Aa

Kỳ 7: Lịch sử sóng gió thương trường

Thứ Bảy, 26/10/2019 - 06:10

Đến cuối thế kỷ 19, khi hình thành tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, thì cũng là lúc thương nhân Việt phải đối đầu với cạnh tranh và sóng gió thương trường…

Thương nhân chuyên nghiệp, hoàn toàn kiếm tiền bằng việc lưu thông hàng hóa, bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời nhà Trần. Thời chúa Nguyễn mở thêm cảng biển Thanh Hà và Nước Mặn ở Đàng Trong, thế kỷ 18, thương nhân Việt bắt đầu thuê đóng ghe bầu lớn bằng gỗ chở hàng đi sang bán tận các cảng nước ngoài. Lúc này, bắt đầu xuất hiện cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, chủ yếu là giữa các thương nhân nước ngoài với nhau. Đến cuối thế kỷ 19, khi hình thành tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, thì cũng là lúc thương nhân Việt phải đối đầu với cạnh tranh và sóng gió thương trường…

Bí quyết cạnh tranh của nữ thương nhân Việt đầu tiên

Như những gì sách báo đã ghi lại, công ty kinh doanh đầu tiên của người Việt được cấp giấy phép hoạt động là Công ty thầu An Nam, ra đời vào năm 1892. Người đứng tên trong hồ sơ xin mở, cũng là giám đốc của công ty này, là bà Trần Thị Lan, tức cô Tư Hồng, khi đó 24 tuổi. Bà Lan quê gốc Hà Nam, sinh năm 1868.

Ngẫm nghĩ về lịch sử, cũng thú vị. Mở đầu các cuộc khởi nghĩa đấu tranh vì độc lập ở đất nước này là Hai Bà Trưng: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Tiếp đó là Bà Triệu, rồi đến nhiều nữ tướng sau này, như Bùi Thị Xuân, Lê Chân... Mở đầu công cuộc cạnh tranh trên thương trường đầy sóng gió cũng là một phụ nữ.

Chân dung cô Tư Hồng. Ảnh: Tư liệu.

Các cạnh tranh thương trường trước đó ở Việt Nam, chủ yếu là giữa các thương nhân người Hoa với thương nhân người Anh, Hà Lan, Nhật, Pháp… Trong đó, cạnh tranh mạnh mẽ và thường giành phần thắng, là các thương nhân Hoa kiều. Câu chuyện điển hình là ở Hội An. Người Nhật đến Hội An từ rất sớm, họ kinh doanh thành công, lập nên cả những dãy phố riêng cho mình. Sau sự kiện “Loạn Minh Thanh” ở Trung Hoa, người Hoa tứ tán khắp nơi, nhiều người đã theo đường biển đến miền Trung Việt Nam. Số người Hoa, chủ yếu là từ Phúc Kiến, cư ngụ ở Hội An. Họ cũng thành công rất nhanh trong kinh doanh, dần dần cạnh tranh và chiếm thế thượng phong của các thương nhân người Nhật tại thương cảng này.

Khi bà Lan lập công ty thì các công ty của người Hoa, người Pháp hoạt động đã nhiều thời gian, lắm kinh nghiệm và các mối quan hệ. Hồi đó, người Pháp chiếm lĩnh việc xây dựng, làm đường, xây dựng hạ tầng, Hoa kiều thì buôn bán, cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm và hàng gia dụng. Công ty của bà Lan ban đầu cạnh tranh với người Hoa trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị quân đội Pháp. Bà Lan giành được hợp đồng đầu tiên là cung cấp cho một đơn vị Pháp ở Vĩnh Yên. Từ đó, uy tín của bà bắt đầu nâng lên, dần dần có nhiều hợp đồng cung cấp cho toàn cõi Bắc Kỳ, không chỉ các đơn vị quân đội Pháp, mà cả hệ thống các trại giam. Tiếp đó, bà Lan mở rộng sang lĩnh vực thu mua lúa gạo từ Nam Bộ mang ra tiêu thụ ở Bắc Kỳ và xuất khẩu đi các nước.

Hai năm sau khi thành lập công ty, bà Lan cạnh tranh đồng thời với cả người Hoa và người Pháp, mở rộng lĩnh vực sang hạ tầng xây dựng. Đó là câu chuyện phá dỡ thành Hà Nội. Có 2 công ty Hoa kiều, 2 công ty Pháp tham gia đấu thầu. Công ty thầu An Nam tham gia sau cùng, bỏ giá thấp nhất và thắng trong sự ngỡ ngàng của các đối thủ. Bà thắng rồi mà các đối thủ vẫn chủ quan, cho rằng bà sẽ vỡ nợ hoặc phải bỏ cuộc giữa chừng. Cuối cùng bà đã hoàn thành công việc sau 2 năm, vượt trước dự kiến 6 tháng và càng trở nên giàu có, tiếp tục mở rộng hoạt động của công ty sang lĩnh vực vận tải giao thông sông biển. Bí quyết cạnh tranh của bà Lan trong thắng thầu cung cấp lương thực thực phẩm là thu mua giá rẻ, hàng tốt, chu đáo trong phục vụ và phát huy mối quan hệ của người chồng Pháp. Bí quyết trong vụ phá dỡ thành Hà Nội là phát huy nguồn nhân công và bài toán tổng hợp tất cả các lợi ích thu được từ thương vụ.

Bạch Thái Bưởi cạnh tranh bằng tự tôn dân tộc

Khi Công ty thầu An Nam tiến hành thương vụ phá dỡ thành Hà Nội thì nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi mới 20 tuổi, bắt đầu khởi nghiệp. Ông đã được bà Lan cho làm thuê việc dựng các lán trại dành cho các loại phu ở để kiểm soát trật tự, vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho họ.

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, con của gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc (Yên Phúc), huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), tên thật của ông là Đỗ Thái Bửu. Cha mất sớm, ông phụ giúp mẹ kiếm sống bằng bán hàng rong. Sau đó, có người nhà giàu họ Bạch nhận làm con nuôi, cho ăn học, ông mới đổi tên họ thành Bạch Thái Bưởi.

Ông được học quốc ngữ và tiếng Pháp rồi đi làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở Hà Nội. Năm 1894, Bạch Thái Bưởi làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính và được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, tổ chức, quản lý sản xuất. Sau thời gian hợp tác với bà Lan, ông được Thống sứ Bắc Kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, Pháp. Tại đây, ông đã được tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây. Về nước, ông xin làm giám đốc công trình xây cầu Long Biên. Sau đó, ông hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hoả xa Đông Dương. Từ đó, ông trở nên giàu có, bắt đầu kinh doanh độc lập bằng việc bỏ vốn ra buôn ngô, mua lại hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định, nhận thầu thu thuế chợ ở Vinh, Nam Định và Thanh Hóa.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Năm 1909, Bạch Thái Bưởi quyết định bước vào lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sông. Ông thuê lại 3 chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long của hãng tàu Pháp Marty, chuyên chở thư và hành khách trên đường sông Bắc Kỳ, và cho tàu chạy hai tuyến đường Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy.

Từ đây, Bạch Thái Bưởi đã bắt đầu phải cạnh tranh với chủ tàu người Pháp và người Hoa trong cuộc đụng độ khốc liệt. Ông đã cạnh tranh đàng hoàng, kêu gọi người Việt đi tàu của người Việt. Ông hứa là tàu người Việt sẽ không kém cỏi so với tàu các hãng khác. Các chủ thuyền người Hoa sừng sỏ, điên tiết, muốn “bóp chết” ông. Ông hạ giá vé tàu, họ lập tức hạ giá gấp đôi. Ông phục vụ miễn phí nước chè, nước vối cho khách, thì người Hoa cũng phục vụ, còn chu đáo hơn. 

Cuối cùng, ông tìm ra một cái “độc đáo” hơn cả, cho đội hát chèo lên tàu, phát những cái quạt bằng mo cau để quạt mát và hát, diễn chèo cho khách xem. Đến đoạn này thì các chủ tàu người Hoa thua, chả nhẽ lại cho gái Hoa tập rồi hát chèo hay biểu diễn Kinh kịch… Cùng với đó, Bạch Thái Bưởi cho người đi dán thông cáo về chương trình của mình, lên báo chí để nói mình có tâm nguyện là người Việt muốn phục vụ đồng bào mình trên đất nước mình, mong mỏi mọi người giúp đỡ.

Cứ thế, mà ông thành công dần, rồi tiến đến thâu tóm các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa đã bị phá sản như Marty d'Abbadie, công ty Desch Wander... Năm 1915, ông mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A. R. Marty, làm chủ chu trình từ đóng tàu, chạy tàu, sửa chữa tàu và mở chi nhánh ở nhiều nơi. Năm 1916, ông chuyển trụ sở của hãng từ Nam Định xuống Hải Phòng và cho ra đời công ty hàng hải với tên gọi Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty. Sau đó ông mua thêm 6 chiếc tàu của Pháp và hạ thủy tàu Bình Chuẩn chạy bằng động cơ hơi nước, hoàn toàn do người Việt thiết kế và đóng lấy, chuyến đi biển đầu tiên cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920.

Tàu Bình Chuẩn trong lễ hạ thủy. Ảnh: Internet

Bạch Thái Bưởi trở thành Chúa sông Bắc Kỳ, tiếp tục mở rộng hoạt động ra khắp Đông Dương và lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, và Philippines. Đến năm 1930, công ty của Bạch Thái Bưởi đã có hơn 40 tàu và sà lan trên các tuyến đường sông, đường thủy trong và ngoài nước, với 2.500 người làm việc và có chi nhánh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn…

Trương Văn Bền cạnh tranh bằng xây dựng và cổ súy thương hiệu Việt

Cùng thời với Bạch Thái Bưởi ở phía Bắc, thì Trương Văn Bền lập nghiệp và phát triển sản nghiệp ở phía Nam. Trương Văn Bền là thương nhân người Việt gốc Hoa. Ông nội của ông đã từng được nhà Nguyễn bổ làm quan huyện ở Rạch Giá, đến thời vua Tự Đức thì được phong làm phủ doãn tỉnh Bình Thuận.

Trương Văn Bền sinh năm 1883 ở Chợ Lớn, được ăn học chu đáo cả quốc ngữ, Hán văn, tiếng Pháp, được bổ nhiệm công chức, làm chân ký lục trong chính quyền Pháp. Năm 1901, ông rời bỏ công chức để đi theo con đường thương nhân của gia đình. Ông bắt đầu bằng việc buôn bán đậu xanh, lạc, đường… sau đó mở xưởng sản xuất và tinh luyện dầu dừa, làm xà phòng và liên tiếp thành công.

Trở thành một thương nhân lớn, có ảnh hưởng, ông hoạt động xã hội, có chân trong nhiều tổ chức hội đoàn và kinh doanh. Trương Văn Bền là người Việt Nam đầu tiên được bầu làm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại. Ông còn là Nghị viên Phòng Canh nông, thành viên của Hội đồng quản trị Thương cảng Sài Gòn. Năm 1925, ông tham gia thành lập Công ty Canh nông Tháp Mười, làm Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị. Ngoài ra, ông còn là hội viên Hội đồng quản trị Sở Lúa gạo Đông Dương, Chủ tịch Nhà băng Canh nông Chợ Lớn, rồi Phó Chủ tịch Phòng Canh nông, thành viên của Hội đồng sản xuất kỹ nghệ Đông Dương…

Tên tuổi thương nhân Trương Văn Bền gắn với một thương hiệu thuần Việt là xà phòng Cô Ba, tồn tại và chiếm lĩnh thị trường Việt trong một thời gian dài đến gần nửa thế kỷ.

Tên tuổi thương nhân Trương Văn Bền gắn với thương hiệu xà phòng Cô Ba. Ảnh: Internet

Ngay từ khi bắt đầu chuyển hướng sang mặt hàng này, ông Bền đã chọn cách định vị yếu tố Việt cho tên công ty và sản phẩm của mình. Năm 1932, ông mở nhà máy làm xà phòng từ dầu nông sản, chủ yếu là dầu dừa Bến Tre. Thời gian này, xà phòng ở Đông Dương đều nhập khẩu. Một số sản phẩm của các xưởng thủ công ở Chợ Lớn chất lượng kém, sản xuất nhỏ, không thể cạnh tranh với xà phòng nhập từ Marseille, Pháp. Lập công ty, ông Bền đặt tên là Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam (Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam). Lúc đó, cái tên Việt Nam chưa thông dụng, nhưng từ cuộc hành quyết các chiến sỹ Quốc dân đảng trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, ai cũng lẫm liệt hô lớn “Việt Nam vạn tuế” trước khi chết, ông Bền cảm phục, đã dùng chữ Việt Nam, thay cho chữ An Nam, trong tên gọi công ty của mình. Khi đặt tên cho sản phẩm xà phòng của mình, ông đặt là “Xà bông Cô Ba”. Cô Ba là con gái Thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, người đàn bà đẹp nhất Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20, một nhân vật có nhiều huyền thoại, đã xinh đẹp lại rất nghĩa khí, được người dân truyền tụng. Đây có thể coi là người phụ nữ Việt đầu tiên được lấy làm hình ảnh đại diện cho một thương hiệu Việt.

Cùng với chất lượng đảm bảo, hợp thị hiếu tiêu dùng và nhiều cách thức tuyên truyền, quảng cáo, với câu nói mang tính cổ súy tinh thần dân tộc: “Người Việt dùng xà bông Việt”, xà phòng Cô Ba đã dần dần đánh bật các loại xà phòng nhập ngoại ở trong nước, rồi lan ra chiếm lĩnh toàn cõi Đông Dương, sang cả Hương Cảng, Ma Cao, Myanmar… và hiện diện trên các thị trường ấy một cách bền vững…

***

Những câu chuyện về bí quyết kinh doanh, cách thức khôn khéo để thắng lợi trong cạnh tranh, vượt qua sóng gió thương trường của các doanh nhân Việt Nam cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, còn rất nhiều. Mỗi một doanh nhân làm nên tên tuổi và sản nghiệp lớn, như Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính… và nhiều người nữa, mỗi người là một câu chuyện hấp dẫn, đầy lý thú.

Tầng lớp tư sản và tiểu tư sản Việt Nam ra đời muộn so với nhiều nơi trên thế giới, nhưng đã sớm trưởng thành, nhanh chóng hình thành bản lĩnh, đầy tinh thần tự tôn dân tộc, là những minh chứng mạnh mẽ cho năng lực nắm bắt cơ hội để làm giàu cho mình và đóng góp vào thịnh vượng chung, là những bài học và kinh nghiệm quý báu cho lớp doanh nhân thời đại mới hiện nay.

(Còn nữa)        

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top