LTS: Công viên Kim Đồng Huế là không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ em TP. Huế (Thừa Thiên - Huế). Không chỉ vậy, do xung quanh khu đất rộng hàng ngàn mét vuông ở vị trí “trung tâm của trung tâm” thành phố nên đây còn là một không gian xanh, thân thiện môi trường, có chức năng điều hòa không khí trong thành phố và nhất là những cơ quan quan trọng đóng lân cận, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế.
Mặt khác, tồn tại từ hàng chục năm trước, nên với nhiều người dân Huế, không gian văn hóa, cảnh quan Công viên Kim Đồng với họ rất có ý nghĩa về mặt tinh thần, là một miền ký ức tuổi thơ. Điều lạ là thay vì cải tạo, chỉnh trang mức độ vừa phải để phát huy công năng, bảo vệ môi trường, sinh thái, làm đẹp thêm mỹ quan đô thị thì Công viên Kim Đồng lại bị “xẻ thịt” ra từng mảnh, chia lô, xây các cụm công trình bằng bê tông. Lá phổi xanh của thành phố đã, đang bị thay thế hoàn toàn bằng cụm công trình bê tông cốt thép trong sự tiếc nuối, thất vọng với nhiều người dân Huế.
Nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn về “số phận” của khu công viên này, Reatimes xin giới thiệu loạt bài về “số phận nghiệt ngã” của Công viên Kim Đồng.
Công viên Kim Đồng là một không gian xanh cực kỳ quý hiếm tồn tại ở 3 tuyến đường Hà Nội - Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân, thuộc vị trí trung tâm của trung tâm TP. Huế. Sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hồi đất công viên này, giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Sunrise (đóng tại đường Phan Bội Châu, TP. Huế) làm dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” thì công viên này biến dạng hoàn toàn. Thậm chí theo cách nói của giới chuyên gia về quy hoạch thì hiện nay công viên đã “biến mất”, nó không còn là một công viên nữa.
Công viên thành... tư viên!
Quản lý trật tự xây dựng, đô thị tại TP. Huế trong những năm gần đây bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, còn có những bất cập, trong đó điển hình có dự án, công trình sai phạm nằm ngay giữa lòng thành phố, nhạy cảm về cảnh quan, đô thị, ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh mà đến nay chưa thể xử lý dứt điểm. Đáng nói là những sai phạm, bất cập của công trình, dự án này không được cơ quan chức trách xử lý ngay từ đầu nên càng về sau càng phức tạp, rối rắm dẫn đến nhiều hệ lụy, khó xử lý dứt điểm. Bài học nhãn tiền còn đó, thì dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” lại dấy lên những quan ngại và có thể là một trường hợp tương tự vi phạm về trật tự đô thị, xây dựng, quy hoạch... mà nếu không xử lý thích đáng, càng về sau càng khó xử lý hợp tình, hợp lý. Đặc biệt là xử lý sao cho vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư nhưng phải đảm bảo thượng tôn pháp luật.
Không khó để nhận ra các hệ lụy khi mà không gian xanh quý hiếm của TP. Huế là Công viên Kim Đồng bị biến dạng hoàn toàn, “biến mất” cả tính chất lẫn mức độ, như cách dùng từ của chuyên gia quy hoạch, xây dựng - KTS. Huỳnh Quang. Đáng nói là trong khi những khối bê tông thay cho không gian xanh mọc lên khiến người dân bức xúc, tiếc nuối, thì nhà chức trách lại im lặng đến khó hiểu. Thậm chí lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị, thuộc UBND TP. Huế lại cho rằng quá trình xây dựng, triển khai dự án, nhà đầu tư đã thực hiện “đúng”, “đảm bảo” trình tự, thủ tục.
Cho đến nay, Dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” chưa hoàn thành, rất chậm tiến độ (chủ đầu tư ban đầu đặt ra là quý I/2020). Tuy nhiên chủ đầu tư cũng đã khai thác một số hạng mục, trong đó có khu nhà bán phở (của một thương hiệu phở nổi tiếng Việt Nam), bún bò Huế, cà phê - giải khát... Đây là khu nhà 3 tầng kèm tum thang nằm ngay góc hai mặt tiền đường Hà Nội (trục đường chính TP. Huế) và đường Hai Bà Trưng, được ký hiệu là công trình số 6. Theo giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng cấp năm 2017, hạng mục này có tên gọi là “Khu giải khát công viên”. Tại Quyết định 1370/QĐ-UBND năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt chủ trương đầu tư điều chỉnh Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng cũng xác định hạng mục tại khu đất ký hiệu số 6 là “khai thác dịch vụ giải khát”.
Tại Giấy phép điều chỉnh do Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp năm 2020, khu đất số 6 được điều chỉnh tên gọi là “Khu dịch vụ giải khát”, giảm diện tích chiều rộng xây dựng nhưng tăng chiều cao, từ 12,4m lên 14,6m. Đáng chú ý, trước đó, trên cơ sở tiếp thu chọn lọc ý kiến của ban ngành liên quan; chuyên gia, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tham mưu UBND tỉnh cũng như đề nghị chủ đầu tư “không bố trí chức năng ẩm thực” ở khu vực này. Thế nhưng công trình xây dựng 3 tầng cộng tum thang được xây dựng để bán phở, cà phê, kem... vẫn hình thành trên công viên Kim Đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án không ngần ngại khai thác dịch vụ ẩm thực - cung cấp các món ăn phục vụ cho tuổi trẻ, thiếu nhi như gà viên, cá viên, xúc xích, tôm viên, đùi gà, trà sữa, bánh tráng cuộn...
Dù từng được đề nghị “không bố trí chức năng ẩm thực” tại dự án nhưng những gì diễn ra tại dự án ở Công viên Kim Đồng cho thấy chủ đầu tư đã bất chấp ý kiến của cơ quan quản lý, nhưng chưa hề bị xử lý.
Không chỉ vậy, mới đây tại cuộc họp báo do UBND TP. Huế tổ chức, trả lời câu hỏi của PV Reatimes về việc chấp hành chủ trương pháp luật về trật tự xây dựng, đô thị tại Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng, đại diện UBND TP. Huế, ông Phan Lương Bằng (Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, thuộc UBND TP. Huế), cho biết dự án này do Sở Xây dựng tỉnh cấp phép, do nằm trên địa bàn nên UBND TP. Huế, trực tiếp là Phòng Quản lý đô thị đã phối hợp với sở ngành chức trách kiểm tra, xử lý phần công trình cơi nới ban công (hướng ra đường Hai Bà Trưng - PV) và đã yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ. “Riêng đối với các hạng mục công trình phía trên thì chủ đầu tư đảm bảo theo giấy phép của Sở Xây dựng, kể cả các khối chức năng, công trình chính, cũng như hai công trình ở hai góc đường (bao gồm khối nhà số 6 - PV) đã được cấp phép”.
Cùng vấn đề trên, trước đó PV Reatimes đã từng tham vấn một cán bộ có chức trách của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế thì vị này bộc bạch, rằng khối nhà công trình số 6 bán phở, cà phê chưa đảm bảo theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, cũng như giấy phép được cấp, nhất là sở từng đề nghị “không bố trí chức năng ẩm thực” đối với Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng. Tuy nhiên, do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tạo nguồn thu nên việc bán phở, cà phê, giải khát chỉ được nhìn nhận như một sự “cảm thông”.
Năm 2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ là ông Phan Thiên Định (nay là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế) cũng đã chủ trì họp với sở, ban, ngành liên quan, chủ đầu tư, sau đó có những chỉ đạo liên quan Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng nói chung và khối công trình số 6 là “Phương án kiến trúc công trình tăng cường phủ xanh, hình thức kiến trúc phù hợp tính chất công viên thiếu nhi (lưu ý có phương án cải tạo hình thức kiến trúc cụ thể đối với khối công trình giải khát và khu nhà đào tạo kỹ năng và dịch vụ phục vụ thanh thiếu nhi)”. Thế nhưng những gì tồn tại hiện nay cho thấy chỉ đạo này không được thực thi.
Trả lời câu hỏi mặc dù Sở Xây dựng từng đề nghị không bố trí chức năng ẩm thực đối với Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng và Giấy phép xây dựng cũng không cấp phép (ghi rõ) được xây dựng công trình có chức năng ẩm thực đối với dự án, nhưng tại Công viên Kim Đồng nghiễm nhiên xây dựng khối nhà số 6 nằm hai mặt tiền đường Hà Nội và Hai Bà Trưng để bán phở, cà phê - giải khát, kem..., ông Bằng giải thích là “tất cả các chức năng, loại hình công trình đang đầu tư đều đúng với Giấy phép do Sở Xây dựng cấp, cũng như Chủ trương đầu tư UBND tỉnh cấp” (!?).
Phá nát công viên để làm kinh tế
Với 110 tỷ đồng, Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng không hẳn là một dự án quy mô đầu tư lớn ở Huế nhưng dự án này thu hút sự quan tâm của dư luận, của giới chuyên môn và nhất là chính những công dân của TP. Huế. Nguyên nhân là bởi dự án này nằm ở vị trí trung tâm của trung tâm TP. Huế, đáng lẽ phải được đầu tư, chỉnh trang (nếu cần thiết) bằng những công trình kiểu mẫu, đẳng cấp, xứng đáng đối với thương hiệu TP. Huế - thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Thế nhưng dự án này, dưới mắt nhìn của một số kiến trúc sư đầu ngành, không chỉ thô thiển về mặt kiến trúc, mỹ quan đô thị (nhất là về mật độ bê tông) mà còn có những biểu hiện thách thức pháp luật, là phép thử đắt giá cho việc thượng tôn pháp luật đối với những công trình kinh tế, thương mại, dịch vụ liên quan công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng ở những vị trí đất vàng, đất kim cương tại các đô thị lớn; đô thị văn hóa, cảnh quan như Huế.
Theo tìm hiểu, nghiên cứu của Reatimes, những dấu hiệu sai phạm tại dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng không quá khó nếu chiếu theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mà nhà quản lý, chuyên môn có thể hiểu để xử lý. Đầu tiên phải kể đến là Quyết định số 04/2008/QĐ/BXD ban hành năm 2008 và Thông tư 22/2019/TT-BXD ban hành năm 2019, Thông tư 01/2021/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành, quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng. Trong bộ Quy chuẩn này, Bộ Xây dựng quy định rõ mật độ xây dựng gộp trong mỗi khu công viên tối đa là 5%, đối với khu công viên chuyên đề là tối đa 25%. Trong khi Công viên Kim Đồng chưa từng được quy hoạch là khu công viên chuyên đề, mà chỉ là một khu công viên thuần túy, phục vụ cho cộng đồng, mục đích công cộng thì Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn cho phép mật độ xây dựng gộp “không quá 30%”.
Dưới góc độ chuyên môn, KTS. Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, chuyên gia về quy hoạch, xây dựng, chia sẻ thêm với PV Reatimes, rằng mật độ xây dựng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (không quá 5%, hoặc 25% đối với công viên chuyên đề) thường được áp dụng đối với những công trình dự án có diện tích lớn. Đối với Công viên Kim Đồng diện tích chỉ gần 0,6ha thì mật độ xây ấy càng phải thấp hơn nhiều, cực kỳ hạn chế, tầm khoảng 3% mới phù hợp.
“Thực tế mật độ xây dựng mà nhà đầu tư đã triển khai ở Công viên Kim Đồng bằng mắt thường cũng có thể nhận ra là trên cả 30%. Đấy chính là lý do người ta không còn nhận ra cái Công viên Kim Đồng vốn ăn sâu trong ký ức người dân Huế và có ý nghĩa lớn về cảnh quan, môi trường, sức khỏe, lợi ích của người dân thành phố cũng như đông đảo bệnh nhân, dân cư sống chung quanh công viên”, một chuyên gia về quy hoạch, xây dựng không muốn nêu tên, chia sẻ.
Cùng với những dấu hiệu về vi phạm quy định về Quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng đô thị nêu trên, việc phân bổ hệ thống cây xanh trong khu công viên tại Dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” cũng có dấu hiệu không phù hợp. Theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã dẫn, “đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị phải đảm bảo thuận tiện cho mọi người dân được tiếp cận sử dụng”; Diện tích tối thiểu đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị (không bao gồm đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở) tiêu chuẩn là 6m2/người (TP. Huế là đô thị loại 1 thuộc tỉnh). Những tiêu chí này khó đảm bảo tại Dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” khi mà nhà đầu tư phải có các phương thức để khai thác dịch vụ, thương mại để thu hồi vốn, nộp thuế nên hạn chế những người không bỏ tiền mua dịch vụ... Bên cạnh đó với việc triệt hạ rừng cây xanh dày đặc trước đây để xây các công trình bê tông cốt thép; hệ thống tường rào cùng với chiều cao cốt nền (khoảng 2,5m so với mặt đường 3 tuyến đường) đều tạo sự ngăn cách, “đẩy” người dân ra xa hơn trong việc tiếp cận không gian công cộng!
Những quy định của Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia và thực tế tại Công viên Kim Đồng như đã phân tích ở trên, nhưng khi giải thích trực tiếp với báo giới cũng như lãnh đạo UBND TP. Huế, ông Phan Lương Bằng, biện hộ: “Về mật độ xây dựng, trong giấy phép xây dựng thì cũng đã có quy định đối với tầng hầm. Hiện nay qua theo dõi đối chiếu, thì tầng hầm cơ bản đúng với giấy phép. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án này kéo dài, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như pháp luật kêu gọi đầu tư. Vừa qua tỉnh cũng đã họp, chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương thực hiện đảm bảo song song việc chỉnh trang hoàn thành tuyến đường Hà Nội, đảm bảo mỹ quan”.
Như Reatimes đã thông tin, Dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” có mục tiêu là đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí kết hợp bãi đỗ xe và tổ chức nhiều loại hình văn hóa các dịch vụ văn hóa thể thao, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí công nghệ cao, phục vụ theo nhu cầu của các nhóm đối tượng, đặc biệt là trẻ em. Quy mô dự án, gồm: Xây dựng khu vui chơi giải trí với sức chứa khoảng 1.000 người; Xây dựng tầng hầm bãi đỗ xe với diện tích 4.387m2. Tổng vốn đầu tư của dự án sau điều chỉnh lần 1 là 110 tỷ đồng.
Mời độc giả đón đọc: Kỳ 7: Bất thường trong việc thâu tóm thần tốc Công viên Kim Đồng. Tiến trình đầu tư, xây dựng Dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” TP. Huế có nhiều điều bất thường, trong đó chỉ 1 ngày sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao ký điều chỉnh từ “đất cây xanh thành đất công viên cây xanh kết hợp dịch vụ”, dự án nêu trên liền được chấp thuận chủ trương đầu tư.