Ngày 21/3/2022, Sở Xây dựng có văn bản số 554/SXD-QHKT gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư góp ý việc Công ty TNHH Thế giới thời trang áo cưới Thanh Hằng đề xuất dự án đầu tư khách sạn tại số 16 Pasteur, phường 4, thành phố Đà Lạt.
Cụ thể, cơ quan này cho biết đã nhận được văn bản số 476/KHĐT-THQH ngày 16/3/2022 của Sở Kế hoạch - Đầu tư về việc lấy ý kiến việc Công ty thế giới thời trang áo cưới Thanh Hằng đề xuất dự án đầu tư Khách sạn tại số 16 Pasteur, phường 4, thành phố Đà Lạt.
Qua xem xét hồ sơ đính kèm, Sở Xây dựng cho rằng, về quy hoạch: khu vực chưa có quy hoạch phân khu được phê duyệt. Căn cứ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và Vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ), vị trí khu đất thuộc khu đô thị trung tâm lịch sử; chức năng là đất khu ở cải tạo chỉnh trang; mật độ xây dựng từ 50 – 70%; tầng cao tối đa từ 3 - 5 tầng.
Về quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước: căn cứ Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt, biệt thự số 16 đường Pasteur thuộc biệt thự nhóm 3 và đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tháo dỡ biệt thự hiện hữu để đầu tư xây dựng công trình mới tại văn bản số 4702/UBND-QH ngày 8/7/2021.
Về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc: khu đất số 16 Pasteur đã được UBND tỉnh chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc tại văn bản số 4702/UBND-QH ngày 8/7/2021. Qua đối chiếu với hồ sơ đề xuất là phù hợp, cụ thể tổng diện tích khu đất: 2.199,6 m2; mật độ xây dựng phần nổi: ≤ 50% và mật độ xây dựng phần ngầm ≤ 76% (trên tổng diện tích đất 2.199,6 m2); tầng cao 5 tầng so với đường Pasteur (bao gồm: 1 trệt, 4 lầu; không bao gồm 1 tầng hầm). Dự án cũng có chiều cao tối đa công trình: 24,5m (tính từ cốt vỉa hè đường Pasteur đến đỉnh cao nhất của mái); khoảng lùi xây dựng: ≥ 6,0m so với lộ giới đường Pasteur (lộ giới 20m)...
Về tổng mức đầu tư, Sở Xây dựng nói rằng chi phí xây dựng, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác, chi phí dự phòng đề nghị tính toán theo định mức, hệ số, suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành và các quy định khác có liên quan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Sở Xây dựng góp ý việc Công ty TNHH Thế giới thời trang áo cưới Thanh Hằng đề xuất dự án đầu tư khách sạn, nhưng lại đưa ra căn cứ thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cụ thể, ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng số QCVN 01:2021/BXD.
Nếu căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng số QCVN 01:2021/BXD, khu đất số 16 Pasteur, phường 4, thành phố Đà Lạt có quy hoạch đất ở, tổng diện tích đất 2199,6 m2, thì mật độ xây dựng tối đa chỉ được 40%. Trong khi đó, Công ty TNHH Thế giới thời trang áo cưới Thanh Hằng đề xuất mật độ lên đến 50%.
Trước đó, Reatimes cũng đã thông tin trong bài Lâm Đồng: “Bỏ qua” quy chuẩn quốc gia, Tập đoàn Picenza được hưởng lợi, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng bỏ qua Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia để vượt mật độ xây dựng. Cụ thể, cơ quan này đã có văn bản số 275/SXD-QHKT, góp ý dự án đầu tư Casa Dolce Dalat Hotel của Công ty cổ phần tập đoàn Picenza Việt Nam, tại số 6 Yết Kiêu, phường 6, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, Sở Xây dựng nhận được văn bản số 206/KHĐT-THQH, ngày 08/02/2022, của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến xem xét đề nghị thực hiện dự án Casa Dolce Dalat Hotel của Công ty cổ phần tập đoàn Picenza Việt Nam.
Về đề xuất của Công ty cổ phần tập đoàn Picenza Việt Nam, Sở Xây dựng thông tin như sau:
- Tên dự án: Casa Dolce Dalat Hotel.
- Vị trí: số 06 Yết Kiêu, phường 6, thành phố Đà Lạt;
- Mục tiêu: xây dựng khách sạn phục vụ công tác lưu trú tại thành phố Đà Lạt.
- Quy mô dự án: Tổng diện tích đất 1.235 m2 , trong đó:
+ Diện tích xây dựng: 736 m2 (mật độ xây dựng 60%);
+ Số tầng: 05 tầng (không bao gồm 02 tầng hầm);
+ Chiều cao tối đa công trình: 24,5m (tính từ cốt mặt đất đặt công trình);
+ Hệ số sử dụng đất: 3,9 lần.
Về quy hoạch và chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, Sở Xây dựng trích dẫn 3 căn cứ pháp lý để áp dụng.
Thứ nhất, căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014) thì khu đất trên thuộc khu đô thị trung tâm; quy hoạch sử dụng đất là đất khu ở cải tạo, chỉnh trang (mật độ xây dựng: 50-70%; tầng cao trung bình: 3 - 5 tầng).
Thứ 2, căn cứ đồ án quy hoạch phân khu khu vực Trần Văn Côi – Hoàng Văn Thụ - Hoàng Diệu – Hải Thượng – Mai Hắc Đế - Ngô Quyền (khu D3), phường 5 & 6, thành phố Đà Lạt (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2903/QĐUBND ngày 06/12/2021) thì khu đất trên được quy hoạch là đất ở biệt lập (D3- BL12); mật độ xây dựng: ≤ 50% và tầng cao: 2 – 3 tầng.
Thứ 3, căn cứ Quyết định số 41/2021/QĐ-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ban hành quy định lộ giới và các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch và xây dựng đối với nhà ở và công trình riêng lẻ trên các phường thuộc thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thì khu đất trên được xác định là nhà ở biệt lập, mật độ xây dựng ≤ 60%; chiều cao tối đa xây dựng < 19m; khoảng lùi ≥ 3,0m so với lộ giới đường Yết Kiêu và ≥ 2,0m so với các ranh đất còn lại.
Sở Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, 2 báo cáo đề xuất UBND tỉnh trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành. Về quy mô và hình thức kiến trúc xây dựng công trình sẽ được xem xét thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch tỉnh sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo các chuyên gia, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đưa ra căn cứ thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cụ thể, ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng số QCVN 01:2021/BXD.
Nếu căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng số QCVN 01:2021/BXD thì khu đất số 06 Yết Kiêu, phường 6, thành phố Đà Lạt, quy hoạch đất ở, Tổng diện tích đất 1.235 m2, thì mật độ xây dựng tối đa chỉ được 40%. Trong khi đó, Công ty cổ phần tập đoàn Picenza Việt Nam đề xuất mật độ lên đến 60%.
Lâm Đồng có chạy theo lợi ích của tập đoàn Picenza để điều chỉnh?
Văn bản số 275 /SXD-QHKT, góp ý dự án đầu tư Casa Dolce Dalat Hotel của Công ty cổ phần tập đoàn Picenza Việt Nam, của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết, về quy định đối với biệt thự thuộc sở hữu nhà nước: căn cứ Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt thì biệt thự số 06 Yết Kiệu thuộc nhóm 2.
Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh biệt thự số 06 Yết Kiêu từ nhóm 2 sang nhóm 3 (văn bản số 5323/UBND-XD ngày 28/7/2021). Theo quy định thì đối với các biệt thự nhóm 3: "cho phép được cải tạo, tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ biệt thự để xây dựng công trình mới khi cần thiết để thu hút đầu tư và phát triển đô thị. Căn cứ vào quy hoạch, xác định vị trí, đánh giá chất lượng và tính chất của từng biệt thự, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể".
Do đó, theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng việc tháo dỡ công trình biệt thự hiện hữu để đầu tư xây dựng công trình mới tại khu đất trên là phù hợp (sau khi điều chỉnh Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tháo dỡ công trình hiện hữu).