Aa

Kỳ 4: Thách thức bảo tồn, giữ gìn đô thị cổ

Thứ Tư, 19/08/2020 - 06:00

Không phải đến bây giờ, mà hơn 10 năm trước, những thách thức về công tác bảo tồn, trùng tu, giữ gìn phố cổ đã được các chuyên gia mổ xẻ rất chi tiết.

Lời tòa soạn:

Diện mạo Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới, được hình thành từ thế kỷ 17 và phát triển đến đầu thế kỷ 20 với sự đa dạng về loại hình di tích như: đình, chùa, miếu, hội quán, cầu, nhà ở - hiệu buôn, nhà thờ tộc, giếng nước, bến cảng..., thể hiện sự giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa Việt, Hoa, Nhật và phương Tây của cộng đồng dân cư đã sinh sống và bán buôn ở thương cảng Hội An sầm uất một thời.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, tác động của thiên nhiên và đặc biệt là sự khai thác dịch vụ, du lịch theo kiểu “vắt kiệt” di sản trong những năm qua đã khiến Đô thị cổ Hội An quá tải, kiệt sức. Văn hóa ứng xử của người Hội An với sự chân tình thuần hậu ngày nào đang bị tấn công bởi những lợi ích trước mắt… GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính cảnh báo: “Chúng tôi e ngại rằng, cứ đà này, kèm theo sự tác động từ bên ngoài và thời đại, di sản Hội An, chí ít là khu phố cổ, sẽ dần dà trở thành khối bất động sản được bảo tồn tươm tất, mà cộng đồng dân cư nơi đây thì đã đổi máu”.

Trên thực tế, từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân TP. Hội An, sự giúp đỡ chí tình của các cá nhân, tổ chức quốc tế, hàng nghìn di tích có nguy cơ sụp đổ đã được tu bổ, tôn tạo, cứu nguy và gìn giữ. Tuy nhiên, công cuộc bảo tồn và phát triển Đô thị cổ Hội An sao cho không đánh mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng dân gian vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Thông qua khảo sát, tìm hiểu về lịch sử bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Giữ hồn phố xưa với mong muốn độc giả sẽ có cái nhìn toàn cảnh và khách quan về vấn đề này.

Ngoài tác động của tự nhiên như bão, lũ, mối mọt, còn hiển hiện các nguy cơ do con người gây ra như hỏa hoạn, du lịch dịch vụ phát triển gây áp lực đối với phố cổ Hội An.

CẢNH BÁO XUỐNG CẤP

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa (TTQLBTDSVH) Hội An, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư, Quảng Nam, TP. Hội An cho đến người dân, từ 2008 đến 2018 đã có hơn 146,2 tỷ đồng (khoảng 14,6 tỷ đồng/năm) đầu tư cho công tác trùng tu, sửa chữa 255 lượt di tích thuộc sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân, tập thể. 

Ngoài ra, từ dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ” của UBND tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn năm 2005 đến nay đã đầu tư trùng tu, sửa chữa cho gần 100 di tích - nhà ở tư nhân (tỉnh hỗ trợ 40%, 60% của TP. Hội An và nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa cùng sự tham gia đóng góp của các chủ nhà. 

Du khách tập trung quá đông ở phố cổ là một nguyên nhân gây quá tải cho Đô thị cổ Hội An
Du khách tập trung quá đông ở phố cổ là một nguyên nhân gây quá tải cho Đô thị cổ Hội An

Trong giai đoạn 1990 - 2008 cũng đã có hàng ngàn di tích, nhất là di tích nhà ở được tu bổ từ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước. Đi cùng công tác bảo tồn, trùng tu, Hội An đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, bán vé tham quan khu phố cổ. 

“Nhờ đó, các di tích, quần thể kiến trúc ở đô thị cổ Hội An đã vượt qua giai đoạn có nguy cơ khẩn cấp về sụp đổ, mất di tích, ảnh hưởng đến tính mạng con người”, ông Nguyễn Chí Trung, nguyên Giám đốc TTQLBTDSVH Hội An cho hay và khẳng định: “Đã có sự gắn kết hiệu quả giữa các chương trình đầu tư bảo tồn, phát triển kinh tế, văn hóa... hướng đến mục tiêu giữ gìn di sản văn hóa, thiên nhiên, phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ”.

Nhiều cư dân phố cổ đang thay đổi do quá coi trọng dịch vụ, làm ảnh hưởng đến hồn phố cổ
Nhiều cư dân phố cổ đang thay đổi do quá coi trọng dịch vụ, làm ảnh hưởng đến hồn phố cổ

Tuy nhiên, những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong đô thị cổ Hội An, kèm theo tác động mặt trái của đô thị hóa, phát triển dịch vụ, du lịch đã gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi, chen lấn, trưng bày hàng hóa lộn xộn, phản cảm... làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa. 

GIỮ NẾP SỐNG THUẦN HẬU CỦA NGƯỜI HỘI AN

Cùng với những tác động của kinh tế thị trường và sự du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau, những giá trị văn hóa tốt đẹp, tính cách thuần hậu, tử tế vốn có của người Hội An dần bị phai nhạt. Chính vì vậy, sau khi xây dựng đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu”, qua khảo sát nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân TP. Hội An nhằm khôi phục lại những giá trị tốt đẹp của người Hội An xưa trong lối sống và cách đối nhân xử thế, qua đó làm tấm gương cho con cháu noi theo. Theo Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Hội An, người Hội An ngày nay ít nhiều trở nên thực dụng hơn, các thông tin và hình ảnh “thiếu tích cực” về đời sống xã hội trở nên phổ biến hơn, kèm theo đó là những diễn biến xấu có nguy cơ lấn át sự tử tế trong văn hóa Hội An nhiều hơn. 

“Chính quyền TP. Hội An phải tập trung lo giữ bản sắc, tính cách của người Hội An. Bởi vì Hội An không chỉ có phố cổ, mà còn có cái hồn của khu phố cổ, đó chính là nếp sống của người Hội An. Trong dòng chảy kinh tế thị trường, cuộc sống đổi thay, du lịch phát triển… cái hồn phố, tình người có nguy cơ bị mai một, có nguy cơ bị biến dạng. Đấy là nỗi âu lo lớn nhất”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An phân trần và khẳng định: “Bây giờ Hội An cố gắng gìn giữ nếp sống thuần hậu của người Hội An bằng nhiều cách. Cuộc vận động “Hội An - Nhân tình thuần hậu” là một trong những chương trình chính và kèm theo đó phải có thêm nhiều giải pháp khác nữa mới hy vọng kéo giữ được. Nếu đánh mất sự thuần hậu này, Hội An sẽ không còn là Hội An nữa!”.  

Chưa kể hàng loạt hệ lụy khác về cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và đặc biệt một bộ phận không nhỏ cư dân mới đến định cư, buôn bán ở phố cổ đặt nặng chuyện “thu hồi vốn” làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống thuần hậu của con người Hội An xưa. 

Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể thế giới
Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể thế giới

Bên cạnh đó, các khu nhà cổ ở Hội An đối diện với nhiều thách thức rình rập, như lũ lụt, hỏa hoạn và một nguy cơ lớn nhưng âm ỉ đó là sự tàn phá của… mối mọt! Các chuyên gia ở TTQLBTDSVH Hội An ví mối mọt như dòng lũ ngầm ngày đêm phá hủy, làm hư hỏng dần từng ngôi nhà, di tích. “Hiện nay, nguồn vật liệu dành cho tu bổ di tích để đảm bảo tính chân xác như gỗ lim, kiền kiền hay vôi, gạch ngói âm dương nằm trong diện cảnh báo do đóng cửa rừng tự nhiên và cấm các lò nung truyền thống hoạt động vì ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Chí Trung nói thêm.

KHÔNG NÊN VẮT KIỆT ĐÔ THỊ CỔ

Theo GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính, công tác bảo tồn, trùng tu di sản kiến trúc ở Hội An suốt thời gian qua không chỉ khắc phục tình trạng xuống cấp kịch tính của các di tích, mà còn nâng cấp diện mạo chung của khu phố cổ. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo nên sự đảm bảo cho di sản tồn tại dài hơn. 

Bên cạnh những di tích trọng điểm được tu bổ bởi ngân sách nhà nước, từ các tổ chức quốc tế, gần 1.500 căn nhà do người dân tự bỏ tiền ra tu sửa với sự hướng dẫn nghiệp vụ của TTQLBTDSVH Hội An. “Đó là một hội chứng gây niềm tin vào chủ trương bảo tồn di tích - nhà dân, di tích - nhà hàng phố, thiết thân với dân, có lợi cho dân”, GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính phân tích. 

GS Hoàng Đạo Kính
GS. Hoàng Đạo Kính

Là người tâm huyết, gắn bó và “đưa quân” vào giúp Hội An ngay từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, đo vẽ hiện trạng từng căn nhà cổ, lập hồ sơ di tích và cũng chính Xưởng tu bổ di tích T.Ư (sau này là Trung tâm Bảo quản và tu bổ di tích T.Ư) trực tiếp trùng tu Chùa Cầu và nhà cổ số 100 đường Trần Phú, nên GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính rất quan tâm, lo lắng cho những thách thức mà đô thị cổ Hội An đang đối diện. Đó là nguy cơ Hội An “đánh mất sự cân bằng đô thị trong phát triển” và nguy cơ Hội An “đánh mất mình từ trong ra”. 

Lũ lụt thường xuyên là nguy cơ gián tiếp đe dọa phố cổ Hội An
Lũ lụt thường xuyên là nguy cơ gián tiếp đe dọa phố cổ Hội An

Theo lý giải của mình, GS. Hoàng Đạo Kính cho rằng, lâu nay yếu tố tài nguyên di sản được khai thác tập trung ở khu phố cổ, trong khi lượng khách du lịch ngày càng tăng cao, dịch vụ du lịch phát triển, sẽ dần lất át hạt nhân di sản, dẫn đến nguy cơ, tài nguyên di sản bị vắt kiệt như quả chanh! Đặc biệt, việc chuyển nhượng nhà cổ, thay chủ sở hữu, biến những di tích thành nơi buôn bán thuần túy… theo GS. Hoàng Đạo Kính đã xâm hại nghiêm trọng đến các giá trị văn hóa truyền thống của Hội An về lối sống, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, ứng xử… dẫn đến mối nguy về sự “rỗng ruột hóa” di sản văn hóa truyền thống và những giá trị cốt lõi của Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. 

Hội An đang kêu gọi người dân, nhất là thế hệ trẻ sống
Hội An đang kêu gọi người dân, nhất là thế hệ trẻ sống "nhân tình thuần hậu"

“Chúng tôi e ngại là, cứ đà này, kèm theo sự tác động bên ngoài và thời đại, di sản Hội An, chí ít là khu phố cổ, sẽ dần dà trở thành khối bất động sản được bảo tồn tươm tất, mà cộng đồng dân cư của nó thì đã đổi máu”, GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính cảnh báo vào 10 năm trước - 2009 và cho đến bây giờ - 2020, những cảnh báo tâm huyết của ông vẫn còn nguyên giá trị!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top