Miền Kinh Bắc quê tôi, vốn được mệnh danh là miền lễ hội. Suốt ba tháng mùa xuân, dập dìu những hội hè. Hôm nay làng này rã đám, mai làng khác khai hội. Nối tiếp nhau. Bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết, hội làng Đồng Kỵ xưa nổi tiếng với tục thi pháo to. Những quả pháo làm trong nhà, đến lúc khiêng ra đình thi phải đập cổng. Và hội khán hoa mẫu đơn trên núi Phật Tích, nơi xảy ra câu chuyện chàng văn nhân Từ Thức gặp nàng tiên Giáng Hương, một ngày bằng cả trăm năm.
Nhà thơ Hoàng Cầm - người kể chuyện Kinh Bắc bằng thơ đã viết về một dải quê ven bờ bên kia sông Đuống của ông. Nơi mùa xuân nào cũng thế, dập dìu trai thanh gái lịch đi dự hội. Những ngày đó, đi trên bờ đê xanh mướt cỏ non đang nhu nhú mầm đón mưa xuân, nghe như cả không gian chỗ nào cũng văng vẳng tiếng đàn tiếng hát của trai gái giao duyên trong các hội làng rộn rã:
“Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp…”
Vùng Kinh Bắc xưa nằm bình yên bên bờ Bắc sông Hồng, mùa xuân tới chỗ nào cũng rộn ràng lễ hội. Người xưa mở hội để tế lễ Thành hoàng làng, tưởng nhớ các vị anh hùng hộ dân cứu quốc, những bậc thiên thần và nhân thần phù trợ của quê hương. Và đặc biệt, rất nhiều lễ hội miền này có tục rước nước từ sông lớn về, đây là nghi thức cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.
Lễ hội mùa xuân là dịp cho người dân thư giãn nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Cũng là dịp để trai gái giao duyên rồi nên vợ nên chồng. Nên có những lễ hội kèm theo những tục lệ có tính chất “huê tình” rất lạ: hội chen Nga Hoàng, trai gái chen vai thích cánh nhau chen lấn ôm ấp lúc tắt đèn thờ. Rồi tục trai gái ngồi lẫn với nhau hát xướng, giao tình trong đêm hội ở Quảng Lãm…
Nên nếu có dịp, mùa xuân ta đi một chuyến về Kinh Bắc, lan man các lễ hội trong vùng hẳn cũng được trải nghiệm nhiều điều thú vị. Trải nghiệm về văn hóa, phong tục, ẩm thực. Và cả trải nghiệm sống nữa.
Như trên đã nói, ta hãy bắt đầu bằng hai lễ hội mở màn cho mùa lễ hội xuân Kinh Bắc: hội làng Đồng Kỵ. Thực ra hội làng Đồng Kỵ xưa có tích hay hơn cái trò thi pháo đùng rất nhiều. Theo cuốn “Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh”, là tập sách dịch các tư liệu Hán Nôm ghi chép thần tích thần phả, phong tục, đời sống, núi sông… trong vùng, xưa cổ lệ làng Đồng Kỵ có tục thờ âm hộ và dương vật bằng gỗ, lúc làm lễ tế Thành hoàng làng, khi ông thủ từ đưa dương vật vào âm hộ có câu khấn rất hay: “Cái sự làm sao, cái sự làm vậy, cái sự thế này, cái sự làm sao”.
Núi Phật Tích bây giờ không còn nhiều hoa mẫu đơn như trong truyền thuyết. Thế nhưng nếu mùng 4 Tết là ngày chính hội mà dắt người yêu, bạn bè leo lên đỉnh núi ngắm rừng thông xanh mướt, cánh đồng đang đổ ải phía xa, xa hơn nữa là con sông Đuống đang hiền hòa trôi dưới mưa xuân, hẳn cũng nhiều cảm xúc mà không cứ phải gặp nàng Giáng Hương nào trong truyền thuyết mới có.
Chơi loanh quanh, dự hội vài làng quanh vùng núi Chè, Hiên Vân, Ngang Nội… nghe hát quan họ, ngắm cảnh sơn thủy hữu tình; đến 13 tháng Giêng, về đồi Lim dự hội nghe hát quan họ. Nhưng trước đó, đêm 12 ta hãy cùng nhau ghé vào bất cứ một nhà liền anh, liền chị nào của các làng quanh chân đồi Lim đều được đón tiếp thịnh tình và thưởng lãm những màn quan họ đặc sắc. Nhạc sĩ Trần Tiến đã viết: “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình/ người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên/ khách đến nhà là hát, khách đến nhà là ca, khách phương xa những chẳng muốn về…”.
Chỉ có đến, hòa mình vào cái không khí lễ hội du tình say say men sống kia, bạn mới cảm nhận được hết cái chất của người quan họ mến khách. Làng nào cũng vậy, nhà nào cũng vậy, người nào cũng thế, người ta quan niệm rằng hội mở đón được nhiều khách thập phương đến dự uống chén rượu nồng, ăn cỗ rồi cùng nhau ca hát, ấy là điềm mang lại may mắn, lộc lá cho cả năm. Bởi thế nên người quan họ mến khách lưu tình…
Xong hội Lim, chúng ta theo đê sông Cầu, qua đò sang bờ Bắc, dự hội làng Thổ Hà mở ngày 20 tháng Giêng. Thổ Hà cũng là một làng quan họ cổ đặc sắc của vùng Kinh Bắc với một lễ hội đậm đặc chất văn hóa. Và màn quan họ trên sông Cầu, nếu ai được thưởng lãm hẳn không bao giờ quên.
Bên bờ Nam sông Cầu thì có một lễ hội nổi tiếng là có nhiều liền anh liền chị về hát: lễ hội làng Diềm. Nơi đây có đền thờ Vua Bà - Thủy tổ Quan họ. Màn hát quan họ hầu thánh tại lễ hội luôn được khách thập phương háo hức đón chờ. Nhưng chúng ta có thể đi la đà quanh làng, ghé vào bất cứ một nhà liền anh liền chị nào tham dự các màn hát quan họ cổ đặc sắc đang giao lưu tại gia. Còn bạn muốn nghe Quan họ có sự hỗ trợ của trang âm ánh sáng, thậm chí có thể lên hát giao lưu với liền anh liền chị vài bài, xin mời qua các sân khấu ngoài trời dựng quanh làng.
Có nhiều người nói, quan họ là phải hát mộc theo lối cổ mới hay. Nhưng người viết bài này lại thấy, để hát quan họ theo lối cổ, mộc, không đàn sáo đệm đòi hỏi phải là các nghệ nhân điêu luyện mới trình diễn nổi. Để đạt đến trình độ nghệ nhân như vậy, có rất ít người. Nhưng quan họ đang được vinh danh là “di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nghĩa là quan họ là một hình thức diễn xướng nghệ thuật dân gian đang sống trong cuộc đời. Vì vậy tính phổ biến của nó phải cao, nhiều người hát được. Nên sự hỗ trợ của nhạc cụ, kỹ thuật trang âm ánh sáng là rất cần thiết, để nâng tiếng hát quan họ bay xa, bay cao…
Tạm biệt trung tâm văn hóa quan họ là con sông Cầu với những làng quan họ cổ lừng danh, chúng ta về Nam phần Kinh Bắc với trục trung tâm là con sông Đuống, còn gọi là sông Thiên Đức. Hai bên bờ sông này là những ngôi làng trù phú ấm áp dân cư đã quần tụ từ ngàn đời nay. Văn hóa làng xã nơi đây cũng phát triển và nề nếp. Mùa xuân đến, các làng đua nhau mở hội. Vùng này có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp gắn với những lễ hội nổi tiếng cùng nhiều sự tích kỳ thú. Tục thờ “tứ pháp” của dân cư các làng quanh vùng Dâu gắn với câu chuyện về bà Man Nương. Lễ hội Bông Sòng ở đền Sủi gắn với câu chuyện về Nguyên Phi Ỷ Lan.
Đi xuôi theo bờ sông Đuống về phía Nam, chúng ta sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh núi Thiên Thai, bến đò Bình Than, cách không xa là lăng mộ Cao Lỗ Vương. Mùa xuân, đi vãn cảnh, dự hội tưởng nhớ các tiền nhân chẳng phải là một thú vui tao nhã sao. Nhưng về đến bờ Nam sông Đuống mà không ghé thăm thắp hương lăng mộ Kinh Dương Vương, thủy tổ nước Nam thật là thiếu sót. Ngày nay, Nhà nước đã trùng tu lại lăng mộ đức vua đứng đầu nước Xích Quỷ xưa (tiền thân của nước Việt Nam nay) khang trang, đẹp đẽ.
Rồi trên đường xuống làng Nôm, một ngôi làng cổ duy nhất còn đầy đủ hình ảnh của làng Kinh Bắc xưa, ta ghé vào thắp hương cho Sĩ Vương - Nam Giao Học Tổ trên đất làng Tam Á, cách thành Luy Lâu, lỵ sở của nước Nam xưa không xa. Sĩ Vương tức Sĩ Nhiếp, người đã được chép khá trân trọng trong Đại Việt sử ký toàn thư, ông là viên quan thái thú đã cho xây trường, mở lớp dạy chữ cho người dân nước ta từ cách đây hơn hai ngàn năm. Công lao ấy vẫn được dân ta ghi nhớ. Hằng năm, mùa xuân dân làng Tam Á vẫn mở hội cúng tế tưởng nhớ ngài.
Để đi cho hết một vòng miền lễ hội Kinh Bắc có lẽ phải dành cả mùa xuân. Đi và chơi. Nhưng hội nào rồi cũng phải hát màn giã bạn: “Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu/ mùng chín đâu đâu thì về hội Gióng”. Mùng chín tháng tư âm lịch, dân cả vùng đổ về Phù Đổng làm lễ, diễn lại bài Đức thánh Gióng cưỡi ngựa nhổ tre diệt giặc Ân xưa. Và cũng để kết thúc mùa lễ hội miền Kinh Bắc, hẹn nhau năm sau lại tới…
Cả mùa xuân, vùng Kinh Bắc quê tôi cứ la đà, mênh mang trong không khí hội xuân. Miền quê thanh bình này vốn là như vậy. Cũng bởi thế nên nhà thơ Hoàng Cầm mới viết về quê hương mình: “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên…”.
Nhưng hai mùa xuân nay, cảnh bình yên hội hè đình đám mùa xuân hầu như không còn nữa. Cơn dịch giã ác nghiệt mang tên Covid-19 đã khiến cho mọi sinh hoạt xã hội đảo lộn. Mọi hội hè đình đám hầu như hoãn lại hết trong nỗi bâng khuâng của mọi người. Mùa xuân năm nay, dịch giã đang có chiều hướng bớt phần căng thẳng, cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Hy vọng rồi mọi sự sẽ trở về nếp cũ. Miền Kinh Bắc - miền lễ hội quê tôi làng trên xóm dưới lại tấp nập mở, đón du khách thập phương về dự, uống chén rượu nồng, nghe câu quan họ người ơi người ở đừng về…/.