Aa

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?

Thứ Sáu, 20/12/2019 - 16:00

Theo thống kê, 25 ngân hàng khảo sát đã điều chỉnh giảm lãi suất tại các kỳ hạn ngắn, trong đó một số đơn vị điều chỉnh giảm ở kỳ hạn dài như Bản Việt, Techcombank, Eximbank, NCB, ACB...

Ngân hàng Bản Việt tiếp tục giảm lãi suất tại phần lớn các kỳ hạn. Các khoản vay từ 1 đến 5 tháng có lãi suất thấp hơn 0,4 - 0,45 điểm phần trăm so với tháng trước, ở mức 4,85 - 4,9%. Lãi suất 6 - 11 tháng giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm còn 7,3 - 7,5%. Kỳ hạn 12 tháng hạ lãi suất từ 8% xuống 7,9%, các kỳ hạn dài 15 - 60 tháng đồng loạt giảm 0,2 - 0,4 điểm phần trăm còn 8 - 8,2%.

Tháng trước, ngân hàng này cũng giảm lãi suất tại phần lớn các kỳ hạn từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm nhằm đảm bảo lãi suất cho vay đầu ra.

Techcombank cũng vừa công bố biểu lãi suất mới đồng loạt giảm tại phần lớn các kỳ hạn. Trong đó, khoản vay 1 - 5 tháng giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống 4,1 - 4,3% với khách hàng thường, tùy giá trị tiền gửi (dưới 1 tỷ, 1 - 3 tỷ và trên 3 tỷ đồng). Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm còn 6 - 6,2%. Lãi suất các kỳ hạn 7 - 11 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 5,6 - 5,8%.

Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm từ 6,6 - 6,8% xuống 6,1 - 6,3%, trong khi các kỳ hạn dài hơn giảm 0,4 điểm phần trăm dao động 6 - 6,4%.

Bản Việt hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Ảnh: Nhịp cầu Đầu tư

EximBank cũng hạ lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 7,8% xuống 7,6%, đồng thời giảm tại kỳ hạn 15 - 18 tháng 0,3 điểm phần trăm còn 8%. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng vẫn giữ 8,4%. Trong khi đó, lãi suất tại các kỳ hạn ngắn 1 - 3 tuần tăng 0,2 điểm phần trăm lên 1%.

Tương tự, ACB cũng giảm lãi suất tại phần lớn các kỳ hạn 0,3 - 0,5 điểm phần trăm với 1-9 tháng, trong khi các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm.

Kienlongbank giảm 0,4 - 0,5 điểm phần trăm với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi giữ nguyên với các khoản vay trên 6 tháng. Với SeABank, ngân hàng này giảm 0,05 - 0,25 điểm phần trăm với các kỳ hạn dưới 6 tháng và giữ nguyên với các kỳ hạn khác. Riêng kỳ hạn 13 tháng, ngân hàng công bố lãi suất 7,3%, trong khi tháng trước không có.

Nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng như LienVietPostBank đồng loạt giảm lãi 0,09 - 0,29 điểm phần trăm, ngân hàng Bảo Việt giảm 0,2 - 0,5 điểm phần trăm, VPBank giảm 0,2 - 0,7 điểm phần trăm, VietinBank, Vietcombank, BIDV giảm 0,2 điểm phần trăm…

Động thái của các ngân hàng thương mại là sự điều chỉnh sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định hạ trần lãi suất với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

NamABank treo lãi suất 8,6%, NCB giữ mặt bằng dẫn đầu

NamABank là ngân hàng có lãi suất công bố cao nhất 8,6% với kỳ hạn 24 tháng nhưng kèm điều kiện giá trị tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Eximbank đứng thứ 2 với lãi suất 8,4%/năm ở kỳ hạn 13 tháng (giá trị tiền gửi trên 100 tỷ đồng), 24 - 36 tháng.

ABBank đứng thứ 3, “treo” lãi suất 8,3% ở kỳ hạn 13 tháng với điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Lãi suất 12 tháng 7,8%, trong khi lãi suất 15 - 60 tháng là 7,9%.

NCB cũng công bố lãi suất 8,3% ở kỳ hạn 36 tháng, 8,2% ở kỳ hạn 24 tháng và 8,1% ở kỳ hạn 13, 18 tháng. Theo xu hướng chung của các ngân hàng, NCB cũng điều chỉnh hạ lãi suất tại phần lớn các kỳ hạn 0,1 - 0,5 điểm phần trăm. Tháng trước, ngân hàng này tăng lãi suất đứng đầu ngành. Tiền gửi kỳ hạn 36 tháng từng được đẩy lên 8,8%/năm. Kỳ hạn 18 - 24 tháng, lãi suất 8,6-8,7%/năm.

Xét trên toàn bộ kỳ hạn, NCB vẫn là đơn vị có mặt bằng cao nhất với lãi suất 1 - 3 tháng ở 5%, kỳ hạn 6 - 12 tháng 7,9 - 7,98% và 18 - 36 tháng dao động 8,1-8,3%.

Bắc Á cũng là ngân hàng có mặt bằng cao. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng ở mức 5%. Ở kỳ hạn 6 - 9 tháng, Bắc Á giữ lãi suất ở 7,7 - 7,8%/năm, trong khi các ngân hàng khác chỉ 6,9 - 7,2%. Với kỳ hạn dài 18 - 36 tháng, lãi suất ở 8%/năm.

Nhóm 4 ngân hàng lớn (Big4) vẫn đứng cuối trong bảng xếp hạng về lãi suất. Vietcombank, VietinBank, BIDV công bố mức 0,1%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn, trong khi Agribank là 0,2%. Ở kỳ hạn 1 tháng, Agribank, VietinBank và Vietcombank, BIDV đều giữ ở 4,3%.

Nhìn chung sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thị phần nhỏ đã đồng loạt giảm lãi suất tại kỳ hạn dưới 6 tháng và một số ở kỳ hạn dài, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các NHTM lớn.

Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research nhận định trong tháng 12, cung cầu ngoại tệ vẫn thuận lợi nhưng do lạm phát nên lãi suất thị trường 1 sẽ khó giảm. Tuy nhiên, sang năm 2020, với dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt sau Tết nguyên đán, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5 - 1% từ đó kéo giảm lãi suất cho vay. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm NHTM lớn và nhỏ.

Theo quy định tại Thông tư 22, giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng so với huy động (LDR) của các NHTM sẽ được thống nhất ở mức 85% thay vì áp dụng mức 90% với các NHTM nhà nước, 80% với NHTM tư nhân và nước ngoài. Tại 30/9, LDR của nhóm các NHTM Nhà nước là 91,47% và của các NHTM cổ phần đang là 84,6%. Với quy định mới này, các NHTM Nhà nước có nguồn vốn dồi dào nhưng đầu ra tín dụng sẽ bị hạn chế hơn do các quy định về an toàn vốn và tỷ lệ LDR. Trong khi đó, các NHTM cổ phần còn dư địa để gia tăng tín dụng, do đó có thể sẽ chấp nhận mức lãi suất huy động cao hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top