Aa

Kỳ 5: Trình độ con người chưa theo kịp sự thông minh của thiết bị

Thứ Tư, 24/10/2018 - 23:30

Trong hàng loạt các nghiên cứu, hội nghị về thành phố thông minh, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học mới chỉ bàn về câu chuyện dưới góc độ quy hoạch xây dựng ra sao, áp dụng công nghệ thế nào, lợi ích thực sự thông minh trong khi yếu tố quan trọng là nâng cao thói quen, ý thức, trình độ hiểu biết công nghệ lại chưa có giải pháp triệt để.

Thông minh nhưng rắc rối

Để hướng tới việc xây dựng thành phố thông minh - một nơi đáng sống - bên cạnh việc áp dụng các công nghệ thông minh thì yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn là con người. Thành phố thông minh là nơi con người sống thoải mái nhất, an toàn, tiện lợi nhất và cũng hạnh phúc nhất.

Việc sử dụng các giải pháp thông minh để giảm chi phí xã hội và tài nguyên tiêu thụ, quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm và nạn kẹt xe, tăng cường an ninh, nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời tạo ra tiềm năng và cơ hội huy động được nhiều nguồn lực từ bên ngoài phát triển thành phố. Bằng cách này, công nghệ thông minh sẽ giúp chi phí sinh hoạt của người dân rẻ hơn, cuộc sống bền vững và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc xây dựng thành phố thông minh “nửa mùa” đã dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười. Hiện đại quá đôi khi cũng không tốt, những thiết bị này có thể tự dở chứng và hoạt động không đúng như những gì chúng ta muốn, thậm chí chính người trải nghiệm cũng không biết dùng ra sao.

Điển hình là việc áp dụng thí điểm bãi đỗ xe thông minh tại một số địa điểm của Hà Nội. Dù không phản đối hình thức đỗ xe này, nhưng anh Nguyễn Tuấn Hùng, sống ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) - người thường gửi xe trên phố Lý Thường Kiệt - nhận xét: "Để đỗ được xe phải thao tác cài đặt hay soạn tin nhắn nên rườm rà và mất nhiều thời gian. Đối với những người ít quan tâm đến công nghệ, thời gian đầu sẽ khó khăn trong việc sử dụng. Thậm chí có những bãi đỗ xe chỉ có hiệu lực trong vòng 1 giờ nên để muốn gửi tiếp tôi lại phải soạn tin nhắn như lần đầu, gây bất tiện. Thông minh thì có thông minh thật nhưng phức tạp quá lại khiến tôi khó chịu, nhất là những lúc vội thường có thói quen gửi xe xong là quay lưng đi chứ không phải thực hiện các thao tác rồi đợi nhân viên nhập liệu trên máy tính bảng và phiếu gửi được in ra".

Cũng theo lời kể của anh Hùng, phần mềm công nghệ cho bãi đỗ xe thông minh chưa thật sự thông minh và còn tồn tại những bất cập. Trong một lần, trên trang tìm kiếm và thanh toán đỗ xe trực tuyến, có tín hiệu báo với anh ở phía trước cách hai tuyến phố có chỗ còn trống nhưng đến khi anh lái xe tới, các điểm đỗ này được nhân viên thông báo “đã hết chỗ”. Ngay cả khi giơ điện thoại cho nhân viên trông xe xem, hệ thống vẫn báo còn chỗ, nhưng thực tế chỗ đỗ đã kín xe.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn Phát triển đô thị bền vững châu Á tại Việt Nam, phân tích, thành phố thông minh gồm các yếu tố: Lãnh đạo thông minh, dân thông minh, công nghệ thông minh, hạ tầng cơ sở thông minh và số tiền đầu tư cực lớn. Hiện tại, nhiều nước trên thế giới từng làm mô hình này, song cũng đã bỏ cuộc. Cả nước Nhật làm thí điểm 4 thành phố thông minh, nay chỉ còn một, là thành phố Yokohama. Bản thân các nước châu Âu, Mỹ lại không mặn mà với thành phố thông minh mà chính các nước Trung Đông, Trung Quốc và Việt Nam lại quyết tâm theo đuổi mô hình này.

Lý do vì sao các nước châu Âu, cụ thể như Đức, lại không chọn mô hình thành phố thông minh, một nhà quy hoạch đô thị người Đức đã từng phân tích rằng, bản thân thành phố thông minh có những điểm tiêu cực bên cạnh mặt tích cực. Ví dụ, người ta sử dụng công nghệ là có thể biết nơi nào nên đi, bảo tàng nào nên ghé, quán ăn nào ngon… thì không cần đến giao tiếp với người dân địa phương. Cả một thành phố thông minh sẽ không cần mọi người quen biết nhau, tất cả đã nhờ công nghệ, cũng như camera, rồi các loại cảm biến thông minh khác…

Đức đang muốn xây dựng một mô hình khác - thành phố xã hội, nơi con người sống với nhau chan hòa, giản dị, ca hát và nhảy múa, phát triển âm nhạc truyền thống. Người ta bắt đầu thích sống gần với thiên nhiên, sợ nhà cao tầng, không cần thang máy, tiện nghi,… với mục đích giúp con người gần gũi với nhau hơn. Thành phố thông minh dựa trên công nghệ thông tin thì chỉ như là dựa trên một công cụ, không phải là mục đích nhắm đến. Và quan trọng nhất, là thành phố nào cũng cần người lãnh đạo có phương pháp, có tư duy và thông minh.

Do đó, PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh: “Tại Việt Nam chỉ nên triển khai những khu “thành phố thông minh” thu nhỏ tại các thành phố lớn. Cụ thể tại TP.HCM là những khu công nghệ cao, khu đô thị Đại học quốc gia, khu Phần mềm Quang Trung… Trước mắt, các thành phố của chúng ta chỉ cần cung cấp đủ nước sạch, giải quyết nạn rác tràn lan, giải quyết tình trạng ngập nước, là đã mừng rồi”.

Thiết bị thông minh - “cuộc chiến” với người già

Theo chia sẻ của chị Hoàng Thị Thu sinh sống ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, một lần chị vào toilet ở sân bay Nội Bài, thấy một bà trung niên đứng tần ngần trước vòi nước không biết sử dụng ra sao, chị đành phải chỉ dẫn cho bà. Theo chị Thu, chị là người tiếp xúc nhiều với các thiết bị thông minh tự động nên có thể hiểu và biết nguyên lý hoạt động của các vòi nước tự động nhưng những người cao tuổi, người già ít tiếp xúc với thiết bị hiện đại lại rất khó để sử dụng vì không có hướng dẫn.

Chị Thu cho rằng: “Thiết bị ứng dụng thông minh là rất tốt nhưng cái cách chúng ta vận dụng hiện nay có nhiều vấn đề. Trước hết là không có hướng dẫn, thứ nữa là người dân không có cơ hội tiếp xúc thường xuyên nên gặp lần đầu thường bỡ ngỡ, thậm chí thiết bị thông minh nhưng thói quen bừa bãi của một bộ phận người dùng cũng khiến thiết bị thông minh không thể thông minh nổi. Đơn giản nhất là câu chuyện vứt rác, chừng nào người Việt còn giữ thói quen vứt rác bừa bãi, nhả bã kẹo cao su, không giữ gìn vệ sinh ở những nơi công cộng thì lúc đó các thiết bị thông minh như máy hút bụi, máy dọn vệ sinh cũng phải “bó tay”.

Thiết bị thông minh là “cuộc chiến” với người già (Ảnh minh họa)

Thiết bị thông minh là “cuộc chiến” với người già (Ảnh minh họa)

Chia sẻ cụ thể hơn, chị Thu cho biết, do có điều kiện kinh tế nên gia đình chị có đầy đủ các thiết bị điện tử gia dụng hiện đại, cũng như không ít các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, người giúp việc lớn tuổi lại không thấy thoải mái. Dù đã cùng sinh hoạt với gia đình lâu năm, người giúp việc vẫn phải dán hướng dẫn sử dụng cạnh các loại máy cần dùng hay điều khiển.

Chị cho hay: “Mặc dù cũng có hướng dẫn rõ ràng cho mỗi thiết bị trong nhà nhưng đôi khi đang đi làm mình vẫn bị gọi điện để thông báo về những sự cố không mong muốn với mấy món đồ điện tử. Mình vẫn có cảm giác nhà thông minh vẫn là cái gì đó phức tạp đối với người dùng lớn tuổi, thậm chí nó là “cuộc chiến” với họ trong khi lẽ ra công nghệ nhà thông minh phải là một cái gì rất tự nhiên”.

Theo iFeng, hơn 90% thiết bị điện tử gia dụng hiện nay như Internet TV, điều hòa không khí, tủ lạnh thông minh, máy giặt, nồi cơm điện... có điều khiển từ xa hoặc các tính năng "thông minh".

Với những người trẻ, sự phát triển đáng kể này của công nghệ mang lại một cuộc sống mới hiện đại, thoải mái và thuận tiện hơn. Nhưng những người cao tuổi gần như thất bại trong việc theo kịp với làn sóng mới và dễ bị áp lực, bối rối trước các tính năng phức tạp và đa dạng của chúng.

Bởi càng "thông minh", chức năng càng phong phú thì các thiết bị điện tử gia dụng lại càng được tăng thêm độ khó trong thao tác điều khiển. Đó cũng là lý do mà những quyển sách hướng dẫn sử dụng ngày càng dày thêm và không ít tính năng hiện đại bị bỏ qua do người dùng không nắm rõ cách vận hành.

Mặc dù nhiều tính năng được xây dựng dựa trên giao diện đơn giản, hoặc mô phỏng thực đơn (Menu) giống như smartphone rất quen thuộc với nhiều người, điều đó không có nghĩa là những người lớn tuổi có thể hiểu và áp dụng một cách linh hoạt.

Trên thực tế, vấn đề không chỉ nằm ở việc người lớn tuổi không thể bắt kịp với sự phát triển của các thiết bị thông minh. Một nguyên nhân sâu xa khác là đến một độ tuổi nhất định, khả năng chấp nhận những cái mới của con người sẽ trở nên giảm sút. Họ trở nên quen với cuộc sống với những quán tính cố định, ví dụ chỉ ăn một vài loại thức ăn, xem mặc định vài chương trình tivi...

Cùng với đó, người lớn tuổi phát sinh các nhu cầu và đòi hỏi mới như cần nghe âm thanh lớn, các thông tin dạng mệnh lệnh đơn giản nhưng rõ ràng... Và hiển nhiên, các thiết bị "thông minh" vẫn chưa đủ đủ thông minh để thay đổi liên tục, đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top