Aa

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng mắc hàng loạt sai phạm tại bán đảo Sơn Trà

Thứ Bảy, 19/10/2019 - 06:30

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, giám đốc các sở, ngành chức năng qua các thời kỳ chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao, chưa chấp hành các quy định về quản lý đất đai, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh quốc phòng.

Chiều 18/10, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà.

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng; các Sở, Ban ngành chức năng TP. Đà Nẵng; UBND quận Sơn Trà; Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các Chủ đầu tư dự án đã có những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư tại bán đảo Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà là khu vực tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển và đô thị, có các yếu tố về cảnh quan môi trường, bảo tồn tự nhiên, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú trong đó có loài quý hiếm thuộc Sách Đỏ, như Voọc chà vá chân nâu… có lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển du lịch và có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh; đã được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. 

Sai phạm của UBND TP. Đà Nẵng 

Đối với UBND TP. Đà Nẵng, đến thời điểm thanh tra, UBND TP chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; các cơ quan, đơn vị chức năng chưa thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể về đa dạng sinh học, chưa lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học trên Bán đảo Sơn Trà theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đa dạng sinh học năm 2008; chưa thực hiện báo cáo tình trạng loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 43 Luật Đa dạng sinh học năm 2008… gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên Bán đảo Sơn Trà.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, Khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 thì rừng đặc dụng có thể được sử dụng để phục vụ nghỉ ngơi, du lịch… nhưng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại Khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 (Nguyên tắc phát triển, sử dụng rừng đặc dụng: Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên phải được xác định rõ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm) và các quy định pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, UBND TP. Đà Nẵng, các sở, ngành chức năng chưa thực hiện công tác xác định rõ các phân khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm) làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên Bán đảo Sơn Trà là chưa đúng quy định.

Ảnh minh họa.

Tại Quyết định số 6758 ngày 20/8/2008, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà với diện tích là 2.591,1ha, so với diện tích UBND TP trình và được Bộ NN và PTNT thẩm định là 3.871ha, thì đã cắt giảm 1.279,9ha để đưa diện tích rừng này vào các dự án tại Bán đảo Sơn Trà, vi phạm quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế các dự án đều chưa triển khai nên diện tích rừng đặc dụng trên Bán đảo Sơn Trà không có biến động nhiều.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ 7 dự án giao, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng trong tổng số 18 dự án trên bán đảo Sơn Trà được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt, chấp thuận, có một phần diện tích là rừng tự nhiên với tổng diện tích là 163,32ha nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng.

2 dự án Đà Nẵng có văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, nhưng chỉ có 1 dự án Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất, 1 dự án chưa có văn bản trả lời. Mặc dù vậy, UBND TP vẫn giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án.

16 dự án còn lại, UBND TP. Đà Nẵng chưa có văn bản lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, sau đó UBND TP. Đà Nẵng không tổ chức rà soát để xử lý vi phạm.

TP cũng giao đất, cho thuê đất đối với 3 dự án (khu du lịch bãi Bụt, khu du lịch bãi Trẹm, khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản) khi không có hồ sơ dự án đầu tư, như vậy là vi phạm quy định. Đồng thời, không tổ chức thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đối các dự án thuộc nhóm A là vi phạm quy định của Chính phủ.

Đà Nẵng được xác định không thẩm định về nhu cầu sử dụng đất đối với 4 dự án (Khu du lịch, dịch vụ ven biển và dịch vụ sinh thái cao cấp Hồ Xanh; Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa - Mũi Nghê; Khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy hải sản; Khu biệt thự Suối Đá) hoặc có thẩm định nhưng không đầy đủ trình tự, thủ tục.

Địa phương này còn giao cho các đơn vị không có chức năng, thẩm quyền là Công ty Quản lý và Khai thác đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất với Chủ đầu tư một số dự án, vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2003.

Đến thời điểm thanh tra, Đà Nẵng đã thu hồi dự án khu du lịch Bãi Rạng, giao Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố quản lý.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng đã ban hành quyết định đấu giá đất chưa đúng quy định, nội dung thông báo đấu giá thiếu thông tin về quy hoạch sử dụng đất chi tiết, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất...

Đặc biệt, TP đưa ra đấu giá đất khi khu đất chưa được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, chưa đền bù giải phóng mặt bằng, không có phương án đấu giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư để thực hiện 5 dự án trên bán đảo Sơn Trà với thời hạn sử dụng đất lâu dài cũng được xác định đã vi phạm Luật Đất đai năm 2003.

Ngoài ra, Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết 3 dự án chưa phù hợp với diện tích quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 2 dự án không thuộc các trường hợp được điều chỉnh. TP chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, hoặc phê duyệt sau khi chủ đầu tư đã khởi công xây dựng là chưa đúng quy định.

TP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chủ đầu tư chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, cho chủ đầu tư hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất năm 2004 - 2015 không đúng đối tượng; thực hiện chưa đầy đủ thủ tục thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Chính quyền địa phương này đã thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tại một số dự án đã có quyết định giao đất và nhận bàn giao mặt bằng nhưng chưa triển khai xây dựng, không có văn bản xin gia hạn; chưa xử lý, giải quyết việc xin gia hạn thời gian thực hiện dự án của một số chủ đầu tư.

Đà Nẵng cũng không ban hành giá đất tại bán đảo Sơn Trà dẫn đến việc xác định tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất gặp nhiều khó khăn; chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định về xác định giá đất.

Chính quyền không lấy ý kiến hoặc không xem xét ý kiến về giá đất từ các sở, ban, ngành mà chỉ căn cứ ý kiến của Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND TP tại các cuộc họp; xác định sai thời điểm tính giá đất để thu tiền sử dụng đất; cho hưởng ưu đãi, giảm 10% tiền sử dụng đất... tại một số dự án không đúng quy định; xác định, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; không tính, thu tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất... là không đúng quy định.

Bên cạnh đó, UBND TP xác định tiền chuyển quyền sử dụng đất dự án khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa, diện tích đất thấp hơn so quy hoạch chi tiết xây dựng là 13.679m2.

Giao đất, cho thuê đất lô L09 thuộc dự án khu biệt thự Suối Đá không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng dự án khu biệt thự Suối Đá chưa đúng quy định. Nếu tính theo giá đất giao có thu tiền sử dụng đất là 2.500.000 đồng/m2 làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 11 tỷ đồng.

Sai phạm của các Sở, Ban ngành chức năng TP. Đà Nẵng

Đối với các Sở, Ban ngành chức năng, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, đã chưa thực hiện xác định ranh giới các phân khu chức năng rừng đặc dụng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm) làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên Bán đảo Sơn Trà.

Các cơ quan, đơn vị chức năng chưa thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể về đa dạng sinh học, chưa lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học trên Bán đảo Sơn Trà theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đa dạng sinh học năm 2008; chưa thực hiện báo cáo tình trạng loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 43 Luật Đa dạng sinh học năm 2008… gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên Bán đảo Sơn Trà.

Các Sở, Ngành cũng không thẩm định hoặc thẩm định nhưng không đầy đủ về nhu cầu sử dụng đất tại một số dự án, không đúng quy định. Trong đó, Công ty Quản lý và Khai thác đất, Ban Quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc được giao và đã ký Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất với một số Chủ đầu tư dự án không đúng quy định tại Khoản 4 Điều 5 Luật Đất đai năm 2003.

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cấp phép xây dựng không căn cứ vào Quyết định phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Dự án Khu biệt thự Suối Đá); thiếu kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền về đầu tư xây dựng tại các dự án...

Sai phạm của UBND quận Sơn Trà

UBND quận Sơn Trà đã thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng...

Ngoài ra, UBND quận Sơn Trà đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-XPVPHC ngày 20/3/2017 xử phạt hành chính đối với Chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa khi chưa có đủ căn cứ, cơ sở; chưa đúng với điểm e Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.

Sai phạm của các chủ đầu tư dự án

Chủ đầu tư dự án được xác định không có hồ sơ đề nghị trình các cơ quan chức năng để chấp thuận địa điểm, giao đất, cho thuê đất; khởi công xây dựng khi chưa có Giấy phép xây dựng.

Các chủ đầu tư cũng không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (dự án khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi Trẹm; dự án Khu biệt thự Suối Đá; dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy hải sản); không lập, trình các cơ quan chức năng báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung; khởi công xây dựng khi chưa được các cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa được cấp phép để xả nước thải vào nguồn nước theo quy định.

Ngoài ra, nhà đầu tư không làm thủ tục đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy hải sản và dự án khu du lịch Biển Đông mở rộng. Chủ đầu tư chưa có văn bản xin gia hạn thời gian thực hiện dự án khi dự án chậm tiến độ, chưa nộp tiền Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; khoản tiền 10% tiền sử dụng đất được giảm, ưu đãi đầu tư không đúng quy định; tiền chậm nộp tiền sử dụng đất; tiền sử dụng đất chuyển từ đất thuê sang đất giao quyền sử dụng...

Riêng dự án khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa, chủ đầu tư nhận bàn giao mặt bằng nhưng chưa triển khai xây dựng, không có văn bản xin gia hạn. Đặc biệt, có biểu hiện chuyển nhượng dự án nhưng không thấy kê khai, nộp các khoản nghĩa vụ có liên quan vào ngân sách Nhà nước.

Sai phạm của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện đúng trách nhiệm quản lý Nhà nước được giao khi sử dụng số liệu của UBND TP. Đà Nẵng tại Quyết định số 6758 ngày 20/8/2008, Nghị quyết số 105 ngày 12/9/2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011 - 2015) của thành phố, trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 1976 ngày 30/10/2014, phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó diện tích rừng tại Bán đảo Sơn Trà 2.591,1ha - không đúng với hiện trạng và diện tích rừng đã được Bộ thẩm định trước đó (3.871ha).

Kiên quyết thu hồi các dự án có vi phạm

Đánh giá về nguyên nhân, Thanh tra Chính phủ nhận định phần khách quan do bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng, có vị trí tương đối độc lập, địa hình đồi núi dốc, hiện chỉ có một đường duy nhất chạy đến chân bán đảo, khó khăn trong công tác quản lý đất đai, rừng, đa dạng sinh học, đầu tư xây dựng...

Các dự án được triển khai từ những năm 2003, thời kỳ này các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư vẫn còn có những nội dung bất cập, chưa đồng bộ.

Tuy nhiên, về chủ quan, UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch, các Phó chủ tịch thành phố, giám đốc các sở chức năng, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà qua các thời kỳ có lỗi khi chưa thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm được giao, chưa chấp hành các quy định về quản lý đất đai, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng, đầu tư, xây dựng...; thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý những tồn tại, vi phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước được giao, còn chủ đầu tư một số dự án vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường...

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm đối với các khuyết điểm, vi phạm trên thuộc về Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Giám đốc các Sở, lãnh đạo các phòng ban, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và các cán bộ có liên quan qua các thời kỳ có các khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Lãnh đạo Bộ, thủ trưởng, cán bộ các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm về khuyết điểm, vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý. Và chủ đầu tư các dự án, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm về các vi phạm nêu trên.

Trên cơ sở sai phạm đã chỉ ra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Đà Nẵng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ (Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng…) kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư tại bán đảo Sơn Trà, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, an ninh quốc phòng, du lịch... đã được phê duyệt.

Kiên quyết xử lý, thu hồi đối với những dự án, diện tích đất không đủ điều kiện, có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng... đặc biệt là diện tích 364,81ha đất của 4 dự án và một phần diện tích của 10 dự án có vi phạm phải được rà soát để xử lý.

Đối với 282,15ha mặt nước biển của 4 dự án (khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc: 225,69ha; khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa mở rộng: 31,99ha; khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa: 3,65ha; tổ hợp khu du lịch - dịch vụ cao cấp Sơn Trà: 20,82ha), Đà Nẵng căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu về bảo vệ rừng, an ninh quốc phòng để xử lý theo thẩm quyền, đúng pháp luật. Trong quá trình triển khai, nếu vượt thẩm quyền, phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Đà Nẵng và các Bộ rà soát, xác định giá đất; tính và thu nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước các khoản nghĩa vụ tài chính của các dự án, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, có tính đến yếu tố đặc thù tại bán đảo Sơn Trà; đối với các dự án chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì xem xét thực hiện đấu giá theo quy định.

Cùng với đó, chỉ đạo thu hồi khoản tiền chủ đầu tư chưa nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Đà Nẵng, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, khoản tiền giảm 10% giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng trừ chi phí giải phóng mặt bằng, giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định; phối hợp với Bộ Quốc phòng kiểm tra, rà soát về yếu tố an ninh quốc phòng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà để xử lý theo quy định của pháp luật.

Các văn bản do UBND TP. Đà Nẵng ban hành không đúng quy định của pháp luật (việc giảm, hỗ trợ tiền sử dụng đất, xác định giá đất, giao đất, phê duyệt quy hoạch...) được đề nghị huỷ bỏ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc Bộ có khuyết điểm, vi phạm; phối hợp với Đà Nẵng kiểm tra, rà soát, trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng đối với Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top