Aa

Lãi suất cho vay sẽ ổn định cuối năm nay

Thứ Hai, 07/10/2019 - 19:10

Dù lãi suất huy động vẫn đang chịu nhiều sức ép tăng, nhưng lãi suất suất cho vay được dự báo vẫn ổn định trong cuối năm nay.

Lãi suất huy động vẫn tăng

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2019 vừa diễn ra mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đánh giá, về cơ bản mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. Tuy nhiên trong báo cáo kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2019, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, lãi suất huy động tăng nhẹ trong quý 3. Theo đó, đến cuối tháng 8, lãi suất huy động ghi nhận mức cao nhất là 10% (chứng chỉ tiền gửi 5 năm của một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ), cao hơn so với mức cao nhất 8,5-8,6% hồi đầu năm.

Lãi suất huy động đang chịu khá nhiều áp lực.

Có 3 nguyên nhân đẩy lãi suất huy động tăng trong 3 tháng gần đây. Thứ nhất, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng vào cuối năm. Thứ hai, các ngân hàng huy động vốn để đáp ứng quy định giảm dần việc dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn. Thứ ba, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trên thực tế, hiện lãi suất huy động trên thị trường được phân hóa thành 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn hiện đang có mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay. Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4,5%-5%/năm; 6 tháng đến 9 tháng ở mức 5,5%-5,6%/năm; từ 12 tháng trở lên là 6,8%-7%/năm.

Nhóm thứ hai là các ngân hàng cổ phần lớn như ACB, Sacombank… hiện đang áp dụng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 5,3%-5,5%/năm; 6 tháng là 6,5% – 6,8%/năm; 9 tháng ở mức 6,6% - 7%/năm; 12 tháng là 7,0% - 7,5%/năm; 18 tháng là 7,4% - 7,8%/năm; từ 24 tháng trở lên là 7,7% - 8,0%/năm.

Nhóm thứ ba là các ngân hàng cổ phần nhỏ hiện đang có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đã được các ngân hàng này đẩy lên kịch trần 5,5%/năm; trong khi kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,5%/năm; 9 tháng cao nhất là 8,0%/năm; 12 tháng cao nhất là 8,3%/năm; 18 tháng cao nhất là 8,5%/năm; từ 24 tháng trở lên cao nhất là 8,6%/năm. Thậm chí, lãi suất tiền gửi online còn được cộng thêm 0,1%.

Không chỉ đẩy lãi suất huy động tăng cao mà không ít ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng nhự Vietcapitalbank trả lãi suất tới 10,2%/năm cho chứng chỉ tiền gửi 60 tháng.

Trước thực tế này, NHNN đã lên tiếng nhắc nhở động thái tăng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng, và khẳng định sẽ theo dõi để có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN.

Lãi vay khó giảm đồng loạt

Trên thực tế, sau động thái chấn chỉnh nói trên của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động đã ngừng tăng, song không hề có dấu hiệu giảm. Thậm chí, lãi suất huy động còn được dự báo sẽ có thể tăng nhẹ trong những tháng cuối năm nay, đặc biệt là lãi suất huy động kỳ hạn dài.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động đang chịu khá nhiều áp lực. Đầu tiên do các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng thường cao hơn trong các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, NHNN đang đề xuất tiếp tục giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo lộ trình về còn 30% trong 2-3 năm tới (Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN). Việc siết chặt hơn nữa việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn đã làm gia tăng áp lực huy động vốn trung - dài hạn, đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng.

Ngoài ra, tỷ giá trong nước cũng đáng chịu nhiều áp lực do đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên, trong khi đồng CNY lại rớt giá mạnh do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng buộc phải duy trì lãi suất huy động ở mức cao để thu hút người gửi tiền VND.

Mặc dù lãi suất huy động đang chịu nhiều sức ép, nhưng lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục ổn định do lãi suất huy động tăng chủ yếu tập trung ở các ngân hàng nhỏ và cũng chỉ rơi vào các kỳ hạn trung – dài hạn; trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng quốc doanh (vốn chiếm tới 50% thị phần huy động và cho vay) vẫn duy trì ổn định ở mức thấp.

Đặc biệt, việc các ông lớn ngân hàng thương mại nhà nước giảm tiếp lãi suất cho vay cũng là một cái “neo” chắc chắn để lãi suất cho vay không tăng.

Ngoài ra, quyết định giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành của NHNN trong thời gian vừa qua được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản, giúp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, việc lan tỏa xu hướng lãi suất từ thị trường 2 sang thị trường 1 trong quý 4/2019 sẽ chậm, hoặc chưa thể xảy ra. Có nghĩa mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ được duy trì ổn định như hiện tại, chứ khó có thể giảm như lãi suất liên ngân hàng.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng, nếu một số ngân hàng lãi lớn như dự báo, sẽ tung ra các gói tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top