Aa

Kỳ 4: Trả nghĩa quê hương

Thứ Hai, 29/01/2018 - 23:00

Lê Thanh Thản từng là một người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc, sinh ra ở xã miền núi Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; trưởng thành từ quê hương nghèo, trở thành “đại gia” ở một tỉnh miền núi nghèo khác, ông đã đau đáu về quê hương mình không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn…

 Xem loạt bài Doanh nhân Lê Thanh Thản - một người Nghệ đặc biệt 

Nhà văn Xô-viết  I-li-a Ê-ren-bua từng nói về lòng yêu nước như thế này: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc…”

Một nhà văn Việt Nam lại nói đại ý: Một con người không yêu thương cha mẹ, không yêu thương người ruột thịt, không yêu làng xóm quê hương mình, thì  ta có quyền nghi ngờ lòng yêu Tổ quốc của họ.

Lại có người nói, một người sống mà không yêu thương người đẻ ra mình, không có trách nhiệm với người mình đẻ ra thì đừng nói đến chuyện yêu quê hương, đất nước.

Tìm hiểu thì thấy ông Lê Thanh Thản trả nghĩa quê hương mình theo một cách rất riêng.

Xây trường học và bệnh viện trước khi xây khách sạn

Với quê hương Diễn Châu và Nghệ An, tốc độ đầu tư của ông Thản có lẽ là sớm nhất sau Hà Nội và được làm nhanh với tốc độ chóng mặt. Vì sao ông Thản lại xây trường THPT Nguyễn Du vào năm 2006 ngay sát xã mình thuộc đất của xã Diễn Yên, quê hương của Thiếu tướng Phùng Chí Kiên, người chiến sỹ cách mạng tiền bối, Thường vụ Trung ương Đảng, hy sinh năm 1944 tại Chiến khu Cao Bắc Lạng?  

Ngôi trường 3 tầng nằm sát con đường 48 nối quốc lộ 1A với xã Diễn Lâm của ông, nối các huyện miền Tây xứ Nghệ qua Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Tương Dương…

Đến nay thì trường có 12 lớp với gần 400 học sinh, năm học 2016 - 2017 tốt nghiệp lớp 12 thi đỗ 100%, thuộc tốp đầu của khối trường dân lập và thứ 17 của Nghệ An.

Trường học thì ở đâu chả thiếu, nhưng việc ông Thản xây dựng một ngôi trường dân lập hẳn có ý đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài cho các công trình khổng lồ của ông tính toán về sau chăng? Cô giáo Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du là người xã Diễn Lâm quê ông phấn khởi khoe với tôi: "Học sinh của em được bác Thản khen là học giỏi, ngoan, thi đại học thuộc tốp khá của tỉnh, học xong có thể tham gia vào các dự án của bác Thản đang mở khắp quê hương Nghệ An này và toàn quốc… Đầu vào thì không ưu tiên, nhưng đầu ra thì sẽ được lưu ý…"

Song song với xây trường, việc thứ 2 là ông Thản xây Bệnh viện Phủ Diễn vào năm 2007, gần đối diện với trường Nguyễn Du, bám sát con đường 48 sát quê Diễn Lâm của ông Thản. Một bệnh viện mới được nâng cấp gồm 7 tầng, đầu tư hơn 300 tỷ đồng với 13 khoa, phòng; trong đó có 4 phòng mổ theo tiêu chuẩn châu Âu, một bệnh viện đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp.

Ông Lê Thanh Thản trong một chuyến làm việc tại bệnh viện Phủ Diễn

Ông Lê Thanh Thản trong một chuyến làm việc tại bệnh viện Phủ Diễn (Ảnh: Tùng Lâm)

Chao ôi, một bệnh viện tư nhân mà có những phương tiện máy móc hiện đại như chụp cắt lớp vi tính, siêu âm màu 4D, 5D trị giá 7 tỷ đồng, xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm máu tự động, là bệnh viện hiện đại, lớn nhất khu vực bắc Nghệ An. Trong đội ngũ 172 bác sỹ, y sỹ, y tá, điều dưỡng, có 35 bác sỹ và dược sỹ là những người có tay nghề cao như bác sỹ Nguyễn Thị Hiên và có những người còn rất trẻ như Giám đốc Hoàng Anh Tiệp (1981), Phó giám đốc Ngô Trí Thuật (1981), Phó giám đốc Hoàng Xuân Kỳ (1983), trưởng khoa cấp cứu hồi sức có tài và có tâm Nguyễn Văn Cường (1983).

Tôi đã nhiều lần đưa người thân vào cấp cứu tại đây, dù họ không biết tôi là ai nhưng chúng tôi luôn nhận được thái độ đón tiếp, chữa trị và chăm sóc hết sức nhiệt tình của nhiều bác sỹ. Chẳng biết ông Thản rèn quân thế nào, nhưng có điều này thì tôi rất phục, đó là ở bệnh viện Phủ Diễn, đừng nói chuyện phong bì. Có thể là lương bác sỹ được trả khá cao, từ 20 triệu đồng đến 33 triệu đồng, nhưng tôi nghĩ điều cơ bản nhất vẫn là rèn luyện về y đức. Có lần ông Thản trò chuyện với tôi: “Đã nghèo thì hay bệnh tật, ở đâu cũng thế, xây nhà thương để cứu chữa cho bà con, khỏi phải đi xa, phiền phức lắm!”.

Thì ra thế. Nhưng tính ông Thản đã làm cái gì là làm “hoành tráng”. Mới đây, ông chỉ đạo Bệnh viện Phủ Diễn mời tập đoàn TKV của Hàn Quốc kết hợp về đây chuyển giao công nghệ, hợp tác điều trị các bệnh hiểm nghèo, nhất là về tim mạch. Nếu ca nào khó quá, có thể đưa sang Hàn Quốc để chữa trị.

“Đã nghèo thì hay bệnh tật, ở đâu cũng thế, xây nhà thương để cứu chữa cho bà con, khỏi phải đi xa, phiền phức lắm!”.

Tôi không thích cái hướng đi này, dân quê làm sao đủ tiền mà xuất ngoại, chỉ cần bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Huế hay bệnh viện Tim Mạch là đủ. Phó giám đốc Nguyễn Thị Hiên giải thích, đó chỉ là những bệnh nhân hiểm nghèo hy hữu, sẽ xin chữa bệnh theo phương thức từ  thiện. Mong là thế!

Như vậy là có thể thấy, sau khi về Hà Nội vào năm 1997, huyện Diễn Châu, Nghệ An là nơi ông Thản dành vốn để đầu tư đầu tiên. Hai lĩnh vực ông làm sớm là trường học và bệnh viện, nghĩa là đào tạo con người và chăm sóc sức khỏe. Cách làm và tình cảm ấy, không thể nói là ông Thản không có lý do. Có lẽ bắt đầu từ tình thương chăng, nên ông Thản đặt tên cho bệnh viện mình lúc đầu là “Nhà thương Phủ Diễn”, đặt tên cho ngôi trường của mình bằng tên của một đại thi hào của dân tộc Nguyễn Du với một tấm lòng thương nàng Kiều đứt ruột, thương “thập loại chúng sinh” đến nao lòng, mênh mông. Đó có thể là tôi “tán” vậy, không hiểu có đúng với cách nghĩ của ông Thản hay không?

“Cho cần câu hơn cho xâu cá!

Sau trường học và bệnh viện, ông Lê Thanh Thản đầu tư ở Diễn Châu và Nghệ An một hệ thống khách sạn Mường Thanh nhiều nhất cả nước. Đầu tiên là Mường Thanh Diễn Châu 14 tầng tại thị trấn mà cách đây 1.300 năm có tên là Phủ Diễn. Lúc đầu, khách sạn mọc lên, nhiều người bảo “ai có tiền mà thuê vào đây?”, giờ thì kín hết phòng, nhất là vào dịp lễ, ngày nghỉ, người ở quê xa trở về quê thăm người thân, đón Tết, cúng rằm tháng giêng, tháng bảy.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Thản đã đầu tư 10 khách sạn từ 4 đến 5 sao gồm: Mường Thanh Diễn Châu; Mường Thanh Luxury Sông Lam; Mường Thanh Ga Vinh; Mường Thanh Thanh Niên Vinh; Mường Thanh Grand Cửa Lò; Mường Thanh Grand Phương Đông; Mường Thanh Luxury Diễn Lâm; Mường Thanh Grand Hoàng Mai; Mường Thanh Grand Con Cuông; Mường Thanh Grand Cửa Đông.

Tạo sao xây nhiều như vậy ở một tỉnh chưa phải là mạnh về du lịch như Nghệ An? Có lần tôi cũng hỏi ông Thản như vậy. Ông lại thủng thẳng trả lời “Thì cho cần câu, tự câu mà ăn. Không kiếm được thì nghỉ khỏe!”. Tôi nghe cũng chỉ biết cười.

Cho cần câu, tự câu mà ăn. Không kiếm được thì nghỉ khỏe!

Theo triết lý của ông, lúc đầu xây bệnh viện, trường học, nay xây nhiều khách sạn như thế, ông phải bỏ tiền ra trả hết chi phí, từ lương đến thưởng, đến trợ cấp. Mấy năm đầu vừa vận hành, vừa đào tạo, lấy lãi chỗ này “đập” vào chỗ kia. Sau khi cứng cáp thì phải tự bơi, tự nuôi sống mình. Mỗi dự án đầu tư có “thời kỳ quá độ” khác nhau. Quan trọng nhất là phải tìm được “tay” giám đốc điều hành tốt, sẽ “kéo theo” cả đoàn quân. Theo một số giám đốc Mường Thanh ở Nghệ An tâm sự với tôi “chỗ em sống khỏe” thì thấy con đường mà ông Thản đang đi là không nên nghi ngờ nữa. Nhiều khi mình đi dưới đất cứ hay lo cho người đi trên dây là thế.

Riêng tại quê hương Nghệ An, ông Lê Thanh Thản

Riêng tại quê hương Nghệ An, ông Lê Thanh Thản đã đầu tư 10 khách sạn từ 4 đến 5 sao

Nhưng có một dự án mới đây ông Thản đầu tư tại một vùng đồi xã Diễn Lâm quê ông thì tôi thấy hoảng thật. Dự án có tên là Khu sinh thái Mường Thanh Safari Land. Ông đã bỏ tiền ra mua lại đất ở khu Trại Bò, Đồng Nông để xây dựng khu quần thể bảo tồn sinh thái lớn nhất Việt Nam với quy mô 500 héc-ta. Rừng núi ở đây vẫn giữ được địa hình tự nhiên, được sự tư vấn thiết kế và xây dựng theo mô hình hiện đại do các chuyên gia Malaysia, nơi đây được đánh giá là vườn thú tư nhân có quy mô lớn nhất nước.

Vườn thú nằm ở trung tâm quần thể dự án khu sinh thái Mường Thanh cách Quốc lộ 1A 15km, là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngàn loài động vật quý hiếm trong khu bảo tồn thiên nhiên với hệ thống thực vật đa dạng, phong phú. Ở đây có vườn thú, có công viên, có sân golf, có chùa, có một khách sạn 5 sao và 20 biệt thự nhỏ nằm cheo leo nơi các sườn đồi. Dự án đầu tư trên 1.000 tỷ đông. Tôi hoàn toàn không nghe nhầm một chút nào.  Hôm ghé qua con đường mới mở rộng từ đường 48 vào khu sinh thái, tôi lại hỏi ông một câu hỏi ngô nghê: “Cái này bao giờ có lãi, anh?”. Vẫn thói quen thủng thẳng, ông trả lời một câu đúng chất Nghệ: “Lãi chi chú!”. Cố mãi cũng không thể hiểu! 

Nhân viên của ông ở đây chủ yếu là thanh niên, nông dân xã nhà Diễn Lâm của ông đã qua đào tạo. Họ nói tiếng Anh thì còn được, chứ nghe họ nói tiếng Bắc thì buồn cười lắm. Nhưng không sao, sau đào tạo ở lò Mường Thanh này, tôi tin rồi họ sẽ lớn lên, sẽ như những chàng trai của của đổi tuyển bóng đá U23 chúng ta. Sẽ là “Trai Mường Thanh đi bốn phương trời. Trai Mường Thanh xây công trường  mới…” như lời bài hát “Hoa Mường Thanh” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sáng tác miễn phí tặng ông Lê Thanh Thản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top