Aa

Lễ hội và lễ hội phục dựng

Thứ Hai, 10/02/2020 - 06:30

Lễ hội có không gian và chủ nhân của nó. "Phục dựng" mà tách nó ra khỏi không gian, mà dùng nghệ sĩ chuyên nghiệp thay thế chủ nhân, thì đấy là cách nhanh nhất giết chết lễ hội.

Việt Nam có rất nhiều lễ hội. Sau Tết, là liên miên lễ hội. Năm nay, dịch cúm Corona thế mà những ngày đầu năm nay, người đi các lễ hội cũng chẳng giảm đi bao nhiêu.

Nó như là một sự... bù trì cho một thời gian dài, lễ hội dân gian hầu như bị tẩy chay, hoặc nếu có, thì nó hoạt động hết sức bí mật.

Giờ thì các lễ hội dân gian đang ngày càng trở thành "hiện tượng" khi mà khắp trong Nam ngoài Bắc, chỗ nào cũng có lễ hội. Và ngành du lịch phát triển cũng nhờ các lễ hội ấy.

Gần đây, có khá nhiều nơi, nhiều địa phương, nhiều "lễ hội du lịch" người ta hay phục dựng lại các lễ hội, nhất là các lễ hội dân gian.

Điều đó có thể là điều tốt, bởi nếu không phục dựng, biết đâu lễ hội ấy sẽ thất truyền, mà chúng ta thì đã có chủ trương và kế hoạch rất lớn để "bảo tồn và phát huy" các loại lễ hội dân gian ấy.

Nhưng, phục dựng thế nào lại là chuyện khác.

Quê tôi, làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, mấy năm gần đây, năm nào mùng 2 Tết, làng cũng mở hội đu tiên. Không phải phục dựng, vì nó do chính dân làng làm, dân làng chơi, như là nó vốn có, trên chính không gian từ hàng trăm năm nay của nó. Có điều, một thời gian, vì nhiều lý do, có cả do đói kém, có cả chính sách và quan niệm, lễ hội bị dừng, giờ làng tổ chức chơi lại.

Lễ hội dân gian phục dựng

Trong Festival Cồng chiêng quốc tế Gia Lai 2009, từng có một lễ Pơ Thi được phục dựng. Của đáng tội, nếu không phục dựng thì làm sao mà du khách được thấy, mà có thể tuyên truyền quảng bá, ngay những người đang sống tại các TP. Tây Nguyên, mấy người đã được thấy, được dự Pơ Thi? 

Mà phục dựng, thì yếu tố tâm linh có phục dựng được không nhỉ? Cũng như thế, có một cuộc thi đẽo tượng nhà mồ trong festival ấy. Chắc chắn sẽ có những tượng nhà mồ được hoàn thành, nhưng hồn, cốt, yếu tố tâm hồn, khoảnh khắc linh thiêng trong mỗi bức tượng có thể hiện được không?... Bởi, tượng mồ không chỉ là... tượng mồ, là khúc gỗ được nghệ nhân dân gian dùng rựa và rìu, không dùng thứ nào khác, "đẽo đi những chỗ thừa", mà nó còn là một thế giới tâm linh đầy bí ẩn, chứa trong đó nhiều điều mà những người hiện đại hôm nay chưa giải mã được. 

Và, bởi thế mà các nhà điêu khắc hôm nay học hành bài bản, phương tiện hiện đại, vẫn phải nghiêng mình trước tượng mồ do những nghệ nhân dân gian mù chữ và chẳng được đi đâu xa học hỏi, làm ra. Tượng mồ sẽ thay người sống đi với người chết, mãi mãi, lúc này mới chính thức là mãi mãi, vào thế giới của A Tâu, của cõi Mang lung, cõi ma. Thế nên nó mang toàn bộ tâm tư tình cảm, toàn bộ nỗi nhớ thương, toàn bộ khắc khoải đau buồn, toàn bộ những gì mà lúc sống người sống và người chết chưa nói được với nhau...

Thế nên không phải ai cũng đẽo được tượng mồ, dẫu đấy là người thân nhất của người quá cố. Người ta đồn rằng, người đẽo tượng nhà mồ phải do Yang chọn, được Yang nhập vào trao sứ mệnh, và cũng không phải lúc nào cũng có thể đẽo được. Thường thì công việc được bắt đầu từ trước đấy chừng nửa năm. Những chàng trai khỏe mạnh được cử vào rừng sâu chọn gỗ, rồi đưa về. Nghệ nhân đẽo tượng mồ đợi lúc thăng hoa nhất, xuất thần nhất, khai rìu. 

Những nét vạc thô, phẳng, mộc mạc nhưng lên hết cái hồn cái cốt của pho tượng, có thể nói mọi trạng huống cảm xúc đều được biểu đạt ra pho tượng. Nó sống động đến kỳ lạ, khiến những người yếu bóng vía, nếu trong một chạng vạng nào đó, lọt vào khu nhà mồ, sẽ có cảm tưởng như đấy là một thế giới đang tồn sinh. Ban đầu chỉ là những người đàn bà ôm mặt khóc, những người đàn ông đánh chiêng, trống,... sau này có thêm những con chim, con khỉ... Tất cả ngời ngợi sống, ngời ngợi phô diễn các tư thế hồn nhiên nhất, sinh động nhất, khiến ta cảm giác như những pho tượng đang sống. Bây giờ, "theo gương" các nhà sản xuất hàng mã người Kinh, tượng mồ cũng đã có cả máy bay, xe tăng, ô tô, tivi, tủ lạnh...

Tôi từng chứng kiến một nhà văn, anh đi công tác đúng ngày giỗ mẹ. Nửa đêm anh dậy, thắp ba nén nhang, mở một lon bia, ngồi lặng im nhớ mẹ, chảy nước mắt một mình trong đêm. Đấy chính là giỗ, là một cách giỗ, nhưng nếu ta phục dựng một cái lễ giỗ, sẽ không có nhân vật người con ngồi lặng lẽ nhớ mẹ như thế, dẫu có thể có đủ mâm cỗ 4 bát 4 đĩa với giò nem bung mọc, với con gà sải cánh ngậm bông hoa hồng hoặc quả ớt đỏ tươi, thậm chí cả con heo quay vàng rộm thườn thượt trên mâm. Và ngàn ngạt người dự.

Một lễ hội phục dựng

Nên nhân danh phục dựng, người ta từng phục dựng những "lễ hội đâm trâu" hoành tráng giữa sân vận động trước hàng ngàn người xem. Người ta gõ chiêng đám ma trên sân khấu, khiêng cả nhà mồ lên sân khấu, vân vân các kiểu.

Lễ hội dân gian bao giờ cũng có hai phần, lễ và hội. Và quan trọng, nó có không gian và chủ nhân của nó. "Phục dựng" mà tách nó ra khỏi không gian, mà dùng nghệ sĩ chuyên nghiệp thay thế chủ nhân, thì đấy là cách nhanh nhất giết chết lễ hội.

Hội đu tiên quê tôi sẽ tiếp tục tồn tại mãi, bởi không gian của nó là bãi đất rộng ở đầu làng Thế Chí Tây, và chủ nhân của nó chính là dân làng, những người sinh sống ngàn đời ở đấy. Họ tự hào vì quê họ có trò chơi mà không phải làng nào cũng có, không phải ai cũng dám leo lên đu. Họ chơi bằng chính tấm lòng họ, chính cảm xúc của họ, và giờ, cũng có người nơi khác đến chơi, nhưng vẫn là một phần của hội đu Thế Chí Tây...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top