Phát triển nhà ở xã hội vẫn khó đủ đường
Sáng 9/5, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức sự kiện thường niên "Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025". Bên cạnh tổng kết, đánh giá hoạt động của Hiệp hội trong năm 2024, 4 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 -2026, Hội nghị còn thảo luận nhiều vấn đề nóng của thị trường, trong đó có câu chuyện phát triển nhà ở xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện phía doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Vinaconex nêu ý kiến rằng việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều thách thức.
Ông Thanh cho biết, thời gian qua, để hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách có tính chất gỡ khó. Tuy nhiên, các chính sách nằm ở tầm vĩ mô, khó đi vào đời sống, nên việc áp dụng là chưa hiệu quả.
Chưa kể, hầu hết các chính sách đều có độ trễ lớn. Từ khi chính sách được ban hành cho đến khi được triển khai và triển khai có hiệu quả mất nhiều thời gian.
Một hạn chế khác là việc áp dụng chính sách cho các dự án chuyển tiếp rất khó khăn, do các chính sách còn mơ hồ, không rõ ràng, thiếu minh bạch.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Vinaconex. (Ảnh: Tùng Dương)
Lấy ví dụ về quy định chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13%, ông Thanh đặt câu hỏi: "Vậy những dự án được giao hơn 3 năm nay nhưng đến hiện tại mới phê duyệt thì có được hưởng lợi nhuận 13% hay không hay vẫn phải áp dụng mức lợi nhuận 10%?".
Do đó, lãnh đạo Vinaconex cho rằng, cần chính sách cần sự rõ ràng tuyệt đối để việc áp dụng, nhất là đối với các dự án chuyển tiếp được thực hiện dễ dàng, hiệu quả. Nói thêm về nhà ở xã hội, ông Thanh cho biết, nguồn vốn đề phát triển loại hình này cũng đang là một "nút thắt" lớn. Gói hỗ trợ tín dụng 145.000 tỷ đồng đã được triển khai mấy năm nay nhưng giải ngân rất thấp do việc tiếp cận của cả doanh nghiệp và người mua nhà chưa thực sự dễ dàng.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội. (Ảnh: Tùng Dương)
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường đồng tình, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã có nhiều cải thiện nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ, song vẫn còn những thách thức. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách đã có nhưng vấn đề thực thi kém hiệu quả.
Ông Cường cho biết, có không ít trường hợp các chủ đầu tư mất 2 - 3 năm chưa xong một bộ hồ sơ làm nhà ở xã hội, do việc xử lý các thủ tục của cơ quan quản lý Nhà nước kéo dài.
Có trường hợp nhà đầu tư đã làm xong dự án nhưng điện, đường, trường, trạm nhằm phục vụ cư dân - thuộc trách nhiệm của địa phương, của Nhà nước - vẫn chưa hoàn thiện.
Một điểm nữa là công tác nghiệm thu, hậu kiểm, nhất là việc nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đối với dự án nhà ở xã hội mất rất nhiều thời gian, khiến nhiều dự án chậm đi vào sử dụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu cấp thiết về nguồn cung nhà ở của người có thu nhập thấp mà còn khiến nhiều doanh nghiệp chậm thu hồi vốn, dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư nhà ở xã hội của các doanh nghiệp.
Đề xuất các doanh nghiệp hội viên VNREA cùng hợp tác làm nhà ở xã hội
Để cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách và đảm bảo các chính sách được thực thi nhanh chóng, hiệu quả, ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản trong việc chủ động tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội cũng rất quan trọng.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân kiến nghị, các doanh nghiệp Hội viên VNREA nên có sự hợp tác với nhau trong phát triển nhà ở xã hội, bởi đây không chỉ là một phân khúc nhà ở mà còn là một yêu cầu rất lớn của xã hội hiện nay khi góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân.
"Khi chúng ta đi chung với nhau thì những kiến nghị của chúng ta sẽ có sức nặng hơn và cũng sẽ khắc phục được những hạn chế của nhau trong phát triển nhà ở xã hội. Từ đó bổ trợ cho nhau rất nhiều yếu tố như vấn đề nguồn vốn, nguồn lực nhân sự, mối quan hệ với các địa phương… ", ông Tuấn nói và cho biết, nếu việc hợp tác giữa các Hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong phát triển nhà ở xã hội được triển khai và Hiệp hội phát huy tốt vai trò tư vấn của mình, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ cải thiện đáng kể, Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng sẽ sớm về đích.

Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). (Ảnh: Tùng Dương)
Tại Hội nghị, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng hy vọng các doanh nghiệp bất động sản sẽ quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nhà ở xã hội. Cùng với đó là nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính cũng như chất lượng sản phẩm, để không chỉ đáp ứng tiến độ mà còn đảm bảo mục tiêu về chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình, thấp.
"Hy vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp dành sự quan tâm, coi đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là hướng đi chiến lược bền vững trong dài hạn", bà Hạnh bày tỏ và đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - tổ chức đại diện tiếng nói của doanh nghiệp - tiếp tục đồng hành cùng Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan thông qua việc đề xuất chính sách, phản ánh kịp thời vướng mắc từ thực tiễn và đóng góp các sáng kiến hiệu quả, nhằm góp phần quan trọng để thị trường nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, phát triển theo hướng minh bạch và bền vững./.