Aa

Kỳ 3: Triết lý kinh doanh “thuần nông”!

Thứ Sáu, 26/01/2018 - 06:01

Một người “gốc” thuần nông dân như ông Lê Thanh Thản, không thích màu mè, thích ăn cá đồng kho, rau luộc, rượu “táo mèo”, thường đi dép “tông Thái”, ít đeo cavat trừ các ngày lễ trọng, vậy có triết lý kinh doanh không nhỉ?

 Xem loạt bài Doanh nhân Lê Thanh Thản - một người Nghệ đặc biệt 

Câu hỏi ấy không phải là không có lý. Bởi thực tế, có người nhiều tiền nhưng nhờ may mắn, ví như nhờ lướt sóng chứng khoán chẳng hạn; hay buôn bán bất động sản thời kỳ bong bóng. Lê Thanh Thản tất nhiên là khác. Tôi có suy nghĩ rằng, giai đoạn từ một người lính đến Phó Văn phòng huyện ủy Mường Lay, rồi ra làm kinh tế, có lẽ ông Thản chưa hẳn đã có đúc kết về triết lý kinh doanh, kể cả khi đã tham gia các hợp đồng kinh tế với tỉnh Phong Sa Lỳ mà tổng thầu lên tới 1,5 tỷ USD.

Nhưng từ Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, từ một khách sạn Mường Thanh ở Điện Biên kéo quân về Hà Nội tham gia thị trường bất động sản vào năm 1997, hẳn Lê Thanh Thản đã hình thành một lý luận riêng về kinh doanh, hay nói một cách hơi nhiều chữ nghĩa một tý, là “triết lý kinh doanh”. Nếu không có lý luận ấy, “người nông dân” như ông Lê Thanh Thản làm sao trở thành một đại gia của “chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam”? Và không có triết lý kinh doanh ấy, cứ mò mẫm thì làm sao có được sự nhất quán, nhanh nhạy, quyết liệt để Tập đoàn Mường Thanh có một hệ thống 54 khách sạn trải dài khắp cả nước và nước bạn Lào?

Khi được giới truyền thông phong cho là “đại gia” thì dường như bất cứ ai cũng có con đường làm ăn với những nguyên tắc riêng. Sự thành công của các doanh nhân Việt Nam của các tập đoàn Vingroup, Sun Group, Thaco, TH True Milk và mới đây là FLC đã nói lên điều đó. Vậy với một người kiệm lời và “kín tiếng” như Lê Thanh Thản, triết lý kinh doanh của ông là gì?

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn ảnh: Internet

Làm việc khó mới có niềm tin!

“Việc khó mới nhờ đến mình!”. Đây là tuyên ngôn đầu tiên của ông Lê Thanh Thản khi nhận công trình thông tuyến toàn bộ tuyến đường 70km từ cửa khẩu Tây Trang đi Mường Khoa vào mùa mưa 1995 mà đoàn cán bộ do tỉnh trưởng Phong Sa Lỳ đi bộ sang Điện Biên cầu cứu. Như bài trước chúng tôi đã nói, là doanh nghiệp đầu đàn, có năng lực số 1 của tỉnh, ông Thản được tỉnh chọn giao nhiệm vụ thông tuyến giúp bạn Lào trong vòng 30 ngày. Nhiệm vụ tưởng như bất khả thi, thế nhưng ông Thản nói với các cộng sự: “Có khó họ mới nhờ mình. Phải tổ chức thi công tốt để vừa có doanh thu, vừa có uy tín cho các công trình tiếp theo”. Vậy là ông nhận lời, kéo quân sang bên đó và hoàn thành công việc như đã hứa.

Thông điệp ấy nói lên điều gì? Phải chăng, việc dễ thì nhiều người làm được, việc khó ít người dám nhận. Làm việc khó thì mới có niềm tin. Ngay từ những ngày mới thành lập, Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (1992, tiền thân của Tập đoàn Mường Thanh sau này) đã xác định con đường đi của mình như vậy.

Khi đã có lưng vốn và trở về Hà Nội tham gia thị trường bất động sản, ông Thản lại tiếp tục lao vào việc khó. Có vẻ như câu tuyên ngôn ở Mường Lay “ám” vào con đường kinh doanh của ông thì phải. Ví như, thông thường các nhà đầu tư chỉ xây dựng khách sạn lớn ở thành phố và đô thị vì cư dân đông và nhiều người có của ăn của để. Nhưng ông Thản lại khác, hầu như hàng loạt khách sạn Mường Thanh đều được đầu tư xây dựng ở nhiều tỉnh miền núi rất khó khăn. Ở phía Bắc, thì nào là Lai Châu, Điện Biên, nào Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, nào Hà Giang, Lạng Sơn. Ở miền Trung và Tây Nguyên thì nào Nghệ An, Thanh Hóa, nào Quảng Bình, Quảng Trị, nào Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk. Nam Bộ thì vào đến tận Phú Quốc (Kiên Giang) và Cà Mau.

Khách sạn Mường Thanh Lý Sơn

Khách sạn Mường Thanh Lý Sơn

Có phải ông Thản là người đầu tiên xây khách sạn Mường Thanh ở huyện đảo Lý Sơn? Xây ở đây thì kinh doanh thế nào nhỉ? Tuy nhiên, đây là một điểm du lịch đang hấp dẫn du khách với thắng cảnh thiên nhiên độc đáo. Huyện đảo Lý Sơn được định hướng quy hoạch phát triển thành đô thị sinh thái biển xanh, sạch, đẹp... từ nguồn lực ngân sách, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; kết hợp phát triển kinh tế biển và du lịch sinh thái với đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh...

Có lẽ ông Thản xây Mường Thanh ở Lý Sơn để đón đầu hoặc cũng hỗ trợ huyện đảo này vì cả mục đích dân sinh và bảo vệ biển đảo. Nếu xây khách sạn Mường Thanh ở các thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Múi Né, Vũng Tàu, Hạ Long… còn có thể thu hút khách, thu hồi vốn nhanh. Nhưng ở các tỉnh miền núi, vùng cao, phố núi hay cực Nam mà xây cả hệ thống khách sạn Mường Thanh, thậm chí cả Mường Thanh Luxury nữa, thì thử hỏi đến bao giờ mong kinh doanh có lãi?

Có lần, tôi hỏi ông Thản như vậy, ông thủng thẳng trả lời: “Nói thật với chú, có nhiêu tỉnh nghèo ít người đến xây khách sạn. Vì xây thì ai ở? Nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhờ bác xây một cái 4, 5 sao cho tỉnh còn đón khách đến đầu tư có chỗ nghỉ, có chỗ hội họp, có chỗ đàm phán, ký kết. Bác cũng nể nên bác làm. Làm đón đầu, túc tắc, sau sẽ tính lãi thôi…”.

Ông còn bảo vì tỉnh nhờ, yêu cầu làm nhanh, nên các thủ tục rất gọn và đơn giản thôi… Quả thực, đi qua một tỉnh nào đang xin ngân sách của Trung ương hay qua một phố núi nào mà thấy một Mường Thanh sang trọng, đèn nhấp nháy suốt đêm thì quả là hấp dẫn mà tin cậy. Ông Thản là vậy, khó mấy cũng làm, như thế vừa được tình cảm, vừa được niềm tin, chắc chắn sẽ vừa có lãi về sau.

“Tạo cơn mưa mọi người cùng hưởng…”

Một người cán bộ bình thường của khách sạn Mường Thanh 4 sao Hồ Linh Đàm (Hà Nội) đã mách cho tôi câu nói khá văn chương “Tạo cơn mưa mọi người cùng hưởng” để nói về một trong những triết lý kinh doanh của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mường Thanh.

Theo dõi quá trình kinh doanh của ông Lê Thanh Thản, có thể thấy một động thái như là nghịch lý song hành tồn tại. Đó là trong khi xây dựng nhiều khách sạn từ 4, 5 sao ở các tỉnh miền núi thì ở Hà Nội, ông lại chủ trương xây dựng nhà ở đại chúng, giá rẻ. Các khu đô thị Xa La, Linh Đàm, Đại Thanh, Thanh Hà Cienco 5… thì ngoài môi trường xanh, sạch, còn ai cũng tấm tắc khen các phòng ở đều vừa tầm, vừa giá.

Hà Nội là nơi hội tụ dòng người từ các tỉnh trong cả nước đổ về, hầu hết trong số đó là những người làm công ăn lương hoặc chưa đủ giàu để có thể mua các căn hộ cao cấp. Đặc biệt là với những gia đình tỉnh lẻ khi có con cái vào đại học, nếu không có nhà phải thuê nhà trọ ở ngoài rất lộn xộn, giá lại không hề rẻ. Trước nhu cầu đó, cách mà họ lựa chọn là tìm mua một căn hộ vừa phải, vừa đáp ứng nhu cầu ở cho con cái, vừa là khoản đầu tư mà không sợ bị lỗ.

Theo ông Thản, đất nước nào cũng thế, người nghèo bao giờ cũng đông hơn, chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều. Là người sống gần dân, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp, Lê Thanh Thản rất hiểu họ. Vì thế, ông chủ trương đi xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ, giá lại rẻ hơn thị trường cùng phân khúc.

Ông lý giải, nếu một đôi vợ chồng mới xây dựng và có một đứa con nhỏ, ba người có thể mua một căn hộ chừng 50 - 60m2, với giá từ 7 - 9 triệu/m2 thì chỉ cần 400 - 600 triệu đồng có thể mua được một căn hộ để “an cư mới lạc nghiệp”. Sau này làm ăn khấm khá, có thể mua căn hộ khác to rộng hơn, hoặc mua căn hộ cao cấp của các “đại gia” khác và chuyển đổi, nhượng lại căn hộ cũ cho những người trẻ tuổi hơn “đồng cảnh” ngày xưa. Vì thế, trong khi nhiều căn hộ cao cấp hoặc trung cấp bị ế ẩm thì nhà của ông Thản xây xong đến đâu, bán hết đến đấy.

Trong khi nhiều căn hộ cao cấp hoặc trung cấp bị ế ẩm thì nhà của ông Thản xây xong đến đâu, bán hết đến đấy.

Trong khi nhiều căn hộ cao cấp hoặc trung cấp bị ế ẩm thì nhà của ông Thản xây xong đến đâu, bán hết đến đấy.

Tôi có một người cháu tên là Nguyễn Khắc Thành, ngoài 30 tuổi, làm cho một công ty liên doanh của Nhật Bản tại Hà Nội. Vợ chồng cháu đã có hai con nhỏ, cũng vừa ký hợp đồng mua được một căn hộ 68m2 tại nhà HH3A, khu đô thị Linh Đàm. Khi ký hợp đồng với chủ đẩu tư, cháu được vay từ ngân hàng hỗ trợ cho người có thu nhập thấp với lãi suất ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ. Gặp tôi, cháu tâm sự: “Chú ơi, ai nói gì thì nói, chứ cháu suốt đời cám ơn bác Thản. Không có bác, biết bao giờ cháu có nhà mà ở. Nhiều người xa quê như cháu cũng thế, rất biết ơn bác ấy, mặc dù chúng cháu bỏ tiền mua. Tiền ít thì làm sao mua nhà ở đâu được chú?”.

Ngẫm lại, ai đó đã từng là người nghèo hoặc đứng về phía người nghèo sẽ thấy cách làm của ông Thản hoàn toàn là có lý. Điều này giải thích vì sao hàng ngàn người được mua nhà của ông Thản vẫn biết ơn ông và gọi ông là “bác Thản” với tất cả sự trìu mến.

Muốn có căn hộ giá rẻ phải giải quyết bài toán giá thành. Để bán nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, ông Lê Thanh Thản triệt để áp dụng các biện pháp giảm giá thành cho từng mét vuông. Để cho ra đời một căn hộ, cần nhiều khâu. Nếu kiểm soát được, mỗi khâu tiết kiệm đi một chút, sẽ có giá đó. Đó là giảm tiền đền bù, giảm khâu trung gian trong quá trình ký kết mua bán nguyên vật liệu, thi công, giám sát, giảm chi phí nhân công, xây cao tầng lên, xây nhanh, bán nhanh để thu hồi vốn.

Với một triết lý kinh doanh bán rẻ hơn đối tác khác mà chất lượng vẫn đảm bảo, người hưởng lợi đầu tiên chính là khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, có một phép kinh doanh là tạo” cơn mưa” để những người thân quen với ông Thản cũng được hưởng lợi. Ví như khi mở bán căn hộ của một chung cư, ông quyết định giá sàn là 12 triệu đồng/m2 (giá người thu nhập thấp chấp nhận), cùng lúc đó, ông có khoảng 100 - 200 những người anh em, bạn hữu thân thiết với nhau, ông dành cho họ một căn hộ với giá thấp hơn, khoảng 11 triệu đồng/m2. Ông cấp cho những người này một mảnh giấy ghi đặc điểm căn hộ, nếu trong vòng 1 ngày bán được trên giá cho bất cứ người nào thì được hưởng lợi. Nếu không bán được cho ai thì trả lại cho “khổ chủ”. Mà danh sách mỗi lần xấp xỉ trăm người.

Với cách làm như thế, ông Thản có thể vừa giúp được người thân (không đầu tư mà vẫn có lãi, có trường hợp bán chênh được vài ba chục triệu/ căn hộ), vừa tạo nên một thị trường bán mua sôi động. Và bao giờ cũng thế, hàng cùa ông hết rất sớm. Đó thật sự là tình cảm của Lê Thanh Thản muốn dành để giúp đỡ cho cả những bạn bè, người thân, sau khi đã bán giá rẻ cho khách hàng. Và như vậy, tất cả đều được hưởng lợi, người thân thì đã đành, người dưng là khách hàng cũng được hưởng. Tất cả ít, nhiều gì đều có niềm vui. Và quan trọng nhất là giá rẻ mà vẫn có có lãi, bán hết hàng nhanh, thu hồi vốn nhanh để đầu tư tiếp.

Dường như doanh nghiệp bất động sản nào cũng “thuộc bài” này thì phải. Nhưng ông Thản làm thành công được hẳn là đã thực hiện một triết lý kinh doanh không của riêng mình một cách... rất riêng!

Ba “nhanh” chụm lại nên Mường Thanh cao!

Đó là quyết định đầu tư nhanh, xây dựng nhanh, thanh khoản nhanh.

Quyết định nhanh về đầu tư phụ thuộc chính vào tư lệnh Mường Thanh Lê Thanh Thản. Đó là bản lĩnh và tài năng kinh doanh của một người thủ lĩnh, nắm “hầu bao” của tập đoàn. Một quyết định sai lầm có thể kéo cả đoàn xuống vực thẳm, nhưng quyết định đúng thì có lợi thế về thời gian và lợi thế kinh doanh trước đối thủ, tranh thủ thời cơ để tập trung đầu tư. Lạ một cái là ông Thản lúc nào quyết định cũng đúng, dù chưa một lần thấy ông nói học ở trường đại học kinh tế nào, có bằng cấp gì như một số “đại gia” khác!

Ví như khi cần mua lại dự án Thanh Hà Cienco 5 rộng đến 375ha, ông quyết định trong thời gian 3 ngày. Tiền thì chắc là lớn lắm, nhưng ông không giải thích. Cạnh ông chỉ có một vài luật sư, còn bài toán kinh tế thì trong đầu ông. Không có quyển sổ hay cái bút nào để tính toán, gạch xóa. Cứ thế ông quyết! Bây giờ thì Mường Thanh Thanh Hà Cienco 5 đã xây dựng với tốc độ chóng mặt như thế nào, hẳn nhiều người đã biết, như một công trường khổng lồ, đã ra dáng là một đô thị rộng nhất Việt Nam.

Đặc biệt, ông Thản quyết định rất nhanh khi mua lại và dựng nên các khách sạn Mường Thanh Thanh Niên, Mường Thanh Phương Đông, Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Nha Trang… của các cơ quan Nhà nước một thời làm ăn thua lỗ. Và bây giờ, những khách sạn ấy đã hòa mình vào bước đi lên, phát triển của chuỗi khách sạn Mường Thanh cả nước. Những quyết định như vậy, lúc đầu, nhiều người nghe đã “sởn gai ốc”, nhưng bây giờ thì thấy ông đã đúng như thế nào. Đó là sự bạo gan, nhanh nhạy và bí quyết kinh doanh mà không phải người nhiều tiền nào cũng có được.

Tiêu chí quan trọng nhất mà Mường Thanh quan tâm là thanh khoản, bán được hàng và không để tiền chết.

Ông Lê Thanh Thản

Nếu nói về tốc độ xây dựng của ông Thản thì có thế nói đó là thần tốc. Bao dự án sau khi đã quyết định đầu tư là “ào ào xốc tới”. Điều này không chỉ phụ thuộc vào vốn, mà phụ thuộc cả một đội ngũ, hệ thống từ kỹ sư, công nhân đến máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, giám sát kỹ thuật.

Tôi không hiểu “đốc công” Lê Thanh Thảnh điều hành ở công trường thế nào mà nhanh đến vậy. Một ngày chỉ có 24 giờ, vậy ông chỉ đạo ra sao? Ví như xây dựng Mường Thanh Quảng Bình cao 12 tầng (2016) chỉ xây trong 10 tháng; Mường Thanh Cần Thơ 24 tầng (2016) cũng chỉ xây trong 12 tháng. Và Mường Thanh ở Viên Chăn nữa, 5 sao mà chỉ xây hơn một năm là đưa vào đón khách. Rất nhiều khách sạn Mường Thanh ở nhiều tỉnh cũng xây dựng với tốc độ như thế, tốc độ xây dựng còn nhanh hơn cả thủ tục cấp phép (sau này ông Thản tâm sự, một số khách sạn xây xong mà chưa hoàn thành giấy phép là do lãnh đạo tỉnh giục giã xây thật nhanh, trong khi thủ tục giấy phép thuộc thẩm quyền của tỉnh thì làm chậm. Đương nhiên, Mường Thanh trở thành vi phạm bất đắc dĩ…, chuyện này sẽ nói sau).

Tốc độ xây dựng nhanh như vậy đã đưa đến những lợi thế không chỉ làm hài lòng lãnh đạo địa phương mà chủ yếu đưa công trình vào kinh doanh sớm, thu hồi vốn nhanh để tiếp tục đầu tư nơi khác. Với các chung cư của đô thị cũng vậy. Từ lúc ký hợp đồng, trải qua 4 lần trả tiền là người mua có thế nhận chìa khóa vào ở. Thời gian thường chỉ dưới một năm, điều mà khách hàng nào cũng mơ ước. Trong khi nhiều dự án nhà ở khác thì rơi vào tình trạng “câu dầm”, có nơi người mua nhà rơi vào vô vọng. Có dự án thì lừa đảo, chủ đầu tư bỏ trốn hoặc bị pháp luật “sờ gáy”… “Mạnh vì gạo bạo vì tiền” thì đúng rồi, nhưng ý thức của triết lý kinh doanh đã quyết định hướng đi thủy chung của tập đoàn Mường Thanh thì đã rõ, trở thành nguyên tắc đầu tư!

Trong lần trả lời một tờ báo, lần đầu tiên ông Lê Thanh Thản nói về triết lý kinh doanh: “Tiêu chí quan trọng nhất mà Mường Thanh quan tâm là thanh khoản, bán được hàng và không để tiền chết”. Ừ thì đúng quá. Có thể nói đây là bài học phổ thông, kiến thức vỡ lòng của bất cứ nhà kinh doanh nào, nhưng vì sao ít người thành công như ông Thản. Xây nhanh, nhà giá rẻ, người mua phấn khởi trả tiền nhanh. Ông Thản xưa nay đầu tư bằng vốn tự có, không phải vay ngân hàng nên rất chủ động trong việc xây dựng, bán hàng nhanh, rồi thu hồi vốn nhanh để đầu tư vào công trình khác.

Thanh khoản nhanh không chỉ lúc bán hàng mà ngay cả đối với các đối tác cung cấp nguyên vật liệu cũng vậy. Một trợ lý của ông Thản bật mí cho tôi: “Bác Thản trả tiền nhanh lắm, đổ hàng là lấy tiền. Không có chuyện lạm dụng vốn người khác. Chữ tín như vậy khiến đối tác yên tâm, thủy chung khi làm ăn với Mường Thanh”. Nhặt nhanh tiền lẻ gom vào bị còn hơn đợi dài cổ lấy tiến chẵn. Thời gian, thời cơ là vàng, đến tôi tù mù về kinh doanh còn hiểu như vậy, huống chi là ông Thản.

“Ba nhanh” là thế, cứ chụm lại trở thành nguyên tắc kinh doanh của ông Lê Thanh Thản xây nên một tập đoàn Mường Thanh có thương hiệu. Ông Thản ít làm thơ, nhưng tôi biết có một câu thơ ông viết trong một bài thơ ngắn: “Đêm thao thức ngày đánh trần/Lắm phen vỡ mộng lấm lưng bạn cười/… Có đi xa mới mong gần/ Có sẻ chia mới biết mình lớn khôn…”. Có vỡ mộng mới dần có triết lý? Nhưng có điều ngẫm từ câu thơ của ông “Có sẻ chia mới biết mình lớn khôn”, bỗng nghĩ có thể đây cũng là một triết lý kinh doanh nữa của ông Lê Thanh Thản mà chúng tôi chưa đề cập?

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 4 loạt bài "Doanh nhân Lê Thanh Thản - một người Nghệ đặc biệt" trên reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top