Nhà băng đồng loạt hạ lãi suất cho vay
Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 cùng nghị quyết vừa ban hành, các ngân hàng thương mại bắt đầu lên kế hoạch giảm lãi suất cho vay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Chỉ thị 04, chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, tiết kiệm chi phí và giảm lãi suất cho vay. Đến nay nhiều ngân hàng đã ra thông báo hạ lãi suất cho vay.
Chẳng hạn, trong ngày 15/10, Vietcombank đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay với năm lĩnh vực ưu tiên và cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đồng loạt giảm về tối đa 6% một năm. Mức điều chỉnh này giảm 1% mỗi năm so với mặt bằng hiện nay. Riêng với các doanh nghiệp khởi nghiệp, do mức cho vay đang ở mức 7% sẽ giảm 2% một năm.
Tương tự, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt điều chỉnh hạ lãi suất cho vay kể từ ngày 15-10. Theo đó, ngân hàng này giảm 1%-1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước đó, hôm 10-10, HDBank cũng đã giảm lãi suất cho vay 1%, xuống còn 10,5%/năm. Ngân hàng này cũng mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỉ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm. Còn lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Còn hồi cuối tháng 9, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Vietinbank cùng quyết định giảm lãi suất huy động để rút ngắn khoảng cách với Vietcombank.
Kỳ vọng giá nhà giảm theo
Mới đây, trao đổi với báo chí, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, giá nhà Việt Nam hiện cao gấp 32-34 lần so với thu nhập của người dân.
Theo ông Doanh, giá nhà ở Việt Nam chênh lệch quá lớn so với thu nhập người dân, trong khi ở các nước chỉ gấp hơn 5 lần. Điều này có thể dẫn đến nhiều gia đình sẽ không có nhà ở trong vài năm tới và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giáo dục con cái.
Một nguyên nhân khiến giá nhà hiện ở mức cao được TS. Lê Đăng Doanh đưa ra đó là do lãi suất ngân hàng ở Việt Nam quá cao, trước đây chỉ khoảng 3,8-4% nhưng nay là 8-10%, tức là cao gấp đôi so với lãi suất ở Thái Lan và các nước khác, điều này cũng khiến các doanh nghiệp chịu chi phí đầu vào rất cao.
Dó đó, trước đợt giảm lãi suất lần này, theo nhiều ý kiến chuyên gia thì thị trường BĐS sẽ được hưởng lợi.
Trao đổi trên tờ Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, không chỉ riêng lĩnh vực BĐS mà bất cứ ngành nào cũng đều bị ảnh hưởng rất lớn bởi lãi suất ngân hàng. Vì thế, khi lãi suất ngân hàng hạ thì tất cả các ngành đều hoạt động tốt hơn và doanh nghiệp thì đều vui mừng.
“Nếu ngân hàng giảm lãi 1% thì giá bán nhà sẽ giảm được 0,5%. Người dân sẽ mua nhà nhiều hơn vì giá bán nhà rẻ hơn, việc trả lãi hàng tháng cũng ít hơn… khiến thị trường sôi động hơn, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản”, ông Đực nói.
Tuy nhiên, theo ông Đực, mức lãi suất vay nếu giảm xuống 6-8% thì giá nhà có thể giảm thêm và thị trường sẽ còn tốt hơn nhiều.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS, động thái hạ lãi suất vào thời điểm cuối năm là cơ hội lớn cho BĐS khi đang ở cuộc đua nước rút cuối năm, giá bán nhà sẽ giảm nhưng giảm như thế nào thì phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết chính xác.
“Nhưng, khi lãi suất giảm, thị trường hoạt động tốt hơn sẽ tạo việc làm cho hàng triệu người ở các lĩnh vực khác như kiến trúc sư, kỹ sư, văn phòng, thư ký, môi giới, quảng cáo, marketing… làm trong ngành BĐS rất nhiều. Hoặc đối tượng lớn là công nhân trong ngành thép, gạch, xi măng phục vụ xây dựng công trình xây dựng rồi đến ngành thiết kế, sản xuất giường tủ, đệm, công nhân vệ sinh, bảo vệ…”, vị này nói.
Vấn đề tài chính liên quan mật thiết, song hành với BĐS, nên dù trực tiếp hay gián tiếp thì khi lãi suất vay giảm 1-2% thì theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội sẽ có những tác động lớn tới toàn thị trường dù chưa kỳ vọng giá nhà giảm xuống ngay.
“Việc hạ lãi suất sẽ kích cầu khi hàng hóa giá rẻ hơn, có sức cạnh tranh hơn cũng như tăng thanh khoản cho thị trường. Câu chuyện yếu nhất của chúng ta hiện nay là cạnh tranh trên giá vốn, nếu giảm dần lãi suất xuống sẽ tiến dần với thế giới và cũng là sự cạnh tranh lớn với Việt Nam khi là thị trường mới nổi cần vốn đầu tư lớn”, ông Điệp nói.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, từ nay đến cuối năm nếu tiếp tục có những chủ trương vĩ mô điều tiết xuống thì thị trường BĐS sẽ tăng thanh khoản hơn.
“Giá vốn giảm xuống thì giá nhà cũng có thể giảm xuống, nhưng chưa kỳ vọng xuống ngay và xuống nhanh, nếu lãi suất tiếp tục giảm xuống thì giá nhà sẽ có lộ trình giảm đều, giảm dần theo thời gian, điều này tác động rất tốt tới thị trường BĐS”, ông Điệp cho hay.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết hàng loạt ngân hàng lớn hạ lãi suất là dấu hiệu rất tốt với doanh nghiệp bất động sản trong mùa kinh doanh cuối năm. Bởi phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều sử dụng vốn vay từ ngân hàng. “Doanh nghiệp, người mua nhà sẽ được hưởng lợi từ việc này” - ông Hiếu nói./.
Ông Lương Sĩ Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị An Gia Investment, cho biết bất cứ dự án bất động sản nào cũng được xây dựng bởi ba nguồn vốn: vay ngân hàng, vốn tự có của chủ đầu tư và huy động vốn của khách hàng. “Việc ngân hàng giảm lãi suất sẽ tạo ra thanh khoản tốt cho thị trường bất động sản. Nó tác động trực tiếp đến giá bán nhà cho khách hàng. Chắc chắc giá bán nhà sẽ giảm nhưng giảm như thế nào thì phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết” - ông Khoa nói. |