Aa

Lắp dải phân cách “giành đường” cho xe BRT: Lại một “phép thử” khác của Hà Nội?!

Thứ Sáu, 20/01/2017 - 07:11

Vài ngày nay, thông tin việc UBND TP. Hà Nội đồng ý với đề xuất cho phép lắp dải phân cách mềm giữa đường tại một số điểm nhà chờ hay xảy ra ùn tắc giao thông, nhằm “giành đường” cho xe buýt nhanh BRT đã thu hút sự chú ý của dư luận...

Phải thẳng thắn rằng, không phải bây giờ người ta mới chú ý đến từng việc làm của ngành giao thông mà cách đây hơn 10 năm, khi đường sá Thủ đô rơi vào “cuộc khủng hoảng” với hàng loạt tuyến đường xảy ra ùn tắc liên miên thì mỗi giải pháp được đưa ra đều thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận. Sở dĩ, có sự quan tâm đặc biệt này là vì mỗi giải pháp do cơ quan chức năng triển khai đều ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người tham gia giao thông trên đường.

Nói không đâu xa như “sáng kiến” tổ chức thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông với giá trị giải thưởng lên tới 200.000 USD đã dấy lên luồng dư luận trái chiều suốt gần nửa tháng nay. Người thì cho rằng, đáng ra việc này phải làm từ lâu lắm rồi nhưng mãi tận bây giờ, khi mọi giải pháp đều tỏ ra bế tắc thì Sở Giao thông Vận tải mới phát động một cuộc thi như vậy. Người khác thì cho rằng, là cuộc thi “hiến kế”, tác động đến cả triệu triệu người nhưng đơn vị tổ chức lại rút gọn đối tượng tham gia là không thật sự "cầu thị"... 

Hình ảnh xe buýt nhanh hoạt động trên đường phố Hà Nội.

Hình ảnh xe buýt nhanh hoạt động trên đường phố Hà Nội.

Hay mới đây, việc đưa xe buýt nhanh BRT tuyến số 1 (Kim Mã – bến xe Yên Nghĩa) vào hoạt động cũng vậy. Mục đích ban đầu là để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ, lôi kéo hành khách sử dụng loại hình phương tiện công cộng này. Rõ ràng, dư luận sẽ chẳng “dậy sóng” nếu như việc đưa xe BRT thí điểm này vào vận hành cũng giống các tuyến buýt khác đã triển khai trước đây.

Lần này, để đạt được tốc độ dự kiến, liên ngành Sở Giao thông Vận tải và Công an TP. Hà Nội đã phải lập kế hoạch tổ chức giao thông và “xin cấm đường” một số phương tiện để chạy thử. Ngay lập tức, cách làm có 1 không 2 này đã gây ra cuộc tranh luận về việc ủng hộ hay phản đối việc dành làn riêng cho xe buýt chạy trong khi hàng trăm người đang chen nhau trong đám tắc đường.

Mới đây nhất, sau 12 ngày vận hành chính thức, do không đạt tốc độ theo yêu cầu, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xin lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho phép lập dải phân cách giữa đường để “giành đường” cho xe buýt nhanh chạy tại một số điểm hay bị ùn tắc.

Theo kế hoạch được công bố, từ nay đến Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập dải phân cách mềm tại một số điểm nhà chờ khu vực Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Giảng Võ... Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã lên tiếng phản đối và cho rằng việc lắp dải phân cách cứng không phù hợp ở thời điểm hiện nay.

Theo ý kiến các chuyên gia, Hà Nội cần tính toán hợp lý hơn để hạn chế lãng phí và trong khi hạ tầng, áp lực giao thông quá lớn có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc khi phân làn “cưỡng bức”.

Cách đây mấy năm, Hà Nội từng mang bê tông ra phân làn cho các phương tiện ô tô, xe máy. Tuy nhiên, do cách làm này gây ra nhiều vụ tai nạn nên đã phải dỡ bỏ.

Cách đây mấy năm, Hà Nội từng mang bê tông ra phân làn cho các phương tiện ô tô, xe máy. Tuy nhiên, do cách làm này gây ra nhiều vụ tai nạn nên đã phải dỡ bỏ.

Có thể thấy, không phải bây giờ Hà Nội mới thực hiện việc đặt dải phân cách giữa đường để dành mục đích làm gì đó. Còn nhớ cách đây vài năm, Hà Nội đã 5 lần, 7 lượt chi hàng chục tỷ đồng để phân làn các tuyến đường: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Phố Huế, Giải Phóng, Nguyễn Trãi...

Thời điểm đó, do việc phân làn bằng vạch sơn trắng không hiệu quả, có thời gian, Hà Nội đã phải cắm cọc mềm có phản quang giữa các làn đường, thậm chí mang những mảng bê tông cứng ra phân chia làn cho ô tô, xe máy, nhằm “cưỡng ép” các phương tiện đi đúng nhưng được một thời gian các ý tưởng trên cũng buộc phải dỡ bỏ vì cách làm trên đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường.

Nhìn vào cách làm trên, có thể thấy, với cách làm “nửa vời” như hiện nay, chắc chắn việc lắp dải phân cách giữa đường lần này cũng sẽ không cho kết quả khả quan mà đây có thể chỉ là một “phép thử” nữa của Hà Nội, về ý thức của người tham gia giao thông tại Thủ đô.

Vẫn biết trong điều kiện hạ tầng giao thông chật chội, ùn tắc xảy ra liên miên thì việc lập hẳn một làn đường riêng với dải phân cách cứng cho xe BRT chạy là rất khó. Tuy nhiên, với cách “tư duy kiểu nửa vời” như hiện nay (nửa muốn thực hiện, nửa mong chờ vào ý thức của người tham gia giao thông) thì việc làm trên sẽ khó có kết quả như mong đợi.

Nhà báo Nguyễn Xuân Tùng

Nhà báo Nguyễn Xuân Tùng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top