Aa

Kỳ III: Tiếp sức doanh nghiệp, “không ngủ quên trên chiến thắng”!

Thứ Năm, 15/07/2021 - 14:00

“Không ngủ quên trên chiến thắng”, sau quyết định đưa các KCN trở lại sản xuất, Bắc Giang tiếp tục lên các phương án, thực hiện kế hoạch giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài học về việc thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” của Bắc Giang đã mang đến những kết quả nhãn tiền trên cả mong đợi. Hiện đã có 263 doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) trở lại sản xuất với khoảng hơn 83.000 lao động nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều. Với tinh thần đồng hành, hỗ trợ, siết tay cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, Bắc Giang đã đưa nhiều quyết sách quan trọng giúp doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường, ổ dịch trong KCN đã trở thành vùng an toàn và công nhân lao động phấn khởi, yên tâm trở lại làm việc.

Giữ vững thế trận

Nhắc đến bài học thành công của Bắc Giang trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể thấy, dù đang phải truy vết F0, nhưng những kế hoạch, kịch bản về việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa sản xuất hay tiêu thụ vải thiều và các vấn đề khác không thể để hết dịch mới bàn. Tất cả phải được thực hiện đồng bộ ngay, kể cả khi phải đối mặt với diễn biến xấu nhất.

khu công nghiệp vân trung
Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology tại khu công nghiệp Vân Trung trở lại sản xuất (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Còn nhớ thời điểm cuối tháng 5, sau đợt ghi nhận các ca lây nhiễm đỉnh điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về Bắc Giang chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Cùng đi có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo từ địa phương và từ lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trên tinh thần “3 không” (không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách…).

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang.

Một ngày sau đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác phòng chống dịch. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang cần sớm dập dịch, khôi phục sản xuất và công nhân phải được tiêm vắc xin khi đi làm trở lại.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế và nhiều Bộ, ngành, Bắc Giang đã thông qua nhiều cuộc họp và cho xây dựng kịch bản, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, qua đó quyết tâm đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất từ 1/7.

Cũng nhờ quyết tâm chính trị, sự đoàn kết đồng lòng vào cuộc toàn dân, toàn diện, đến nay ổ dịch tại KCN đã trở thành vùng an toàn với 263 doanh nghiệp hoạt động trở lại với hơn 83.000 lao động. Các doanh nghiệp quy mô lớn đang dần phục hồi sản xuất ở mức trên 45% so với quy mô ở thời điểm trước dịch. Một số doanh nghiệp đạt trên 70% quy mô như Công ty TNHH Nichirin Việt Nam, Công ty TNHH S-Connect BG Vina, Công ty TNHH Đặc Khu Hope... Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn duy trì mức sản xuất từ 15 - 30% so với trước dịch. Tại các cụm công nghiệp (CCN) có 122/221 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Ở ngoài KCN, CCN có 43/52 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoạt động lại…

Công ty Foxconn
KCN đã trở thành vùng an toàn với 263 doanh nghiệp trong đó có "ông lớn" Công ty Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu (Ảnh: Giang Sơn Đông).

Đặc biệt, hiện tổng số vắc xin cộng dồn 4 đợt trên toàn tỉnh đã tiêm được 269.514 liều, tập trung chủ yếu cho lực lượng tuyến đầu, công nhân khu công nghiệp và cán bộ, giáo viên tham gia các kỳ thi.

Tuy nhiên, “không ngủ quên trên chiến thắng”, sau khi Bắc Giang trở lại trạng thái kinh tế - xã hội bình thường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục giữ vững thế trận, đảm bảo an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất. Các huyện, Thành phố cần tiếp tục quan tâm vận động người lao động quay trở lại làm việc, tham gia hoạt động tuyển dụng; bố trí địa điểm cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động để khẩn trương khôi phục sản xuất…

Doanh nghiệp yên tâm với “vùng an toàn”, công nhân yên tâm trở lại sản xuất

Có thể nói, sau nhiều quyết sách “cân não”, bằng nhiều hành động cụ thể, ổ dịch trong KCN đã trở thành vùng an toàn, các doanh nghiệp đã yên tâm trở lại sản xuất. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Giang Trần Văn Hà, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do chưa đón đủ số công nhân trở lại làm việc, các vấn đề nhà trọ và ký kết hợp đồng với chủ nhà trọ còn nhiều vướng mắc.

Trước thực tế này, ngay tại thời điểm “nóng” nhất, giữa tháng 6/2021, Bắc Giang đã có những quyết định kịp thời, đặc biệt là việc cho thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Kể từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Tổ giúp việc, các địa phương để chỉ đạo các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN), kinh doanh thương mại (KDTM), tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN). Các huyện, thành phố đều thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện và xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất.

Nhấn mạnh vai trò của BCĐ, tại Hội nghị trực tuyến giao ban với BCĐ các huyện, thành phố về một số hoạt động trọng tâm hỗ trợ khôi phục SXCN, KDTM, an toàn phòng dịch trong sản xuất, tuyển dụng, đón lao động, thẩm định, cấp phép nhà trọ, nơi lưu trú công nhân và vệ sinh môi trường các khu cách ly tập trung, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, để phù hợp với trạng thái bình thường mới, BCĐ tỉnh và Tổ giúp việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN trong và ngoài các KCN. Trong đó bám sát thực tế hoạt động của các DN để điều chỉnh linh loạt, đồng bộ biện pháp hỗ trợ DN tổ chức lại hoạt động sản xuất, bảo đảm an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tùy theo cấp độ, nhất là những DN có quy mô, giá trị sản xuất công nghiệp lớn…

Công ty TNHH Fuhong
Công ty TNHH Fuhong tại Khu công nghiệp Quang Châu đã hoạt động sản xuất trở lại. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý KCN cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc BCĐ khôi phục hoạt động SXCN, KDTM, ổ dịch trong KCN đã trở thành "vùng an toàn”, các doanh nghiệp và công nhân lao động đã yên tâm trở lại làm việc. Để DN trở lại sản xuất, DN được hỗ trợ đưa đón công nhân, bố trí nơi cư trú… Công nhân lao động được hỗ trợ từ 1 - 2 triệu đồng/người/tháng và nuôi ăn 3 bữa trong ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những chỉ đạo kịp thời của chính quyền tỉnh Bắc Giang đã góp phần động viên, có ý nghĩa chiến lược trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; các công nhân lao động phấn khởi, yên tâm trở lại làm việc… góp phần hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu tại Bắc Giang.

Thực tế này cũng một lần nữa minh chứng cho câu nói của người đứng đầu Chính phủ: “Không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch”. Tư tưởng đoàn kết, gắn bó, siết tay nhau vượt qua khó khăn, chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp trong KCN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ riêng tại Bắc Giang mà nhiều địa phương khác trên cả nước sớm chiến thắng dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường, tăng gia sản xuất.

Đây cũng là tinh thần, bài học mà các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Tháp và Tây Ninh mong muốn Bắc Giang hỗ trợ và chia sẻ trong những ngày tới. Theo đó, Bắc Giang sẽ hỗ trợ các địa phương về nhân lực, vật lực; chuyển giao công nghệ sản xuất môi trường xét nghiệm; quản lý khu cách ly tập trung; hỗ trợ công nghệ thông tin trong truy vết, quản lý công nhân, quản lý xét nghiệm…

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top