Aa

Lãi suất còn tăng cao đến mức nào?

Thứ Sáu, 30/11/2018 - 20:01

Hiện tại lãi suất đang là vấn đề nóng nhất trên thị trường tiền tệ. Câu hỏi đặt ra là liệu lãi suất còn tăng cao đến mức nào? Nhưng nhìn lại từ đầu năm đến nay, có thể thấy, lãi suất liên ngân hàng (LNH) phần lớn di chuyển trong biên độ cặp lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO).

Cho dù tại thời điểm hiện tại, lãi suất LNH có lúc cao hơn lãi suất OMO khoảng 0,1%, nhưng cặp lãi suất này vẫn đóng vai trò điều hòa, định hướng lãi suất liên ngân hàng. Và trên hết, nó cho thị trường các mức lãi suất “trần”, “sàn” để nhận định liệu lãi suất còn tăng hay giảm đến mức nào.

Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Trong thời điểm thanh khoản thị trường dư thừa, các ngân hàng thường cho vay lẫn nhau ở các mức giá thấp, khi đó lãi suất tín phiếu NHNN đóng vai trò là lãi suất thấp nhất, cơ sở định hình các mức lãi suất liên ngân hàng tại thời điểm này. Bởi lẽ, mua tín phiếu NHNN cũng đồng nghĩa với việc cho NHNN vay ngắn hạn, như vậy lãi suất tín phiếu sẽ phải thấp hơn lãi suất cho vay liên ngân hàng, do NHNN hầu như không có rủi ro. Ngược lại, giai đoạn thanh khoản căng thẳng, lãi suất các khoản mua kỳ hạn các giấy tờ có giá (GTCG) trên OMO đóng vai trò như một lãi suất trần, thể hiện chức năng người cho vay cuối cùng của NHNN, là ngưỡng tham chiếu để các ngân hàng cho vay lẫn nhau khi lãi suất có xu hướng tăng mạnh.

Về cuối năm, lãi suất có xu hướng tăng, NHNN nâng dần lãi suất tín phiếu, rút ngắn kỳ hạn, chủ yếu phát hành kỳ hạn 7 ngày, kết hợp cùng kênh mua, bán kỳ hạn GTCG trên OMO cũng với kỳ hạn 7 ngày, phần nào giúp việc kiểm soát, lập kế hoạch bơm thanh khoản ra thị trường của NHNN linh hoạt hơn.

Đồng thời, tăng lãi suất tín phiếu cũng là cách NHNN phản ứng trước các đợt Fed tăng lãi suất. Thời điểm cuối tháng 9, khi lãi suất liên ngân hàng vẫn còn ở mức thấp, NHNN chủ động tăng lãi suất tín phiếu từ 2% lên 2,5%, ngay tại thời điểm Feb điều chỉnh tăng 0,25% vào lãi suất mục tiêu. Tín hiệu tăng này không hẳn là dấu hiệu của thắt chặt tiền tệ, bởi lẽ mức tăng trưởng tín dụng chưa phải nóng so với mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, mà phần lớn nhằm đẩy lãi suất tiền đồng liên ngân hàng tăng, giảm chênh giữa lãi suất đô la và tiền đồng, đồng thời giảm áp lực cho tỷ giá vốn chịu nhiều sức ép từ thị trường quốc tế ngay từ đầu năm.

Lãi suất liên ngân hàng đã tăng cao suốt từ tháng 10 đến nay, có nhiều lúc vượt lãi suất OMO. NHNN thường xuyên gọi thầu trên OMO. Trên Cổng thông tin điện tử của NHNN, từ đầu tháng 11 đến nay, NHNN đã bơm hơn 192 nghìn tỉ đồng qua OMO, là mức bơm vốn lớn nhất qua kênh này kể từ tháng 12/2017.

Thông qua OMO, NHNN đóng vai trò là người cho vay cuối cùng, điều hòa thanh khoản hệ thống và lãi suất OMO giúp kiềm chế mức tăng nóng của lãi suất LNH. Hiện lãi suất thị trường vẫn rất nóng, tuy nhiên lãi suất giao dịch quanh ngưỡng lãi suất OMO. Lãi suất OMO có thể coi là công cụ hữu hiệu của NHNN trong ổn định lãi suất thị trường trong bối cảnh lãi suất LNH chịu tác động rất lớn từ tỷ giá, thị trường tài chính quốc tế, cũng như nhu cầu thanh toán, giải ngân dịp cuối năm.

Không chỉ là công cụ để kiểm soát, ổn định lãi suất ngắn han, mà thông qua cặp lãi suất này, NHNN còn phát đi các thông điệp của chính sách tiền tệ. Tháng 1/2018, lần đầu sau 5 năm, NHNN giảm 0,25% lãi suất OMO về mức 4,75%, có thể coi đây tín hiệu nới lỏng tiền tệ. Điều này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Chính phủ liên tục yêu cầu NHNN có biện pháp giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lãi suất OMO giảm đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn cuối năm, khi lãi suất LNH tăng cao, các ngân hàng thương mại thường xuyên phải sử dụng kênh OMO để bù đắp thanh khoản, đáp ứng nhu cầu giải ngân lớn và đảm bảo nhu cầu rút tiền mặt những dịp lễ tết của người dân.

Việc giảm lãi suất OMO giúp các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí huy động bình quân, tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay. Điều này ít nhiều có ý nghĩa trong khi Chính phủ luôn khuyến khích cho vay 5 lĩnh vực Nhà nước ưu tiên với mức trần lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn ở mức khá thấp, 6,5%. Việc ổn định và cố gắng giảm lãi suất là tiền đề trong trung hạn để định hướng dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực này.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có một đường cong lãi suất liên ngân hàng chuẩn, làm căn cứ cho các định chế tài chính hình thành các mức lãi suất cho vay, nhận gửi lẫn nhau thì lãi suất OMO hay tín phiếu NHNN là các mức tham chiếu tin cậy, là cơ sở để dự báo thị trường hữu hiệu, bên cạnh các mức lãi suất tham khảo từ các ngân hàng thương mại lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top