1. Phải chăng đó là những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các khu resort sang trọng xanh mướt bóng cây và rực rỡ các loài hoa, cây cảnh quý dành cho người nhiều tiền, hay các tòa nhà kiến trúc Hi-tech hiện đại, hoành tráng… mà đơn giản, đó là thứ kiến trúc thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Kiến trúc xanh còn được gọi là kiến trúc bền vững (Sustainable Building).
Ở Mỹ, hàng năm Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (American Institute of Architects), một tổ chức nghề nghiệp rất có uy tín đều có giải thưởng cho các công trình xanh (Green Building) với các tiêu chí, như sử dụng năng lượng hiệu quả; tận dụng ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm nước; công trình có tác động tích cực tới cảnh quan chung quanh, thân thiện với môi trường; bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng; giảm tới mức tối đa chất thải, ô nhiễm và không làm suy thoái môi trường sống…
Ở Việt Nam, lâu nay khi nói đến kiến trúc xanh, chúng ta thường nghĩ đến một thứ gì đó xa xỉ và xa lạ. Là một đất nước trải qua các cuộc chiến tranh liên miên và khốc liệt, nền kinh tế bị suy kiệt trong một thời kỳ dài. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đã buộc chúng ta phải nghĩ nhiều đến những việc cấp thiết, cần giải quyết ngay trước yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống như khắc phục hậu quả sau hậu chiến, lo cái ăn, chốn ở. Nhưng đến hôm nay, sau gần ba mươi năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, nền kinh tế của nước ta không ngừng phát triển, diện mạo đất nước đã hoàn toàn đổi khác.
Nhiều đô thị mới được hình thành theo quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và rộng khắp. Các thành phố cũ được cải tạo, mở rộng và nâng cấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện và xây dựng mới. Những công trình kiến trúc hiện đại cao đến vài chục tầng mọc lên bên những đại lộ đã không còn là xa lạ. Sự xuất hiện các khu đô thị mới với những chung cư cao tầng tiện nghi, hiện đại đã đem đến một hình ảnh lãng mạn về lối sống mới cho cư dân đô thị. Tất cả đã và đang được đổi thay!
Thế nhưng, bên cạnh những khối lượng vật chất khổng lồ mà chúng ta tạo dựng nên hôm nay, thì còn đó những mảng tối, những hiểm họa mà do chính chúng ta gây ra và đang phải đối mặt. Đó là môi trường sống bị ô nhiễm. Nước sạch, nguồn tài nguyên quý giá mà ta tưởng là vô tận đang bị nhiễm bẩn và có nguy cơ bị suy giảm. Các dòng sông cổ trong thành phố như sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch, Kim Ngưu đang bị bức tử bởi phế thải, rác thải và nước thải…
Các hồ, đầm bị san lấp, bị lấn chiếm để lấy đất xây dựng. Công viên, vườn hoa… lá phổi xanh của thành phố bị thu hẹp. Sông Hồng, con sông Cái ngàn đời chở nặng phù sa, nguồn cung cấp nước mặt, báu vật của tạo hóa ban cho thành phố cũng đang bị cạn kiệt và ô nhiễm.
Ngành Y tế đã thống kê, nồng độ bụi, khí thải ở Hà Nội đã vượt ngưỡng cho phép đến ba, bốn lần. Người dân sống ở đây trong thời gian 10 năm bị bệnh về đường hô hấp cao gấp nhiều lần so với người sống dưới 3 năm. Bây giờ ra đường ai ai cũng phải bịt kín mặt như ninja vì bụi, vì khói xăng dầu nồng nặc được thải ra từ ngàn vạn xe ô tô, xe gắn máy.
Trong cái nóng hầm hập của mùa hè nhiệt đới, thành phố càng nóng thêm bởi hơi nóng tỏa ra từ máy điều hòa nhiệt độ gắn trên các tòa nhà bọc kính kín mít. Cả thành phố là một cái hộp bằng bê tông, kính và sắt thép khổng lồ mà con người chúng ta đang bị nhốt một cách tình nguyện trong đó?!
Vài năm gần đây, Hà Nội đã phải hứng chịu những trận mưa lớn bất thường và kéo dài nhiều giờ làm úng ngập thành phố. Tại các tỉnh miền Trung, bão lũ hoành hành ngày một phức tạp với cường độ lớn gây thiệt hại nặng nề về người và của. Các dòng sông của nước ta, trong đó có sông Hồng, sông Mê Công đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Biến đổi khí hậu đã cận kề!
2. Kiến trúc xanh - kiến trúc thân thiện với môi trường như đang còn ở nơi…xa lắm đối với các nhà kiến trúc Việt Nam! Dẫu rằng đã có nhiều nhà đầu tư đã và đang kiên trì với những dự án khu đô thị theo kiểu “Thành phố trong công viên”, mà ở đó môi trường sống của cư dân được cải thiện bởi tỷ lệ cây xanh mặt nước được quan tâm tối đa như khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở TP. Hồ Chí Minh, và gần đây là khu đô thị Vincom Village ở Long Biên- Hà Nội, Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên… Nhưng đó chỉ là những điểm sáng hiếm hoi, chưa mang tính xã hội cao, bởi để được sống ở đây phải là những người có nhiều tiền.
Đã qua mười năm đầu của thế kỷ 21 mà chúng ta vẫn cần mẫn với thói quen xây nhà bằng gạch đất nung, làm khung tường bằng bê tông cốt thép, các tòa nhà dù thấp tầng hay cao vài chục tầng cũng đều bị bọc kính để rồi lắp điều hòa nhiệt độ cho những không gian bịt kín ấy. Nguồn năng lượng được tạo ra từ tài nguyên như thủy điện, nhiệt điện đang được triệt để tận dụng một cách lãng phí, nhưng sử dụng năng lượng của thiên nhiên như năng lượng mặt trời, sức gió, tái chế rác, xử lý nước thải để phục vụ lại đời sống cho con người thì mới chỉ là những bước đầu thử nghiệm. Trong hầu hết các giải thưởng Kiến trúc quốc gia hàng năm đều thiếu vắng các công trình sử dụng năng lượng sạch, vật liệu sạch.
Chúng ta hay nói về bản sắc, về “Hiện đại và truyền thống”, nhưng lại không hiểu kỹ truyền thống. Cha ông ta ngày trước không hề biết đến khái niệm “Kiến trúc xanh”, nhưng lại biết tạo nên thứ kiến trúc bé nhỏ, giản dị bởi các vật liệu sẵn có tại nơi họ sinh sống. Căn nhà ba gian, năm gian hai chái của cư dân đồng bằng Bắc bộ là một ví dụ. Nhà được dựng bằng khung tre, mái lợp bằng thân cây lúa mà ta gọi là “rạ”, tường nhà là các dứng tre buộc ô vuông rồi trát trong ngoài bằng thứ đất bùn trộn nhuyễn với rơm.
Tất cả hệ kèo cột, rui mè đều bằng tre, liên kết với nhau bằng con sỏ, lạt buộc cũng bằng mây, tre chẳng hề có chút sắt thép, xi măng nào, vậy mà ngôi nhà vẫn vững chãi chịu mưa, chịu nắng, chịu bão gió suốt bốn mùa. Nhà bao giờ cũng quay mặt chính về hướng Nam, để đón gió mát về mùa hè, tránh gió lạnh về mùa đông. Trước nhà thường có ao, vốn được đào để lấy đất đắp nền, thả cá, buông bè rau muống cải thiện môi trường sống. Các ngôi nhà bình dị ấy bốn mùa rợp mát bóng cau, lao xao hàng chuối, sống quây quần trong làng có lũy tre xanh bao bọc chở che.
Lối kiến trúc ấy thật thân thiện với con người, với thiên nhiên, với môi trường chung quanh biết bao nhiêu! Thế giới hôm nay người ta gọi loại hình kiến trúc như vậy là “Kiến trúc tự nhiên” (Natural Building).
3.Chúng ta không câu nệ vào truyền thống, không thể lấy ngôi nhà tranh, vách đất của cái thời xa xưa, nghèo khổ để làm mẫu mực cho cuộc sống hiện đại. Nhưng tính triết lý về lối sống, cách sống, về cách ứng xử với tự nhiên của cha ông ta luôn là những bài học sâu sắc, không bao giờ cũ cho các thế hệ kiến trúc sư thời hiện đại. Nghiên cứu về kiến trúc xanh không có nghĩa là cực đoan để từ chối thành tựu của khoa học công nghệ mà con người phát minh ra, mà phải biết sử dụng những thành quả sáng tạo ấy một cách hợp lý nhất để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên và thế giới chung quanh.
TS. Goh Chung Chia, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn xây dựng của Quốc hội Singapore, nguyên Chủ tịch Hội KTS Singapore (SIA) khi giải thích về kiến trúc xanh ở nước ông với một đồng nghiệp phương Tây, đã nói rất hóm hỉnh, đại ý: “Khi nào anh ngừng sưởi ấm nhà anh vào mùa đông, thì tôi sẽ ngưng dùng máy lạnh vào mùa hè”. Theo ông, công trình xanh phải là công trình mà trong đó, năng lượng được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Người phương Đông có câu thành ngữ rất hay: “Thân - Thổ bất nhị”, có nghĩa: người và đất không thể là hai. Phải chăng đó là thông điệp của người xưa nhắc nhở hôm nay hãy biết yêu quý mảnh đất nơi mình sinh sống và hãy biết sống hài hòa, thân thiện với môi trường chung quanh ta.
Tản mạn về kiến trúc xanh, cũng là nói về cái “Thân - Thổ bất nhị” ấy, để rồi một ngày mai không xa, chúng ta sẽ được sống trong một không gian xanh, một ngôi nhà xanh, một thành phố xanh…và với những con người XANH./.