"Gửi vàng nhầm mặt" và nước mắt nhà thầu
Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn gồm: Hợp phần cao tốc dài 64km và hợp phần tăng cường mặt đường dài 105km, với mức đầu tư tới 12.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 7/2015. Tuy nhiên do không “chọn đúng mặt để gửi vàng” nên đến 2017, dự án có nguy cơ phá sản hoàn toàn.
Đỉnh điểm là tháng 3/2017, Bộ GTVT đã phải quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư (đứng đầu là UDIC). Sự đình trệ này đã đẩy các nhà thầu lâm vào cảnh sống dở chết dở vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án; để lại dư luận rất xấu cho người dân và chính quyền địa phương nơi dự án đi qua.
Tình hình này khiến lãnh đạo Bộ GTVT đã phải kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực "giải cứu" dự án.
Nếu chọn sai nhà đầu tư, kịch bản mất mát có thể sẽ lặp lại: Dự án sẽ đội vốn lên nhiều ngàn tỷ như rất nhiều dự án Đường sắt Hà Đông – Cát Linh, Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dự án Metro tại TP.HCM.
Cuối cùng, nhân vật được chọn để thực hiện sứ mệnh giải cứu, là nhóm nhà đầu tư đã từng thực hiện rất thành công nhiều dự án hầm đường bộ phức tạp, hiện đại nhất Việt Nam, với tiến độ luôn về đích trước thời hạn và tiết kiệm cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng: Hầm đường bộ Đèo Cả, Cổ mã, Cù Mông, Hải Vân…
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (đơn vị được chọn mặt gửi vàng giải cứu dự án) đã đắn đo rất nhiều khi đứng trước những ngổn ngang mà nhà đầu tư cũ để lại.
Bởi nhà đầu tư cũ không những gặp vấn đề lớn về tài chính mà còn yếu kém về năng lực quản lý. Nếu không có tư duy hoạch định, quản lý, sắp xếp khoa học, quyết liệt, thì việc tiếp quản một mớ bòng bong như vậy sẽ trở thành thách thức thực sự.
Nhưng rồi, một trong những lý do quan trọng khiến ông Hoàng và cộng sự quyết định giải cứu dự án, là vì nhìn thấy những giọt nước mắt.
Tập đoàn của ông Hoàng, vốn rất thành công ở các dự án miền Trung và miền Nam. Lúc đó ông không có ý định Bắc tiến. Nhưng sau khi UDIC bị Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng, một số nhà thầu của UDIC đã đến gặp ông. Họ chảy nước mắt vì khoản tiền không nhỏ đã ứng trước của mình có nguy cơ sạch bách, hàng trăm, hàng ngàn công nhân có nguy cơ thất nghiệp. Có những vị còn nói: Nếu dự án phá sản, họ chỉ còn nước tự tử. "Rất mong anh vào cuộc!”.
Coi giải cứu cho dân là điều kiện quan trọng để giải cứu dự án
Một trong những vấn đề mà Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đồng thuận rất cao với UBND tỉnh Lạng Sơn khi chấp nhận giải cứu dự án, đó là phải kiến nghị để xóa bớt một trạm thu phí trên tuyến đường 105km này.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chia sẻ: “Dự án ban đầu thiết kế 2 trạm thu giá trên tuyến đường 105km này. Nếu có hai trạm thu, thì đương nhiên nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều về phương án tài chính.
Thế nhưng chúng tôi hiểu rằng, nếu nhà đầu tư không hài hòa lợi ích với người dân, thì cả hai sẽ không thể chung sống với nhau hòa thuận và lâu dài. Chính vì vậy, chúng tôi và UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa đi một trạm.
Giải pháp ấy sẽ khiến chúng tôi khó khăn hơn về phương án tài chính, nhưng chắc chắn người dân sẽ hài lòng”.
Ông Trần Phúc Tự, TGĐ Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho biết: “Ban đầu, cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Độ dài 105km hoàn toàn phù hợp cho việc đặt hai trạm thu giá (trước có quy định hai trạm không được cách nhau dưới 70km), nhưng chúng tôi vẫn cương quyết đồng thuận với UBND tỉnh xóa bỏ 1 trạm. Việc hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với người dân, bao giờ cũng là nguyên tắc tối quan trọng của chúng tôi”.
Và kiến nghị hợp tình đó đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Việt Nam là đất nước đang trên con đường phát triển, nhà nước không thể đảm đương hết được những nhiệm vụ nặng nề, vì vậy chắc chắn không thể thiếu những dự án xã hội hóa, BOT.
Nhưng cả BOT lẫn cuộc sống của người dân sẽ không thể khá lên, nếu nhà đầu tư, nhà nước và người dân không được hài hòa lợi ích.
Việc một nhà đầu tư cùng UBND tỉnh dũng cảm xóa bớt trạm BOT, bớt gánh nặng cho dân, sẽ là câu chuyện mà các bên cần nhìn vào nếu muốn phát triển bền vững.
Những cam kết thấu tình, đạt lý Với độ thi công quyết liệt, tháng 11/2017 dự án 105km đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho phép đưa vào sử dụng. Ngày 1/6/2017, tuyến đường này chính thức được thu phí, sau khi hoàn thành 6 tháng. Để khẳng định phương châm hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư, Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn và được chấp nhận phương án mở rộng mức miễn giảm thu phí cho người dân: Những phương tiện của người dân sinh sống trong vòng bán kính 10km tính từ Trạm thu giá Km93+160, đều ở trong diện áp dụng miễn giảm. Các hợp phần khác của dự án như đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng, cũng đang được nhà đầu tư đôn đốc thi công quyết liệt để về đích đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh Lạng Sơn và người dân, cố gắng cao nhất để tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. |