Aa

Lãi suất tín dụng địa ốc bắt đầu tăng

Thứ Ba, 05/06/2018 - 15:00

Lãi suất tín dụng địa ốc bắt đầu tăng; Nhiều điểm nóng đất nền hạ nhiệt; Cổ phiếu TCB vừa chào sàn đã “lăn sàn”; "Thoả hiệp" với nhà ống nhếch nhác, đường đến đô thị văn minh còn xa vời;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

"Thoả hiệp" với nhà ống nhếch nhác, đường đến đô thị văn minh còn xa vời

Sự phát triển tràn lan của nhà ống khiến diện mạo các đô thị của Việt Nam trở nên nhếch nhác, xấu xí. Trong xu thế toàn cầu hóa, để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại nên chăng nhà ống cần thay thế bởi các loại hình nhà cao tầng theo mẫu hình Singapore, Hong Kong?

Để giải quyết bài toán bất cập của nhà ống san sát khiến bộ mặt đô thị lộn xộn trong khi quỹ đất của vùng nội đô các thành phố lớn có hạn, các chuyên gia kiến trúc nêu lên quan điểm cần tiếp cận với xu hướng hiện đại như các loại hình nhà cao tầng theo mẫu hình Singapore, Hong Kong.

Ths.KTS Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng - chia sẻ: “Các thành phố như Singgapore tầng rất cao, mật độ rất lớn nhưng vẫn đảm bảo là bởi thiết kế đồng bộ. Thiết kế cho 2 nghìn dân khác, 2 vạn dân khác, 2 triệu dân lại khác. Hạ tầng có đáp ứng được hay không thì mới xây. Còn nếu không đảm bảo thì phải tìm cách giãn ra. Một trong những biện pháp tiết kiệm đất đô thị là đô thị nén. Cùng một diện tích như thế người ta xây một tháp chứa được rất nhiều người so với băm ra chia lô”.

Ông Chiến đưa ra dẫn chứng minh họa: “Bây giờ toàn nhà 4 – 5 tầng liền kề, san sát nhau chiếm hết mặt đất. Nhưng cũng trên cùng diện tích ấy, mình khai thác hết, xây 1 – 2 tòa tháp có diện tích sàn bằng với số nhà ấy. Diện tích đất còn lại giải phóng hết làm vườn hoa, cây xanh, không gian công cộng. Nếu 20 nhà 5 tầng cộng lại chỉ đến xây 2 cái tháp, còn lại để đất trồng vườn hoa, cây xanh, sân chơi? Cớ gì không cho. Đô thị chỉ có đẹp lên".

Xem chi tiết tại đây

Lãi suất tín dụng địa ốc bắt đầu tăng

Việc tăng lãi suất cho vay đối với người mua nhà của một số ngân hàng thương mại thời gian gần đây cho thấy, khả năng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã tới hạn nhất định, buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn khác để triển khai dự án.

Các ngân hàng đã bắt đầu có động thái siết tín dụng địa ốc bằng việc nâng lãi suất cho vay mua đất, mua nhà, xây sửa nhà khá cao, có nơi lên đến 12%/năm nếu khách hàng vay trung hạn. Trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân lên đến 12,5%/năm. So với vài tháng trước đây, lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2%/năm. Bên cạnh đó, do giá nhà đất vừa qua tăng khá nóng, nên các ngân hàng cũng thẩm định lại giá và chỉ cho vay tối đa 70% giá trị.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu vay vốn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản là cần thiết, giúp hạn chế nguy cơ bong bóng.

Chia sẻ tại một diễn đàn về bất động sản mới đây, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, tiền không chỉ đổ vào bất động sản theo kênh trực tiếp, mà còn gián tiếp thông qua vay xây lắp và vay tiêu dùng. Trong nhóm tín dụng tiêu dùng hết năm 2017 đạt dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 17% tổng dư nợ), thì có tới khoảng 50% dành cho vay sửa, mua nhà, thuê nhà. Cho vay xây lắp cũng như các hình thức vay liên quan đến bất động sản cũng chiếm khoảng 10% dư nợ nền kinh tế.

Xem chi tiết tại đây

Hàng loạt dự án lớn đổ bộ, bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu liệu có được “thay máu”?

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Vũng Tàu bắt đầu nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Những dự án lớn, có quy mô từ những tập đoàn bất động sản và du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước xuất hiện ngày một nhiều, điều này được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là yếu tố giúp bất động sản TP có nhiều cơ hội “thay máu” trong năm 2018.

Năm 2017, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã đưa ra nhận định rằng, bức tranh đìu hiu của thị trường bất động sản Vũng Tàu sẽ có sự khởi sắc khi bước sang 2018, các "ông lớn" sẽ liên tục đổ bộ vào thị trường này. Dự đoán đó dường như đã trở thành hiện thực nếu so sánh nguồn cung từ năm 2016 với thời điểm hiện nay.

Theo đó, từ năm 2016, Vũng Tàu có hơn 100 dự án triển khai nhưng chủ yếu là khu dân cư và căn hộ, tầm 5 – 7 dự án nghỉ dưỡng tiêu chuẩn được công bố nhưng chưa đi vào hoạt động.

Sự đổ bộ của nhiều nhà đầu tư thời gian gần đây cho thấy, thị trường bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang định hình và phát triển trở lại, thay vì chỉ bó hẹp ở phân khúc đất nền, chung cư với những thương hiệu cũ như DIC, Quang Hưng, HDTC, IDICO…, thì nay đã có sự gia nhập của một số tên tuổi lớn ở phân khúc nghỉ dưỡng.

Xem chi tiết tại đây

Nhiều điểm nóng đất nền hạ nhiệt

Thị trường bất động sản cuối tháng 5, đầu tháng 6/2018 tiếp tục ghi nhận thanh khoản cao của phân khúc căn hộ tầm giá 1 tỷ. Đáng chú ý, các điểm nóng đất nền như khu Đông (Tp.HCM) và ba vùng dự kiến lên đặc khu kinh tế đã “hạ nhiệt”.

Tại quận 9 (khu Đông Tp.HCM), làn sóng đầu cơ, lướt sóng đất nền giảm dần. Nguyên nhân là bởi nhiều nhà đầu tư đã kiếm đủ lời khi cơn sốt bị đẩy lên cao và đang tìm cách rút khỏi thị trường. Hoạt động sang nhượng vì thế cũng giảm nhiệt. Ngoài ra, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nhiều ngân hàng cũng tăng lãi suất cho vay với bất động sản khiến dòng tiền chảy vào đất nền bị chững lại.

Làn sóng đầu cơ, lướt sóng đất nền giảm dần trong tháng 5

Làn sóng đầu cơ, lướt sóng đất nền giảm dần trong tháng 5

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của sốt đất đặc khu, tháng 4/2018, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang yêu cầu thực hiện việc kiểm tra nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và có biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Ngay trong đầu tháng 5, cả 3 tỉnh trên đều ra văn bản về tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực dự kiến lên đặc khu kinh tế.

Động thái này đã khiến giao dịch ở các đặc khu kinh tế tương lai hạ nhiệt. Các văn phòng công chứng đất đai không còn sôi động như trước. Tuy nhiên, giá đất không có dấu hiệu giảm.

Xem chi tiết tại đây

Cổ phiếu TCB vừa chào sàn đã “lăn sàn”

Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với thông tin đáng chú ý được cho là ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đó là nguyên chủ tịch BIDV - ông Trần Bắc Hà bị xử lý kỷ luật về sai phạm. Tuy nhiên, việc này dường như đã được “dự đoán” từ trước nên sau những phút đầu tiên bị ảnh hưởng nhẹ, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bứt phá để kéo chỉ số tăng cao.

Các cổ phiếu như VPB, STB đều tăng trần, VCB và HDB tăng trên 4%, CTG và MBB cũng tăng mạnh. Thậm chí BID không bị ảnh hưởng bởi thông tin trên mà còn tăng 2,7% lên 30.500 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra các mã vốn hóa lớn khác cũng đóng vai trò lớn, đẩy Vn-index thăng hoa như VJC tăng trần, VNM, HPG, BVH cùng bộ đôi cổ phiếu VIC, VHM.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hòa nhịp với đà tăng của thị trường. Ngoài VIC và VHM là thủ lĩnh tinh thần, những cái tên quen thuộc như NLG, HBC tăng kịch trần, DIG tăng 4,6%, CTD tăng 3,1%, bộ đôi DXG, LDG đều tăng trên 2,5%. Qua đó giúp sắc xanh phủ khắp nhóm ngành.

Một thông tin đáng chú ý khác là việc Techcombank (TCB) chính thức lên sàn với giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên “trái đắng” đã rơi trúng đầu TCB, trong khi cả dòng ngân hàng thăng hoa cùng Vn-index thì TCB lại bị bán sàn, giảm kịch biên độ 20% của phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE. Điều này cũng dễ hiểu bởi với mức chào sàn giá “khủng” đã khiến TCB bị chốt lời mạnh, thậm chí dư bán sàn hàng hơn trăm ngàn đơn vị.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top