Aa

Thời điểm cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương

Thứ Bảy, 13/01/2024 - 06:16

Theo WiGroup, dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa sau năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khi lạm phát đã giảm xuống mức mục tiêu.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung Ương châu Âu (ECB), và Ngân hàng Anh (BoE) đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất của họ, sau khi nâng lãi suất cơ bản lên mức cao để đối phó với lạm phát.

Thời điểm cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương- Ảnh 1.

WiGroup dự báo các NHTW sẽ cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024. (Ảnh: Reuters/ Chris Wattie)

Các ngân hàng trung ương sẽ duy trì lãi suất ở mức cao cho đến khi lạm phát giảm xuốn  mức ổn định, và không có thêm bước tăng lãi suất nào được dự kiến trong tương lai gần. Đây là những nhận định chủ điểm của nhóm nghiên cứu (WiResearch) thuộc WiGroup khi đánh giá về triển vọng toàn cầu và Việt Nam 2024.

Các chuyên gia của WiGroup dự đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa sau năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khi lạm phát đã giảm xuống mức mục tiêu.

Fed sẽ là ngân hàng trung ương đầu tiên cắt giảm lãi suất có thể vào quý II/2024, theo sau là ECB và BoE.

Về BoJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản), dự kiến sẽ chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) và lãi suất âm (NIRP) vào năm 2024, khi lạm phát Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm.

Các dự báo đưa ra trên cơ sở dữ liệu và đánh giá của WiGroup, bao gồm nhận định về xu hướng suy giảm của các nền kinh tế trong 2024.

Theo đó, WiGroup nhắc lại dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế các nước năm 2024 giảm dần qua mỗi lần dự báo. Nguyên nhân chủ yếu là do: Cuộc chiến Nga-Ukraina gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến lạm phát tăng cao và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó chính là các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.

Có thể nói, chính các nguyên do trên cũng sẽ là động lực thúc đẩy các ngân hàng trung ương phải tính toán đến phương án giảm độ thắt chặt chính sách tiền tệ để tránh nguy cơ tăng trưởng kinh tế trì trệ và thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, tiền đề phải là lạm phát của các quốc gia đã hạ nhiệt.

Thời điểm cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương- Ảnh 2.

Lãi suất điều hành của các NHTW. (Nguồn World Bank/ WiGroup)

Theo WiGroup, dữ liệu ghi nhận tỷ lệ lạm phát toàn cầu giảm trong giai đoạn 2018-2020 chủ yếu do sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu và giảm mạnh giá dầu thô. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng đóng góp vào việc giảm lạm phát.

Năm 2022, lạm phát ở các nước phát triển đạt mức cao nhất kể từ năm 1982. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá năng lượng, chi phí chuỗi cung ứng và tình trạng căng thẳng trên thị trường lao động.

"Lạm phát chung giảm ở nhiều quốc gia, nhờ giá năng lượng giảm, giải quyết các rắc rối về chuỗi cung ứng, và giảm áp lực lương lao động. Dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục giảm và trở về mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào nửa sau năm 2024", nhóm chuyên gia phân tích.

Dù vậy, cập nhập thêm thông tin từ một ngân hàng trung ương có vai trò lớn nhất toàn cầu - Fed- có vẻ như khả năng lạm phát giảm về mục tiêu của Fed vào nửa cuối năm sau vẫn là dự đoán khá lạc quan. Và mặc dù nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ sớm hạ lãi suất, song không ít các Thống đốc bang trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vẫn úp mở rằng còn quá sớm để kêu gọi hạ lãi suất.

Mới đây, phát biểu trước hội nghị Triển vọng Kinh tế khu vực năm 2024 của Bronx EDC và BICNY tại White Plains, New York, Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, ông John Williams cho rằng “Vẫn còn quá sớm để kêu gọi cắt giảm lãi suất trong bối cảnh ngân hàng này vẫn còn một khoảng cách xa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”.

Theo vị quan chức Fed, cơ quan này đã nhìn thấy những tiến bộ trong việc khôi phục lại sự cân bằng cho nền kinh tế và giảm lạm phát, đồng thời cho biết công việc của Fed vẫn chưa hoàn tất.

Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, thì phát biểu tại một sự kiện vào hôm thứ Tư tuần trước rằng, "Sân bay đã hiện ra trước mắt rồi. Nhưng hạ cánh một máy bay không phải là việc dễ dàng, nhất là khi tầm nhìn còn đang bị che khuất bởi sương mù, và những cơn gió thuận hay gió chướng đều có thể ảnh hưởng tới quá trình hạ cánh. Nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục có những diễn biến ngoài kỳ vọng”.

Việc Fed để ngỏ kế hoạch hạ lãi suất cho thấy sự thận trọng nhất định của cơ quan này với nguy cơ lạm phát vẫn còn cao và có khả năng tái tăng trở lại, đặc biệt trong bối cảnh dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 3,4% trong tháng 12, mức cao nhất trong ba tháng. Lạm phát đã tăng nhiều hơn dự báo do chi phí nhà ở tiếp tục tăng, giá nhiên liệu tăng và giá năng lượng tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9.

Tuy vậy, một triển vọng  các ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất vào nửa cuối năm sau, vẫn lạc quan và có thể khả thi, so với dự báo Fed sẽ hạ lãi suất ngay kỳ họp tháng 3 tới. Và khả năng hạ cánh mềm của các nền kinh tế cũng mang đến nhiều dự báo lạc quan hơn cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong thúc đẩy thị trường xuất khẩu cũng như dư địa giữ chính sách tiền tệ nới lỏng rộng hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top