Aa

Kỳ V: EIB lao đao vì lãnh đạo, MPC chịu tai bay vạ gió

Thứ Sáu, 02/03/2018 - 06:01

Sự việc xảy ra tại Eximbank không chỉ khiến ngân hàng này tổn hao uy tín, giá cổ phiếu giảm liên tiếp mà cũng đưa cổ phiếu Tôm Minh Phú của bà Chu Thị Bình trượt dốc giữa lúc thị trường hừng hực khí thế.

Eximbank: "Diều vừa lên vội đứt cánh"

Theo báo cáo tài chính quý IV/2017 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB), tổng tài sản của ngân hàng đến 31/12/2017 đạt 148.964 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17%, đạt 100.268 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tăng 15%, đạt 117.539 tỷ đồng.

Mặc dù thu nhập chủ yếu của ngân hàng là thu nhập lãi thuần giảm nhưng tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank lại tăng vọt so với năm 2016 nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh, chỉ ở mức 604 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1.089 tỷ đồng năm 2016. Sở dĩ có sự thay đổi lớn như vậy là vì hoạt động xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, giúp ngân hàng có nguồn hoàn nhập dự phòng đáng kể.

Đáng chú ý, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 5 năm kể từ năm 2012 mới trở lại trên 1.000 tỷ đồng, đạt 1.017 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế là 823 tỷ đồng, giúp Eximbank thoát khỏi lỗ lũy kế sau 2 năm kể từ 2015.

Trên đà tiến, mới đây, đại diện Eximbank, ông Yutaka Moriwaki – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank cho biết đang triển khai dự án tái cấu trúc với tên gọi “Eximbank Mới”. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao kết quả hoạt động và đưa Eximbank trở lại vị trí một trong những ngân hàng thương mại chất lượng hàng đầu Việt Nam. Dự án bao trùm nhiều lĩnh vực quan trọng như: các mảng kinh doanh chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự.

Đặc biệt, ông Yutaka Moriwaki cho biết, trong quản trị nội bộ, Eximbank cũng sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng như hệ thống quản lý khách hàng (Customer Relationship Management – CRM), hệ thống thông tin quản trị (Management Information System – MIS) cũng như hệ thống quản trị rủi ro. "Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác vận hành, chúng tôi đang thực hiện tập trung hóa công tác vận hành tại Eximbank", ông Moriwaki cho hay. 

Lợi nhuận tăng mạnh, lãnh đạo quyết tâm cải tổ, hứa hẹn sẽ có một Eximbank mạnh từ nội lực. Nếu như ngân hàng này không vướng vào rắc rối làm thất thoát 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng VIP thì cổ phiếu EIB sẽ tiếp tục đà tăng với những thông tin tích cực.

Tính từ đầu năm 2018, EIB có thời điểm giá cao nhất đã tăng thêm 34% so với giá phiên giao dịch cuối năm 2017. Tuy nhiên, tính đến ngày 1/3, giá cổ phiếu EIB xuống còn 15.300 đồng/cổ phiếu, giảm 7% so với mức phiên trước khi thông tin rắc rối được công bố. Tương đương vốn hoá "bốc hơi" 900 tỷ đồng. Như vậy, vốn hoá của EIB hiện còn khoảng 19.000 tỷ đồng.

Đáng lo hơn, EIB trượt dốc khi cổ phiếu của các ngân hàng khác tăng phi mã, khiến EIB càng mất giá. Ví như phiên cuối tháng 2, CTG tăng 1.500 đồng (4,67%) lên 33.600 đồng/CP và khớp lệnh lên đến hơn 18,7 triệu cổ phiếu; BID tăng 850 đồng (2,23%) lên 39.000 đồng/CP và khớp lệnh 4,5 triệu cổ phiếu; MBB tăng 1.600 đồng (4,88%) lên 34.400 đồng/CP và bùng nổ giao dịch khi khớp lệnh lên đến 12 triệu cổ phiếu.

MPC: “Tai bay vạ gió”

MPC giảm giá hoàn toàn do tác động ngoài ý muốn. (Ảnh minh họa)

MPC giảm giá hoàn toàn do tác động ngoài ý muốn. (Ảnh minh họa)

Không chỉ cổ phiếu EIB giảm giá mạnh, mà kể từ ngày xảy ra vụ việc tại Eximbank, cổ phiếu MPC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng liên tục giảm điểm. Trong phiên ngày 26/2, MPC giảm tới 14.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất giá 14,45%. Phiên ngày 1/3, cổ phiếu này tăng về mức 97.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với mức giá trước thông tin bà Chu Thị Bình "kẹt" tiền tại Eximbank, MPC vẫn mất 4.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường 6.702 tỷ đồng.

Sở dĩ, rắc rối tại Eximbank gây thiệt hại cho MPC bởi bà Chu Thị Bình là người quan trọng đối với Minh Phú. Trong cơ cấu cổ đông của Minh Phú, bà Bình đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ và là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Phú là chồng bà Bình cũng chung tình cảnh khi tài sản chứng khoán giảm mạnh.

Minh Phú có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, được sở hữu chủ yếu bởi các thành viên trong một gia đình. Do đó, cổ phiếu MPC lao dốc, thiệt hại trên sàn chứng khoán với gia đình bà Chu Thị Bình là không nhỏ. Tại thời điểm 31/12/2017, Minh Phú có tổng tài sản gần 9.500 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 6.500 tỷ đồng. Khoản nợ vay phải trả lãi tổng cộng của MPC hiện ước khoảng 5.500 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top