Từ đầu năm tới nay, thị trường BĐS có những dấu hiệu tăng giá trở lại. Theo khảo sát của các công ty tư vấn BĐS, mặt bằng giá ở nhiều phân khúc đã tăng so với thời điểm của năm 2015, đồng thời xuất hiện tình trạng đầu cơ gom hàng tại nhiều dự án.
"Có vấn đề về giá đất và lợi ích nhóm"
Mới đây, trả lời trên tờ Infonet, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, giá nhà Việt Nam hiện cao gấp 32-34 lần so với thu nhập của người dân.
Theo ông Doanh, giá nhà ở Việt Nam chênh lệch quá lớn so với thu nhập người dân, trong khi ở các nước chỉ gấp hơn 5 lần. Điều này có thể dẫn đến nhiều gia đình sẽ không có nhà ở trong vài năm tới và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giáo dục con cái.
Vì sao giá nhà ở Việt Nam lại cao đến vậy? “Tôi cho rằng, có vấn đề về giá đất và lợi ích nhóm, có nhóm lợi ích “đẩy” giá nhà lên, giá nhà không được kiểm soát công khai minh bạch”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Nguyên nhân khác được TS. Lê Đăng Doanh đưa ra đó là do lãi suất ngân hàng ở Việt Nam quá cao, trước đây chỉ khoảng 3,8-4% nhưng nay là 8-10%, tức là cao gấp đôi so với lãi suất ở Thái Lan và các nước khác, điều này cũng khiến các doanh nghiệp chịu chi phí đầu vào rất cao.
Do đó, theo ông Doanh cần phải có cơ chế thị trường, công khai minh bạch, khắc phục được “lợi ích nhóm”… thì mới có thể có mức giá nhà phù hợp với thu nhập người dân. Đồng thời, phải kiểm soát được giá đất, giá đất phải được định giá theo cơ chế thị trường.
Bong bóng có quay trở lại?
Theo nhận định của JLL Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong 2-3 tới cả về cung và cầu đối với nhà ở, văn phòng và khách sạn nghỉ dưỡng. Giá bán của phân khúc nhà ở được dự báo sẽ tăng 1-2% mỗi quý. Đối với phân khúc văn phòng cao cấp, mức giá thuê được dự báo sẽ tiếp tục tăng, từ 5% đến 10% trong những quý tới.
Trước việc giá nhà đất tăng trở lại, nhiều lo ngại thị trường sẽ có bong bóng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điều này là khó xảy ra. Ông Nam phân tích, chỉ khi xuất hiện cầu ảo, chênh lệch giá cả thì mới nói đến bong bóng. Trong vài năm tới có thể loại bỏ mỗi lo ngại này.
Còn dự báo năm 2018, khi hàng tồn kho hết, cầu tăng thì giá có thể tăng. Lúc đó có bong bóng hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: Chính phủ phải dự báo và có chính sách ổn định, coi trọng thị trường bất động sản, đưa ra các chính sách có tác động đến thị trường, đặc biệt là chính sách về tiền tệ, dòng tiền, dòng vốn, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước.
Yếu tố thứ hai, ông Nam cho rằng, phụ thuộc vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có rút được bài học trước đây hay không để đưa ra được chiến lược và cơ cấu hàng hóa, giá cả phù hợp. "Gần đây tôi có cảm giác các doanh nghiệp lại chạy theo các dự án quy mô lớn, cao cấp mà thiếu dự án nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp", ông Nam nói./.