Aa

Lai Châu: Cuộc sống mới ở bản tái định cư

Thứ Bảy, 17/02/2024 - 06:10

Về nơi ở mới, cuộc sống của người dân ở 4/6 bản của xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu từng bước đổi thay. Đó không chỉ là sự nỗ lực vươn lên của người dân mà còn là biện pháp, cách làm đúng đắn của chính quyền xã để làm mới bộ mặt nông thôn.

Năm 2007, người dân ở 4 bản xã Chăn Nưa: Chiềng Nưa, Chiềng Chăn 3, Phiêng Diểm, Chiềng Chăn 4 phải di (vén) lên nơi ở mới, tránh ngập Thủy điện Sơn La. Thời điểm đó, cuộc sống sinh hoạt thay đổi, người dân đang quen với làm ruộng nước mà giờ diện tích thu hẹp, sản xuất hạn chế, thóc làm ra không được như trước. Ngoài ra, với số tiền đền bù trong tay thì đổ dồn hết vào làm nhà, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống.

Lai Châu: Cuộc sống mới ở bản tái định cư- Ảnh 1.

Người dân bản Chiềng Chăn 4, xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) thay đổi cuộc sống từ nuôi thuỷ sản...

Để cuộc sống người dân nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, cán bộ xã đến từng bản, gõ cửa từng nhà tuyên truyền người dân sử dụng hợp lý kinh phí đền bù, hướng dẫn bà con cách đầu tư và chú trọng vào các nghề mang lại thu nhập như: làm lồng bè nuôi tôm, cá, xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả hoặc kinh doanh thương mại, dịch vụ. Để dân thấy lợi ích lâu dài, ngoài tuyên truyền, vận động bà con tự giác vươn lên, xã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cây trồng, con giống, tạo điều kiện vay vốn, học nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tuyên dương các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, từ đó tạo động lực để người dân noi theo.

Từng bước đổi mới, người dân ở 4 bản của xã tích cực sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập. Nhất là trong chăn nuôi, bà con mở rộng diện tích, quy hoạch bãi chăn thả, kết hợp nuôi bán tự nhiên với nuôi nhốt có chuồng trại để tăng đàn, từ đó, số lượng tăng với gần 16.000 con gia súc, gia cầm (năm 2023). Người dân các bản tái định cư tận dụng mực nước lòng hồ để làm 50 lồng bè nuôi tôm, cá, đưa sản lượng đánh bắt và nuôi trồng đạt 40 tấn/năm. Tôm, cá không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà còn là nguồn thực phẩm ưa thích ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Lai Châu: Cuộc sống mới ở bản tái định cư- Ảnh 2.

... đầu tư chăn nuôi lợn.

Anh Trần Văn Quang (bản Chiềng Chăn 3) chia sẻ: Nhờ có cán bộ xã chỉ hướng phát triển kinh tế, tôi đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản ở lòng hồ. Để có hiệu quả, không chỉ học hỏi nhiều kiến thức mà tôi thường xuyên quan sát lưu lượng nước, thời điểm nước rút và lên để tôm, cá có môi trường sống thuận lợi. Tôi kết hợp nhiều nguồn thức ăn, chủ động phòng bệnh nên tôm, cá lớn nhanh, sinh sản tốt. Mỗi năm tôi thu được hơn tấn cá, tôm xuất bán đều có lãi.

Cải thiện nguồn thu nhập, xã khuyến khích bà con tận dụng diện tích nơi ở chưa sử dụng để kinh doanh thương mại, dịch vụ như: bán hàng tạp hoá, mở tiệm sửa chữa xe máy, làm đẹp hoặc làm nơi để khách lưu trú với các homestay, vừa phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm môi trường để thu hút đầu tư. Nhờ đó, năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 17,32%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng. Ngoài ra, bà con thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Lai Châu: Cuộc sống mới ở bản tái định cư- Ảnh 3.

Phụ nữ xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) vệ sinh môi trường, làm đẹp không gian bản tái định cư.

Ngoài chăm lo đời sống kinh tế, xã chú trọng nâng cao đời sống tinh thần bằng việc xây dựng nhà văn hoá, sân chơi thể thao, tổ chức thường xuyên các hoạt động vui chơi, giải trí gắn kết cộng đồng. Ở các bản, đội văn nghệ ngày càng trẻ hoá, thế hệ con cháu biết lưu giữ, phát huy truyền thống dân tộc. Đến hết năm 2023, 4 bản tái định cư của xã đạt danh hiệu bản văn hoá, 500/514 hộ (thuộc 4 bản) đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

Anh Lò Văn Phong – Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian tới, xã triển khai thêm giải pháp để dân an cư, yên tâm sản xuất, chú trọng phát triển giáo dục, xây dựng đời sống văn hoá, giữ vững an ninh, giúp cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top