Tôi quen biết vợ chồng Trịnh Thành Nhơn đến nay đã ngót 20 năm. Ông tuổi Qý tỵ, kém tôi một tuổi. Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là sự chân chất, giản dị như một nông dân chính hiệu của Nam Bộ. Dáng thấp đậm, chắc khỏe, giọng nói có tiếng vang như chuông, lại có cả tiếng rền như sấm. Nghe ông cười thì thôi rồi, váng cả mấy gian phòng. Nhìn vẻ bề ngoài, không mấy ai nghĩ ông là một doanh nghiệp lừng danh một thời, khi nền kinh tế trong nước còn đặc sánh tư duy bao cấp. Tên ông đã gắn liền với một thương hiệu nổi tiếng cả nước vào đầu những năm chín mươi, đó là kem đánh răng Dạ Lan.
Từ lúc phải đi vay năm bảy cây vàng lấy vốn làm ăn cho đến khi trong tay có dăm bảy triệu “đô”, người ta không thấy ông thay đổi cách sống là mấy, vẫn chân chất, giản dị như xưa. Ngay những ngày đang diễn ra SEA Games 22 năm 2003, ra Hà Nội có công việc, ông vẫn ở tại một khách sạn bình dân ở phố Hàng Gà, ăn phở trong một ngõ nhỏ gần đó và uống ly trà mạn 500 đồng. Nhưng mấy ai biết rằng chỉ mới đây thôi, ông đã từng quyết “một nhát” tài trợ hơn 3 tỷ đồng cho chương trình “Vui để học” của Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, 45.000 USD cho chương trình Duyên dáng Việt Nam của báo Thanh Niên, 250 triệu đồng mổ mắt miễn phí cho 500 người mù trong cả nước…
Có nhiều dịp ở gần vợ chồng ông, tôi mới hiểu được rằng, để có những đồng tiền đó, hai ông bà đã phải đổ mồ hôi công sức như thế nào. Chồng ngày đêm nghiên cứu sản xuất, mất ăn mất ngủ để có được lô hàng đầu tiên; vợ tự tay mang từng thùng hàng ra chợ bán, mời đến ứa nước mắt mà vẫn chưa có người chịu mua. Vừa là chủ, vừa là thợ, đầu quyết tay làm. Từ chỗ chỉ là một Tổ sản xuất 3 tháng 2, lên Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hải, rồi lên Công ty hóa mỹ phẩm Sơn Hải; từ công ty nhỏ lên công ty lớn, rồi công ty lớn hơn đều một tay hai ông bà làm nên. Đến nay, Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế có vốn đầu tư ban đầu 20 triệu USD với nhà máy sản xuất ở Bình Dương, chiếm hầu hết quỹ thời gian hằng ngày của ông.
Nhìn ông tất bật từ sáng đến tối, nhiều lúc tôi không hiểu tại sao lại phải như vậy. Nếu chỉ vì tiền thôi thì chắc là không đúng rồi, bởi với vài chục triệu “đô” thời đó trong tay và cách sống bình dị kia, chỉ tiền lãi ngân hàng thì tiêu đã “nhòe” ra rồi, tha hồ an nhàn, tung tẩy. Còn đi tìm vinh quang cho cá nhân ư? Cũng chưa chắc đúng, bởi ông rất ngại báo chí viết về ông, chụp hình ông. Nhớ hồi Tết năm nào, nhà báo Huy Đức, muốn viết một bài báo về ông mà không thể nào chụp được một tấm ảnh chân dung cho tử tế. Cứ giương ống kính lên là ông xua tay, che mặt: “Tôi xấu xí lắm, cha nội, đừng có chụp”. Cuối cùng, Huy Đức đành cứ để máy ảnh dưới bụng, chếch ống kính lên, căn chừng rồi bấm đại. Khi ảnh được đăng báo, bà vợ cứ xoay đi xoay lại tờ báo, vừa cười vừa lẩm bẩm: “Người gì mà xấu òm”.
“Nếu như ngày xưa tôi không bán thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan thì có lẽ đến nay sự cạnh tranh trong thị trường này sẽ còn thú vị hơn. Chắc gì P/S, Colgate đã chiếm nhiều thị phần đến thế?”
Trịnh Thành Nhơn
Ngày mới bán toàn bộ cơ ngơi và thương hiệu Dạ Lan cho Hãng Colgate với giá ngót chục triệu USD, hai ông bà đã có ý định như bao người khác là nghỉ ngơi, dành thời gian chăm con cái ăn học, khôn lớn. Vợ chồng ông sang Canada, tìm đến một vùng thôn quê yên ả nhưng phong cảnh thì đẹp vô ngần, mua một ngôi biệt thự và sống ở đó. Bà vợ kể rằng không hiểu tại sao, hồi suốt ngày lăn lộn với công việc, bụi bặm, độc hại, ăn uống thất thường mà chẳng thấy ông bệnh bao giờ. Nay sang đây, không khí trong lành, chỗ nào cũng sạch như lau, ăn uống đầy đủ mà hết bệnh này đến tật kia. Một hôm, ông bảo: “Thôi, mấy mẹ con ở lại, tôi về nước làm ăn đây”. Mấy mẹ con ôm nhau khóc mà không dám ngăn. Bà biết tính ông. Làm việc sáng tạo, làm việc quên mình, làm việc trong tình anh em bạn bè, đó là niềm đam mê, là nguồn hạnh phúc vô hạn của ông.
“Chồng như cái giỏ, vợ như cái hom” quả là đúng với hai ông bà. Một mình về nước, ông đầu tư sáng tạo ra một loại nước rửa chén có hương thơm rất đặc biệt, và cho sản xuất hàng loạt. Mải sáng tạo ra sản phẩm, mở rộng thị trường, vốn liếng nằm thất tán khắp nơi không quản lý nổi. Hôm về thăm, thấy cảnh làm ăn như vậy, bà vợ vừa giận lại vừa thương chồng. Bà quyết định đóng cửa ngôi biệt thự, từ bỏ cuộc sống sang trọng và thanh nhàn, một thân cùng hai đứa con nhỏ về nước giúp chồng xây dựng cơ nghiệp. Bà quán xuyến lại tài sản, thu hồi công nợ, tính ra lỗ mất 900 ngàn USD. Có vợ bên cạnh, giỏ đã có hom, hổ đã thêm cánh, ông quyết định đầu tư lớn hơn. Thế là Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế ra đời.
Người ta thường nói rằng đã làm nhà doanh nghiệp, do liên quan nhiều đến tiền bạc nên trái tim lạnh lùng hơn người khác. Sự cạnh tranh sinh tồn trên thương trường không cho phép tồn tại những con tim yếu mềm. Nhưng với ông hình như không phải. Đợt thiên tai nào cũng vậy, ông hối hả nhờ bạn bè bên báo chí giúp ông đưa hàng đi cứu trợ. Nếu có dịp đi cùng là ông xăng xái như một nhân viên, cùng anh em bốc dỡ, tự tay ân cần trao hàng cứu trợ cho từng người dân nghèo khổ. Việc tài trợ mổ mắt miễn phí cho 500 người mù, ông cũng quyết định ngay trong đợt đi cứu trợ vừa rồi…
Hồi thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan đang ở thế thượng phong, có một cơ sở sản xuất ở Đà Nẵng sản xuất kem Dạ Lan giả bán ra thị trường. Những tưởng khi phát hiện ra, ông phải ra tay khiến những kẻ làm ăn man trá kia sạt nghiệp. Nhưng khi đến nơi, thấy họ cũng chỉ là một hộ sản xuất nhỏ, nghèo nàn, ông quyết định dành hơn 30 triệu đồng mua lại toàn bộ số nhãn hàng giả cùng với một lời hứa của họ trước nhà chức trách. Cả nhà “kẻ phạm tội” nhìn ông mà ngơ ngác.
Đầu năm 2003, Công an Quận 9 thành phố Hồ Chí Minh bắt tạm giam một phụ nữ trong nhóm người làm giả những gói bột giặt BAY của công ty, làm giả một chương trình khuyến mại để lừa người tiêu dùng. Có người khuyên ông: “Nhân dịp này phối hợp với công an làm đến nơi đến chốn, cho chúng nó ra Tòa”, ông xua tay và bảo: “Không ổn đâu, họ cũng là người nghèo, bần cùng mới phải làm vậy. Như thế là họ đủ sợ rồi”.
Giờ đây, sự đam mê sáng tạo chiếm hết tâm trí trong con người ông nên mọi bệnh tật dường như không còn chỗ để tồn tại. Các sản phẩm bột giặt BAY, nước xả vải BUP, nước rửa chén KÍT, mì ăn liền Cao Lâu… thường xuyên cải tiến chất lượng và mẫu mã đều xuất phát từ ý tưởng của ông. Mặt hàng ruột của vợ chồng ông là kem đánh răng cũng chuẩn bị ra mắt một nhãn hiệu KF mới. Và hôm nay, ông vẫn chở tôi đi ăn giỗ ông già người bạn ở một vùng quê heo hút…
Ông Nhơn không muốn “đứa con tinh thần” của mình rơi hoàn toàn vào tay người khác nên ông vẫn giữ lại phần nhỏ quyền sở hữu. Ông hợp tác với Colgate để ra đời một liên doanh có tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD. Trong đó, Dạ Lan góp 3,2 triệu USD với phần vốn góp 30%. Đây là số tiền rất lớn trong thời điểm đó. Theo thỏa thuận trước khi liên doanh, Colgate Palmolive sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu Dạ Lan. Thế nhưng, sau khi mọi thủ tục chuyển nhượng và liên doanh hoàn thành, thương hiệu Dạ Lan không hiểu vô tình hay cố ý mà liên tục thua lỗ. Không lâu sau, năm 1998, khi không thể chống chọi với thua lỗ, ông Nhơn phải bán nốt 30% cổ phần còn lại cho đối tác. |