Ngân hàng Nhà nước định hướng các ngân hàng thương mại không tăng lãi suất cho vay năm 2019. Song do áp lực từ các yếu tố bên ngoài, cộng với việc hạn chế room tín dụng và cạnh tranh lãi suất đầu vào, lãi suất cho vay cá nhân đang có xu hướng tăng lên...
Lãi suất vay mua nhà tăng
So với đầu năm, không ít ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà, vay mua ô tô lên mức 13 - 13,5%/năm. Thậm chí, lãi suất cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng còn cao hơn rất nhiều, lên đến 40 - 50%/năm. Do NIM (biên lợi nhuận) trong cho vay tiều dùng khá cao, nên các tổ chức tín dụng cung ứng vốn không ngại huy động vốn lãi suất cao.
Việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% đầu năm nay và tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới đang dần tác động lên lãi suất cho vay bất động sản, nhất là với lãi suất cho vay mua nhà. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà tăng dần kể từ đầu năm 2019, theo nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, không nằm ngoài việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đối với người dân, lãi suất tăng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Ngoài ra, khi lãi suất tăng, khả năng tiếp cận được vốn của các ngân hàng để vay mua bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi tín dụng không còn sức ép tăng.
Hiện lãi suất cho vay mua nhà có xu hướng tăng, do nguồn vốn cho vay mua nhà chủ yếu là trung, dài hạn, từ 1 năm trở lên, thậm chí có ngân hàng cho vay 20 năm. Eximbank đưa ra mức lãi suất cho vay ưu đãi 24 tháng, 36 tháng, nhưng cũng lên đến 11%/năm; Sacombank là 13,5%/năm và Vietbank là 12,2%/năm. Sau thời gian ưu đãi, các ngân hàng sẽ tiếp tục cộng thêm biên độ lãi suất.
Tại Vietcombank, lãi suất cho vay mua nhà cố định trong 12 tháng là 9%/năm, 24 tháng là 8,9% và 36 tháng là 9,4%. So với các ngân hàng 100% vốn ngoại, mức lãi suất này tuy cao hơn, nhưng so với nhóm các ngân hàng cổ phần vốn nhà nước thì vẫn thấp. Hiện BIDV áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 11,4%/năm và VietinBank là 11%/năm.
Chi phí đầu vào khó giảm
Ở nhóm các ngân hàng cổ phần, mức lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng 11 - 13,5%/năm, tăng khoảng 1 - 1,5% so với đầu năm trước. Cụ thể, Lienvietpostbank cho vay mua nhà lãi suất 11,3%/năm. Còn tại VIB, lãi suất cho vay mua nhà cố định trong 6 tháng là 7,9%/năm, nhưng từ tháng thứ 7 trở đi, khách hàng phải chịu lãi suất thả nổi.
Trong khi đó, tại nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, lãi suất cho vay mua nhà đã được đẩy lên 12 - 13%/năm, tăng khoảng 2% so với đầu năm 2018. Nguyên nhân là các ngân hàng này đã và đang tăng mạnh lãi suất đầu vào ở kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn vốn theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Khi lãi suất tăng, khả năng tiếp cận được vốn của các ngân hàng để vay mua bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi tín dụng không còn sức ép tăng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng
SSI Retail Research cho rằng, lãi suất nếu giảm, sẽ chỉ giới hạn ở các kỳ hạn ngắn, do lãi suất liên ngân hàng đang thấp. Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Bộ phận Phân tích tư vấn khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, lãi suất tăng nhẹ trên liên ngân hàng.
Lãi suất huy động thị trường 1 ổn định ở mức 4,1 - 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5 - 7,45% và 12 - 13 tháng là 6,4 - 7,8%/năm. Cá biệt có một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ đưa ra mức lãi suất trên 8-9%/năm.
Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 5/2019 là 5,74%, thấp hơn 0,48% so với cùng kỳ 2018 (nửa đầu 2018, huy động tăng ngang bằng với tín dụng), trong khi 5 tháng đầu 2019, tăng trưởng huy động luôn thấp hơn so với tín dụng.
Áp lực huy động vốn với các ngân hàng thương mại vẫn cao và lãi suất huy động sẽ khó giảm, nhất là ở các kỳ hạn dài. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng muốn kéo giãn chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và dài để tạo sự hấp dẫn cho kỳ hạn dài, từ đó tăng tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn.
Cần tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là cần thiết để giúp ngân hàng tránh rủi ro về thanh khoản.
Bởi đặc thù nguồn vốn huy động của ngân hàng Việt Nam chủ yếu là ngắn hạn, chiếm đến 70 - 80%. Trong khi đó, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn, mà chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, nên khó đảm bảo được rủi ro.
Theo TS. Lịch, cần tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong thời gian tới so với mức 40% hiện nay, thậm chí về dưới ngưỡng 30%.
Tín dụng bất động sản cho vay mua nhà không xấu, song trên thực tế, các ngân hàng không thể kiểm soát hết dòng vốn cho vay. Đáng chú ý là, tín dụng mua nhà đang “núp bóng” dưới dạng cho vay tiêu dùng cá nhân, lãi suất tăng cao.