Thật may mắn cho ông Nguyễn Đình Bang, nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã được tôn trọng trong quá trình xét xử phiên phúc thẩm ngày 13/10/2017 của TAND cấp cao tại Hà Nội. Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm Thẩm phán Nguyễn Huyền Cường làm Chủ tọa phiên tòa, cùng các Thẩm phán Bùi Thị Minh và Đặng Văn Hưng.
Tại phiên phúc thẩm, về tố tụng hình sự, HĐXX cho rằng việc phiên sơ thẩm buộc 2 bị cáo Nguyễn Đình Bang và Nguyễn Huy Khang liên đới bồi thường 22.315.248.000 đồng cho Công ty Huy Phát là thiếu căn cứ: “Nếu số tiền này thuộc sở hữu của Công ty Huy Phát thì cần phải có các tài liệu thể hiện chủ trương đầu tư của công ty, trong kết quả sản xuất kinh doanh và báo cáo thuế, tài chính của công ty. Như vậy, việc xác định Công ty Huy Phát tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự là chưa có cơ sở thuyết phục”.
Một nhận xét quan trọng nữa của HĐXX là: “Trong quá trình điều tra, do điều tra viên không ghi đúng lời khai của bị cáo Khang nên bị cáo nhiều lần phải tự ghi lại và đã nhiều lần đề nghị thay đổi điều tra viên theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, nhưng tất cả những lần yêu cầu này đều không được giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Từ những nhận xét này của HĐXX, nếu là người có chút ít am hiểu pháp luật sẽ suy nghĩ điều gì? Giả sử như theo phán quyết của phiên sơ thẩm, hai ông Nguyễn Đình Bang và Nguyễn Huy Khang cùng thực hiện bồi thường 22.315.248.000 đồng cho Công ty Huy Phát, thiết nghĩ sẽ tiềm ẩn xảy ra một vụ tranh chấp khác. Bởi lẽ, người gửi tiền cho ông Bang (qua tài khoản) và tiền cho ông Khang (qua một gói nilon màu đen) là ông Thái Khắc Toàn. Mà rõ ràng trong khái niệm pháp lý, pháp nhân và thể nhân không thể là một được. Vậy dựa vào căn cứ pháp lý nào để phiên sơ thẩm có thể xác định tài sản của một cá nhân biến thành của một tổ chức?
Còn sự việc tại sao lại xảy ra tình trạng “trong quá trình điều tra, do điều tra viên không ghi đúng lời khai của bị cáo...” thì qua bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Bang đăng trong kỳ 4, điều này sẽ dễ hiểu hơn, không cần có lời phân tích thêm.
Về phần nội dung vụ án, HĐXX nhận thấy có nhiều sai sót nghiêm trọng.
Thứ nhất, “chưa có cơ sở vững chắc để xác định việc anh Toàn và bị cáo Khang là quan hệ vay nợ cá nhân và được đảm bảo dưới hình thức góp vốn, hay là quan hệ góp vốn để thực hiện dự án, và quan hệ này có liên quan gì đến vai trò đồng phạm của bị cáo Bang trong vụ án này không”. Bởi theo HĐXX, anh Toàn đã có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, nhưng mâu thuẫn này đã không được phiên sơ thẩm xử lý.
Nhận xét này rất quan trọng ở chỗ, nếu quan hệ giữa anh Toàn và bị cáo Khang là quan hệ vay nợ giữa cá nhân với cá nhân và được đảm bảo dưới hình thức góp vốn nào đó thì không liên quan đến người thứ ba.
Thứ hai, về vấn đề có liên quan đến thủ đoạn gian dối của các bị cáo nhằm chiếm đoạt tài sản, HĐXX cho rằng, dự án là có thật, vẫn đang tồn tại và chưa bị thu hồi. Ý chí chuyển nhượng giữa các bên về 80% cổ phần của dự án cũng là có thật và đã hoàn thành việc giao nhận tiền đặt cọc. Vì thế, theo HĐXX: “Vấn đề này cần được làm rõ để xác định có hay không sự gian dối của Khang, Bang trong vụ án này”.
Thứ ba, về việc bị cáo Khang tự nhận là Giám đốc Công ty Trường Sinh cùng một số giấy tờ liên quan khác để khiến anh Toàn tin tưởng Khang và ký hợp đồng góp vốn, HĐXX nhận xét: “Nếu cho rằng anh Toàn tin Khang là giám đốc Công ty Trường Sinh thì tại sao Khang phải dẫn Toàn đến nhà Bang và chỉ đồng ý chuyển tiền vào tài khoản của Bang, không đồng ý chuyển tiền vào tài khoản của Khang?”.
Thứ tư, về ý thức đồng phạm của ông Bang trong vụ án, HĐXX nhận thấy:
“Bang và Toàn không có quan hệ quen biết nhau, việc Khang và Toàn ký hợp đồng góp vốn ngày 08/4/2010, Bang không biết và không được ai thông báo cho biết.
Việc chuyển tiền vào tài khoản của Bang không ai báo trước cho Bang; số tiền này là tiền Khang mua cổ phần của Bang tại Công ty Trường Sinh (số nợ này hai bên xác nhận nên thuộc trường hợp không phải chứng minh). Sau khi chuyển thì Khang báo cho Bang và sau đó vài ngày thì chuyển ủy nhiệm chi cho Bang.
Sau khi nhận tiền chuyển nhượng thì Bang giao giấy tờ, sổ đỏ, con dấu cho Khang, Toàn để hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.
Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện Khang, Bang cùng bàn bạc, thống nhất ý chí để cùng thực hiện hành vi phạm tội.
Tại cơ quan điều tra, Bang nói sẽ trả lại số tiền này và yêu cầu trả lại giấy tờ, tài liệu, sổ đỏ dự án và hủy hợp đồng mua bán để bảo đảm an toàn cho mình nhưng không được xem xét giải quyết.
Một số tài liệu liên quan đến chuyển nhượng dự án còn có sự tham gia của ông Hải chứ không phải chỉ có mình Bang.
Như vậy: Việc đánh giá ý thức của Bang cũng cần phải được xem xét lại”.
Đến đây, ai cũng biết rằng, muốn xác định hành vi đồng phạm cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm". Qua các chứng cứ và tài liệu trong vụ án này, hành vi “cố ý” của ông Nguyễn Đình Bang đã không được chứng minh một cách thuyết phục.
Thứ năm, HĐXX nhận xét: “Bản án sơ thẩm hầu như không xem xét, đánh giá chứng cứ thu thập tại cơ quan Công an quận Đống Đa, điều này vi phạm nguyên tắc phải đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ liên quan đến vụ án”.
Cuối cùng, HĐXX nhận định “Những sai sót trên không thể khắc phục được ở cấp phúc thẩm” và quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Và như bạn đọc đã biết, tại phiên tòa sơ thẩm mới đây nhất ngày 16/9/2019, lời tuyên bố “xin cung cấp cho HĐXX 6 đoạn video và các bản dịch là các cuộc trao đổi giữa bị cáo và điều tra viên” của bị cáo Nguyễn Đình Bang, trong đó có đoạn thể hiện nội dung điều tra viên đã hướng dẫn những người khác khai báo không đúng sự thật, tạo dựng chứng cứ để làm oan sai cho ông, đã khiến phiên tòa kéo dài suốt gần 10 năm càng thêm nghẹt thở.
Trước những chứng cứ mới mà bị cáo Nguyễn Đình Bang cung cấp, HĐXX tạm dừng phiên xử để hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX TAND TP. Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra, làm rõ các đoạn video của ông Nguyễn Đình Bang.
Sau khi đọc các kỳ bài viết đã đăng trên Tạp chí Reatimes, có bạn đọc hỏi tôi rằng: “Liệu vụ án sẽ đi đến đâu?”.
Chỉ với tư cách là bình luận viên của một tờ tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực bất động sản, tôi cũng lúng túng không biết nên trả lời như thế nào. Nhân đây, xin kể lại câu chuyện, khi biết được nội dung vụ án này, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận xét: Với hơn 6.000m2 đất của dự án, giá thị trường hiện nay không dưới 100 tỷ đồng, trong khi tổng thiệt hại của những người trong cuộc gây ra chưa đến 50 tỷ đồng. Nếu là án dân sự thì Tòa hoàn toàn có thể tổ chức hòa giải giữa các bên để tìm ra phương án ít xấu nhất. Cùng lắm thì cho kê biên, đấu giá, phát mãi tài sản để khắc phục thiệt hại.
Thế nhưng, mọi sự hiện nay đã đi quá đà. Một vụ án dân sự đã bị “hình sự hóa” mất rồi. Người mà Tòa chưa kết tội đã bị bắt giam rồi. Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông...
Tôi nghĩ, dù có nhiều khuất tất sau gần 10 năm nhưng với vụ án này, công lý đã xuất hiện, sẽ tồn tại và bảo hộ cho những người dân bị oan ức.