Tại phiên thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 vào chiều 21/11, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã nêu quan điểm về thời gian xác định giá trị thiệt hại tài sản đối với các vụ án: "Chúng ta phân biệt giữa chiếm đoạt với thiệt hại, có khác nhau. Nên nếu nói tới chiếm đoạt thì thời điểm tội phạm xảy ra gây thiệt hại là đúng nhưng thiệt hại đó thì xác định thời điểm khởi tố vụ án hay thời điểm tội phạm xảy ra là vấn đề phải suy nghĩ. Bởi vì trong thực tiễn, nếu liên quan đến khách thể bị xâm hại, tức hành vi xâm hại chiếm đoạt tài sản nhà nước là tài sản công, đất công, nhà đất công sản có việc này. Trong một vụ án đặc thù bất động sản của chúng ta lên giá rất nhanh, thậm chí chỉ cần 5-7 năm lên 5-10 lần. Tội phạm xâm hại đó chiếm đoạt 10 mặt bằng, vậy bây giờ nếu mình tính thời điểm hành vi phạm tội cách đây 10 năm nó chỉ cần bán một mặt bằng, còn lại lãi đến 9 mặt bằng. Làm gì có chuyện tội phạm lại còn lãi, đâu có được và thực tiễn đang như thế.
Trong Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán tối cao có xác định rất nhiều loại, trường hợp khác nhau Chánh án sẽ nói, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói thế chúng ta phải phân biệt ra, loại bất động sản, tài sản nhà nước là nhà đất công bị xâm hại là một dạng. Dạng thứ hai liên quan đến tội phạm xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế gồm có vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, vi phạm quy định việc đấu thầu, vi phạm về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi này về quản lý vốn, về quy định đấu thầu và quy định về đầu tư xây dựng công trình chưa xảy ra ngay hậu quả mà hành vi này diễn ra một thời gian đến khi bị phát hiện, ngăn chặn lúc đó các công trình, dự án bị ngừng thi công và nhà thông do không đủ năng lực thực hiện, lúc đó mới phát sinh hậu quả.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng và cán bộ ngân hàng vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, Điều 206. Chúng ta thấy hành vi lừa đảo này lập hợp đồng vay, thế chấp và thực tiễn tính thời điểm chuyển tiền cho các đối tượng có hành vi lừa đảo chứ không phải lúc lập hợp đồng thế chấp hay cho vay.
Có những đặc điểm như thế nên tôi đề nghị, kiến nghị với đồng chí Chánh án Nghị quyết 03 cũng đã giải quyết cơ bản một góc nhưng tôi đề nghị Chánh án nên chủ trì. Viện kiểm sát cũng như Bộ Công an sẽ cùng phối hợp để xây dựng thêm các tiêu chí để làm sao tội phạm không được lãi. Nhưng chúng ta không thể nói khoa học pháp lý là tính tại thời điểm hành vi được, bởi vì khoa học pháp lý để giải quyết thực tiễn chứ không thể để giải quyết tội phạm sau khi thực hiện hành vi, chỉ định giá một tài sản thôi, còn lại mấy cái kia lời to thì không cho phép. Thực tiễn chúng ta giải quyết hài hòa giữa quyền lợi của người có liên quan đến việc phạm tội với lợi ích của Nhà nước và kể cả lợi ích của các tổ chức khác là phải hài hòa. Theo tôi, chúng ta nên xây dựng thêm một số tiêu chí để sát hợp hơn.
Tôi ví dụ như bất động sản liên quan tới tài sản công là khác, liên quan tới xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là khác, liên quan tới lừa đảo trong ngân hàng là khác và trong thực tiễn các vụ án, chúng ta sẽ còn thấy nhiều việc khác nữa, để làm sao hài hòa, chứ còn hiện nay nếu chọn thời điểm không thì tôi nói anh Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt nhiều tài sản ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lắm. Nếu tính ở thời điểm phạm tội, chỉ bán vài cái thôi là hòa tiền, còn bao nhiêu có khi anh giàu to, bởi vì nhà đất tăng lên 10 lần rồi, mà tính ở thời điểm phạm tội thì cách đây 10 năm tài sản có 1 tỷ, bây giờ đã 20-30 tỷ. Nên chúng ta làm như vậy không được và người ra quyết định hành chính là quyết định vi phạm pháp luật để cho đối tượng đó chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, mà bây giờ chúng ta dựa vào thời điểm ra quyết định hành chính vi phạm pháp luật đó để làm căn cứ để tính giá trị thiệt hại của Nhà nước là tôi cho rằng không hợp lý.
Vấn đề này còn phức tạp trong thực tế, tôi đề xuất Chánh án nên có chủ trì, chúng tôi sẽ cùng bàn để làm sao xây dựng những tiêu chí làm sao cho sát hợp chứ hiện nay tôi nghĩ Nghị quyết 03 không phải sai nhưng để giải quyết hết các tình huống trong thực tiễn thì thực sự chưa sát lắm".
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao cho biết: "Ý kiến của đồng chí Viện trưởng về việc thời điểm xác định thiệt hại. Chúng tôi khi xây dựng Nghị quyết 03 đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan, cơ quan công an, viện kiểm sát, Bộ Tư pháp. Quy trình không khác gì quy trình làm luật, các cơ quan khác như Bộ Quốc phòng... và khi tất cả các cơ quan thống nhất thì chúng tôi ban hành Nghị quyết 03. Trong Nghị quyết 03 đã nói rõ thời điểm áp dụng pháp luật, tôi xin không nói lại, đối với những vụ án không xác định được thời điểm thì áp dụng theo thời điểm khởi tố. Ví dụ những vụ án mà hành vi phạm tội kéo dài như buôn lậu, sản xuất hàng giả,... ở thời điểm công an điều tra, khám phá được kho không biết là cái máy, cái xe này nhập lậu vào thời điểm nào, có thể trong nhiều năm, ma túy cũng vậy. Cho nên ở thời điểm khởi tố đối với những vụ án mà tình hình phạm tội kéo dài thì Nghị quyết 03 cũng đã giải quyết câu chuyện này.
Đối với vụ án Phan Văn Anh Vũ có rất nhiều tài sản xác định tài sản, thời điểm phạm tội chỉ bằng 1/10 hiện nay, giữ tài sản đó khi bán đi thành ra có lời, báo cáo Quốc hội là không có chuyện đó. Bởi vì xác định thời điểm phạm tội là thời điểm xảy ra sự kiện phạm tội, nhưng khi tòa tuyên thì tất cả những đất và bất động sản mà Phan Văn Anh Vũ vi phạm tịch thu. Cho nên không có chuyện còn giữ được tài sản nào để bán đi có lời, dẫu là ở thời điểm phạm tội hay là ở thời điểm khởi tố thì tất cả các bất động sản đó đều bị tịch thu, các vụ án khác cũng vậy không phụ thuộc vào giá cả ở thời điểm nào.
Cũng xin ghi nhận ý kiến của Viện trưởng, chúng tôi sẽ cùng nhau rà soát tất cả những nội dung khác, nếu Nghị quyết 03 còn điều gì chưa bao hàm hết chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung thêm và chúng ta lại quay lại quy trình như xây dựng pháp luật".