Aa

Năm mới, gieo một mầm Thương

Thứ Tư, 02/02/2022 - 06:15

Kế hoạch đầu năm nay, cho cả năm và mọi ngày tháng trong đời, có lẽ tôi chỉ viết một chữ Thương…

Mùa xuân loang tràn vào lá, vào hoa, vào từng ngọn cây cọng cỏ, lấp lánh trên từng hạt sương ban mai trong suốt... Xuân đến, chẳng ai thấy vì mùa xuân thường bắt đầu lặng lẽ. Rồi thì muôn hoa bung nở. Sự hằng chuyển tinh khôi trong trời đất cũng đến lúc tỏa hương khoe sắc. Đất trời thay áo mới, con người cũng sửa soạn cho không gian sống của mình và bản thân mình trở nên rực rỡ, mới mẻ để hòa cùng sắc xuân. Tâm thức cả dân tộc Việt luôn coi trọng ngày Tết để cùng đoàn tụ sum vầy, cùng hướng về tiên tổ và dành cho nhau những nguyện ước tốt đẹp.

Ở vào thời khắc giao hòa đất trời và lòng người đầy thiêng liêng ấy, “nguyện ước” là một điều gì đó vô cùng quan trọng. Nó là những hạt mầm cần được Gieo vào tâm thức mỗi người.

Một năm mới đến. Thời gian như một người bạn lớn đã nhặt lại những buồn vui của tháng năm cũ để viết thành những câu chuyện trong cuốn sách văn chương vĩ đại của mình. Mỗi một cuộc đời, mỗi một ước vọng, một hành động hay thậm chí là một tiếng thở dài, một ánh mắt thăm thẳm cũng sẽ trở thành quá khứ. Chúng ta có thể dựa vào vai của thời gian để mà nhìn lại và nhớ thương hoặc tiếc nuối. Chúng ta cũng có thể tự hào và mãn nguyện về những chi tiết được ghi lại trong quá khứ của mình. Nhưng năm mới là một tiếng chuông nhắc nhớ để tất cả chúng ta có thể chuẩn bị nhiều hơn cho hành trình phía trước. 

Mỗi một ngày mới luôn hứa hẹn có những cơ hội mới nhưng cũng có cả thách thức. Đó chính là sự màu nhiệm của Pháp.

(Ảnh: Bùi Văn Doanh).

Chúng ta có thể có nhiều điều thú vị để chuẩn bị cho hành trình mới của mình trong những ngày đầu xuân. Viết ra những điều ước vọng, rồi trực quan hơn là những mục tiêu cụ thể trong năm mới và kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu của mình là một việc làm cũng rất hay và vui trong những ngày tết. Đây là một truyền thống tương đối phổ biến ở các nước phương Đông và đã tồn tại rất lâu trong lịch sử. Viết ra chỉnh là khoảnh khắc giúp chúng ta nhìn lại và đặt ra những mục tiêu, những cam kết cho chính mình. Viết ra, cũng chính là một cách để gieo vào lòng mình những hạt giống… Vậy thì, trước khi ghi những kế hoạch về sự nghiệp, tài chính, sức khỏe, những mối quan hệ xã hội, sở thích bản thân, chúng ta sẽ gieo vào nơi mảnh đất tâm cho riêng mình trong ngày mai những ước vọng gì? 

Ngược thời gian theo dòng lịch sử, Vua Lý Thánh Tông xưa trong một ngày đông từng cảm thán: “Trẫm ở trong cung ngự sưởi than ấm mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm”. Nói rồi truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm và mỗi ngày cho hai bữa ăn. 

Lại có một hôm, Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càng phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ: Chúng ta có tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống. Thực vậy! Chúng ta là một thế hệ đã được trao truyền và nhận lãnh gia tài từ tiền nhân. Dân tộc của chúng ta là một dân tộc trọng hiếu đạo. Chưa có một quốc gia nào mà hệ thống đình - đền - chùa - miếu lại phong phú và nhiều như ở nước ta

Ảnh: Internet.

Tục thờ cúng tổ tiên là cách để dân tộc Việt nuôi dưỡng được lòng biết ơn và thắp sáng lên ý thức về nguồn cội của mình. Bên cạnh đó, dân tộc Việt còn có một gia tài tâm linh vô cùng quan trọng nữa, đó là đạo Bụt. Lịch sử dựng nước và giữ nước đã minh chứng, các vị quân vương nước Việt phần lớn đều là Phật tử. Có những vị còn là một thiền sư, khai mở cả một dòng thiền lớn. Kể từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê cho đến hôm nay, nền Phật giáo của dân tộc Việt vẫn khẳng định tư tưởng đồng hành và phụng sự cho sự phát triển cũng như xây dựng đất nước. Các vị thiền sư: Khuông Việt (tức khuông phù nước Việt), Vạn Hạnh, Pháp Thuận chính là những vị đại diện tiêu biểu cho tư tưởng Phật giáo thế sự lúc bấy giờ. Nhưng nền Phật giáo thế sự ấy, phục vụ cho lợi ích dân tộc ấy được biểu hiện từ những điều bình dị nhất… 

Những điều mà ta gọi là “thế sự” ấy, được bắt rễ, khơi nguồn từ tấm lòng trắc ẩn, từ một chữ “thương” nơi tấm lòng của đấng quân vương với con dân của mình. Thương từ việc lo trời rét, người bị giam cầm chốn ngục tù không đủ lạnh, chén cơm vơi không đủ ấm bụng no lòng… 

Trong tác phẩm Nam Hải Quan Âm bản hạnh chúng ta thấy được cả tinh thần Phật giáo và tinh thần dân tộc thấm đẫm:  

Chân như đạo Phật rất mầu,

Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân. 

Như vậy, hiếu và nhân, nếp sống tinh thần và văn hóa truyền thống của dân tộc không tách rời tư tưởng Phật đạo. Nhân ở đây chính là lòng trắc ẩn trước nỗi khổ đau của mọi loài trong trôi lăn luân hồi sáu nẻo. 

Ảnh: Internet.

Vua Trần Thái Tông, một vị vua mang cốt cách của thiền sư liễu ngộ đã từng ghi lại lời căn dặn của quốc sư Phù Vân trong bài tựa thiền tông chỉ nam: "Phàm làm bậc nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”.

Vua Trần Thánh Tông từng bảo người tôn thất rằng: “Ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc vậy”.

Sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288) của giặc Nguyên - Mông, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về lại kinh đô. Có người dâng lên Thượng hoàng và nhà vua những hòm tờ biểu của những người Việt gửi cho quân Nguyên, Sử ký toàn thư chép: “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.

Cái đẹp, cái thiện vốn là những cái rất dễ để thương, ai cũng có thể thương được. Nhưng, lòng trắc ẩn là thứ tình thương không bỏ sót cả những cái xấu, cái ác, cái nhỏ bé ở đời… 

Thuật trị nước, an dân hay tư tưởng của một nền Phật giáo thế sự, Phật giáo nhập thế đều không tách rời khỏi cái gốc rễ là tình thương, là lòng trắc ẩn. Chính bởi từ những vị Vua thấm nhuần tư tưởng Phật học và tinh thần nhân văn của dân tộc như vậy mà triều Lý và triều Trần, đời sống nhân dân thuần từ, thịnh trị. Người dân đêm ngủ không phải đóng cửa mà chẳng lo trộm cắp… Đạo Phật định vị được mình trong bản đồ văn hóa dân tộc cũng bởi giáo lý thẫm đẫm tình thương ấy. 

Nhắc lại chuyện năm xưa của dân tộc trong một chặng đường lịch sử với những mùa xuân rất đẹp, rất lành để nói chuyện mùa xuân năm nay. Một năm đã trôi qua đầy khó khăn, đầy những biến động đến và đi đột ngột như những đợt sóng thần hay những cơn địa chấn. Người ta không dám kỳ vọng và đặt những hoạch định cho tương lai nhiều. Trong dịch bệnh loang tràn, chỉ có một cách là hòa vào trong dòng chảy, thả lòng tùy duyên. 

Chúng ta nhắc nhau và nhắc bản thân mình cẩn trọng, trân trọng từng phút giây hiện tại được an hòa. Tết năm nay, có quá nhiều những mất mát sau đại dịch… Có những gia đình 2, 3 thế hệ, giờ chỉ còn một người quạnh quẽ... Gần những ngày cuối của năm cũ, lại quá nhiều ồn ào và thị phi loang tràn trên mạng xã hội. Nhắc tới đây, tôi lại chợt bùi ngùi nhớ một dòng thơ rất ý nghĩa đọc được cũng từ thế giới ảo: 

“Đừng vay mượn giáo điều dù lương thiện

Hãy tự mình thấu tỏ những khổ đau”.

Vậy là đã có quá nhiều điều được thấu tỏ. Đôi khi, người ta cần nhìn trực diện vào nơi tâm mình. Vay mượn giáo điều dù đó là những điều hay, gồng mình để “thể hiện” mình là tốt, phán xét, thóa mạ và kết án cái xấu ác... Tất cả những điều ấy không làm cho mình trở nên an hơn, thiện hơn. Ngọn gió thoảng, chẳng làm tổn hại đến một mùi hương. Nhưng một người va vào thị phi thì câu chuyện về sau đó lại hoàn toàn khác với rất nhiều tổn thương và hệ lụy. 

Ảnh: Internet.

Rất nhiều vị thiền sư chứng ngộ trong lịch sử dân tộc, các thế hệ cháu con vẫn muôn người chìm đắm trong vòng trầm luân của thù ghét, đua tranh. Ấy là bởi, cuộc sống thì luân hồi mà người ta không học được cách để quên mình, quên cái ngã của mình đi. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu và để thương chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng nếu như mình được sinh ra từ bối cảnh như họ, lớn lên như họ, được dạy dỗ như họ.. Có chắc mình sẽ sống hay hơn họ không? 

Giáo điều dù có đó, cũng ko thể “vay mượn”. Nếu quả thực không thể một sớm chiều mà buông xả cái ngã của mình thì phải tìm một phương thức thực tập. Một hạt giống lành chỉ có thể lớn lên khi nó được “gieo” xuống mảnh đất tâm của mỗi người và được tưới tẩm, dưỡng nuôi. Dưỡng nuôi bằng cái thấy chân thực về thực tại mới có thể làm phát khởi tình thương một cách thấu đáo, trọn vẹn.

Giờ phút của những ngày đầu năm mới, vẫn biết, những hoạch định là điều cần thiết. Kế hoạch đầu năm (New Year's resolutions) là một việc làm thú vị để chủ động kiến tạo năm mới cho riêng mình. Nhưng nhìn lại lịch sử, nhìn lại những chặng đường mà cha ông đã đi qua, nhìn lại những tháng ngày của năm cũ mà dân tộc mình vừa oằn mình trong mất mát, trong nhập nhoạng của những khoảng tối sáng, chúng ta sẽ hoạch định điều gì? 

Tôi thường tặng mọi người một câu yêu thích để treo nơi ban thờ gia tiên của mỗi nhà. Đó là đôi câu đối, cũng là lời nguyện của thiền sư Nhất Hạnh:

“Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp

Suối nguồn huyết thống nguyện khơi thông”.

Vậy thì bồi đắp những gì vào gia tài tâm linh của chính mình và dân tộc mình, nhất là trong cơn bĩ cực? Chúng ta không chỉ thấy những dịch bệnh, những mất mát. Chúng ta còn thấy những áp lực, những bạo hành... Xã hội đang có quá nhiều những điều cần ngồi lại để nhìn thấu, để hiểu và để tìm một hướng đi. 

Năm mới 2022 đang đến gần. Khác với mọi năm, ngồi viết vài dòng gửi gắm cho mọi người, tôi hay nghĩ tới những điều ấm áp. Ấm như một tách trà chiều còn thoảng hương sen; Ấm như một nén hương bài hay hương làng Chóa sực nồng mùi Tết; ấm như phút giây rì rầm trước mộ tổ tiên và người thân đã khuất bóng một đôi lời nhắn nhủ, kính thương… Ấy thế mà mùa xuân năm nay, tôi cảm thấy lòng cứ muốn chùng lại. Thời gian cũng như một người bạn cũ, ở lại cùng tôi trong một chiều cuối năm để thong thả cho tôi dựa vào mà nhìn về quá khứ. 

Ảnh: Internet.

Mùa xuân không đợi cho tôi hết suy tư rồi mới xuân. Mùa đã loang tràn trên từng sắc hoa và những đường gân của lá. Những giọt sương đầu ngọn cỏ ngọt lành một buổi sớm mai, những bông hoa bung nở khoe hương sắc và an nhiên hiến tặng vẻ đẹp của mình cho đời. Sự hằng chuyển tinh khôi của đất trời như một tiếng chuông chánh niệm vang trong tâm hồn tôi, đánh thức các giác quan và khiến tôi bừng tỉnh. Con người, lịch sử, những ánh hào quang, những niềm tự hào dân tộc... Tất cả những gì mà tôi cho là quá khứ mất mát đã trở thành những hóa thân tịch diệt nơi vạn vật. Ngày cũ, người cũ đi vào mênh mông. Tất cả trở thành các pháp nhiệm màu. 

Kế hoạch đầu năm nay, cho cả năm và mọi ngày tháng trong đời, có lẽ tôi chỉ viết một chữ Thương… Vì cần phải đi trong đời bằng lòng thương và niềm trắc ẩn, người ta mới có thể kiên nhẫn để nhìn lại, để thấy ra và để hiểu… 

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

 Đêm qua sân trước một nhành mai.

(Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai).

(Thiền sư Mãn Giác)

Vẻ đẹp của sinh, diệt, đến đi đều không tách rời cái hằng chuyển tinh khôi ấy. Tôi chợt nhận ra mình của khoảnh khắc hiện tại, cũng là một sự lưu chuyển nhiệm màu. 

Lịch sử dân tộc và những điều mà cha ông đã gầy dựng thực đáng tự hào. Ngày hôm nay chúng ta đang đối mặt nhiều khó khăn cũng như thách thức. Có thể một khoảng thời điểm chúng ta phải ngồi cho yên để bắt đầu thấy rõ tình trạng của mình và của cộng đồng. Nếu như điều đó là cần thiết, thì hãy cứ kiên nhẫn. Bắt đầu từ ngay nơi bản thân mình để điều chỉnh nhận thức, nhìn rõ vào thực tại để cùng nắm tay nhau cố gắng kiến tạo những ngày mới đẹp và an lành hơn. Đó không phải là một khẩu hiệu đao to búa lớn gì cả. Ngồi cho yên để thấy rõ, để hiểu và để thương là một điều rất đỗi bình thường. Nhưng, thương mình, thương những người ở bên, những người đồng bào và dân tộc mình với cái thấu đáo, thương để im lặng, để đồng cảm, để đứng lên cùng chung tay nâng đỡ… Đó là một món quà đáng quý nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho đời, cho người trong những ngày mới, năm mới mà ta sống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top