PV: Hoạt động cho vay của các TCTD đang khởi sắc trở lại, ông có thể cho biết nguyên nhân đến từ những yếu tố nào?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Đúng là tín dụng đang tăng trưởng trở lại và tác động rõ nhất là tăng trưởng kinh tế, điều này tiếp tục củng cố niềm tin xu hướng kinh doanh trên thị trường những tháng cuối năm. Chẳng hạn, trên địa bàn TP.HCM trong tháng 9 tín dụng tăng 0,72% so với tháng trước đó, tháng 8 tăng trưởng tín dụng gần 1% - cao nhất so với những tháng đầu năm nay.
Tăng trưởng tín dụng có những yếu tố hỗ trợ, như yếu tố mùa vụ cuối năm, doanh nghiệp có hợp đồng trở lại…
Tuy nhiên, yếu tố đáng chú ý là chính sách lãi suất thấp đang phát huy hiệu quả kích thích người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế. Việc NHNN 4 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh lãi suất, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gián tiếp tiết giảm chi phí tài chính. Hơn nữa, độ trễ chính sách đến nay đã đạt đến “điểm rơi”. Các TCTD đã tạo lập mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường, kích thích doanh nghiệp và người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Lãi suất thấp không chỉ góp phần tiết giảm chi phí, hoạt động của doanh nghiệp mà còn góp phần giữ giá thành sản phẩm, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, phản ánh tác động tích cực của cơ chế tín dụng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, NHTW và các cơ chế chính sách khác.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Khi sức cầu trên thị trường xuất khẩu yếu khiến hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn của doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đã thực hiện rất nhiều giải pháp hỗ trợ. Theo đó, ngành Ngân hàng đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tạo điều kiện cho cung - cầu tín dụng gặp nhau. Ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách hàng gặp khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục vay mới. Tiếp tục giảm lãi suất, miễn phí dịch vụ…
Đơn cử, TP.HCM đầu năm 2023, có 20 ngân hàng đăng ký gói tín dụng với tổng trị giá hơn 493.000 tỷ đồng, đến nay số vốn giải ngân của chương trình đã lên mức 541.000 tỷ đồng, vượt xa so với mục tiêu ban đầu.
Tại các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, NHNN chi nhánh TP.HCM lồng ghép các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn; giải đáp các thắc mắc về cơ chế, chính sách, lãi suất, tỷ giá… Các ngân hàng thương mại thì thông tin cụ thể các sản phẩm vay vốn, sản phẩm thanh toán, đặc biệt giới thiệu tiêu chí, đối tượng cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN...
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất của UBND TP.HCM trong mục tiêu kích cầu đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Đặc biệt những tháng gần đây, NHNN chi nhánh TP.HCM tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo cụm quận huyện liền kề đang tạo ra sức lan tỏa của chính sách đi vào thực tiễn cộng đồng doanh nghiệp.
PV: Ở góc độ quản lý ông thấy vấn đề gì cần chú ý từ những hội nghị này?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Các yếu tố quan trọng là từ cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh và hành động cụ thể của ngành Ngân hàng đang tác động trực tiếp đến hoạt động cho vay trên thị trường. Hoạt động kết nối, đối thoại với doanh nghiệp là trách nhiệm của các cơ quan triển khai cơ chế chính sách để doanh nghiệp và người dân nắm bắt thông tin các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, NHNN, UBND TP.HCM.
Từ đó tạo điều kiện cho tín dụng tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế. Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành Ngân hàng TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách, phát huy những yếu tố tích cực để tạo ra chuyển biến trong hoạt động tín dụng ngân hàng với khách hàng, tạo sự tuần hoàn và luân chuyển vốn hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế nhìn từ góc độ khai thác và sử dụng vốn trong nền kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông!