Aa

Kỳ 5: “Mập mờ” sản xuất, chế biến đá ở xã Tam Nghĩa

Thứ Tư, 20/04/2022 - 14:30

Đi cùng với việc khai thác đá là các hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến đá. Thông thường, doanh nghiệp sẽ được cấp phép thực hiện đồng thời. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng chiếm đất, “sản xuất chui”.

Để đảm bảo an toàn lao động, khu vực sản xuất, chế biến đá sẽ không nằm trong phạm vi đang khai thác đá. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước cho phép thuê đất (gần hoặc giáp với khu vực mỏ khai thác đá) để xây dựng các hạng mục phụ trợ, khu sản xuất, chế biến đá.

Chính quyền từ xã, huyện, tỉnh Quảng Nam khẳng định không cho thuê đất sản xuất, chế biến đá của Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai.

Tại địa bàn xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), hiện nay có 2 khu vực sản xuất, chế biến đá nằm ngoài khu vực các mỏ đá đang hoạt động. Theo tìm hiểu của PV Reatimes, 2 bãi sản xuất, chế biến đá này là của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông và Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai. Hai bãi này liền kề nhau với tổng diện tích khoảng 4ha, nằm cách tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chừng vài chục mét, gần với khu vực mỏ đá Hòa Đông (đã hết phép khai thác từ tháng 6/2020) và mỏ đá Kỳ Hà. Theo tìm hiểu, 2 công ty này không phải là các đơn vị được cấp phép khai thác mỏ đá nào trên địa bàn. Được biết, 2 bãi sản xuất, chế biến đá này trước đây là khu vực khai thác đá, sau đó khu vực này nằm trong phạm vi hành lang đảm bảo an toàn cho tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nên không còn hoạt động khai thác đá nữa.

Hoạt động sản xuất, chế biến đá quá "mập mờ" tại một số mỏ đá ở xã Tam Nghĩa.
Việc sản xuất, chế biến đá gây ô nhiễm môi trường tại huyện Núi Thành.

Thế nhưng, đây lại là khu vực được Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông và Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai đặt máy móc sản xuất, chế biến đá và là nơi tập kết đá làm vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Khi liên hệ với chính quyền xã Tam Nghĩa để tìm hiểu thông tin về khu vực sản xuất, chế biến đá của 2 công ty này thì lãnh đạo địa phương này cho biết không nắm hồ sơ về hai khu sản xuất, chế biến đá nêu trên. Cán bộ địa chính xã cho rằng 2 công ty này “có thể đã làm thủ tục thuê đất ở huyện, ở tỉnh, phóng viên có thể liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để tìm hiểu thêm”.

Trao đổi với ông Trần Đình Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành, ông Minh khẳng định trên địa bàn huyện Núi Thành không hề có bãi sản xuất đá nào được cấp phép riêng biệt mà chỉ cấp phép khu vực khai thác đá và khu vực chế biến (gắn với khu vực khai thác đá nhất định – PV). Từ việc cấp phép đến vấn đề cho thuê đất thì UBND tỉnh thực hiện. Trường hợp Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai có thể là đơn vị liên doanh với mỏ đá Hưng Long (do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – CTCP được cấp phép khai thác – PV) để chế biến đá. Nhưng nếu khu vực sản xuất, chế biến đá của Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai không thuộc khu vực mỏ đá Hưng Long được cấp phép thì rõ ràng công ty này đang sử dụng đất trái phép.  

Theo quy định, 2 khu vực sản xuất, chế biến đá của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông và Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai muốn hoạt động thì cần phải được các cấp có thẩm quyền cho phép, có quyết định cho thuê đất làm bãi sản xuất, chế biến đá; có đánh giá tác động môi trường… Tuy nhiên, khi liên hệ với Chi Cục bảo vệ môi trường (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam), đơn vị này cho biết 2 công ty này không hề có đánh giá tác động môi trường đối với 2 bãi sản xuất, chế biến đá đang hoạt động rầm rộ tại xã Tam Nghĩa.

Phải chăng 2 công ty kể trên đang hoạt động chế biến, sản xuất đá trái phép?

Từ cấp xã đến cấp huyện không nắm được hồ sơ và cho rằng hồ sơ do chính tỉnh quản lý, trong khi đó các ngành liên quan (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết không quản lý hồ sơ của 2 khu vực sản xuất, chế biến của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông và Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai. Phải chăng 2 bãi sản xuất, chế biến đá của 2 công ty kể trên đang hoạt động trái phép mà chính quyền địa phương không hề hay biết?

Thông thường, đối với khu vực xây dựng các hạng mục phụ trợ, khu sản xuất, chế biến đá được Nhà nước cho thuê đất, thì thời hạn cho thuê đất sẽ trùng với thời hạn của mỏ đá tương ứng (nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến, sản xuất đá). Theo tìm hiểu của PV, khu vực chế biến, khai thác đá của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông nhận nguồn nguyên liệu từ mỏ đá Hòa Đông (do Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt được cấp phép khai thác trước đó). Giả sử khu vực chế biến, sản xuất đá của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông được các cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất để chế biến đá từ mỏ Hòa Đông thì đến nay thời hạn thuê đất đã hết (mỏ đá Hòa Đông đã hết phép khai thác từ tháng 6/2020). Tuy nhiên, hiện nay khu vực chế biến, sản xuất đá của công ty này vẫn đang hoạt động, xe ben vẫn ra vào để chở đá thành phẩm đi các nơi.

Đối với trường hợp của Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai, khu vực hoạt động chế biến, sản xuất đá của đơn vị này nằm cách xa mỏ đá Hưng Long, và tất nhiên khu vực này cũng không thuộc phạm vi của mỏ đá nào đang hoạt động tại đây. Theo bảng báo giá của Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai, các sản phẩm đá của công ty có nguồn gốc từ mỏ đá Hưng Long. Như vậy, có phải công ty này đang hoạt động chế biến, sản xuất đá “chui” trên khu vực đất chưa được các cấp thẩm quyền cấp phép?

Thực tế, dù đã hết phép khai thác từ tháng 6/2020 nhưng đến nay, mỏ đá Hòa Đông vẫn chưa được doanh nghiệp thực hiện công tác hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường. Cạnh khu vực trạm cân của mỏ đá Hòa Đông vẫn còn số lượng đá lớn nằm chất đống, lượng đá này được múc lên xe ben và vận chuyển đến 2 khu vực chế biến, sản xuất đá của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông và Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai nằm ngay gần đấy.

Công an huyện Núi Thành có mặt kịp thời tại hiện trường nơi các đối tượng có hành vi hành hung cản trở phóng viên tác nghiệp.

Vì vậy, theo chúng tôi cần có sự vào cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng để làm rõ pháp lý 2 khu vực sản xuất, chế biến đá của 2 đơn vị là Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông và Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Trường hợp 2 khu vực sản xuất này đã và đang hoạt động trái phép thì thực sự sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như việc sử dụng đất không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép; tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiếng ồn…, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh (không khí, nguồn nước…); tạo tiền lệ xấu, gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho ngân sách, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn…

Dù một dự án hay một công trình mà thẩm quyền phê duyệt, cấp phép thuộc cấp tỉnh thực hiện nhưng cấp huyện, cấp xã cũng cần phải nắm các hồ sơ liên quan để thực hiện chức năng giám sát, quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, với trường hợp 2 khu vực chế biến, sản xuất của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông và Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai, từ UBND xã Tam Nghĩa đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành đều không nắm được và cho rằng hồ sơ “do cấp tỉnh quản lý”. Vậy, dư luận đang đặt câu hỏi rằng: Thời gian qua chính quyền tại địa phương đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa? Và liệu đây có phải là hành vi ngang nhiên chiếm đất, sản xuất chui khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; hoặc việc sử dụng đất do Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không bàn giao lại đất… để địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai?

Cản trở phóng viên tác nghiệp

Khi thấy sự xuất hiện của nhóm phóng viên, một số đối tượng cảnh giới đã thông báo và ngăn không cho xe chở đá thành phẩm rời khỏi khu vực chế biến, sản xuất của Công ty TNHH Xây lắp Hòa Đông. Những xe này sau đó di chuyển vào khu vực khuất ống kính máy quay và “kiên nhẫn” đợi chờ.

Tại khu vực chế biến, sản xuất đá của Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai có nhiều đối tượng manh động hơn. Khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, một đối tượng đã dùng xe xúc lật chắn ngang lối ra vào bãi, rồi cùng một người khác có những hành động nhằm hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top