay phẩm cách của chủ nhà.

“Chúng ta vẫn biết, ngôi nhà không chỉ để ở mà đó còn là một không gian chứa đựng ký ức, khát vọng, có mối quan hệ tình cảm giữa thành viên gia đình…Hiểu rộng hơn, ngôi nhà là một phần của xã hội, cũng sẽ mang những đặc tính của con người, của xã hội. Hiện nay, chúng ta mới đang nói nhiều và tập trung vào vấn đề quản lý thông minh, công nghệ thông minh trong ngôi nhà, trong đô thị còn những yếu tố văn hóa dường như chưa được nhắc đến nhiều. Tôi cho rằng, trước hết người chủ nhà phải tạo ra không gian sống ấm áp tình người, biết sống và làm việc có trách nhiệm, biết trân trọng và gìn giữ những tình cảm, giá trị sống. Những yếu tố này sẽ làm nên giá trị của ngôi nhà mà họ đang sống. Đến cuối cùng những yếu tố công nghệ là để phục vụ và để làm cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top