Aa

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường: Vi phạm - chuyện thường ngày!

Thứ Hai, 03/12/2018 - 04:00

Thời điểm sau khi TP. Hà Nội ra quân thực hiện xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, trên địa bàn thành phố cơ bản không còn cảnh buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; xe máy, xe đạp được xếp gọn gàng đúng quy định...

Thế nhưng đến nay, vỉa hè, lòng, lề đường ở hầu hết các quận, huyện, thị xã đang bị "tái chiếm" trở lại. Mặc dù đây là một vấn đề nan giải, "căn bệnh" trầm kha, nhưng đã đến lúc Hà Nội cần có những "liều thuốc mạnh" để "trị" tận gốc.

Vỉa hè trước cổng chợ Ngã Tư Sở bị chiếm dụng để bán hàng.

Vỉa hè trước cổng chợ Ngã Tư Sở bị chiếm dụng để bán hàng.

23h đêm, người con trai tất tưởi dọn dẹp bàn ghế, người mẹ già nhanh tay cất phích nước, lia vài vòng chổi quét dọn rác. 23h40, hai mẹ con họ trở về nhà để ngày mai tiếp tục hành trình bán trà đá vỉa hè. Hình ảnh trên có thể dễ dàng bắt gặp hằng ngày trên nhiều tuyến phố sầm uất của Thủ đô. Nó cũng biểu hiện rõ nét cho hiện tượng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán ở Hà Nội hiện nay.

Khi vỉa hè chật chội

Chật chội, hỗn độn, đó là đặc trưng vỉa hè của những tuyến phố ở các quận trung tâm tại Hà Nội. Điều này được thể hiện rõ nét ở quận Hai Bà Trưng. Từ 11h30 trưa hằng ngày, từng dòng người từ các tòa nhà, trung tâm thương mại, cơ quan... đổ dồn về các hàng ăn. Lúc này, xe để dưới lòng đường, vỉa hè, hàng ăn án ngữ, hàng rong bán vô tội vạ khắp nơi... Trước cửa quán bia hơi số 65 phố Trần Nhân Tông, số 50 phố Bùi Thị Xuân, vỉa hè cũng để kín xe máy, dưới lòng đường một dãy ô tô đỗ nối đuôi nhau.

Đặc biệt, tại phố Triệu Việt Vương và Mai Hắc Đế, các quán ăn, nhà hàng trưa nào cũng đông khách vào ra ăn uống; xe máy, ô tô đỗ tràn hai bên đường gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Theo quan sát của phóng viên, các tuyến phố này vỉa hè nhỏ, hẹp, mặt cắt ngang chỉ khoảng 2m, nhưng nhiều chỗ đã bị người bán hàng chiếm dụng làm nơi buôn bán.

Ông Kiều Hữu Lộc, ở phố Huế bức xúc: "Vỉa hè chỉ được yên bình mỗi khi các hàng ăn, cà phê tạm nghỉ. Một khi họ mở cửa thì hè hay đường đều được tận dụng, người đi bộ phải đi xuống đường là chuyện bình thường...".

Tại quận Đống Đa, nhiều tuyến phố từ lớn đến nhỏ cũng thường xuyên xảy ra cảnh ùn ứ. Phố Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng dù là trục đường chính của thành phố nhưng vỉa hè và mặt cắt ngang đường rất hạn chế. Đoạn vỉa hè vi phạm “chướng mắt” nhất phải kể đến trước cổng chợ Ngã Tư Sở. Tại đây có hàng chục sạp hàng lớn bán quần áo, kính mắt, hoa quả... ngang nhiên bày bán từ sáng sớm đến đêm khuya.

Người dân sống gần khu vực này cho biết, từ lâu các đoạn vỉa hè tại đây được ngầm “phân chia chủ quyền”, không ai có thể xâm phạm. Vi phạm diễn ra tràn lan, đặc biệt là buổi chiều tối và ngày cuối tuần, nhưng không hiểu vì lý do gì mà vi phạm không bị xử lý dù khu vực này chỉ cách trụ sở UBND phường Ngã Tư Sở chừng 300m?

Tương tự, vỉa hè nhiều tuyến phố của quận Hoàng Mai cũng “nổi tiếng” là chật chội. Bà Nguyễn Thị Hạnh, phố Nguyễn Đức Cảnh ngao ngán nói: “Con phố chỉ dài 700m nhưng có tới 6 khối nhà chung cư cao tầng ở hai bên đường. Trong khi đó, nhiều đoạn đường không có vỉa hè, người dân mở cửa hàng chiếm luôn lòng đường làm nơi giao dịch”. Phố Lương Khánh Thiện, Nguyễn An Ninh cũng trong tình trạng tương tự.

Tại quận Long Biên, theo khảo sát của phóng viên, mặc dù quận mới ra quân “cắt” hàng loạt mái che, mái vẩy vi phạm và chấn chỉnh trật tự vỉa hè, lòng đường, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng, đỗ xe vẫn xảy ra ở nhiều tuyến phố sầm uất như Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn...

Chính quyền, cơ quan chức năng đều kêu khó!

Vi phạm trật tự công cộng, trật tự đô thị đang diễn ra tại nhiều tuyến phố Hà Nội, nhưng khi hỏi về công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm và duy trì đường thông hè thoáng trên địa bàn, lãnh đạo hầu hết các phường hay quận đều kêu khó!

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi (gần chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm) bị chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống đường.

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi (gần chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm) bị chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống đường.

Đại diện UBND quận Thanh Xuân lý giải: "Việc duy trì trật tự tại các “chợ cóc” sau giải tỏa gặp nhiều khó khăn do số lượng các chợ chính trên địa bàn quận chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hơn nữa, khi xử lý vi phạm trật tự đô thị động chạm đến đời sống của hàng nghìn hộ dân; một số tuyến phố có vỉa hè chỉ dưới 3m, cá biệt quận có 17 tuyến phố không có vỉa hè nên rất khó khăn cho việc sắp xếp nơi để phương tiện...".

Chỉ ra những bất cập trong quản lý vỉa hè, bà Tạ Thị Thanh Huyền, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) cho biết, khi xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, các chủ đầu tư không bố trí đủ diện tích, bởi vậy người dân, nhân viên, khách hàng phải gửi xe ở các khu vực xung quanh nên phát sinh vi phạm. UBND phường đã yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm bố trí, sắp xếp chỗ để phương tiện, giảm áp lực cho vỉa hè; đồng thời đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng thêm bãi đỗ xe tĩnh, nhưng xem ra khó thực hiện.

Trong khi đó, theo Thượng tá Nguyễn Duy Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, cơ sở hạ tầng quận tuy được mở rộng nhưng chưa đáp ứng sự phát triển của các phương tiện giao thông. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh, buôn bán là nguồn thu chính của cá nhân, hộ gia đình, giá thuê nhà cao, diện tích nhà hẹp, khi không có lực lượng chức năng người dân đã lợi dụng vỉa hè để bán hàng.

“Muốn giải quyết triệt để các điểm trông xe không phép ở lòng đường, hè phố, cần bố trí các điểm sắp xếp trông giữ phương tiện trong nhà, khu đất trống, đất dự án nhằm giảm tải nhu cầu tại điểm trông xe mặt các tuyến phố chính, giảm tình trạng phương tiện dừng đỗ sai quy định. Như vậy, việc bảo đảm trật tự văn minh đô thị sẽ bền vững hơn" - Thượng tá Nguyễn Duy Tuấn đề xuất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top