Nghe nói, nhà văn Dương Thu Hương là người đặt tên cho loại hoa này là xuyến chi. Trước đấy, có thể nó tên là cúc dại, cũng có thể nó vô danh. Cũng như dã quỳ, trước đấy nó hay được gọi là hoa quỳ, là quỳ dại. Tôi là một trong những người miệt mài mấy chục năm nay, gọi nó trong tất cả các bài viết của mình là dã quỳ. Kiên định đến khi dã quỳ là... dã quỳ.
Ở Tây Nguyên, sau dã quỳ là xuyến chi. Thực ra thì, cứ vơ vào thế, chứ ở khắp nước ta, chỗ nào cũng có dã quỳ, chỗ nào cũng có xuyến chi. Nhưng thôi, cứ mặc định nó là đặc sản Tây Nguyên, bởi của đáng tội, nó có vẻ mỡ màng hơn, mảnh mai hơn, tinh khiết hơn, e lệ hơn, trinh nguyên hơn... khi nó cứ từng thảm từng thảm trong chiều mùa khô vời vợi nắng như thế, huyên náo gió như thế, ẩn dụ trong mắt người như thế...
Mùa này, trước Tết ấy, hoa xuyến chi đang đẹp.
Nó là thứ hoa màu trắng, li ti tinh khiết, thứ hoa dân dã quê mùa bạt ngàn nhiều hơn cỏ. Nó như một đặc sản của Tây Nguyên, dù, cũng như dã quỳ, vùng nào trên nước ta cũng có.
Nó dân dã đến đạm bạc, đến nhiều người không thèm cả biết tên nó, cứ hoa dại mà gọi.
Nhưng nó lại rất hiển nhiên tồn tại, như khép nép mà lại như ngạo nghễ, như cố thu mình lại mà lại cứ buông thả lan xa. Những cơn gió vồng lên, những thảm xuyến chi bết lại nhau, hoa díu vào hoa, lá díu vào lá, và cái nhụy vàng, mỏng manh đến cứ rưng rưng trước gió, té ra lại rất can trường.
Và khác dã quỳ, hoa xuyến chi cắm vào lọ gốm rất đẹp. Dã quỳ chỉ đẹp khi nó nguyên từng thảm thế, khi nó ràm rạp trước gió trước nắng thế, chứ hái cắm vào lọ là xấu hẳn. Xuyến chi lại tinh khôi hơn khi ngự trong một cái bình, mà đẹp nhất là gốm.
Quê tôi có làng gốm Phước Tích nổi tiếng. Nó là gốm thô thôi, gốm thủ công, nung không men, khi nung kỹ da gốm ánh lên như sành. Và, chẳng hiểu sao nó lại hợp với xuyến chi là vậy. Trước nhà lại có một đám đất bỏ không, có chủ nhưng người ta chưa làm nhà. Thế là xuyến chi nở. Vài hôm tôi lại vòng ra đấy làm một ôm, về cắt cắt cắm cắm, trưng lên giá sách, lên bàn ăn, lên cửa sổ... chỗ nào cũng đẹp, chỗ nào cũng hợp, chỗ nào cũng thấy nó kiêu sa. Sự kiêu sa gần gụi chứ không cách biệt như loa kèn tháng tư, như hồng mùa Tết và như hoa gạo đầu đông. Nó sáng lên một góc nhà, khiêm nhường nhưng cứng cỏi, bình dị mà vẫn lấp lánh nỗi niềm... hoa.
Những buổi chiều hoang dại, những buổi chiều đầy gió, gió lan như lửa, gió bốc như xăng, gió cuồng nộ như sóng biển. Hãy đi ngược gió, hái những ngọn xuyến chi cao nhất, cánh trắng đều nhất, thả vào lọ gốm. Sự thanh bình lập tức đến ngay trong ngôi nhà, sự im lặng ngự trị, sự tinh khiết cao thượng lên ngôi, dẫu ngoài kia, chiều vẫn gió.
Thì nghĩ cho cùng, con người phát hiện ra hoa đẹp là để kiếm cho mình một góc bình yên. Dù bão giông, dù nắng lửa, dù kiêu bạt, dù bình dân, thì hoa đều ban cho ta một, những, khoảnh khắc của yên bình và thấu cảm.
Người ta đã nô nức ngắm dã quỳ, nô nức cỏ hồng, nô nức sen... thì tại sao lại có thể quên xuyến chi nhỉ? Hay tại nó nhiều quá. Dã quỳ dễ tính thế mà xuyến chi còn dễ tính hơn dã quỳ, nó có thể vươn lên ở bất cứ chỗ nào, thậm chí cả trong một kẽ bê tông, một khoảng hè nứt. Nó cũng không phân biệt mùa. Mùa mưa mùa nắng, trời lạnh trời nóng... nó đều có thể cho hoa. Nó cứ thế, mảnh mai mà hết sức kiên cường. Và trong cái kiên cường ấy là mềm mại xinh tươi. Những cánh hoa trắng muốt, đỡ cái nhụy vàng, những bông hoa như những cúc áo cứ rung lên trong gió, trong nắng, trong đất đỏ ba zan và trong mắt những người yêu cái đẹp.
Tôi từng có nhiều trang viết, bài viết về xuyến chi, mỗi khi đọc lại là mỗi lần phát hiện thêm một vẻ đẹp của nó. Bình dị dân dã cao sang quý phái... đều có ở trong ấy, giản dị khiêm nhường lộng lẫy kiêu sa cũng ở đấy. Xuyến chi thắp lên trong ta những mơ hồ ảo vọng về những điều tốt đẹp đang hiện hữu trong đời. Và cũng buộc ta đứng lại ngẫm nghĩ thêm về những điều đã qua những điều sắp tới. Bạt ngàn cũng nó mà lẻ loi cô độc cũng là nó. Ngay dưới chân mình mà lại cũng hun hút vời vợi. Nó tổng hợp màu, tổng hợp cảm xúc và tổng hợp những liên tưởng, những dự vọng, những tương lai. Nó gần gụi mà luôn bắt ta với, để vươn, để mà hun hút những con đường.
Một chiều nào đấy, đi với một đồng nghiệp ra thăm chùa Bửu Minh. Trước chùa, một thảm xuyến chi bạt ngàn nửa níu nửa vươn. Tôi đã buột ra bài thơ “Chiều xuyến chi” có những đoạn sau:
"Này xuyến chi ta mượn màu trắng ấy
để thêm vàng nỗi nhụy mênh mang
ta mong được ngày sang như bật rét
tít mù nhau hơi thở nín đâu rồi?
Chiều nay thu như những ngày thu khác
lại như là cá biệt một lần thôi
chút nắng cũ thả vào lòng gốm muộn
biết mình mang nợ xuyến chi…”
Thực ra là tôi mong thôi, mong mình mang nợ xuyến chi. Một món nợ khiến tôi suốt đời thắc thỏm...