Chiều 22/2, tại Khách sạn Vạn Phát Riverside – TP Cần Thơ, Hiệp hội bất động sản TP Cần Thơ (Carea) tổ chức chương trình "Bất động sản Tây Nam Bộ đón cơ hội trong vận hội mới"; và công bố báo cáo thị trường bất động sản 2023, dự báo thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024.
Quy hoạch các tỉnh vùng ĐBSCL được phê duyệt đóng vai trò vừa là khung pháp lý cho việc quản lý, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, vừa là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển của vùng trong thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Chính điều này tạo nên cú hích cho thị trường bất động sản của vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển.
Theo ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, tín hiệu khó khăn của thị trường bất động sản bắt đầu bùng mạnh và lan rộng vào thời điểm cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, khó khăn bao trùm toàn thị trường bất động sản. Trong bức tranh trầm lắng của bất động sản 2023, sự lao đao của doanh nghiệp địa ốc là điểm nhấn đầy chú ý.
Trong 11 tháng năm 2023, có 1.160 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường, cùng với việc đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn cũng cơ cấu lại bộ máy, giải thể công ty con, cắt giảm nhân sự. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã cắt giảm từ 50% đến 80% nhân sự.
Cuối năm 2023, sóng gió của thị trường bất động sản Việt Nam đang dần khép lại, xuất hiện những điểm sáng, tạo bước đệm cho thị trường có khởi sắc trong những năm sắp tới. Như dòng vốn cho lĩnh vực BĐS được khơi thông sau khoảng thời gian bị "siết chặt", 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN đã tác động rõ nét đến thị trường bất động sản.
Đồng thời, việc sửa đổi 3 luật lớn bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường địa ốc. Năm 2023 cũng là năm loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quy mô lớn được phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai xây dựng hoặc về đích, trong đó, phải kể đến một số dự án nổi bật như vành đai 3 Tp.HCM, vành đai 4 Hà Nội, Cầu Cần Giờ, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Nhất là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành khi có hơn 20 Nghị quyết, Quyết định, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…, với mục đích tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS và người dân - một cuộc giải cứu "có một không hai" trong lịch sử phát triển của ngành BĐS Việt Nam.
"Khu vực Tây Nam Bộ là một trong những địa phương được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực của thị trường bất động sản, đặc biệt là khi Tây Nam Bộ là một trong những vùng có hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm được hoàn thành và khởi công trong giai đoạn 2023-2025. Tôi cho rằng, bất động sản Tây Nam Bộ đang có nhiều cơ hội để cất cánh trong vận hội phát triển của bất động sản thời kỳ mới", ông Thủy cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Thủy cho rằng, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm; các dự án bất động sản dần được tháo gỡ pháp lý; quy hoạch các tỉnh thành hoàn thành và công bố giúp cho nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng đối với các lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là bất động sản; hạ tầng giao thông và khu công nghiệp (đặc biệt tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đã thông xe, triển khai dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh). Đây là cú hích cho thị trường bất động sản ĐBSCL sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mặt bằng giá bất động sản ĐBSCL còn thấp so với cả nước, tạo tiền đề cho biên độ lợi nhuận cao, nhà đầu tư dễ dàng tham gia thị trường./.