Aa

Kỳ I: Ngân hàng là nạn nhân?

Chủ Nhật, 04/03/2018 - 13:00

Luật sư Vũ Ngọc Dũng (Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt) cho rằng, việc ứng 14 tỷ đồng trả khách hàng cho thấy Eximbank đang gián tiếp thừa nhận bà Chu Thị Bình "không có trách nhiệm" trong việc mất khoản tiền mà ông Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt từ ngân hàng.

Trong mấy ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện dày đặc thông tin về vụ việc khách hàng là bà Chu Thị Bình "bỗng dưng" bị mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng Eximbank. Vụ việc cũng khiến giới làm tài chính, khách hàng, thậm chí các luật sư có lẽ đều cần nhìn lại những lỗ hổng trong hệ thống quản lý tiền gửi, văn bản pháp lý, an ninh tiền tệ và trách nhiệm của ngân hàng với người gửi tiền.

Reatimes đã phỏng vấn các luật sư, những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực tài chính và khách hàng để làm rõ thêm một góc nhìn từ bản chất của việc gửi tiền tại ngân hàng. Trên cơ sở đó góp phần cho người làm tài chính hoàn thiện hệ thống quản lý, hạn chế cán bộ “sâu mọt”, lạm quyền, đồng thời cung cấp thêm thông tin cho khách hàng gửi tiền.

Luật sư Vũ Ngọc Dũng 

PV: Hiện tại, bà Bình là người bị mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Eximbank chưa đồng ý ra toà giải quyết. Nếu các bên khăng khăng với quyết định của mình thì có phương án giải quyết nào khác không thưa luật sư?

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Dưới góc nhìn của một luật sư tôi thấy bản chất pháp lý của vụ việc có những nội dung cần làm rõ, hiểu rõ như sau: Phía khách hàng là bà Bình có đưa ra thông điệp rằng: "Tôi gửi tiền ngân hàng chứ không gửi tiền cá nhân”. Đây rõ ràng là một thông điệp đúng mực và đúng pháp luật, đồng thời thể hiện sự khôn khéo và hiểu biết pháp luật của người gửi tiền. Bởi lẽ, theo bản chất đúng nghĩa của pháp luật Ngân hàng và quan hệ Dân sự thì hoạt động gửi tiền của người dân vào ngân hàng là một quan hệ vay tiền và cho vay tiền. Theo đó, ngân hàng là Bên vay và người gửi là Bên cho vay.

Hoạt động này được cụ thể phải bằng một giao dịch thỏa thuận gửi tiền, và thường ngân hàng thực hiện bằng việc cung cấp cho khách hàng sổ tiết kiệm tương ứng với số tiền mà khách hàng gửi vào ngân hàng, hoặc người gửi tiền thông qua hoạt động gửi tiền online, sau đó ngân hàng sẽ có xác nhận thông tin trong tài khoản của khách hàng và cả mobile banking xác nhận lại thông tin về số dư, số sổ tiết kiệm online. Và người gửi hoàn toàn có thể kiểm tra, kiểm soát số tiền của mình trong phần quản lý tài khoản online.

Việc gửi tiền được chia theo các kỳ hạn gửi khác nhau tương ứng với lãi suất khác nhau (bản chất là thời gian vay) và ngân hàng là tổ chức nhận tiền gửi và kinh doanh tiền gửi đó, sinh ra lợi nhuận, từ đó trích trả cho khách hàng theo lãi suất ổn định thỏa thuận tùy theo từng kỳ hạn vay.

Cụ thể của hoạt động này là bên gửi tiền/cho vay sau khi thỏa thuận với ngân hàng là bên giữ tiền gửi/bên vay về số tiền gửi và thời hạn gửi tiền thì chuyển giao toàn bộ số tiền đó cho ngân hàng. Vào thời điểm này bên gửi tiền đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) cho ngân hàng theo kỳ hạn đã thỏa thuận. Việc sử dụng số tiền trên không chỉ là một quan hệ “giữ tài sản” mà nó thật sự là một quan hệ “vay tài sản”. Toàn bộ số tiền được nhập vào dòng tiền kinh doanh chung của ngân hàng và từ đó thực hiện việc phân phối cho vay để thu lợi nhuận.

Theo thời hạn hai bên đã thỏa thuận thì kết thúc thời hạn đó, phía ngân hàng phải hoàn trả tiền lại cho người gửi cộng với mức lãi suất theo thỏa thuận đầy đủ và không kèm theo điều kiện gì. Ngân hàng có thể ủy quyền cho các bộ phận giao dịch (giao dịch viên), tiếp nhận (thủ quỹ, kế toán), người đại diện (Giám đốc chi nhánh/Trưởng phòng...) để nhận tiền vay của bên cho vay/bên gửi.

Điều này cũng khẳng định: mọi giao dịch của người đại diện theo ủy quyền/ hợp đồng phía ngân hàng thực tế bản chất là đang thực hiện hành vi giao dịch của ngân hàng. Họ không phải với tư cách cá nhân của họ, do đó tất cả các hoạt động, sai phạm, hay bất kể gì liên quan và xâm hại tới quyền lợi của khách hàng/ người gửi tiền/ người cho vay đều thuộc phạm vi chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng – ngân hàng là bên nhận giữ/ bên vay tiền.

Ở góc độ người gửi thì trong thời hạn đã thỏa thuận không còn quyền sở hữu tạm thời với khoản tiền đã gửi và chỉ kiểm soát tiền gửi trên con số đã được xác nhận. Người gửi không có nghĩa vụ và không có điều kiện để biết số tiền đó chảy đi đâu. Do đó, bản chất của việc gửi tiền thể hiện không phải chỉ là một quan hệ hợp đồng giữ tài sản mà nó còn là một quan hệ vay tài sản mà bên vay là ngân hàng.

Do đó, dưới quan điểm pháp lý trên, trong vụ việc Eximbank bị ông Hưng chiếm đoạt tiền, khi bà Bình gửi tiền/cho vay tiền tại ngân hàng Eximbank/bên nhận tiền/bên vay gần như chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu tạm thời cho phía ngân hàng.

Việc sử dụng tiền do Eximbank quyết định và phải chịu trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cho bà Bình cùng lãi suất theo thỏa thuận gửi. Quyền của bà Bình là được nhận đủ lại số tiền và lãi suất theo kỳ hạn từ ngân hàng mà không kèm theo điều kiện gì. Việc bà Bình không đồng ý kiện là một lý dó chính đáng về Luật pháp và ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho bà Bình là mặc nhiên. Có lẽ vì lý do này mà bà Bình không muốn ra tòa để giải quyết tranh chấp cho một quyền mặc nhiên của mình.

PV: Theo phân tích của luật sư, bà Bình có khả năng được nhận lại toàn bộ số tiền lãi và gốc. Nhưng để làm được điều đó, bà Bình cần nhờ sự trợ giúp từ đâu?

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Tôi cho rằng bà Bình có thể đúng, và phần nhiều là bà Bình sẽ đúng! Về bản chất vụ việc thì tôi đã có phân tích phần trên. Bà Bình là người gửi tiền/cho vay và ngân hàng là người nhận giữ tiền/bên vay. Do đó khi kết thúc kỳ hạn gửi/cho vay thì ngân hàng là tổ chức tín dụng nhận giữ tiền/vay tiền phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho bà kèm theo lãi suất. Vì thế, trong quá trình sử dụng tiền đó, ngân hàng đã để mất số tiền (số dư) của mình bởi một cán bộ của mình là ông Hưng. Đây là việc ngân hàng thiệt hại và ngân hàng chính là nạn nhân chứ không phải bà Bình.

Mọi quyền của bà Bình không bị hạn chế, không bị xâm hại và có quyền nhận đủ lại số tiền đã gửi. Để lấy lại số tiền, bà Bình có thể gặp trực tiếp ngân hàng yêu cầu trả đủ. Nếu ngân hàng Eximbank thoái thác trách nhiệm thì bà Bình có thể thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình và yêu cầu các cơ quan Công an, Ngân hàng nhà nước, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng và tòa án giải quyết để bảo vệ cho mình.

Bà Bình có thể kiện ngân hàng ra tòa án để yêu cầu hoàn trả tiền của mình mà không cần quan tâm tới việc số tiền của mình đã bị chính nhân viên ngân hàng chiếm đoạt khi ngân hàng đang giữ.

PV: Giả dụ trường hợp khách hàng không phải là bên đúng, thì khả năng bà Bình thiếu sót khâu nào?

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Về bản chất vụ việc đang trong quá trình điều tra làm rõ. Bên phạm tội là ông Hưng (có thể phù hợp với bản chất tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội trộm cắp) và đối tượng bị hại là ngân hàng Eximbank theo đúng phân tích ở phần trên. Do vậy nếu trong quá trình điều tra mà xác nhận lỗi hoặc thiếu sót nào đó từ phía khách hàng, hoặc sự không tuân thủ quy tắc giao dịch nào đó, hoặc ngân hàng chứng minh thuộc về lỗi của bà Bình thì bản chất vụ việc sẽ khác.

Chúng ta sẽ xem lại vụ việc và phân tích theo chiều hướng của việc chứng minh lỗi đó. Còn với dữ liệu hiện tại về lý luận và pháp luật quy định thì tôi cho rằng bà Bình không sai và không có nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc ngân hàng Eximbank để “mất cắp” khoản tiền đã vay của bà.

PV: Dù tuyên bố sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng chỉ ngay sau khi có quyết định của nòa án, nhưng Eximbank lại có động thái ứng 14 tỷ đồng trước cho bà Bình? Có vẻ ngân hàng này đang thay đổi kế hoạch?

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Tôi cho rằng việc nhận 14 tỷ đồng thuộc quyền của bà Bình. Bà Bình có quyền nhận hoặc không nhận. Đây có thể là động thái nhận trách nhiệm từ phía ngân hàng và đã “tạm ứng hoàn trả trước” 14 tỷ đồng này để trấn an khách hàng. Động thái này là cần thiết và tôn trọng Luật trong hoạt động ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng của Eximbank, đồng thời có thể trong quá trình làm việc thì hai phía mới thương thuyết được rằng số tiền 14 tỷ đồng này là số tiền mà rõ ràng trách nhiệm của ngân hàng. Số còn lại trong tổng tiền đã “bốc hơi” chưa đàm phán ngã ngũ.

Ngân hàng cũng nên giữ uy tín với khách hàng khác và sự an nguy, tồn vong của ngân hàng bằng việc thừa nhận đây là hành vi “trộm cắp tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của ông Hưng và nạn nhân là ngân hàng chứ không phải bà Bình. Bà Bình sẽ vẫn phải nhận đủ số tiền đã gửi vào ngân hàng và tạo sự yên tâm cho hàng ngàn khách hàng khác, nếu không sẽ đổ bể uy tín và niềm tin của khách hàng.

PV: Chung quy lại mối quan hệ giữa khách hàng và Eximbank đang vướng phải phương án giải quyết. Có ý kiến cho rằng có thể “nhờ vả” ngân hàng Nhà nước. Theo luật sư, ngân hàng Nhà nước có thể làm trọng tài?

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Ngân hàng nhà nước trong trường hợp này chỉ có trách nhiệm giám sát, đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu phía ngân hàng có phương án xử lý và bảo vệ khách hàng. Về bản chất đây là quan hệ giao dịch dân sự/kinh tế giữa một bên là khách hàng/bên gửi/bên cho vay và một bên là ngân hàng/bên giữ/bên vay tiền. Do vậy việc xử lý hoàn trả tiền lại cho khách hàng thuộc về ngân hàng Eximbank chứ không phải ngân hàng Nhà nước.

Về bản chất, khách hàng không bị thay đổi quyền được nhận lại số tiền đã gửi và không phải là người bị hại trong vụ việc này. Người bị hại thật sự là ngân hàng Eximbank,  không phải bà Bình. Việc ông Hưng “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc có thể là hành vi "trộm cắp tài sản” của ngân hàng trong chuỗi quan hệ giữa ông Hưng và ngân hàng Eximbank mà ông Hưng làm việc. Ngân hàng phải tự giải quyết mối quan hệ nội bộ đó và mặc nhiên tới hạn vẫn phải trả lại đủ số tiền gốc và lãi cho bà Bình.

Trong trường hợp mâu thuẫn không được giải quyết thì bà Bình có thể kiện ngân hàng ra tòa và yêu cầu trả lại số tiền đã gửi ở ngân hàng Eximbank cùng lãi suất thỏa thuận.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top