Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/1 cho thấy tính đến tháng 10/2023, người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng thêm 422 tỷ đồng so với tháng 9, đạt hơn 6,44 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản vẫn có nhiều rủi ro.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin bị sụt giảm.
Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng… Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn. Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn.
Anh Trần Như Long (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua có đầu tư chứng khoán nhưng giai đoạn vừa rồi biến động mạnh nên khoản này đang thua lỗ. Bên cạnh đó, giá vàng biến động mạnh và vàng SJC cách biệt quá lớn với giá thế giới nên anh quyết định rút hết tiền về gửi ngân hàng để đảm bảo.
Theo anh Trần Như Long, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên tại một số ngân hàng vẫn khoảng 5,3 - 6,5%/năm, so với mức lạm phát thì người gửi tiền vẫn có lợi.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/1 cho thấy, liên tiếp hơn 1 năm qua, người dân tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng. Tổng số tiền được gửi vào ngân hàng tháng sau luôn cao hơn tháng trước, bất chấp lãi suất huy động được các ngân hàng thương mại áp dụng mức thấp kỷ lục.
So với tháng 10/2022, lượng tiền gửi tháng 10/2023 tăng thêm 789.659 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2022, lượng tiền gửi tháng 10/2023 tăng thêm 9,95%, tương ứng với hơn 583.800 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, tính đến tháng 10/2023 đạt 6,24 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cuối năm 2022.
Trên thị trường, lãi suất huy động hiện nay đang xuống rất thấp, chủ yếu dao động từ 1,7% đến 5,2%.
Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thay đổi biểu lãi suất huy động và tiếp tục giảm 0,1%-0,2% ở loạt kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, Vietcombank giảm thêm 0,2%, từ 1,9%/năm xuống còn 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,2% xuống còn 2%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, 9, với mức giảm tương tự, khách hàng gửi tiền tại Vietcombank chỉ còn được hưởng mức lãi suất 3%/năm. Hiện lãi suất tối đa của ngân hàng này cũng giảm từ mức 4,8%/năm trước đó xuống chỉ còn 4,7%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại cũng đang có các mức lãi suất như Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đang là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường lên tới 10% áp dụng với kỳ hạn gửi 12-13 tháng và yêu cầu số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) áp dụng mức 8,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 300 tỷ đồng.
Tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiết kiệm các ngân hàng trong hệ thống giao động từ 3,25%-5,5%/năm. Một số ngân hàng có lãi suất cao từ 5% khi gửi tiết kiệm 6 tháng có thể kể tới như HDBank (5,5%/năm), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân - NCB (5,35%/năm), Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình - ABBank (5%/năm)...
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng trong hệ thống dao động từ 4,4%-10%/năm. Một số ngân hàng có lãi suất cao trên 5,5% khi gửi tiết kiệm 12 tháng có thể kể tới như: PVcomBank (10%/năm), HDBank (8%/năm), NCB (5,7%/năm), Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á NamABank (5,7%/năm)...