Đăng ký đất thương mại - dịch vụ tăng cao, nhưng ít dự án triển khai
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, đất thương mại - dịch vụ là chỉ tiêu sử dụng đất quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này. Hiện nay, diện tích đăng ký đất thương mại - dịch vụ tại địa phương này tương đối lớn.
Theo quy định tại thông tư số 01/2021/TTBTNMT ngày 12/4/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tiêu đất thương mại - dịch vụ là chỉ tiêu được phân bổ và được xác định bổ sung.
Tuy nhiên, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hiện nay lại đang có một số bất cập. Đó là các quy hoạch đô thị hiện nay có chỉ tiêu đất thương mại - dịch vụ quá cao (do tính theo chỉ tiêu quy hoạch đô thị), hiện trạng những khu vực này chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, xen lẫn các khu đất ở của dân và những vị trí này hiện tại chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án (được quy hoạch để thu hút nhà đầu tư).
Trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện, các địa phương có nhu cầu đăng ký các công trình dự án thương mại - dịch vụ với quy mô diện tích khá lớn. Khi tổng hợp vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện, diện tích đất thương mại - dịch vụ tăng cao.
Đối chiếu kết quả thực hiện chỉ tiêu đất thương mại - dịch vụ của các kỳ quy hoạch trước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng nhận thấy tỷ lệ thực hiện các công trình, dự án rất thấp; mặc dù các địa phương đăng ký rất nhiều nhưng số ít công trình, dự án được triển khai thực hiện.
Trước thực tế diện tích đất thương mại - dịch vụ đăng ký tăng cao nhưng dự án, công trình triển khai “nhỏ giọt”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh, đối với chỉ tiêu đất thương mại - dịch vụ tại các khu vực dự kiến thu hút đầu tư thực hiện các công trình, dự án quy mô lớn chỉ xác định ranh giới khu vực thương mại dịch vụ loại đất trên bản đồ vẫn xác định theo hiện trạng, còn về chỉ tiêu vẫn xác định theo chỉ tiêu được phân bổ để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong khi chưa có nhà đầu tư và kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa được phê duyệt.
Thiếu quỹ đất dành cho cụm công nghiệp?
Ngược lại, về chỉ tiêu đất cụm công nghiệp, các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng đất của các doanh nghiệp hiện nay tương đối cao. Tuy nhiên, đất cụm công nghiệp tại các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và nguyên nhân chính là đất thuộc phạm vi quy hoạch cụm công nghiệp nhưng chưa phải là quỹ đất sạch. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phải thực hiện bồi thường, thu hồi đất, trong khi giá đất trên địa bàn thì quá cao, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các cụm công nghiệp nhìn chung còn chậm và chưa có sự đồng bộ.
Đơn cử như mới đây, ông Lê Viết Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bình Điền - Lâm Đồng đã ký văn bản, gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xin xem xét cho chấm dứt việc thuê đất tại Khu công nghiệp Phú Hội để xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất phân bón.
Lý do được công ty này đưa ra là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp quá nhiều khó khăn do không có sự đồng thuận của các hộ dân trong khu vực được quy hoạch. Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đức Trọng vào ngày 15/9/2022, có 34 hộ dân đã đồng ý kiểm kê với diện tích 5,8ha.
Tuy nhiên, diện tích rời rạc, ranh giới không liền thửa và còn 17 hộ dân chưa đồng ý kiểm kê với diện tích 5,5ha, do phần lớn các hộ này đã giao đất cho Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Phú Hội. Cùng với đó, người dân cũng chưa đồng ý với mức giá đền bù và còn yêu cầu tái định canh, tái định cư trước khi hồi đất.
Công ty Cổ phần Bình Điền - Lâm Đồng cho rằng, qua nhiều năm triển khai, thời gian bị kéo dài so với kế hoạch đã làm chậm trễ công tác đầu tư, ổn định sản xuất. Trước đó, ngày 13/1/2022, công ty này đã đề nghị UBND tỉnh xem xét việc đốc thúc tiến độ dự án. Theo đó, đề xuất hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng trong năm 2022 để công ty sớm triển khai các hạng mục đầu tư kịp thời, đảm bảo hoạt động ổn định sản xuất kinh doanh và hiệu quả đầu tư của dự án.
“Thực tế thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được và kế hoạch thời gian bàn giao mặt bằng cho công ty vẫn chưa thể xác định”, Công ty Cổ phần Bình Điền - Lâm Đồng trình bày và cho biết, giá đền bù tăng cao, vượt quá nhiều so với dự kiến đầu tư của công ty, ảnh hưởng đến nguồn vốn, chi phí hoạt động và hiệu quả đầu tư của dự án.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, việc định hướng xác định các khu vực dự kiến quy hoạch cụm công nghiệp, khu công nghiệp ở tỉnh này còn hạn chế, chưa được các địa phương quan tâm khảo sát, dẫn đến nhiều khu vực quy hoạch gần khu dân cư hoặc khu vực sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao. Từ đó đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng dẫn đến quá trình triển khai quy hoạch đạt kết quả thấp hoặc nhiều khu vực được quy hoạch kéo dài qua nhiều kỳ quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 15/3, tại Khu công nghiệp Phú Hội vẫn còn 11,08ha đất đang bồi thường giải phóng mặt bằng và đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng là 3,63ha. Trong khi đó, diện tích đất Khu công nghiệp Lộc Sơn chưa sử dụng 20,1450ha, trong đó đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng 17ha và đất công nghiệp đã bồi thường chưa cho thuê là 3,14ha.
Còn về chỉ tiêu đất cụm công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh, giao UBND các huyện, thành phố rà soát quy mô các cụm công nghiệp trên địa bàn; căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương, khả năng thu hút đầu tư trong giai đoạn vừa qua và nhu cầu trong giai đoạn 2021 - 2030 đề xuất chỉ tiêu quy hoạch đất cụm công nghiệp hợp lý; trong đó, ưu tiên tại các khu vực đất đai có khả năng canh tác sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, khả năng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ với khu vực để thu hút nhà đầu tư.
“Việc xác định quy hoạch quy mô cụm công nghiệp cần xác định theo thời kỳ quy hoạch và định hướng cho kỳ tiếp theo (đối với khu vực định hướng cho giai đoạn tiếp theo thì chỉ nên xác định ranh giới quy hoạch, còn về loại đất vẫn xác định theo hiện trạng để không phát triển dân cư tại các khu vực này mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất), từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp”, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất./.