Aa

Kỳ 4: Vì sao người dân quyết chặn xe ra vào các mỏ đá?

Thứ Ba, 19/04/2022 - 16:30

Người dân tại tổ đoàn kết số 6, thôn Hòa Đông, xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành đã ngăn không cho xe chở đất, đá ra vào đường dân sinh, vì hoạt động của các mỏ đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Người dân đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn; thậm chí tập trung phản đối không cho xe chở đá đi qua...

Bụi bay mù mịt từ các máy xay đá nhưng không có hệ thống phun sương, tưới nước giảm bụi.

Sống khổ gần mỏ đá

Ông Châu Ngọc Phước (41 tuổi, tổ đoàn kết số 6, thôn Hòa Đông) cho biết, những xe vận chuyển đá từ các mỏ đi ra mang theo bụi bặm, chở quá tải, không che chắn cẩn thận, làm rơi vãi xuống đường, trước nhà dân. Sau đó gặp gió, xe ô tô lưu thông trên Quốc lộ 1A thổi bụi bay vào nhà ở gần đường vận chuyển của các mỏ đá. “Bà con ở đây đều đóng cửa cài then cả ngày, không có việc gì thì không ra khỏi nhà vì bụi rất nhiều”, ông Phước than vãn.

Cùng chung nỗi niềm với ông Phước, bà Nguyễn Thị Hiền (51 tuổi) trần tình: “Như gia đình tôi sống chủ yếu bằng việc buôn bán nước giải khát cho người đi đường. Nhưng với tình trạng bụi bặm nhiều như thế này thì khách cũng không dám ghé, hoặc có ghé thì cũng đi ngay nên chẳng bán được gì nhiều”. Bà Hiền cho rằng, nhà mình cũng đóng cửa cả ngày vì bụi, bên cạnh đó phải thường xuyên lau dọn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là bụi đất, đá đã bám thành lớp trên các vật dụng và nền nhà.

Còn anh Ngô Đình Diệm (33 tuổi) bày tỏ sự lo lắng tại chính ngôi nhà mới xây của mình. Anh Diệm cho biết, nhà anh mới hoàn thành cách đây vài tháng, được xây kiên cố như đổ mê, xây tường 20cm nhưng đã xuất hiện một số vết nứt. “Tôi rất e ngại về việc nổ mìn của các mỏ đá. Việc nổ mìn này thường vào buổi trưa và tối, gây chấn động mạnh, nguy cơ tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt hơn và tiềm ẩn nguy hiểm cho gia đình”.

Người dân bức xúc vì tình trạng môi trường ô nhiễm kéo dài nhiều năm qua không được giải quyết rốt ráo.

Được biết, ngày 17/1, hàng chục hộ dân đã có đơn gửi đến chính quyền xã Tam Nghĩa trình bày về những ảnh hưởng của hoạt động tại các mỏ đá trong khu vực đến đời sống của mình. Theo đó, ngoài bụi đá từ hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển thì một số hoạt động khác như nấu nhựa đường, nổ mìn khai thác đá, xe ra vào mỏ quá sớm, ô nhiễm nguồn nước… cũng gây ra nhiều bất cập về môi trường, tác động nặng nề đến đời sống của cư dân.

Đến ngày 5/3, xã Tam Nghĩa đã tổ chức buổi đối thoại giữa các công ty khai thác đá và các hộ dân liên quan. Tại buổi đối thoại này, các hộ dân yêu cầu giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá gây ra. Theo đó, chính quyền xã đã yêu cầu các công ty khai thác đá phải chấp hành về thời gian hoạt động để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, có giải pháp tưới nước, phun sương, quét bụi đá rơi vãi khi xe vận chuyển từ mỏ ra. Cùng với đó, UBND xã Tam Nghĩa đã đề nghị UBND huyện Núi Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện có buổi kiểm tra, thực hiện đo, lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm về mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá để trả lời cho người dân. “Đề nghị Phòng Tài nguyên – Môi trường kiểm tra tình hình hoạt động của các mỏ đá vì hiện nay được biết có công ty hợp đồng với các đơn vị vận chuyển vật liệu đất, đá từ Dung Quất (Quảng Ngãi) đến để tập kết trong khu vực mỏ làm tăng thêm việc ảnh hưởng môi trường về bụi, thời gian hoạt động của các xe vận chuyển”, lãnh đạo xã Tam Nghĩa yêu cầu.

Bao giờ môi trường sống an lành?

Thực tế, từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần người dân tại tổ 6, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành chặn xe ra vào các mỏ đá trên địa bàn. Trước đó, vào ngày 28/2 đến ngày 3/3, tiếp đến là chiều ngày 12/4 và sáng ngày 13/4. Vậy, tại sao các mỏ đá ở đây hoạt động đã lâu nhưng thời gian gần đây mới xuất hiện sự phản đối của người dân? Được biết, trước đây các mỏ đá (Hòa Đông, Hưng Long, Đông Hòa Vân, Tây Hòa Vân, Kỳ Hà) có hỗ trợ một số khoản tiền đối với các hộ dân trên Quốc lộ 1A đoạn giữa từ ngã 3 chốt đèn tín hiệu giao thông đến nút giao với Quốc lộ 1A đoạn gần 3 tổ dân cư số 6, thôn Hòa Đông. Theo đó, khi chưa tháo nút con lươn tại ngã 3 Quốc lộ 1A thì các xe vận chuyển hàng của các mỏ phải đi vòng vào hướng Nam Quốc lộ 1A để quay đầu sang làn đường bên phải hướng Bắc dẫn đến việc rơi vãi và phát tán bụi, ảnh hưởng đến các hộ dân trên đoạn đường này. Các khoản hỗ trợ này bao gồm việc tưới nước bụi đường, quét bụi lề đường và ảnh hưởng môi trường từ xe vận chuyển các mỏ đi qua đến đời sống người dân.

Đường dẫn vào khu vực 5 mỏ đá tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2022, các mỏ đá trên đã dừng hỗ trợ các khoản này với lý do tại vị trí ngã 3 Quốc lộ 1A đã hoàn thiện lắp dựng chốt dừng, đèn tín hiệu giao thông và nút giao đã được tháo dỡ để giải quyết lưu thông thì xe vận chuyển của các mỏ đá đã đi qua trực tiếp tại ngã 3 này và không còn ảnh hưởng đến các hộ dân cư. Theo phản ánh của người dân, dù nút giao thông tại ngã 3 đã được mở nhưng xe chở đất đá đi vào hướng Quảng Ngãi và đá từ trong Dung Quất (Quảng Ngãi) nhập ra các mỏ vẫn còn đi qua khu vực trước nhà các hộ dân, bụi vẫn không hề thuyên giảm. Xe ra vào mỏ trên tuyến đường này với tần suất lớn làm bụi đá rơi vãi vào trong không khí và ra đường. Bên cạnh đó là hoạt động nổ mìn khai thác đá, chế biến đá gây ra lượng bụi lớn là những nguyên nhân làm tăng lượng bụi, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn đến đời sống người dân.

Nhiều mỏ đá tập trung tại xã Tam Nghĩa làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường sống của cư dân.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho hay, các hộ dân tại đây xem việc hỗ trợ của các mỏ đá như là việc thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng bị ảnh hưởng. “Trước đây, chúng tôi là những người được hỗ trợ để trực tiếp tưới nước, quét bụi đường trước nhà mình để giảm thiểu bụi bởi hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá. Tuy nhiên, bây giờ nếu doanh nghiệp không hỗ trợ để chúng tôi làm nữa thì họ cần có những giải pháp để giảm thiểu bụi, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Hiền nói thêm.

Ngoài ra, người dân cũng phản ánh tình trạng có một số mỏ đá mặc dù đã hết phép nhưng vẫn còn hoạt động sản xuất đá, tăng lưu lượng xe di chuyển làm tăng lượng bụi và kéo theo nhiều bất cập liên quan…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top