Aa

Kỳ tích sông Hàn – Bản lĩnh và khát vọng phát triển của Đà Nẵng

Nhân Nghĩa
Nhân Nghĩa nhannghia.reatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 30/03/2025 - 18:00

Trong dòng chảy sôi động của lịch sử và hiện tại, TP. Đà Nẵng sau chiến tranh giờ đây đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành một đô thị kiểu mẫu của Việt Nam, nơi hội tụ của tri thức, văn hóa, công nghệ và khát vọng sống.

Sự kiện trọng đại diễn ra vào sáng ngày 29/3 không chỉ là dịp để thành phố kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ, 50 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng mà còn là dịp để cả nước chứng kiến một dấu mốc phát triển mới của Đà Nẵng – nơi được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đã tạo nên "kỳ tích sông Hàn" của Việt Nam.

Kỳ tích sông Hàn – Bản lĩnh và khát vọng phát triển của Đà Nẵng- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho TP. Đà Nẵng

Tại buổi lễ kỷ niệm trọng thể diễn ra tại Cung Thể thao Tiên Sơn, với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và gần 4.000 đại biểu, Đà Nẵng một lần nữa khẳng định vai trò đầu tàu khu vực miền Trung trong công cuộc đổi mới và phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Kỳ tích sông Hàn" là kết tinh trí tuệ và ý Đảng, lòng dân

Đánh giá cao nỗ lực và thành tựu của Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Đà Nẵng đã tạo ra kỳ tích sông Hàn trong phát triển kinh tế - xã hội với mô hình 5 cao: tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao và mức sống cao". Những con số ấn tượng không chỉ cho thấy sự khởi sắc về vật chất mà còn phản ánh sự phát triển toàn diện về chất lượng sống, đời sống tinh thần và cơ hội phát triển con người.

Kỳ tích sông Hàn – Bản lĩnh và khát vọng phát triển của Đà Nẵng- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thành quả mà Đà Nẵng có được là kết tinh của trí tuệ, công sức, sự dấn thân không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và toàn thể nhân dân thành phố. Đó là biểu hiện sinh động của tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm – một bài học lớn về phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân.

"Có thể nói cái được lớn nhất của Đảng bộ Đà Nẵng là được lòng dân. Đó chính là niềm tự hào đáng trân trọng của nhân dân Đà Nẵng anh hùng. Đây là tiền đề để tạo ra sức mạnh tổng hợp, để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện trong những năm tiếp theo", Tổng Bí thư nói thêm.

Ghi nhận những thành tích nổi bật của thành phố trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển du lịch, an sinh xã hội, tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Đà Nẵng.

Phần thưởng cao quý này không chỉ là vinh danh những kết quả đạt được mà còn là động lực để thành phố tiếp tục vững bước trên hành trình đổi mới, hướng tới một đô thị thông minh, xanh và đáng sống hàng đầu khu vực.

Kỳ tích sông Hàn – Bản lĩnh và khát vọng phát triển của Đà Nẵng- Ảnh 3.

Quang cảnh Lê kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ TP. Đà Nẵng và 50 năm Giải phóng TP. Đà Nẵng

Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng hiện nay đã tăng hơn 45 lần so với năm 1997

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã ôn lại hành trình lịch sử đầy thử thách nhưng cũng rất đỗi hào hùng của thành phố. Đặc biệt, kể từ dấu mốc quan trọng năm 1997 khi Đà Nẵng chính thức tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vùng đất này đã bước sang một chương mới với những đột phá ngoạn mục về quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng và tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Quảng, quy mô nền kinh tế Đà Nẵng hiện nay đã tăng hơn 45 lần so với năm 1997. Thu ngân sách tăng hơn 25 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 21 lần và tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2% – cao gấp đôi mức trung bình của cả nước. Không chỉ tăng trưởng về kinh tế, Đà Nẵng còn phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.

Kỳ tích sông Hàn – Bản lĩnh và khát vọng phát triển của Đà Nẵng- Ảnh 4.

Lễ kỷ niệm diễn ra trọng thể tại Cung thể thao Tiên Sơn

"Cái được lớn nhất của Đảng bộ Đà Nẵng là được lòng dân", ông Quảng khẳng định. Câu nói ấy không chỉ là một sự tự hào, mà còn là minh chứng sống động cho mô hình phát triển bền vững, nhân văn và toàn diện mà Đà Nẵng đang theo đuổi. Những chính sách mang tính đột phá, giàu nhân văn như "5 không", "3 có", "4 an" hay việc miễn học phí toàn bộ các cấp học đã tạo nên một thương hiệu khác biệt, được nhân dân đồng lòng ủng hộ và đánh giá cao.

Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh định hướng tương lai của thành phố: tiếp tục đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, tái cơ cấu nền kinh tế, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực tăng trưởng chủ yếu. Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ mới của cả nước – nơi sản sinh và lan tỏa giá trị tri thức, sáng tạo và phát triển bền vững.

Kỳ tích hôm qua – Đà Nẵng của ngày mai

Hành trình phát triển của Đà Nẵng không chỉ là kết quả của những con số tăng trưởng ấn tượng hay những công trình kiến trúc đồ sộ, mà quan trọng hơn, đó là câu chuyện của niềm tin, của sự gắn bó giữa chính quyền và nhân dân, của khát vọng vươn lên từ trong gian khó để xây dựng một thành phố đáng sống, đáng tự hào. Kỳ tích sông Hàn không phải là một phép màu, mà là kết tinh của trí tuệ, của bản lĩnh, của những người Đà Nẵng kiên cường, đổi mới và nhân ái.

Trong bước chuyển mình hướng tới tương lai, Đà Nẵng không chỉ đặt ra những mục tiêu lớn về khoa học công nghệ, kinh tế số, mà còn không quên bồi đắp giá trị văn hóa, chăm lo cho con người – nhân tố cốt lõi cho mọi thành công bền vững. Thành phố hôm nay không còn đơn thuần là trung tâm của miền Trung, mà đang vươn mình trở thành biểu tượng mới cho một đô thị Việt Nam hiện đại, văn minh, bản lĩnh và nhân văn.

Nhìn về phía trước, Đà Nẵng có quyền mơ những giấc mơ lớn hơn – không chỉ là thành phố kiểu mẫu của cả nước, mà còn là điểm đến của trí tuệ, là hình mẫu cho sự phát triển hài hòa giữa con người và đô thị, giữa truyền thống và hiện đại. Và trong hành trình ấy, người dân Đà Nẵng – những người từng viết nên kỳ tích hôm qua – chắc chắn sẽ tiếp tục là chủ thể kiến tạo nên Đà Nẵng của ngày mai: tỏa sáng, vững vàng và đầy khát vọng./.

Hàng loạt công trình lớn được khánh thành, khởi công chào mừng 29/3

Không chỉ mang tính biểu tượng, dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng thành phố còn là thời điểm đánh dấu hàng loạt công trình quan trọng được khánh thành và khởi công, tạo nên diện mạo đô thị mới hiện đại, khang trang và bền vững hơn.

Ngày 28/3, Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng Đà Nẵng tại địa chỉ mới và đồng thời khởi công xây dựng tượng Bác Hồ trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp. Đây là những công trình mang ý nghĩa văn hóa – lịch sử sâu sắc, góp phần gìn giữ di sản và truyền thống quý báu của thành phố. TP. Đà Nẵng cũng tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Chung cư nhà ở xã hội dành cho người có công.

Trước đó một ngày, vào sáng 27/3, thành phố đã khởi công dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29 tháng 3 với tổng mức đầu tư gần 673 tỷ đồng. Công viên này sẽ được quy hoạch hiện đại, tích hợp nhiều chức năng sinh hoạt cộng đồng, giải trí và cây xanh, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Cũng trong sáng 27/3, Đà Nẵng phối hợp cùng tỉnh Quảng Nam thông xe kỹ thuật cầu Quảng Đà – công trình có tổng vốn đầu tư hơn 274 tỷ đồng, kết nối huyện Hòa Vang với TX. Điện Bàn (Quảng Nam), giúp rút ngắn thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển liên vùng.

Ngoài ra, các công trình như cải tạo cảnh quan tuyến đường Thăng Long, cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị với tổng vốn hàng trăm tỷ đồng cũng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thêm điểm nhấn thẩm mỹ và nâng cao năng lực thoát nước, xử lý môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top