Xem loạt bài Doanh nhân Hồ Minh Hoàng: “Vua hầm” trên đường mới…
Kỳ II: Triết lý cho chặng đường sắp đến
Kỳ III: Từ một lá thư, hiểu thêm về khát vọng
Tôi đã tham dự một chuyến đi “Về nguồn” của các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Đèo Cả về Hà Tĩnh và Nghệ An. Trong đoàn hành hương, có một nữ phóng viên trẻ, cô Phạm Bích Diệp. Tôi và cô phóng viên trẻ ấy cùng rất tâm đắc về chi tiết khi quyết định cung tiến cặp súng thần công cho Đền thờ Vua Quang Trung ở núi Dũng Quyết (TP. Vinh), CEO Hồ Minh Hoàng đã yêu cầu bên hai khẩu súng ấy phải đúc hai ổ đạn. Tôi đã gợi ý cho Phạm Bích Diệp viết bài báo lấy cảm hứng từ chi tiết này. Bài báo đã cho bạn đọc một góc nhìn khác khá tinh tế về nhân vật Doanh nhân Hồ Minh Hoàng.
Dưới đây là nội dung bài báo:
“Nghệ An, một ngày cuối năm Đinh Dậu 2017, tôi là một phóng viên trẻ, đã có cơ hội tham gia chuyến hành hương về xứ Nghệ cùng đoàn cán bộ của Công ty CPĐT Đèo Cả và các đơn vị thành viên. May mắn hơn, trong chuyến đi này, trưởng đoàn lại chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty, CEO Hồ Minh Hoàng.
Chuyến đi đã cho tôi cơ hội để có thêm rất nhiều cảm nhận thú vị và sâu sắc hơn về người thủ lĩnh của Tập đoàn Đèo Cả, người được mệnh danh là “Vua hầm” Việt Nam.
Một trong những điểm đến của đoàn là Đền thờ vua Quang Trung nằm trên núi Dũng Quyết thuộc khu vực Phượng Hoàng Trung Đô, ngay sát bên ngoại vi thành phố Vinh. Theo lời giới thiệu của người trông coi ngôi đền, tôi được biết anh Hồ Minh Hoàng đã cho đúc tặng đền một cặp súng thần công bằng đồng đặt ngay trước cổng. Một cặp súng thần công lớn mới đúc xong, còn ánh lên màu đồng đỏ. Nhưng sẽ lướt qua tâm trí tôi chỉ là cặp súng thần công như tôi đã nhìn thấy ở một vài nơi, nếu như tôi không nhìn thấy hai ổ đạn lớn đặt cạnh cặp súng đó.
Nhiều nơi trưng bày súng thần công, nhưng chưa nơi nào có ổ đạn đặt bên súng cả. Một nhà báo tên tuổi đi cùng trong đoàn với tôi cũng chia sẻ điều này. Anh bảo, anh cũng đã đi nhiều nơi, trong nước và ngoài nước, anh chỉ thấy một nơi có đặt đạn bên súng thần công là ở lâu đài cổ bên vịnh biển Địa Trung Hải của Công quốc Monaco. Và ở đây, núi Dũng Quyết này, là lần thứ hai anh thấy điều đó. Hỏi những người trông coi đền thì được biết, khi quyết định chi ra hơn nửa tỉ đồng để cung tiến cặp súng thần công cho Đền thờ vua Quang Trung, Hồ Minh Hoàng đã yêu cầu phải đúc thêm hai ổ đạn đặt bên cạnh. Không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng khá bất ngờ khi nghe kể về lời yêu cầu đúc đạn cùng súng thần công của Hồ Minh Hoàng. Giải đáp cho thắc mắc của mọi người, anh Hoàng trả lời rất đơn giản: “Súng thì phải có đạn chứ!”.
Câu trả lời đơn giản ấy lại cho tôi thấy một nét bình thường nhưng sâu sắc trong hình ảnh của người doanh nhân trẻ này. Đó là sự chu đáo và cẩn trọng trong từng tiểu tiết, ngay cả khi đấy chỉ là một món quà tặng. Ngẫm xa hơn nữa, thì đấy chính là tầm nhìn toàn diện khi xử lý mọi sự vụ, từ nhỏ đến lớn, từ tiểu tiết đến đại thể. Người ta nói các doanh nhân đều có một mẫu số chung, nhưng trong mỗi người là những khác biệt riêng. Những khác biệt riêng sẽ hun đúc để làm nên những thành công mang dấu ấn riêng.
Hồ Minh Hoàng luôn suy nghĩ toàn diện, luôn có cách giải quyết không theo lối tư duy sáo mòn. Anh đã cùng tổ chức của mình vượt qua nhiều thách thức lớn bằng những giải pháp hoàn toàn mới lạ, mang đến những thành công, nhiều khi rất bất ngờ, khó hình dung trong suy nghĩ của nhiều người khi bắt đầu khởi sự. Và tôi không lấy làm lạ khi thấy có nhiều người gọi Hồ Minh Hoàng là “Người trời”. Tập đoàn Đèo Cả đã có những thành công nghe như huyền thoại trong khoảng mười năm vừa qua, thì thủ lĩnh của Tập đoàn có gắn với huyền thoại “Người trời” cũng có cái lý của nó.
Hồ Minh Hoàng là hậu duệ của Hồ Thơm, người họ Hồ ở Bình Định nhưng gốc phát tích là từ Quỳnh Đôi, Nghệ An. Hồ Thơm khi lên ngôi hoàng đế mới lấy niên hiệu là vua Quang Trung. Khoảng mười lăm năm trở lại đây, khi đã bắt đầu sự nghiệp doanh nhân, bắt đầu ghi những dấu ấn, Hồ Minh Hoàng mới có điều kiện thường xuyên về thăm nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi và đến dâng hương tại đền thờ vua Quang Trung ở TP. Vinh. Họ Hồ, từ xưa đến nay, có rất nhiều người có công tích lớn lao, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Nhiều vị vua, nhiều tướng lĩnh, nhiều văn nhân, nghệ sỹ, nhiều nhà khoa học hàng đầu… Đến thời nay, đã xuất hiện thêm nhiều doanh nhân tên tuổi, có những thành tựu xuất sắc. Hồ Minh Hoàng là một trong những doanh nhân như thế.
Khi về dâng hương kính lễ tại nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, tôi lại chứng kiến việc các cụ thủ từ tâm đắc với chuyện “súng thần công phải có đạn” của Hồ Minh Hoàng. Các cụ phân tích thêm triết lý, súng phải có đạn, như tổ chức phải có sức mạnh, con người phải có ý chí… Là con cháu của họ Hồ thì phải có đóng góp cho đời, cho nước non. Vậy là câu chuyện “súng thần công phải có đạn” của doanh nhân Hồ Minh Hoàng đã có sức lan tỏa, có ý nghĩa giáo dục lớn, như một niềm tự hào của dòng tộc họ Hồ…
Chuyến đi “Về nguồn”, thắp hương tại đền Ông hoàng Mười (Hà Tĩnh), viếng liệt sỹ và trồng cây lưu niệm tại Khu tưởng niệm các liệt sỹ TNXP tại Truông Bồn, kính tạ tổ tiên tại Đền thờ vua Quang Trung và nhà thờ họ Hồ (Nghệ An) của Hồ Minh Hoàng và các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Đèo Cả chính là một hoạt động nằm trong chuỗi giáo dục và xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho hệ thống của mình. Văn hóa doanh nghiệp phải tiếp thu những giá trị mới, hiện đại, nhưng cũng cần sâu rễ bền gốc, biết ơn tổ tiên, biết ơn tiền nhân và những người đi trước. Chuyến hành hương về nguồn năm nay lại có sự trùng hợp, diễn ra vào ngày 24 và 25 tháng 11 âm lịch. Hoàng đế Quang Trung lên ngôi ngày 24/11 năm Mậu Thân (1788), sau đó một ngày, ông dẫn đầu đại quân bắt đầu hành quân thần tốc ra phía Bắc. Trên đường đi, bằng đại nghĩa, ông đã tập hợp thêm rất nhiều binh mã để làm nên Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ngày Mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), đánh đuổi quân Thanh, thống nhất đất nước.
Năm nay, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã ghi dấu bước phát triển mạnh mẽ, từ Đèo Cả, đèo Cổ Mã, đến đèo Cù Mông, đèo Hải Vân, tiến ra Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, và sắp tới, sẽ tiến từ Chi Lăng lên tới Hữu Nghị Quan. Sau chuyến đi “Về nguồn” này, ngày hôm sau, đoàn cán bộ của Tập đoàn Đèo Cả sẽ lên đường ra Hà Nội, tiến thẳng đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan, hoạch định cho việc thực hiện hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Hữu Nghị Quan trong năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng khi trả lời trước Quốc hội.
Phải chăng Hồ Minh Hoàng và hệ thống của mình đang cùng rất nhiều con người sẽ tiếp tục sứ mệnh xây dựng đất nước mà thời xưa Vua Quang Trung còn dang dở?
Chúng ta hãy cùng chúc cho Hồ Minh Hoàng cùng những cộng sự của Tập đoàn Đèo Cả có những bước đi thần tốc trong năm 2018 để chèo lái con thuyền của mình về đích đúng hẹn, mang lại niềm vui và sự bình yên cho rất nhiều người tham gia giao thông khi đi trên cung đường cao tốc mới Bắc Giang - Lạng Sơn và Chi Lăng - Hữu Nghị Quan sẽ hoàn thành trong tương lai không xa nữa!".