Aa

Lề thói

Thứ Năm, 10/01/2019 - 06:00

Có một thời, có thể cả bây giờ, chúng ta không ai ác cả, chúng ta chỉ hành động theo lề thói nào đó mà ta nghĩ nó là bình thường. Bởi chúng ta lớn lên và sống cùng các lề thói ấy. Khi còn quá nhiều lề thói, nếu không may do một lỗi nào đó mà bị rơi vào bánh xe đầy sức mạnh của lề thói, số phận một con người có thể rất mong manh.

Đây là một “sự” rất buồn, lâu rồi không mờ đi, mà cứ đậm xót thêm trong tâm trí tôi. Tôi từng là giáo viên ở một trường. Trước khi tôi về trường này, một thời gian dài người học trong trường chỉ là cán bộ đi học. Cho nên không gọi là “học sinh” hay “sinh viên”, mà gọi là “học viên”. Giáo viên trẻ hơn học viên là chuyện bình thường.

Có lần làm việc ở Bộ Đại Học, một người nói với tôi: “Trường cậu toàn là bác học” (Theo nghĩa toàn “các bác đi học”). Giai đoạn tôi đi làm ở trường thì đã có học sinh phổ thông cũng được thi vào học. Thành ra, ở các lớp lứa tuổi người học rất khác nhau. Các cô cậu vừa tốt nghiệp phổ thông ngồi học cùng số đông hơn là cán bộ đã một số năm công tác.

Ký túc xá là ngôi nhà 5 tầng. Ở chiếu nghỉ mỗi tầng có một căn xép. Thường thì một học viên “có số má”, tức là đã đi làm lâu năm, được ở “biệt thự” đó. Các phòng khác là phòng tập thể. Một học viên ở “biệt thự” có cô bạn gái, học tại một trường trung cấp, cuối tuần hay đến với anh ta. Một tối thứ bảy hoặc chủ nhật gì đó, cô ấy đến, anh ta lại chưa về. Mấy người bạn ở ký túc xá từng gặp cô ấy nhiều lần, tiếp chuyện một lúc rồi để cô đợi ở trong phòng xép, quay lại phòng ngay dưới cầu thang ngồi đánh bài.

Trong nhóm đánh bài người trẻ, người không trẻ. Người nhiều tuổi nhất, vị trí “đại ca” là một cán bộ có tuổi rồi. Ngoài làm báo, anh viết thơ. Thơ khá hay, anh đã có tiếng tăm trong giới yêu thi ca. Cá nhân tôi thích thơ của anh. Nhạy cảm, sâu và tinh tế. Khi viết những dòng này, tôi đã vào tra mạng, nghĩ sẽ tìm được những bài thơ của anh. Nhưng không có. Tôi nhớ ra thời đó – những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, là quá xa thời điểm bắt đầu có internet. Nên không thể đọc được trên mạng cũng là điều dễ hiểu.

Một cậu trẻ thốt ra ghen tỵ với bạn vì có cô bạn gái “hết ý”. Anh “đại ca” cười nói, đại ý là: Chú mày còn trẻ quá nên ngố. Cái cô ấy đến thăm cậu kia, nhưng mắt nó lại lúng liếng liếc chú. Cũng không phải nặng tình với cậu kia đâu. Cô này không non trên tình trường như bọn các cậu.

Câu chuyện chỉ là qua quýt giữa đám đàn ông thế thôi. Vấn đề là nó lại rót lửa vào lòng cậu mới tốt nghiệp phổ thông. Một lúc thì cậu ta lẳng lặng đi ra, xuống phòng xép cưa cẩm.

Thời đó, trai gái ngồi nói chuyện để cửa phòng rộng mở. Cho nên người qua lại nhìn thấy hai cô cậu đang trò chuyện. Và một người khi đi xuống gặp anh bạn trai của cô gái vừa về, báo tin là có khách đến và đùa là “Về mau không có thằng X nó cưa mất đấy!”.

Chuyện cũng không có gì, nếu như anh bạn kia lên phòng ngay. Nhưng anh ta lại nảy ý muốn theo dõi xem sao, nên không về phòng mà vào một phòng gần đó, quan sát chờ đợi. Và tình cờ lại mất điện. Ký túc xá tối om. Lúc đó, anh ta nổi cơn ghen chạy về phòng mình. Có cãi lộn, chút thì xô xát, dù thực ra cũng chưa có lý do gì cả.

Sau đó là kiểm điểm. Cậu học sinh kia thành thực kể nguồn cơn khiến cậu nảy sinh ý định "cứ trò chuyện xem sao". Mà cũng đúng là chỉ trò chuyện thôi. Người ta quy vào là anh cán bộ làm thơ kia chủ mưu xúi giục đồng môn ít tuổi làm chuyện phi đạo đức. Nhiều kết luận nặng nề được đưa ra. Hội đồng kỷ luật họp. Theo tôi cảm nhận, Hiệu trưởng không muốn kỷ luật nặng, nhưng áp lực từ các thành phần khác là gay gắt. Dù chẳng ai biết rõ về "đối tượng". Một quan niệm: "Đã ở đây thì mọi cái phải chuẩn chỉ, không được chút gì lệch lạc". Hình thức kỷ luật là đình chỉ học tập, trả cán bộ đó về cơ quan gửi đi học.

Nghe thì bình thường. Nhưng giờ đây khó có thể hình dung hết cái "án" đó kinh khủng thế nào vào cái thời ấy.

Anh cán bộ xách túi về quê. Nhưng anh có cách gì để xuất hiện ở cơ quan cũ, ở quê nhà, ở gia đình, khi mang cái tiếng là chủ mưu một vụ vô đạo đức, bị "Trung ương trả về". Mọi cái anh từng có, với tư cách là một con người, đã bị che lấp hết, chỉ còn cái án kia thôi. Có lẽ với người viết thơ, có chút danh tiếng, điều này bội phần nặng nề hơn.

Chỉ ít lâu sau, có tin anh cán bộ đó nhảy sông tự vẫn ở quê. Trong khi đó, tại trường, hai cậu xô xát nhau vì ghen tuông đã làm lành. Họ cùng nhau đi "cưa cẩm" các cô sinh viên bên trường sư phạm. Thậm chí, anh bạn trai kia còn tâm sự rằng, quả thật anh cũng thấy điều mà trước đây chỉ ngờ ngợ nhưng không nghĩ kỹ - cô gái kia đến đây cũng để ý khối người, không chỉ anh ta. Và hai người đã "thôi nhau" một cách bình thường. Chẳng có cái bi kịch nào diễn ra cả. Chẳng ai phải khổ sở gì. Thậm chí là ngược lại.

Sau khi người học viên kia mất, chúng tôi nhiều lần nói chuyện với nhau. Tôi nhận ra ai cũng thấy mọi cái tệ quá, và không đáng thế. Không ai nói người đã mất là người không tốt. Tôi hỏi vậy tại sao từ lớp, cả một tập thể, cả một quá trình kiểm điểm, đề xuất, xem xét… mà không có được tiếng nói khả dĩ cứu người bạn trong lớp. Họ nói là không hiểu sao, họ nghĩ bạn mình sẽ bị kỷ luật, nhưng sẽ là "qua qua, nhẹ nhàng" thôi. Cho nên không ai nói gì bất lợi cho bạn cùng lớp, nhưng cũng không ai đề xuất chuyện phải nhiệt tình bênh vực. Cũng là thói quen "Mọi cái rồi lãnh đạo sẽ công bằng để quyết".

Sau này, có một sự cố khác đã xảy ra, và lần này, tất cả mọi học sinh, giáo viên đã trăm người như một bảo vệ cho bạn học của mình, dù sức ép là rất lớn, dù có thể ảnh hưởng đến cá nhân cuộc đời cán bộ của nhiều người. Tôi nghĩ có thể nguyên do có phần những điều rút ra từ câu chuyện buồn về người bạn học phải về quê nọ.

Thời gian rất lâu, tôi nghĩ về một điều: Những người đã kiên quyết thúc ép có một án kỷ luật nặng kia, tôi biết rõ, họ cũng không hề là những người nhẫn tâm. Tại sao họ làm thế?

Sau thì tôi hiểu. Có một thời, có thể cả bây giờ, chúng ta không ai ác cả, chúng ta chỉ hành động theo lề thói nào đó mà ta nghĩ nó là bình thường. Bởi chúng ta lớn lên và sống cùng các lề thói ấy. Khi còn quá nhiều lề thói, nếu không may do một lỗi nào đó mà bị rơi vào bánh xe đầy sức mạnh của lề thói, số phận một con người có thể rất mong manh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top