Aa

Lãi suất - Bài toán khó cuối năm

Thứ Tư, 17/10/2018 - 07:02

Giới chuyên gia cho rằng, để lãi suất cho vay giảm được là vô cùng ngặt nghèo. Thậm chí sang năm 2019, việc ổn định tiền đồng, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát vẫn gặp nhiều áp lực.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Đơn cử Vietcombank vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm hôm 8/10. Hiện ngân hàng này áp dụng lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng 4,4%/năm (tăng 0,1 điểm %); kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm - hai kỳ hạn này đều tăng 0,2%/năm. Trước đó, Agribank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,2-0,3 điểm % kỳ hạn ngắn. Hai ông lớn còn lại là BIDV, VietinBank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn thêm từ 0,2-0,4 điểm %.

Tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay

Tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay

Khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cũng không nằm ngoài làn sóng này. Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng từ 6,4%/năm lên 6,8%/năm; VIB ưu đãi lãi suất nhân đôi trong tháng đầu cho khách hàng gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng của VIB lên mức 7,2-7,3%/năm...

Năm nay, sau 6 tháng đầu năm, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tuyên bố không điều chỉnh tăng room tín dụng (trừ một số trường hợp đặc biệt). Vậy vì sao các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tăng hút vốn vào thời điểm này?

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng một số NHTM, nhất là ngân hàng lớn vẫn còn dư dả room tín dụng nên họ tăng huy động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm. Đó là chuyện “đến hẹn lại lên”. Trong khi với các NHTM còn rất ít hoặc không còn room tín dụng cũng phải nâng lãi suất huy động, đồng thời đẩy mạnh cho vay vốn ngắn hạn để tăng vòng quay vốn. Bên cạnh đó, sức ép huy động vốn còn đến từ yêu cầu phải thực hiện lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, trước mắt là từ tháng 1/2019 sẽ giảm từ 45% xuống còn 40% của các tổ chức tín dụng (TCTD). Ngoài ra việc FED tiếp tục tăng lãi suất cũng tạo áp lực buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất để giữ chân tiền đồng.

Một chuyên gia tài chính nhận định thêm: yếu tố nữa khiến các NHTM điều chỉnh lãi suất huy động là do áp lực lạm phát. Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III, vừa qua, VEPR cũng đưa ra cảnh báo lạm phát năm 2018 khó đạt mục tiêu 4%, lo ngại về lạm phát năm 2019 vượt mức 4%. Giá xăng được điều chỉnh liên tục kéo theo sự leo thang của giá cả hàng hoá khi chi phí vận chuyển tăng. Thêm nữa, sự thay đổi về thuế bảo vệ môi trường khi “1.000 đồng thuế tăng vào giá xăng có thể khiến tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm % trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới giữ mức cao”, VEPR nhận định.

Áp lực lạm phát tăng cao chắc chắn sẽ gây áp lực lên lãi suất. Đó là chưa tính tới việc bước sang năm 2019, nhiều dự báo biến động trên thị trường kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục sẽ là nguy cơ lạm phát tăng.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhìn nhận, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng cũng là một chỉ báo cho thấy chính sách tiền tệ đang được điều hành thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động bất thường như hiện nay cũng như làn sóng thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới.

Quả vậy, cho tới thời điểm này, rất khó để đưa ra nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn biến ra sao thời gian tới. Nếu tiếp tục căng thẳng, CNY sẽ tiếp tục mất giá, gián tiếp khiến VND bị tác động, ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam. Bởi khi một nền kinh tế có những tác động đe doạ tới sự ổn định, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của các nhà đầu tư, nhất là với những quốc gia dựa nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam. Khi có biến động, các nhà đầu tư thường sẽ quay trở lại với những thị trường truyền thống, đồng nghĩa với việc bỏ rơi các thị trường mới nổi. Thị trường chứng khoán theo đó cũng sẽ bất lợi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý về việc nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn. Tất nhiên sẽ có vô vàn thuận lợi về hợp tác, giao thương kinh tế, trao đổi hàng hoá, đem về nhiều dự trữ ngoại tệ... Song chính vì độ mở lớn, thì càng phải kiểm soát tốt hơn. Bởi bất cứ biến động nào dù là nhỏ, của thị trường thế giới cũng sẽ có tác động nhanh chóng tới nền kinh tế Việt Nam.

Với tất cả những điều đó, giới chuyên gia cho rằng, để lãi suất cho vay giảm được là vô cùng ngặt nghèo. Thậm chí sang năm 2019, việc ổn định tiền đồng, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát vẫn gặp nhiều áp lực.

Với TCTD, việc tăng lãi suất bao nhiêu, cho các kỳ hạn nào là bài toán khó cần tính toán rất kỹ cho những tháng cuối năm và cả sang đầu năm 2019. Về phía khách hàng, việc lãi suất huy động tăng khiến tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong bối cảnh chứng khoán tăng, giảm bấp bênh; thanh khoản trên thị trường bất động sản có xu hướng giảm. Các chuyên gia nhận định việc lãi suất huy động VND tăng trong khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0 sẽ khiến người dân phải tính toán kỹ hơn khi muốn chuyển đổi từ VND sang USD.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top