Aa

Lá vẫn rơi trên thềm cửa

Thứ Sáu, 08/02/2019 - 19:00

Tôi chuẩn bị đi, lại thấy như có bóng dáng vô hình của anh vừa buớc qua thềm cửa về nhà; anh dặn gì con trai mà chuẩn bị vali, túi xách cho mẹ trong cuộc hành trình mới, không cần chuông đồng hồ báo thức, vì canh ba hay canh năm anh đánh thức bằng tiếng lá rụng đập vào cánh cửa sau ngôi nhà, chắc là em sẽ thức giấc đấy thôi.

Chiếc đồng hồ cũ đã không còn đánh chuông vì một sợi dây cót nào đó, chuông không còn rung vào lúc 4 giờ sáng; nhưng em vẫn thức giấc đúng giờ như một chiếc đồng hồ luôn thức giấc trên cơ thể, để rồi ngồi vào bàn. Viết. Có lẽ một năm chỉ có một đêm giao thừa, em không dậy vào 4 giờ sáng; mà dậy lúc 5 giờ để lên chùa ngồi ở sân sau nghe lá rụng. Năm nay, có thể vẫn còn nhiều loài cây thay lá vì vẫn còn lũ vào mùa đông.

Mưa phùn bắt đầu giăng ra muôn nẻo ngõ phố, cả một năm tất tả cho cuộc đời, bao người mẹ trẻ phải làm một việc đưa đón con đi học, rồi đi làm, rồi chợ búa cơm nước, ra vào bệnh viện vì những bệnh thời tiết; hoặc giả bệnh mỡ máu, bệnh gút, men gan, bệnh của thời đầy đủ về vật chất mà luôn cho người ta thiếu vắng những cơn thèm; kể cả khi chỉ thèm một bát cơm không độn hạt bo bo hay bột mỳ. Cái khổ nhất là không còn thèm ăn ngon. Giao thừa bây giờ không phải xếp hàng mua lá dong, lạng thịt về gói bánh chưng nữa, nhiều dịch vụ đã tiết kiệm thời gian cho phụ nữ nội trợ và em có quyền nghĩ đến mỗi năm mình đã tiêu gì cho quỹ thời gian trên cõi tạm ngắn ngủi này. Vừa mới chiều ba mươi, em đi trên con đường Bối Khê bị lạc vì Hà nội nhiều nhà cao tầng quá. Hoa đào, quất xếp bên đường bán cho người về quê ăn tết.

Đứng vào một góc phố, nhìn lên bao nhiêu nhà cao tầng hơn và bao nhiêu nhà đầy ô kính sáng trong, năm xưa khi nhà ta chưa vắng bóng anh; chúng ta đã đi giao thừa ở vườn Bách Thảo, tìm lại góc vườn hoa tiễn anh đi B trước tết năm nào. Anh đắm đuối nhìn em và Hà Nội, mong chờ một mùa xuân trở về với những trang viết về Tà Cơn một thuở, cánh đồng chó Ngáp một thuở và trận bom dải thảm ở Nam Lào. Tất cả dành cho ký ức chiến tranh dù đã ngày hòa bình. Hòa bình mà vẫn chia tay cho mỗi chuyến đi của nhà văn. Năm đó, anh đi bên em kể về chiến tranh mà vườn bách thảo cây như có mưa dội xuống. Thứ ánh sáng trắng của đèn nê-ông, tiếng pháo tép rời rạc của trẻ con chơi và tiếng chúc nhau năm mới. Năm mới như một món quà cho mỗi người ước ao và chờ đợi một sự tốt đẹp hơn trong chuỗi mắt xích của thời gian lo toan và lao động.

Em còn nhớ anh nói với em ngày ở rừng Trường Sơn có tới 6 tháng mùa mưa, ăn cơm vắt nước mưa là chuyện thường tình của người lính.Có khi thèm rau xanh mà chỉ uớc trên đường có ai mừng tuổi một rổ rau mà ăn tết cho sung sướng nhỉ. Cái hăng-gô đun qua quýt mấy ngọn rau rệu, rau sam nhặt ở ven rừng. Những trận sốt rét thèm bát nước cháo loãng mãi mãi là ước ao không quên. Vẫn là ký ức bỏ quên trên chiếc ba lô lâu ngày không lục lại, vẫn còn thấy anh đang cắm cúi trên những trang bản thảo viết trên giấy úa vàng. Anh hẹn năm nay viết xong cuốn tiểu thuyết, cả nhà ba người sẽ đi Đồng Châu, đi đảo Sủ Vàng săn vịt giời. Hình như năm đó còn có chúa đảo Sủ vàng là bác Nhượng, người câu cá đuối, cá hồng rất giỏi trên đảo.

Có cái tết ra đảo ngồi nướng cá chỉ có ba người, chúa đảo, cùng với người lái thuyền và anh. Anh kể về chúa đảo như một huyền thoại của biển vùng Thái Bình.

Thi thoảng thấy anh lại cầm bút chữa những lỗi chấm câu, dấu phẩy, hoặc thêm câu cho rõ nghĩa trong một bài báo em đang viết. Có lần, một nữ nhà báo đã hỏi, chị có thấy hạnh phúc khi cầm bút không. Có, nhất định là có. Vì em đang sống thêm một cuộc sống khác của nhân vật, ví như đang sống gấp hai cuộc sống của mình đó là sự sáng tạo của nhà văn trên mỗi con chữ. Thường ngày, anh vẫn cúi xuống đọc bản thảo cho em, hoặc pha ấm trà vào lúc 4 giờ sáng,cùng bàn về một đề tài nóng hổi trong cuộc sống; một địa chỉ du lịch có nhiều điểm đến ở Đà Lạt mà ta để dành đi trong tuần sau; là hồ Ba Bể thẳm xanh trong núi, rồi lên thác Đầu Đẳng mà nghe thác đổ, rồi vợ chồng cãi nhau vì lên thác hay xuống hồ, xuống hồ hay đi Ao Tiên. Anh quả quyết làm gì có tiên ở ao Tiên mà xuống.

Đã đi qua bom đạn ở nhiều chiến trường B2, B3, Nam Lào làm gì có tiên cơ chứ. Không có ảo vọng đâu cô nàng ạ. Không có ao Tiên thì có nước trong, lá vàng như vừa đổ xuống ao kia, không chụp ảnh cũng phí một đời. Phí một cái tết ngao du trên hồ Ba Bể, phí một cái tết lên thác Đầu Đẳng ăn tết ở nhà sàn với thịt lợn cắp nách và thứ bánh chưng gói dài chứ không gói vuông như ở dưới xuôi. Hai ta đã có những cái tết khi thì ở ao Tiên, khi thì ở thác Đầu Đẳng Bắc Cạn; khi đi thung Nai ở Hòa Bình, lại ngược sông Mã đi lên vùng đầy hoa mận trắng, hoa đào phai, hoa mai vàng, những nơi mà nhà thơ Quang Dũng viết trong bài thơ Tây Tiến năm nào.

Ngày ấy, tết nào anh cũng tha tôi đi khắp nơi, rừng xanh núi thắm, thung lũng vàng. Khi ấy chưa có con đi tung tẩy cũng là cái thú lãng mạn của người cầm bút. Hoặc có thể đi, để anh khỏa lấp, tập quên đi bom đạn chiến tranh. Anh không bao giờ ăn thịt luộc còn tái, còn màu đỏ, màu máu và thịt bò, tiết canh vịt, anh không bao giờ ăn và còn tránh nhìn thấy nữa. Ám ảnh của cuộc chiến còn đeo đẳng mãi tới ngày hòa bình. Lên núi xuống biển, tạt sang thung lũng, leo núi đôi ở Hà Giang, rẽ sang Xín Mần xem chợ ngựa. Những cái tết bộ hành, ngoài chiếc ba lô, anh tha tôi đi khắp nơi, mà tôi cứ lẽo đẽo theo anh những cái tết còn đơn thân ấy.

Những chuyến đi sao lại nhớ vào phút giao thừa, vì đơn giản kết thúc một năm cũ, sang năm mới, sang mùng 3 tết năm nay tôi đi Ấn, tôi sẽ đi lại cái vùng năm xưa anh đi; anh từng bảo cụ Tô Hoài như một tay súng thiện xạ nhìn vào đâu cũng ra vấn đề của xã hội, của số phận con người, của người Việt xa xứ. Nếu xét về lao động chữ nghĩa thì cụ thật sự vĩ đại. Cụ Tô Hoài viết ở bất cứ đâu, trên một toa tàu hạng bét, trên gác xép, tỳ tay trên quán nước vỉa hè và cả khi ngồi hội họp, cụ viết truyện ngắn, bút ký, truyện thiếu nhi…

Phút giao thừa thiêng liêng của mỗi một gia đình, của mọi ngôi nhà đang sum họp đầm ấm, mà sao tôi chỉ nhớ những chuyến đi không bến đỗ với anh trong ngày tết xa xưa. Làng quê, bến nước, đình chùa, với một cái võng và chiếc ba lô, anh nói đó là nhà của lữ khách dành cho chuyến đi rong ruổi để viết của người lính cầm bút như anh, vậy không mong gì hơn. Tôi cũng nhìn thấy trên lá thư chúc tết sau giao thừa, sau lời chúc tết là lịch bay của chuyến đi sắp tới.

Tôi chuẩn bị đi, lại thấy như có bóng dáng vô hình của anh vừa buớc qua thềm cửa về nhà; anh dặn gì con trai mà chuẩn bị vali, túi xách cho mẹ trong cuộc hành trình mới, không cần chuông đồng hồ báo thức, vì canh ba hay canh năm anh đánh thức bằng tiếng lá rụng đập vào cánh cửa sau ngôi nhà, chắc là em sẽ thức giấc đấy thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top