Hồi nào đấy, dư luận Nhật Bản dậy sóng với việc một cái anh chàng tên Hào nào đấy đã cố hết sức kỳ công khắc tên mình lên một hòn đá ở khu du lịch nào đấy bên Nhật. Và không chỉ bên Nhật, ở Việt Nam, tất cả các anh tên Hào sau đấy bị/được... đưa vào tầm ngắm. Gì chứ truy tìm thì cư dân mạng ở đâu cũng giống nhau, họ sẽ tìm ra cái anh chàng vô ý thức ấy, tôi tin là thế...
Không dám chắc chắn, nhưng cũng khoảng 99% cái anh tên Hào ấy là người... Việt Nam. Và nếu đúng thế, một lần nữa, một cái tên Việt Nam cụ thể với một việc làm cụ thể lại được... bêu gương, không chỉ trong phạm vi “đóng cửa bảo nhau” nữa, mà trên toàn thế giới, ít nhất là trong cộng đồng du lịch và mạng.
Tôi đã từng vào thăm vài khu du lịch và gặp họ trưng bày, phục dựng Tây Nguyên, và tôi đã hết sức thất vọng thốt lên, rằng đây hoàn toàn không phải Tây Nguyên, đây là trí tưởng tượng của những người chưa từng đặt chân lên Tây Nguyên, chưa biết Tây Nguyên là gì, làm méo mó sai lệch hết Tây Nguyên. Có nơi tôi góp ý, và họ đồng ý bỏ hết những gì không Tây Nguyên ở đấy, một sự tiếp thu rất đáng yêu. Nhận ra một điều, họ rất phục thiện và nghiêm túc trong việc tiếp nhận sự thật, dù đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm và giờ là... phá, và dẫu đây không phải bảo tàng để phải chi li từng chút một, nhưng du lịch chính là bộ mặt của cuộc sống ấy, sự thật ấy, không thể nhân danh du lịch mà qua loa đại khái, mà cẩu thả được...
Tôi cũng từng được mời tư vấn xem đặt cái gì trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, nơi mà giờ hàng năm, huyện Chư Păh, Gia Lai, tổ chức lễ hội hoa dã quỳ. Suy nghĩ mãi, tôi cho rằng tốt nhất là hết sức tối giản, là kiếm một cục đá lớn, loại đá Granit rất nhiều ở Gia Lai ấy, tham vấn mấy ông họa sĩ, điêu khắc về hình thù của nó, độ lớn của nó để phù hợp với cảnh quan, diện tích xung quanh, rồi tìm cách cẩu nó lên, thả uỵch xuống đấy, như hờ hững, như bất chợt, như là ngẫu nhiên, hoặc như nó đã ở đấy từ lâu rồi, có thể khắc thêm mấy chữ cũng rất như là... vô tình, chứ đừng linh đình long lanh sặc sỡ quá: Đỉnh Chư Đang Ya, kinh độ vĩ độ độ cao, vân vân, chứ đừng cầu kỳ đúc bê tông sắt thép kim cương làm gì, đừng vẽ màu mè xanh đỏ tím vàng làm gì.
Chúng ta tham gia vào tự nhiên bằng cách tốt nhất là... đừng tham gia gì cả, giữ nguyên hiện trạng cho nó, bởi bản thân tự nhiên là sự sắp xếp tuyệt vời rồi. Nếu bắt buộc phải tham gia thì hãy giúp nó trở về tự nhiên một cách hợp lý nhất, cho thấy bàn tay con người can thiệp vào ít nhất. Và bản thân chúng ta là sản phẩm của tự nhiên mà. Can thiệp vào tự nhiên là cách con người khiến tự nhiên nổi giận nhanh nhất. Và hơn cả thế, những người có trách nhiệm đã tìm được cả một tảng nham thạch lớn đặt trên đỉnh Chư Đang Ya kịp trước khi lễ hội dã quỳ năm ấy khai mạc.
Tây Nguyên là một thực thể, có không gian của nó. Nguy nhất là bây giờ du lịch đang cắt khúc Tây Nguyên ra, để thành một Tây Nguyên vô hồn. Một ví dụ: Dã quỳ chỉ đẹp khi nó... liền cây, khi nó miên man rợn ngợp thế. Ngắt nó ra, héo ngay, dù cắm ngay lập tức vào lọ. Nên thi thoảng thấy có người... diễn, cắm lọ dã quỳ rồi chụp ảnh, ôm dã quỳ rồi ngoẹo đầu cười, bỏ dã quỳ vào gùi để quay phim... ta thấy một dã quỳ nhợt nhạt, vô hồn, một dã quỳ đã... chết.
Cũng như thế, cái nhà rông luôn gắn với một không gian làng. Dựng nó riêng một góc, thậm chí dựng trên phố, nó không là nhà rông nữa, bởi nó đã bị tách khỏi không gian của nó, không có làng, nhà rông chỉ là một thứ vô hồn. Hiện chúng ta đang có rất nhiều nhà rông vô hồn như thế, ở khắp nước. Chả phải ngẫu nhiên mà ngay trên phố Pleiku từng có đến mấy cái nhà rông, dựng khá tốn kém, nhưng rồi lặng lẽ mất đi không kèn không trống, rất ít người còn nhớ từng có những cái nhà rông khổng lồ giữa thành phố Pleiku một dạo. Và ngay ở công viên Lê Nin Hà Nội, một thời có cái nhà rông khổng lồ ngự ở đấy. Sau, chắc do... không hợp phong thủy, nó đã bị cháy.
Du lịch đánh thức buôn làng, nhưng du lịch cũng xâm lấn buôn làng. Đã có nhiều cảnh báo về việc này và có cảnh báo thêm cũng không thừa. Tất nhiên cuộc sống không bao giờ có thể có sự công bằng, được cái này đành phải mất cái kia. Phát triển nào cũng đi kèm mất mát, trong văn minh vẫn có văn minh tiến bộ và văn minh phản nhân văn, phản văn hóa. Nhưng cố làm sao cái mất phải nhỏ hơn cái được, và cái được phải là bản chất, là hạt nhân của đời sống, là cái trường tồn, cái mãi mãi. Bởi vật chất đành rằng không bao giờ là đủ, nhưng cái cuối cùng còn lại phải là văn hóa, là cốt lõi đời sống nhân văn của con người. Những thứ ấy không ngày một ngày hai có được, nó là sự dồn nén, tích tụ, vun vén từ hàng ngàn đời, nó tồn tại vì nó hợp quy luật. Cái gì hợp lý thì tồn tại, nhưng hình như, bây giờ có những thứ không hợp lý cũng đang tồn tại?
Làng hết sức hợp lý với đời sống cư dân Việt, làng Tây Nguyên cũng thế, nó gắn chặt với người dân ở đấy hàng vạn năm nay. Hiện đang đứng trước những thách thức không nhỏ, từ sự phát triển, từ những chính sách hợp lý mặt này là bất hợp lý mặt kia, và cả từ cơn lốc du lịch...