Vướng thủ tục
Chính sách cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống đã có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh được đánh giá là thông thoáng hơn, được kỳ vọng sẽ giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí rẻ hơn.
Ngay khi Thông tư 06 có hiệu lực, anh Nguyễn Tiến (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã liên hệ tới một vài ngân hàng để tìm hiểu về thủ tục vay vốn ngân hàng này để trả nợ trước hạn ngân hàng khác. Nhưng nhiều tháng trôi qua, khoản nợ vay mua nhà của vợ chồng anh vẫn chưa chuyển được sang ngân hàng mới.
Chia sẻ với phóng viên, anh Tiến cho biết: "Gánh khoản nợ với lãi suất hơn 10%/năm, có lúc điều chỉnh còn tới 13-14%/năm, đối với gia đình tôi là một áp lực khá lớn. Nên ngay khi có chính sách mới và thông tin về nhiều gói cho vay trả nợ trước hạn có lãi suất hấp dẫn chỉ từ 5-7%/năm, tôi đã rất phấn khởi. Nhưng đa phần các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản khác để thế chấp cho khoản vay mới hoặc phải tất toán khoản vay cũ, lấy tài sản đang thế chấp về để làm tài sản thế chấp vay mới".
Về điều kiện phải tất toán khoản nợ cũ, anh Tiến cho rằng phương án này gần như là không thể, bởi khoản vay cũng lên tới cả tỷ đồng, khó mà vay mượn được ai cho đủ. Còn với điều kiện về tài sản thế chấp thứ 2, gia đình anh Tiến tuy có một mảnh đất nhỏ ở quê đem thế chấp nhưng định giá tài sản lại quá thấp, hạn mức cho vay dựa trên tài sản này vì thế cũng không đáp ứng được đủ số tiền mà anh cần để trả nợ trước hạn ngân hàng cũ.
"Tiến thoái lưỡng nan. Vay mới gặp khó, mà giữ nguyên khoản nợ cũ thì lãi suất quá cao, áp lực tài chính đè nặng", anh Tiến nói.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, anh Trọng Khối (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, tức khoảng 50% giá trị căn hộ chung cư anh mua cách đây 3 năm. Lãi suất thả nổi bắt đầu tăng mạnh từ năm ngoái, có thời điểm gần 16%/năm. Đến nay, dù lãi suất huy động đã giảm sâu nhưng khoản nợ của anh vẫn đang chịu lãi ở mức 13,9-14,5%/năm.
Liên hệ tới các ngân hàng, anh Khối được nhân viên tín dụng một ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam cho biết các gói vay mua nhà đang khá ưu đãi, lãi suất chỉ từ 5,99%/năm, còn tại một số ngân hàng lớn thuộc nhóm "big 4", lãi suất gói vay tương tự ở mức 7-8%/năm. Nhưng điều kiện mấu chốt nhất mà anh Khối được tư vấn vẫn là anh cần tất toán khoản vay cũ để giải chấp tài sản hoặc có tài sản khác để thế chấp vay mới.
Trực tiếp liên hệ đến một ngân hàng lớn, phóng viên được nhân viên tín dụng cho biết khách hàng hỏi về thủ tục vay mới để trả trước hạn ngân hàng cũ rất nhiều bởi lãi suất vay mới chỉ khoảng 7%/năm, rất rẻ so với mức thả nổi hiện nay từ 10-13%/năm.
"Nhưng khi chuyển đổi gói vay, khách hàng cũng cần lưu ý đến một số chi phí phát sinh như phí phạt trả nợ trước hạn, phí giải chấp sổ đỏ, phí thẩm định lại tài sản, phí thế chấp lại sổ đỏ...", nhân viên tín dụng trên chia sẻ.
Mong hạ lãi suất hiện hữu
Trước những phản ánh của người dân, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo một ngân hàng thương mại. Theo vị này, Thông tư 06 cho phép khách hàng cá nhân được vay ngân hàng này để trả nợ trước hạn cho ngân hàng khác, nhưng “khẩu vị rủi ro” của mỗi ngân hàng một khác. Do đó, dù vay với mục đích nào, khách hàng cũng cần đáp ứng được các chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng về năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo, hạn mức cấp tín dụng...
Mặt khác, vị lãnh đạo trên cũng cho biết, nếu khách hàng vốn đã trong tình trạng khó khăn để trả nợ ngân hàng cũ thì không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng cho vay mới vì nguy cơ phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu cao.
Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này, nếu là khách hàng tốt, đang trả nợ đều đặn, đúng kỳ, chưa từng yêu cầu cơ cấu nợ thì các ngân hàng cũng rất sẵn sàng chia sẻ, giảm mục tiêu lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất để giữ chân khách hàng ở lại.
Trước đó, ngay khi Thông tư 06 có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các gói cho vay ưu đãi để thu hút khách hàng, thậm chí có nơi chỉ 0%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay ngắn hạn lãi suất chỉ từ 6%/năm và đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay từ 6,8%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), khách hàng doanh nghiệp vay vốn để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 7,8%/năm cho các khoản vay trung hạn và dài hạn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho vay ưu đãi đối với khách hàng cá nhân vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác chỉ từ 6%/năm trong 6 tháng đầu, từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc chỉ từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho vay khách hàng cá nhân để trả nợ trước hạn chỉ 0% trong tháng đầu tiên, từ các tháng sau, mức lãi suất áp dụng theo chương trình ưu đãi hiện hành của ngân hàng.
Tại một số ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)..., lãi suất áp dụng cho khoản vay tương tự từ 7,3-8%/năm. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đã tung ra gói vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 5%/năm dành cho khách hàng cá nhân...
Nhưng nhìn sang lãi suất thả nổi đang áp dụng với khách hàng hiện hữu tại một số ngân hàng, mức chênh cũng khá đáng kể. Đơn cử tại Techcombank, khách hàng khi hết thời hạn ưu đãi đang chịu lãi suất khoảng 11-11,7%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất thả nổi khoảng 12%/năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) khoảng 14,05%/năm, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khoảng 13%/năm...
Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, quy định mới sẽ giúp môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng minh bạch hơn, đòi hỏi ngân hàng phải thấu hiểu nhu cầu khách vay, điều chỉnh lãi suất ở mức phù hợp để giữ chân khách hàng. Các thủ tục, lãi suất và các loại phí cũng cần được ngân hàng công khai, minh bạch.
Về phía khách hàng, anh Nguyễn Tiến mong muốn các cơ quan quản lý sớm có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về cách thức chuyển giao tài sản thế chấp giữa các ngân hàng để chính sách sớm đi vào cuộc sống, giúp người dân tiếp cận với những khoản vay có chi phí phù hợp hơn.
Cùng quan điểm, anh Trọng Khối cũng hi vọng lãi suất cho vay hiện hữu tại các ngân hàng sẽ sớm được điều chỉnh giảm, bắt nhịp được với đà đảm của lãi suất huy động, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng./.