Aa

“Làm nhà 20 - 30 tầng xong 'nhốt' cả vào trong, không phải là phương án tốt”

Thứ Năm, 14/09/2017 - 06:00

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, việc xây dựng các khu hành chính tập trung nên làm theo mô hình của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn nếu làm nhà 20-30 tầng xong “nhốt” cả vào trong đó cũng không phải là phương án tốt.

Xung quanh việc Hà Nội dự tính cuối năm 2017 sẽ dồn 8 Sở, ngành về khu liên cơ quan trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), sau đó lấy đất trụ sở cũ bán đấu giá để xây dựng một khu thứ hai tại quận Hai Bà Trưng, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về chủ trương này.

PV: Hà Nội chủ trương cuối năm nay sẽ di dời 8 sở, ngành về khu liên cơ quan trên đường Võ Chí Công. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Ông Thang Văn Phúc: Việc xây dựng các khu hành chính tập trung này là tư tưởng cải cách đã có từ lâu. Bây giờ nó liên quan đến hệ thống điện tử hóa, cơ bản tạo thuận lợi để tổ chức lại văn phòng một cửa cho đàng hoàng, khang trang.

Việc này một số địa phương đã làm rồi, như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương,... Tuy nhiên, tư tưởng của lãnh đạo một số sở là muốn độc lập tác chiến. Đây cũng là tư duy cũ. Khi tổ chức lại thì cảm thấy khó chịu, không được tự do nhưng vấn đề chính là công việc phải hiệu quả, phục vụ dân tốt hơn. Do đó, việc này thì nên làm sớm và xây dựng cho đàng hoàng.

PV: Ông vừa nói là việc này đã được một số địa phương làm rồi. Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các mô hình này ở các địa phương?

Ông Thang Văn Phúc: Như Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng cũng rất hay. Các cơ quan được tập trung vào một khu nhưng không phải như Đà Nẵng, Bình Dương mà thành một khu.

Mỗi sở vẫn là một nhà riêng nhưng cùng một khuôn viên. Việc xây dựng như thế sẽ hài hòa được sự độc lập tượng đối của các sở. Còn cho hết vào một tòa nhà cao tầng cũng không tốt. Hơn nữa, mình cũng không phải quá thiếu đất. Cần đưa ra ngoài một chút làm một khu cho nó đàng hoàng. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: VNN

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: VNN

Ở Bà Rịa – Vũng Tàu họ làm cả các ban Đảng và nhiều thứ ở đơn vị trong khuôn viên nên họp hành rất thuận tiện. Không phải đi lại từ sở nọ sang sở kia. Về mô hình tập trung ở các tỉnh thì mô hình của Bà Rịa – Vũng Tàu theo tôi là tốt nhất. Vừa độc lập nhưng vẫn thuận tiện trong việc họp hành.

Hiện nay họp hành rất nhiều, sở nọ họp đều mời sở kia và các ngành nên nếu ô tô rồng rắn thì đi lại nhiều thì không hiệu quả. Hà Nội nên thiết kế sao cho khéo, không nên làm nhà 20-30 tầng xong “nhốt” cả vào trong thì đó cũng không phải là phương pháp tốt.

PV: Thưa ông, Hà Nội đang dự tính sau khi di dời 8 sở, ngành về một khu liên cơ sẽ bán đấu giá trụ sở cũ để xây thêm một khu liên cơ quan nữa. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Thang Văn Phúc: Chính xác. Cần bán đấu giá trụ sở cũ đang ở để lấy tiền nuôi nó. Tư tưởng này tôi đã đề xuất từ năm 2000.

Tuy nhiên, tốt nhất nên tạo thành một khu, trong một khuôn viên. Nếu xây dựng hai khu thì lại chỗ nọ phải đi chỗ kia. Hoặc hai khu gần nhau, cách hàng rào thì cũng được. Tuy nhiên, đã lựa chọn phương án hành chính tập trung thì phải đưa về một khu.

PV: Thưa ông, lại nói về việc thu hồi trụ sở cũ. Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã thực hiện chủ trương di dời các trường học, nhà máy, cơ quan ra khu vực nội thành. Hiện tại đã di dời được một số trường học, bộ, ngành nhưng thành phố lại đang “than” không thu hồi được trụ sở cũ. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Thang Văn Phúc: Cái đó anh phải chuẩn bị cho người ta chỗ mới. Còn anh lấy được hay không là do cách làm thôi. Do anh để cho nó lây nhây ở hai nơi nên lấy không được. Tuy nhiên, nếu muốn làm đượ,c anh phải chuẩn bị trụ sở mới để lúc di chuyển thì chỉ di chuyển thôi.

Việc các cơ quan sau khi chuyển sang trụ sở mới không chịu trả trụ sở cũ là do kỷ cương, kỷ luật không tốt. Bây giờ anh phải cương quyết, Bộ nào không di chuyển không cấp ngân sách nữa xem sao? Nói chung là phải quyết liệt không thì khó hiệu quả.

Về nguyên tắc anh muốn lấy lại thì anh phải chuẩn bị các cơ sở chuyển về cho đàng hoàng. Khi mà chuyển là chuyển hết luôn chứ không có anh nào chưa xong, phải giữ lại.

Ngoài ra, muốn người ta di chuyển anh phải chuẩn bị nơi chuyển đến tốt hơn nơi đang làm. Giao thông trong, ngoài phải đẹp đẽ.

Tốt nhất, Hà Nội nên có một đề án. Khi đã trở thành nguyện vọng, ý chí của Thành ủy, UBND và có sự đồng ý của Chính phủ hay Quốc hội thì làm. Vì Thủ đô Hà Nội liên quan đến các cơ quan Trung ương nằm trên địa bàn. Vì vậy, cần có một ý chí thống nhất chứ không cứ lẻ tẻ thì chỗ này chống, hoặc chỗ kia ỳ ra đấy thì không làm được.

Nếu làm được tập trung là tốt nhất. Dân đi lại sẽ thuận lợi và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính trong việc hiện đại hóa công sở.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top